Luận bàn về án tử hình

Thứ Ba, 08/12/2009, 08:40
Đa số các tiểu bang Hoa Kỳ sử dụng 3 loại thuốc, một để gây mê, một để làm bắp thịt và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 14 phút.

Theo Tổ chức Ân xá thế giới thì các phương thức thi hành hình phạt tử hình cũng rất khác nhau. Phổ biến nhất ở các nước là treo cổ và xử bắn. Điều 11 Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định tử hình được thực hiện ở trong tù bằng treo cổ. Ở một số nước châu Âu tử hình được thực hiện bằng chém. Bị án được đưa lên máy chém để thực hiện hình phạt.

Nghiên cứu các hình thức thi hành án tử hình ở các bang nước Mỹ cho thấy các hình thức thi hành án tử hình rất đa dạng: có 27 bang dùng hình thức tiêm chất độc gây chết người; 12 bang dùng hình thức ghế điện gây chết người; 7 bang dùng hình thức cho hít khí độc chết người; 4 bang dùng hình thức treo cổ và 1 bang là Utah dùng hình thức xử bắn. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành ở Trung Quốc quy định áp dụng hai hình thức thi hành án tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc.

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển đó thâm nhập mạnh mẽ vào lĩnh vực thi hành hình phạt tử hình để người phạm tội khi chết đỡ bị đau đớn, còn nguyên vẹn thể xác và ít gây tâm lý sợ hãi, lo lắng đối với những người thi hành hình phạt tử hình. Phương thức xử bắn người phạm tội hiện có 25 nước và vùng lãnh thổ áp dụng và được áp dụng đối với những kẻ phạm tội đặc biệt nguy hiểm.

5- Từ thực tế Việt Nam: Tử hình bằng xử bắn hay bằng phương thức mới?

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Nhà nước Việt Nam luôn xác định các quyền con người phải được bảo vệ bằng chế độ pháp luật. Để bảo vệ quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã áp dụng nhiều loại hình phạt để trừng trị tội phạm trong Bộ luật Hình sự của mình.

Ở Việt Nam, biện pháp trừng trị đã được quy định trong hệ thống hình phạt, trong đó biện pháp nghiêm khắc nhất là tước bỏ tính mạng (tử hình) người phạm tội, nhưng còn do tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nên Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ còn quy định 27 tội có hình phạt tử hình, so với 40 tội có hình phạt này của Bộ luật Hình sự năm 1985 thì đã bỏ được 13 tội. Chắc chắn đến một ngày nào đó, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ cho phép bỏ hẳn hình phạt tử hình trong Luật Hình sự. Hình phạt tử hình cũng còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Trung bình một năm ở Việt Nam xảy ra từ 70.000- 80.000 vụ tội phạm. So với các nước trên thế giới tỉ lệ tội phạm trên số dân là rất thấp. So với các nước như Mỹ, Trung Quốc v.v... tỉ lệ án tử hình ở Việt Nam rất thấp, chỉ chiếm 0,0001% số tội phạm bị kết án hằng năm. Theo thống kê trong hơn 15 năm gần đây đã tổ chức thi hành án tử hình cho hơn 800 bị án. Trung hình 1 năm có từ 40-50 người phạm tội bị Tòa án tuyên phạt hình phạt tử hình, chủ yếu phạm các tội giết người, tội phạm ma túy, phạm tội có tổ chức, một số ít phạm các tội tham nhũng. Số bị án bị thi hành hình phạt tử hình khoảng 20-30 người trong một năm. Trong 10 năm qua ở Việt Nam số tội phạm về ma túy bị kết án tử hình là 92, số bị án bị thi hành hình phạt tử hình là 72. Trung bình một năm ở Việt Nam thi hành hình phạt tử hình cho khoảng 10 tội phạm ma túy.

Nghiên cứu so sánh trong thời gian 10 năm qua ở Mỹ, các bang đã thi hành án tử hình cho gần 4.000 bị án, khoảng 300 án tử hình một năm, trong đó có những bang có số bị án bị thi hành án tử hình rất cao, như Texas: 394 bị án, California:  381 bị án, Florida: 342 bị án.

Vào năm 2008 trên thế giới có 8.800 người bị kết án tử hình ở 63 quốc gia và 1.146 án tử hình được thực thi ở 28 quốc gia. Năm 2002 tại Trung Quốc có 1.060 án tử hình được thực thi. Năm 2003 tại Trung Quốc có 726 người bị thi hành án tử hình, tại Mỹ có 65 người bị thi hành án tử hình. Con số này tại  Iran năm 2003 là 108, tại Arập Xêút là 50.

Số án tử hình ở Việt Nam được thi hành tập trung chủ yếu ở TP HCM, TP Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh. Vụ án Vũ Xuân Trường được tổ chức thi hành án ở Hà Nội có  số đối tượng bị án tử hình đông nhất gồm 7 bị án trong đó có 6 nam, 1 nữ.

Pháp luật Tố tụng hình sự hiện hành ở Việt Nam quy định xử bắn là phương thức thi hành hình phạt tử hình cho các bị án bị tuyên án tử hình. Phương thức này là tiến bộ và mang tính nhân bản hơn nhiều so với các phương thức ném đá đến chết, ''long đầu trảm'', ''cẩu đầu trảm'', voi giày, ngựa xé xác, thả vào vạc dầu sôi, dùng máy chém, treo cổ, v.v... đã tồn tại trong lịch sử loài người và một số phương thức hiện vẫn tiến hành ở các nước.

Theo quy định của pháp luật hiện hành Bộ Công an được giao chủ trì tổ chức thi hành hình phạt tử hình. Khi nhận được lệnh thi hành một án tử hình, lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố phải thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, lập kế hoạch và định ngày, giờ, địa điểm, pháp trường, bố trí lực lượng vũ trang, thống nhất với lãnh đạo Viện Kiểm sát và Tòa án. Pháp trường có thể bố trí ở gần trại giam, hoặc ở nơi xảy ra vụ án, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân. Ngày giờ thi hành án nếu không phải trường hợp cấp bách thì không tổ chức vào những ngày kỷ niệm, ngày tết và các ngày lễ chính của các tôn giáo, dân tộc. Ngoài đại diện cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án trong thành phần Hội đồng thi hành án tử hình còn có  bác sĩ giám định pháp y, đại diện của trại giam.

Người chứng kiến việc thi hành án là một đại diện của ủy ban nhân dân cơ sở nơi bố trí pháp trường. Người này có nhiệm vụ lập giấy báo khai tử cho kẻ bị kết tội tử hình, sau khi thi hành án.

Trước khi đưa phạm nhân ra pháp trường, cán bộ căn cước của Công an tỉnh, thành phố phải đến trại giam, lấy phạm nhân ra lập danh chỉ bản mới, đem đối chiếu với danh chỉ bản cũ và các tài liệu khác thật đầy đủ, chính xác và xác định phạm nhân ấy đúng là phạm nhân đã bị kết án tử hình và đúng là kẻ sắp bị thi hành án trong kế hoạch đã định. Sau đó phải khóa tay và đưa phạm nhân ấy đến buồng làm việc của giám thị để đại diện của Tòa án nhân dân tiến hành tống đạt cho phạm nhân biết về quyết định án tử hình hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền, bác đơn xin ân giảm của phạm nhân, đồng thời làm những thủ tục trong phạm vi chức năng của Tòa án nhân dân.--PageBreak--

Tiếp đó phạm nhân được dẫn giải đến pháp trường. Sau khi trói tay phạm nhân vào cột đã trồng sẵn, đại diện Tòa án nhân dân công bố tóm tắt tội trạng của phạm nhân và đọc phần kết luận trong bản quyết định duyệt án tử hình hoặc quyết định bác đơn xin ân giảm của phạm nhân. Phạm nhân được bịt mắt bằng một băng vải đen. Khi Hội đồng thi hành án ra lệnh thì cán bộ chỉ huy lực lượng vũ trang thi hành án hô đội viên gồm 5 đội viên bắn giỏi được lựa chọn bắn một loạt súng trường, nhằm thẳng vào phạm nhân. Để kết thúc việc thi hành án tử hình, cán bộ chỉ huy bắn thêm một phát đạn “ân huệ”. Sau đó, bác sĩ pháp y khám nghiệm, xác định là phạm nhân đã chết hẳn hay chưa.

Tại vị trí bắn, đội trưởng chỉ huy lực lượng đứng một hàng ngang, cách bị án từ 5-10 mét. Mặt đội viên đối diện với bị án. Vị trí đội trưởng đứng bên phải hoặc bên trái hàng quân và cách hàng quân  từ 3-5 mét. Sau khi các đội viên bắn xong đội trưởng cho đội viên xuống súng. Từ vị trí chỉ huy, đội trưởng tiến đến chỗ bị án rút súng từ bao súng bắn vào thái dương bị án, đạn xuyên chếch từ thái dương ra sau gáy của bị án.

Trước năm 1974, Bộ Công an giao cho Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tổ chức thi hành án tử hình. Từ năm 1974 đến nay, Bộ Công an giao cho Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Tổng cục Cảnh sát  tổ chức thi hành án tử hình.

Đội vũ trang thi hành án tử hình có quân số từ 7-8 cán bộ/1 bị án. Bộ Công an quy định tiêu chuẩn lựa chọn đội trưởng, đội viên đội vũ trang thi hành án lựa chọn luân phiên trong đơn vị: bao gồm những cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, ý thức kỷ luật nghiêm, sử dụng thành thạo vũ khí. Không chọn những cán bộ có quan hệ gia đình, thân quen gần gũi với bị án. Những cán bộ  có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: gia đình mới có tang, bản thân mới cưới vợ v.v... căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị, việc lựa chọn do thủ trưởng đơn vị quyết định.

Thực tế trong hàng chục năm qua cho thấy việc thi hành hình phạt tử hình bằng xử bắn có tác dụng răn đe tội phạm, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm cao. Tuy nhiên biện pháp này làm cho thi thể bị cáo không nguyên vẹn và có ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, tư tưởng cán bộ chiến sĩ thi hành án. Số cán bộ công an đã tham gia xử bắn nhiều hoặc xử bắn các bị cáo nữ, hoặc trực tiếp được giao trói, bịt mắt,  hoặc được giao bắn viên đạn cuối cùng vào thái dương phạm nhân, đều bị ảnh hưởng tâm lý thần kinh nhiều. Qua điều tra, cán bộ, chiến sĩ đội vũ trang thi hành án tử hình ở 20 tỉnh, thành phố thì 100% cán bộ, chiến sĩ đều bị ảnh hưởng tâm lý các mức độ. Chỉ có 20-30% cán bộ trẻ xung phong vào các đội công tác này.

Trong quá trình thi hành hình phạt tử hình đã xuất hiện nhiều vướng mắc như kiểm tra căn cước, xác định vân tay của tử tù, hoãn thi hành án, gia đình xin nhận xác bị án về mai táng. Đã có nhiều vụ án phải hoãn thi hành án, điển hình là các tử tù Siêng Phênh và Nguyễn Khánh Lộc đã đề nghị hoãn thi hành án để khai ra một số kẻ đồng phạm đang còn giấu mặt ngoài xã hội. Bên cạnh đó đã có hơn 50 trường hợp gia đình xin nhận xác người thân về mai táng sau khi hình phạt tử hình đã được thi hành. Vì vậy cần phải có những quy định rõ về các trường hợp trên để tiện xử lý trong thực tiễn.

Trong thời gian qua các địa phương rất khó tìm địa điểm làm pháp trường, nhất là các tỉnh đồng bằng. Vì vậy có tỉnh như Nghệ An phải đi xa 140 km mới có địa điểm thi hành án tử hình. Về chế độ chính sách và tổ chức đội vũ trang thi hành án tử hình, tuy không thành lập các đơn vị chuyên trách thi hành án tử hình nhưng số cán bộ, chiến sĩ này cần được đào tạo, huấn luyện chặt chẽ, có chế độ bồi dưỡng cao so với các lực lượng khác.

Từ thực tiễn thi hành hình phạt tử hình ở nước ta cho thấy cần thiết phải đổi mới phương thức thi hành hình phạt tử hình. Cũng qua thực tiễn của thế giới cho thấy mỗi phương thức tử hình đều có những ưu, nhược điểm của mình.

Đối với hình thức bằng ghế điện, hình thức tử hình này rất tàn nhẫn. Do sức khỏe của các phạm nhân khác nhau nên có người ngồi ghế điện một số lần mới chết. Vì vậy khiến họ bị đau đớn kéo dài.

Hình thức tử hình bằng hơi ngạt cũng có nhiều nhược điểm. Việc xây dựng một phòng hơi ngạt khá tốn kém, thường trị giá vài trăm nghìn USD. Nếu bị rò rỉ khí độc ra bên ngoài sẽ rất nguy hiểm. Với khả năng kinh tế của nước ta hiện nay và trong tương lai gần, phương án này là không phù hợp với thực tiễn.

Chính vì vậy chỉ còn hai phương thức tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc là khả thi hơn. Tác giả bài viết cho rằng đối với nước ta hiện nay nên áp dụng cả hai phương thức tử hình này và tùy điều kiện cụ thể Hội đồng thi hành án sẽ quyết định áp dụng phương thức nào. Đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe, phòng ngừa cho quảng đại quần chúng, rất cần thiết áp dụng biện pháp xử bắn mà chúng ta đã áp dụng thành công từ năm 1945 đến nay. Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới vẫn sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên trong các trường hợp này, Nhà nước cần chỉ đạo các địa phương xây dựng những pháp trường cố định để thi hành án tử hình. Pháp trường cần được xây dựng ở các nơi dễ đi lại, có điều kiện cho nhân dân xem, có tường chắn đạn, gần nơi chôn cất bị án.

Còn trong các trường hợp thi hành án tử hình bình thường sẽ áp dụng biện pháp tiêm thuốc độc. Để đỡ gây căng thẳng tâm lý cho người thi hành hình phạt, sẽ có mũi tiêm không có thuốc độc. Cán bộ thi hành án vẫn còn hy vọng là kẻ tử tội chết không phải do mình gây ra và vì vậy đỡ gánh nặng tâm lý hơn

N.X.Y.
.
.