Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn và những cuộc hôn nhân thương nhớ

Thứ Ba, 14/02/2017, 14:35
Từ những năm 1990 trở đi, hai con trai Trung Quốc của Tướng quân Nguyễn Sơn đã nhiều lần sang Việt Nam và những người con Việt Nam của ông cũng nhiều lần sang Trung Quốc. Tất cả họ đều gọi bà Trần Kiếm Qua và bà Lê Hằng Huân chung một tiếng thiêng liêng là "Mẹ".
(tiếp theo và hết)

Đám cưới ở Núi Nưa

Chia tay chồng đầu tháng 8-1945 thì đến tháng 2-1946, bà Trần Kiếm Qua sinh con. Đứa con mà khi ông rời Diên An để trở về Việt Nam, vẫn còn ở trong bụng mẹ. Đứa con mà ông, trên đường chia xa, sau khi đáp máy bay từ Diên An tới Trùng Khánh để theo đường bộ về Việt Nam, ông đã dừng lại ở đây mua một súc vải hoa màu xanh nhạt, nhờ người đem về tặng bà Trần Kiếm Qua, để nói như lời bà là "biểu thị lòng yêu thương đối với đứa con sắp sinh".

Lần thứ hai trong đời làm vợ ngắn ngủi, bà vượt cạn mà không có chồng bên cạnh. Bà sinh đứa con cuối cùng trong nhớ thương dằng dặc và để kỷ niệm, để nhắc nhớ về Tổ quốc của cha nó, bà đặt tên con trai là Tiểu Việt.

Rồi, cũng bởi chiến tranh mà một thời gian sau, bà thân gái dặm trường phải đèo bòng hai đứa con trai nhỏ tiến hành một cuộc viễn chinh gian nan, rút khỏi Diên An.

Theo hồi ký của bà thì chính vào thời điểm này, từ Việt Nam, ông có nhờ người chuyển tới mẹ con bà một bức thư nhưng rồi bức thư ấy không những không đến được tay người nhận mà tại Việt Nam xa xôi cách trở trong khói lửa chiến tranh, ông còn đau đớn hay tin bà và hai con trên đường rút khỏi Diên An đã bị máy bay Quốc dân Đảng bắn chết (!).

Ở Việt Nam, ông được Bác Hồ đặt cho tên mới là Nguyễn Sơn. Lúc ấy cách mạng vừa mới giành được chính quyền. Là nhà quân sự tài ba, ông được tin tưởng giao các nhiệm vụ quan trọng: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, Hiệu trưởng Trường Lục quân Quảng Ngãi, Khu trưởng Liên khu IV… Trong buổi đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, ông đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Nguyễn Sơn hoạt động cách mạng thì sôi nổi, nhiệt huyết nhưng tình riêng thì buồn bã. Chính trong thời gian này, khi ông công tác ở miền Nam Trung Bộ, có một người phụ nữ đã bước vào đời ông. Đó là bà Huỳnh Thị Đổi, người Cần Thơ. Nhưng cuộc hôn nhân ấy quá ngắn ngủi, năm 1948, hai người chỉ kịp sinh được một con gái chung là Nguyễn Mai Lâm thì chia tay. Bà Đổi để lại con gái Mai Lâm rồi vào Nam.

Như một sự sắp đặt của đất trời, Nguyễn Sơn được phong tướng ngày hôm trước thì ngày hôm sau, ông cưới được vợ là bà Hằng Huân. Đó là một phụ nữ đẹp, con nhà dòng dõi. Bà Lê Hằng Huân quê gốc Quảng Nam, nhưng sinh ra tại Hà Nội, song thân của bà đều là những người nổi tiếng: cụ ông Lê Dư là một nhà sử học còn cụ bà Phan Thị Diệm là cháu ngoại của nhà yêu nước Hoàng Diệu. Bà theo gia đình vào tản cư ở vùng núi Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa và chính ở nơi này, bà và tướng Nguyễn Sơn đã làm lễ cưới. Đúng như lời thầy bói phán từ khi bà còn là một bé gái, rằng, "cô này sau lấy Tướng".

Bà Lê Hằng Huân cùng các con tại Hà Nội, năm 1958.

Tình yêu của đôi trai tài - gái sắc đơm hoa thơm kết trái ngọt bằng sự ra đời của con gái Thanh Hà rồi con trai Nguyễn Cương. Năm 1950, sau một thời gian về nước hoạt động, theo yêu cầu cách mạng, Tướng Nguyễn Sơn quay trở lại Trung Quốc với nhiệm vụ làm cố vấn quân sự cho quân ủy Trung Quốc, chi viện cho Việt Nam và tham gia "kháng Mỹ viện Triều". Sau đó ông còn được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh, Tổng Giám bố huấn luyện quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Bà Lê Hằng Huân cùng con gái Thanh Hà và con trai Nguyễn Cương theo ông sang Trung Quốc.

Tại đây, bà đã sinh thêm cho ông thêm hai người con gái nữa là Việt Hồng và Việt Hằng. Thông thạo tới ba ngoại ngữ, lại xinh đẹp, nết na, bà Hằng Huân vừa làm tốt việc cách mạng vừa lo toan chu toàn việc nhà để ông yên tâm làm nhiệm vụ quốc tế. Gia đình ông bà và các con đã có những ngày tháng thực sự đầm ấm ở nơi này.

Sau này con gái lớn Thanh Hà trong một bài viết đã in trong cuốn sách "Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành đã nhớ về cha mẹ với những hồi ức vô cùng ấm áp: "Bố Sơn mình yêu các con lắm… Chẳng biết từ mấy tuổi mình được gửi vào nhà trẻ. Tối chủ nhật vào trường, tối thứ bảy được bố mẹ đón về nhà… Mình nhớ hình ảnh bố Sơn luôn dang tay đón mình chạy ào vào lòng bố, được bố bế xốc lên cao sung sướng… Mình vẫn nhớ hồi ấy ở Nam Kinh có bánh chưng gói với táu Tàu nhưng gói như bánh giò của Việt Nam. Mỗi lần đưa mình vào trường, bố cũng mua cho mình một túm nhiều cái… Cái đêm mẹ sinh em Việt Hồng ở Nam Kinh… mẹ không vào viện mà sinh ngay tại nhà riêng. Bố rất lo lắng, nhà rất đông người. Mình cứ chạy đi chạy lại, thấy tiếng em khóc, thấy bố ôm chặt em".

Với hai người con trai của bà Trần Kiếm Qua cũng vậy. Ông cũng hết mực yêu thương. Năm 1950 khi quay trở lại Trung Quốc, biết bà Trần Kiếm Qua và hai con còn sống, ông đã tìm về. Gia đình Trung Quốc của ông được đoàn tụ nhưng tiếc thay, lại không có bà Trần Kiếm Qua. Bà đau đớn đi ra khỏi đời ông để giữ vẹn toàn cho ông của gia đình mới.

Đây là những dòng xót xa trong hồi ký kể lại cuộc đoàn viên đầu tiên vào trung thu năm 1950: "Hồng Thủy ngồi trên ghế sofa, tay ôm cháu (Hàn Phong và Tiểu Việt - NV) ngồi một bên lòng. Các cháu vừa ăn bánh trung thu, vừa nghe bố kể truyền thuyết về Thỏ Ngọc… Tôi vẫn ngồi lặng im, lơ đãng nhìn lầu các, đài, đỉnh, sắc núi Hồ Quang trong Trung Nam Hải… Tôi ngồi cũng không yên, một mình chạy ra ngoài vườn khóc nức nở vì nỗi đau riêng. Ngồi trên một chiếc ghế dài bên bờ hồ Trung Nam Hải, nhìn ánh trăng soi bóng nước, lòng tôi như tơ vò trăm mối… Hồng Thủy với tôi tình sâu nghĩa nặng, đối với con nhất mực yêu thương. Thực lòng ra, tôi không oán hận gì anh…".

Người mẹ Việt Nam của những đứa con Trung Quốc

Ở Trung Quốc được 6 năm thì đến đầu năm 1956, Tướng Nguyễn Sơn mắc bệnh hiểm nghèo. Trong phổi của ông có một khối u mà với tất cả sự tận tình của đội ngũ y bác sỹ giỏi nhất thời bấy giờ cũng không thể chữa trị được. Ngày 27-9-1956, ông cùng gia đình trở về Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc bố trí cho ông một toa xe hỏa riêng, có 2 bác sỹ đi cùng và tặng ông số tiền ba mươi ngàn nhân dân tệ. Điều trị ở Bệnh viện Việt Xô được chưa đầy 1 tháng thì ông ra đi.

Ngày 21-10-1956, lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tại Trung Quốc, bà Trần Kiếm Qua cũng được báo tin này, bà kể: "Một hôm, tôi đang giao ban thì có một người mang tin Hồng Thủy đã tạ thế báo cho tôi. Tim tôi đập dồn dập, nước mắt ào ra như mưa. Tôi không thể giữ nổi tình cảm riêng quá đau đớn, tôi kêu thất thanh trước tất cả mọi người trong phòng làm việc".

Tướng quân Nguyễn Sơn.

Nhưng phải mãi đến hai năm sau, đợi Hàn Phong và Tiểu Việt lớn hơn, bà mới dám báo tin dữ này cho các con: "Các con tôi sững người ra một lát rồi òa lên khóc nức nở. Nhìn thấy bộ mặt trẻ thơ của chúng đầy nước mắt đau thương, tôi thấy như tan nát cả lòng".

Còn tại Việt Nam, khi ông mất, bà Lê Hằng Huân mới 30 tuổi, đẹp nao lòng. Nhiều người khuyên bà nên đi bước nữa nhưng bà không chịu, nhất định ở vậy thờ chồng, nuôi con.

Làm việc trong một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, bà rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc cả đàn con, không chỉ 4 người con chung với ông lúc ấy đều còn rất nhỏ (con gái lớn nhất mới 7 tuổi, con gái nhỏ nhất mới 19 tháng) mà còn nuôi cả Mai Lâm (con riêng của ông với bà Huỳnh Thị Đổi).

Sau này, bà Nguyễn Thanh Hà, con gái cả của ông với bà Lê Hằng Huân, đã viết lại những hồi ức đẹp đẽ nhất về người mẹ nhân hậu của mình, trong đó có câu chuyện ngày đầu khi cha lâm bệnh trọng, cả gia đình về Hà Nội: "Về đến Hà Nội trời cũng đã tối, mẹ Huân mượn xe đạp, đèo mình đến ngay phố Yên Ninh báo tin cho chị Các (con gái ông với người vợ đầu tiên - NV).

Sáng hôm sau mẹ lại đèo xe đạp chở mình đến phố tòa soạn Báo Nhân dân ở phố Hàng Trống vào nhà bà Hồ Học Lãm để đón chị Mai Lâm (lúc đó Hội Phụ nữ Trung ương giao chị cho bà Hồ Học Lãm nuôi)”. Lúc còn sống, ông muốn nộp số tiền 30 nghìn nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc tặng riêng ông cho Nhà nước. Vì vậy sau khi ông mất đi, mặc dù một nách nuôi 5 con nhỏ nhưng bà Lê Hằng Huân vẫn nguyện làm theo lời chồng, không màng đến danh lợi.

Bà Nguyễn Thanh Hà sau này kể lại: "Hôm chú Hãnh làm việc ở Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị mang hóa đơn nhận tiền đến, mẹ Huân đã không nhận mà nói với chú Hãnh: "Anh Sơn đã dặn tôi là anh đi làm cách mạng chứ  không phải đi làm thuê nên tôi không nhận số tiền này được đâu…".

Không chỉ nuôi cả Mai Lâm và coi như con ruột, bà Lê Hằng Huân sống rất tình cảm với hai người con Trung Quốc của ông. Được sự giúp đỡ của Chính phủ hai nước, sau khi cha mất ít lâu, con trai lớn Hàn Phong luôn luôn giữ được liên lạc bằng đường thư với các em trai em gái đang ở Việt Nam với mẹ Hằng Huân. Để rồi, 17 năm sau ngày mất của ông, năm 1973, hai người con trai Trung Quốc của ông được đoàn tụ với gia đình Việt Nam của cha.

Ngày 24-11-1973, hai con Hàn Phong cùng Tiểu Việt lần đầu tiên có mặt tại đất Mẹ của người cha mà họ hằng yêu kính, tôn thờ. Mẹ Hằng Huân đón các con trai và cháu nội của chồng bằng tất cả sự nồng hậu vốn có.

Bà Trần Kiếm Qua kể, đầy xúc động về tấm lòng của bà Hằng Huân với những người con Trung Quốc: "Tại Hà Nội, Lê Hằng Huân đã nhiệt tình đón các cháu về ở tại nhà. Các em gái, em trai của chúng, tất cả đã vào bộ đội, ở nhà chỉ có mình bà…  Lê Hằng Huân nghĩ ra mọi cách để đãi các con những món ăn ngon… Đó là những món ăn mà người Việt Nam rất thích nhưng vào thời kỳ khó khăn đó, đấy là món quý, rất hiếm khi được ăn… Mối thân tình của Lê Hằng Huân đã làm ấm lòng các con".

Ngôn ngữ bất đồng, lại là bà Lê Hằng Huân chứ không phải ai khác, đứng ra làm phiên dịch cho các con Trung - Việt của chồng có thể chuyện trò được với nhau trong cuộc đoàn tụ lần đầu tiên này. Đó cũng chính là để thực hiện nguyện ước của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn trước lúc lâm chung: "Bà Huân à, các con Trung Quốc cũng như các con Việt Nam đều là ruột thịt của tôi. Hy vọng một ngày chúng có thể đoàn tụ lại".

Sợi dây liên kết của những người con Trung - Việt của ông, cứ thế mỗi ngày một bền chặt, không chỉ bởi tình máu mủ ruột rà mà còn bởi tấm lòng nhân hậu của hai bà mẹ Trung - Việt, bà Lê Hằng Huân - người vợ sau và bà Trần Kiếm Qua - người vợ trước. Hai người đàn bà, một Việt, một Trung, đều yêu ông và đều có những tháng ngày thực sự hạnh phúc bên ông.

Để rồi sau này, khi ông đã giã từ nhân thế thì tình yêu ấy vẫn đủ lớn, để họ, quên đi những nỗi niềm riêng và hạnh phúc cùng đại gia đình Trung - Việt. Từ những năm 1990 trở đi, hai con trai Trung Quốc của ông đã nhiều lần sang Việt Nam và những người con Việt Nam của ông cũng nhiều lần sang Trung Quốc. Tất cả họ đều gọi bà Trần Kiếm Qua và bà Lê Hằng Huân chung một tiếng thiêng liêng là "Mẹ".

Gần nửa thế kỷ sau khi tự nguyện dằn lòng bước ra khỏi cuộc hôn nhân sâu nặng, bà Trần Kiếm Qua, trước khi tạ thế, cũng đã từng được đặt chân tới Việt Nam, được đến thăm mộ ông và được dâng hương lên trước tổ tiên, gia tộc nhà chồng. Bà, bà mẹ Trung Quốc, cùng với bà Hằng Huân, bà mẹ Việt Nam, của 8 người con ông giờ đã cùng ông về cõi vĩnh hằng nhưng những ấm áp  mà họ đã đem lại cho sự hòa hợp của hai gia đình Trung - Việt sẽ còn mãi.

Xin được trích lại những dòng chữ hạnh phúc trong chương cuối cùng của cuốn hồi ký "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương" của bà Trần Kiếm Qua làm phần kết cho loạt bài viết này: "Mấy chục năm qua, tôi và Lê Hằng Huân, trên bước đường đời của mình đã nếm đủ mùi cay đắng nhưng chúng tôi đều kiên cường đứng vững và tiến lên, các con chúng tôi đều khỏe mạnh, trưởng thành. Sau khi trải qua cuộc đời gian nan cùng cực, tôi rút ra một điều chân lý: Người ra không thể lường hết được tương lai, song đường đi là ở dưới chân mình…".

Đặng Huyền
.
.