Liệt sĩ Nguyễn Quang Son - Người du kích anh hùng của làng Giắng

Thứ Sáu, 30/07/2010, 10:10
Đổ nước ớt vào bụng rồi dùng báng súng giáng xuống. Trói chân tay, dìm xuống giếng đình để uống no nước rồi nhảy lên bụng dận. Cho đi tàu bay… Dù đã dùng đủ các cực hình tra tấn, nhưng lính Pháp vẫn không khuất phục được chiến sĩ du kích Nguyễn Quang Son. 60 năm đã trôi qua, sự hy sinh anh dũng của anh vẫn làm xúc động những người dân làng Giắng.

Làng kháng chiến anh hùng

Làng Giắng (nay là thôn Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) phía tây là sông Gọ, phía đông là sông Diêm Hộ. Phía bắc là con đường huyết mạch 218 (nay là đường 39C) nối thị xã Thái Bình xuống 2 huyện miền biển Thụy Anh, Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy) và vùng kháng chiến Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Vì nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ toàn bộ hệ thống giao thông nối các địa bàn rộng lớn nên thực dân Pháp quyết tâm biến làng Giắng thành làng tề ngụy.

Để cô lập, chúng đã cho xây một loạt các đồn bốt bao vây xung quanh làng. Phía tây bắc, chúng đóng bốt cầu Gọ, chặn đứng con đường huyết mạch Quốc lộ 218. Phía tây nam, chúng cho xây dựng bốt Cầu Cất án ngữ con sông Gọ. Phía đông bắc là bốt Đông Khê, bốt vệ sĩ Khúc Mai và vùng tề ngụy. Phía đông nam là bốt Cầu Sắt. Ngay trên cánh đồng phía đông của làng, chúng lập bốt Chùa Khô.

Dù bị kìm kẹp ba bề, bốn bên nhưng với truyền thống kiên cường, bất khuất, làng Giắng vẫn là làng kháng chiến. Ban ngày, họ là những người nông dân lam lũ trên cánh đồng của mình nhưng khi màn đêm buông xuống, cả làng là chiến sĩ. Người già tham gia nông hội. Đàn bà, con gái tham gia Hội Phụ nữ. Các em nhỏ thì hoạt động trong các đội thiếu niên, nhi đồng. Chi bộ Đảng (nay là Đảng ủy) ngày càng lớn mạnh. Hầu như tất cả nam nữ trong làng đều tham gia dân quân, du kích. Không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, mỗi người dân làng Giắng đều tâm nguyện dốc hết sức mình để bảo vệ quê hương, bảo vệ chi bộ Đảng và cơ sở kháng chiến.

Dân quân du kích, lực lượng chiến đấu nòng cốt của làng hầu như không đêm nào ngủ. Ẩn vào bóng đêm sau lũy tre làng, họ canh gác kẻ thù, giữ làng xóm bình yên và không ngừng tổ chức các cuộc quấy rối đồn bốt địch. Bọn lính trong các bốt Cầu Gọ, Cầu Cất, Chùa Khô, Cầu Sắt và cả Đông Khê, Đống Năm nơm nớp nỗi lo bị tấn công. Bọn tề ngụy ác ôn ăn không ngon, ngủ không yên, sợ bị bắt, bị thủ tiêu.

Trước sự kiên cường của dân làng, thực dân Pháp đã tổ chức nhiều trận càn với quy mô lớn nhằm tiêu diệt tổ chức Đảng, lực lượng dân quân, du kích và lần nào chúng cũng vấp phải sự chống trả quyết liệt, ngoan cường.

Người con anh hùng

Sáng ngày 18/7/1950, khi trời còn chìm trong màn đêm, lợi dụng thời gian lực lượng tuần tra canh gác vừa giải tán, lính Pháp với sự dẫn dắt của một số tên Việt gian đã đột nhập vào làng, lùa dân ra đình. Trong số người dân bị lùa ra đình hôm đó có một số cán bộ, đảng viên như Chủ tịch xã Nguyễn Đình Chùy, Xã đội trưởng Bùi Văn Huyên... và có cả đồng chí Nguyễn Quang Son.

Chúng trói anh Nguyễn Quang Son, một chiến sĩ du kích trẻ tuổi nổi tiếng bởi sự gan dạ, lòng nhiệt tình ném ra giữa đình làng. Tên Tây mõm ngựa chỉ huy đồn Cầu Sắt miệng chửi bới om sòm. Tên Thịnh tay sai văng tục luôn mồm. Chúng ra lệnh cho bọn lính tay sai bảo hoàng dùng gậy tre đực tươi, bằng cỡ cổ tay tới tấp giáng xuống thân hình nhỏ bé, đã bị trói chặt của anh Son.

Sau mỗi trận mưa đòn là một câu hỏi: "Thằng nào là du kích, nói không?". Đáp lại chúng là sự im bặt. Không một tiếng kêu rên, cặp môi bật máu, chỉ có tấm thân gày gò, mảnh mai oằn lên sau mỗi trận mưa đòn. Cứ như thế, chúng đánh anh hàng tiếng đồng hồ. Khi ngất đi, chúng lại dội nước để đánh tiếp. Sau một hồi tra tấn dã man, chúng giong anh đến từng người, lật mặt lên hỏi: "Thằng này có là du kích không?". Đáp lại chúng, chỉ là cái lắc đầu rất nhẹ: "Tôi không biết".

Thấy không có kết quả, chúng thay đổi phương thức tra tấn bằng cách dùng nước tiểu pha ớt đổ vào miệng anh đến trương phình rồi dùng báng súng và gót giày dộng xuống cho ộc ra. Nước ớt hòa với máu từ miệng anh nồng nặc loang khắp nền đình. Sau mỗi lần tra tấn, chúng lại dựng anh dậy và hỏi: "Thằng nào là du kích?". Đáp lại lời chúng, vẫn là giọng nói thì thào, không còn hơi sức: "Tôi... khô... ông... biết...". Áp dụng cách tra tấn trong các nhà tù đế quốc, chúng cho anh "đi tàu bay", kéo anh lên xà đình rồi thả rơi tự do đập mặt xuống đất. Mỗi lần như thế, máu mũi, máu mồm anh lại ộc ra.

Cổng đình làng Giắng, nơi bọn giặc tra tấn man rợ anh Son.

Sau một hồi tra tấn, chúng cho anh "đi tàu ngầm" lôi anh ra giếng đình quẳng xuống chờ đến khi không còn giãy giụa, chúng mới vớt lên dùng gót giày dận cho nước ộc ra. Với những đòn tra tấn tàn bạo như thời trung cổ, chúng muốn anh khai ra những người đồng đội của mình và đồng thời gieo rắc sự khiếp sợ. Nhưng đổi lại, chúng chỉ nhận được tinh thần quả cảm của anh và lòng căm giận của nhân dân.

Tinh thần bất khuất đã chiến thắng

Sau khi dùng đủ mọi cực hình, chúng bắt 9 thanh niên trai tráng cõng anh ra bến sông thủ tiêu. Lợi dụng lúc tên canh gác sơ ý, người đồng đội Nguyễn Văn Ngạc cõng anh, bảo: "Son ơi, nhũn hết người ra rồi, chết mất thôi". Anh Son nói qua hơi thở yếu ớt: "Em sẽ chết. Bọn chúng nó không để em yên đâu nhưng các anh làm sao mà thoát về được mà tiếp tục chiến đấu. Cho em gửi lời chào dân làng". Không khuất phục được anh, chúng giở trò hèn hạ đạp anh xuống bến đò Hồ rồi lia súng.

Cần nói thêm là trong trận càn đó, chúng đã giết 12 người dân làng Giắng. Và nếu anh Son khuất phục, hàng chục chiến sĩ du kích hôm đó chắc chắn sẽ bị địch giết và điều đó đồng nghĩa với cuộc kháng chiến của nhân dân làng Giắng thất bại. Nhưng anh Son đã thắng. Tinh thần bất khuất của làng Giắng đã chiến thắng. Anh Son trở thành biểu tượng anh hùng của người làng Giắng suốt trong các cuộc kháng chiến và đến tận ngày nay.

Trong hai cuộc kháng chiến, 2.376 thanh niên đã theo bước anh lên đường ra trận.  245 liệt sĩ. 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 20 năm liên tục là xã dẫn đầu trong công tác tuyển quân. Đó là những gì làng Giắng đã cống hiến cho công cuộc giành độc lập và thống nhất đất nước.

Cảm phục trước tinh thần bất khuất, chịu mọi tra tấn cực hình, anh dũng hy sinh để bảo vệ cơ sở kháng chiến và đồng đội đồng thời tri ân anh, ngày 11/1/1995, những chiến sĩ thuộc Câu lạc bộ Du kích Bạch Đằng (tên thôn Thượng Liệt thời kỳ kháng chiến) đã gửi đơn kiến nghị lên Phòng Chính sách, Sở LĐ-TB&XH Thái Bình (có xác nhận của Xã đội, UBND và Đảng ủy xã) đề nghị truy tặng Liệt sĩ Nguyễn Quang Son danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyện vọng này vẫn chưa thành hiện thực.

Khi kể lại tấm gương hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Quang Son, bà Bùi Thị Thục, người đảng viên đã có hơn 60 năm tuổi Đảng chỉ có một lòng mong mỏi  là các cơ quan chức năng hãy có những việc làm ghi nhận công lao của liệt sĩ Son

Bùi Hoàng Tám
.
.