Lý Lập Tam - người cộng sản Trung Quốc chịu hai kỳ án

Thứ Bảy, 02/06/2007, 09:00
Lý Lập Tam từng là người cùng Chu Ân Lai tham gia thành lập tổ chức Thanh niên cách mạng Trung Quốc tại Pháp năm 1919, là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư trưởng Ban Bí thư Đảng cộng sản Trung quốc. Từ năm 1931 đến 1946, sang Liên Xô công tác và chịu án oan, về nước, giữ chức Bí thư Trung ương Cục Hoa Bắc.

Bước vào thời kỳ cách mạng văn hóa, ông còn mang án nặng hơn và bị bức hại, 14 năm sau mới được minh oan. Gần đây, vợ ông - một phụ nữ Nga trung hậu và con gái đã đưa sự thật ra ánh sáng.  

Ấn tượng từ thời quàng khăn đỏ

Êlidavêta Paplốpna sinh ngày 20/3/1914.

Từ thời quàng khăn đỏ cô đã ham đọc báo, nghe đài và đã “ấn tượng” hình ảnh một con người  trong họa báo, với vóc dáng cao lớn, hùng dũng mặc áo bông dài xám, đứng trên bục cao để diễn thuyết. Dưới ảnh đề: lãnh đạo Công hội Đỏ Li Lisan (Lý Lập Tam) đang kêu gọi công nhân đấu tranh tại Thượng Hải trong “phong trào 30-5”.

17 tuổi, cô tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật in xuất bản rồi rời Moskva tình nguyện đi tìm việc ở Viễn Đông.

Một hôm, đọc soát lại bản in bìa một tập sách nhỏ, cô giật mình chú ý đến dòng tựa đề: "Đấu tranh chống chủ nghĩa Lisan". "Chủ nghĩa Lisan là gì?”, cô hỏi bác già biên tập. Thì ra, ông ta là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa mới phạm sai lầm “cơ hội tả khuynh”, Quốc tế Cộng sản đang phê phán...

Lúc này, cô mới nhớ ra cái tên mình “ấn tượng” từ mười mấy năm trước. Cô tưởng tượng: người đó bây giờ phải là một ông già đầu tóc bạc phơ, trên trán đầy vết nhăn... Cô đâu có ngờ chỉ vài năm sau mình là bạn, là vợ của người cán bộ Đảng mắc sai lầm đó.

Sau hai năm (1931-1933) đi thực tập, cô trở lại Moskva, làm ở Nhà xuất bản Địa chất.

Một hôm cô cùng cô bạn Slava đến thăm vợ chồng Sarđa - Dương Tùng: vợ là phiên dịch, chồng là cán bộ Trung Quốc trong Quốc tế Cộng sản. Hôm ấy, họ được làm quen với Lý Minh, người cao gầy, cặp mắt to sáng trên gương mặt thanh tú. Sau bữa đó, vào các ngày nghỉ, nhóm bạn mới thi thoảng lại tổ chức đi dã ngoại; gặp chuyện xếp hàng khó khăn đều được Lý Minh chìa “thẻ đỏ” của Công hội Quốc tế ra để được ưu tiên.

Hóa ra Lý Minh chính là Lý Lập Tam, sang Moskva, sau một năm vào học Trường Lênin để kiểm điểm, uốn nắn tư tưởng thì Vương Minh, Trưởng đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định phái đi Anma-Anta giáp biên giới phía tây Tổ quốc để nối lại đường dây bí mật với an toàn khu Xôviết trong nước đã bị phá. Lý Lập Tam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lệnh từ trong nước cử anh tham gia Đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đại hội đại biểu  VI Quốc tế Cộng sản, với tư cách là Trưởng ban Trung văn của Nhà xuất bản Công nhân quốc tế và phụ trách biên tập Thời báo cứu quốc.

Trong thời gian ở Nga, Lý Lập Tam và Êlidavêta Paplốpna (tên gọi thân mật là Lida) đã dành thời gian cho các buổi hẹn hò. Anh chiều cô đi nghe hòa nhạc, nhưng không thích nhạc Tây. Lida đành hy sinh sở thích, chuyển sang xem kịch. Cô “lây” sở thích của anh, nhưng sợ anh không hiểu hết lời thoại khó như trong “Vườn hoa anh đào” của Tsêkhốp. Anh nói thực: xem kịch còn để học Nga văn phục vụ cho công tác...

Ở trong nước, rồi sang Liên Xô, Lý Lập Tam đâu chỉ chịu phê phán, đấu tố trong nội bộ, mà còn bị bạn bè, đồng chí xa lánh.

Một cán bộ nữ đồng hương cùng học ở Trường Lênin có cảm tình, rất quý anh cũng không chịu nổi cái mũ “đứng về phía phần tử cơ hội” đã chia tay anh. Sự cô đơn về tinh thần, sự xa lánh của đội ngũ cùng lý tưởng là nỗi đau không gì so sánh được.

Cô gái Nga bình dị hiểu anh, dám đến với anh, bất chấp hiểm nguy, Lý Lập Tam hết sức xúc động. Nhưng, anh không nỡ lợi dụng mà bộc bạch hết nỗi lòng, hoàn cảnh để cô phán xét và quyết định.

Lý Lập Tam đã mấy lần hôn nhân đổ vỡ. Lần cuối vào cuối năm 1930, khi anh buộc phải theo quyết định của tổ chức sang Moskva để sửa chữa sai lầm, thì vợ anh, Lý Sùng Thiện một nách nuôi hai con, lại đang mang thai. Anh nhất nhất kể chuyện riêng tư cho Lida nghe. Càng nghe, cô càng hiểu và đồng cảm với anh.

Lida vài lần dẫn Lý Lập Tam về nhà, chỉ giới thiệu với mẹ mình: anh cùng công tác, sẽ giúp con học tiếng Trung Quốc để thi vào đại học. Nhưng lần này trước vài hôm khi con gái xách một túi nhỏ đựng vài bộ quần áo vào nhà khách - nơi ở của anh để sống chung thì anh chính thức ngỏ lời xin bà cho  phép hai người kết hôn.

Vào một ngày tháng 2/1936, anh xin phép đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Liên Xô là Vương Minh làm mâm cơm ra mắt thay lễ thành hôn. Cả Trần Vân  (sau này là Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc)  cũng dự nâng cốc chúc mừng đôi uyên ương và tình hữu nghị Trung - Xô bền chặt...

Tình yêu lứa đôi đang mặn nồng thì bỗng một vị khách không mời mà đến với họ. Anh ta thân hình gầy cao, trên sống mũi luôn ngay ngắn bộ kính gọng vàng, ăn mặc chau chuốt, cố ra vẻ tao nhã trước mặt mọi người, đang là cấp phó của Vương Minh (sau này thời Cách mạng văn hóa là Trưởng ban Tổ chức Trung ương), đó là Khang Sinh.

Cái hoạ từ kẻ nhờ gió bẻ măng

Năm 1935, có tin Vương Minh - Khang Sinh ở Liên Xô đã nhúng tay sắp đặt kỳ án Lý Lập Tam.

Họ bày ra vụ chiếc cặp tài liệu Lý Lập Tam cầm tay bị giật mất ở sân ga rồi cho rằng “có thể đặc vụ Nhật đánh cắp”, phải “báo cáo mật vụ Quốc tế Cộng sản, Bộ Nội vụ Liên Xô” để quy trách nhiệm thiếu cảnh giác cho anh.

Sau vụ 7/7/1936 (sự kiện Lư Cầu Kiều - Nhật bắt đầu đánh chiếm Trung Quốc), thấy Tổ quốc lâm nguy, là chiến sĩ cách mạng Lý Lập Tam đã xin về nước tham gia chiến đấu...

Thế nhưng hai đối thủ mà anh tôn trọng lại nghĩ khác, họ bàn nhau: “Không thể thả hổ về rừng”. Bởi cả Vương Minh và Khang Sinh đều là lớp sau Lý Lập Tam, thua xa về công trạng và uy tín trong nước.

Một sự trùng khớp kỳ lạ là ngày 25/21938, lãnh đạo Quốc tế Cộng sản G.Đimitrốp (1882-1949) đã ký giấy để Lý Lập Tam về nước theo đề nghị dứt khoát của Trưởng phái bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Tường (thay Vương và Khang đã về nước tháng 11/1937), thì sáng ngày 24/2/1938, trước đúng một ngày, toán đặc nhiệm Bộ Nội vụ Liên Xô ập vào phòng ngủ của Lý Lập Tam, quát to: “Lý Lập Tam, người đã bị bắt”.

Anh chỉ kịp lấy bộ quần áo cũ mặc vào, tháo chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đang đeo trên tay đưa cho  vợ và nói: “Lida, anh không hề làm việc gì không xứng đáng với Đảng, với nhân dân Liên Xô. Anh trong sạch, vô tội. Em hãy chuyển lời anh nói tới đại biểu đảng ta ở Quốc tế Cộng sản, tới mọi người!”...

Lida được mẹ, anh chị khuyến khích bắt đầu ngày đêm đi khắp nơi dò la nơi giam giữ chồng. Chị tin ông trời có mắt. Nửa năm sau, quả thật, trở lại nhà tù ở Lubianka thì được biết Lý Lập Tam ở đây nhưng không được gặp. Chị như người hồi sinh, về xin mẹ, anh chị, cố nhận may vá, giặt giũ làm thuê để mỗi tháng có đủ 50 rúp gửi vào cho chồng.

Ngày 7/11/1939 là ngày vui sướng nhất đời đối với Lida - Lý Lập Tam đã được trả lại tự do, trở về với chị.

Lý Lập Tam trắng án, vô tội theo kết luận của Tòa án binh Moskva vì anh quyết liệt đấu tranh để được đưa ra tòa xét xử. Nhưng tự do, bình đẳng công dân thì chưa.

Việc khôi phục đảng tịch bị đùn đẩy trách nhiệm giữa Quốc tế Cộng sản và đảng nước sở tại. Hộ khẩu anh bị cắt khỏi Moskva mặc dù vợ vẫn ở đây. Thậm chí, anh không được tới Quảng trường Đỏ, không được tham gia các cuộc míttinh quần chúng trong các ngày lễ 1/5, Cách mạng Tháng Mười... Anh vẫn là “phần tử khả nghi” thất nghiệp, vô gia cư...

Mãi tới ngày 31/12/1945, Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô gọi điện mời anh đến Ban liên lạc đối ngoại. Chính Trưởng ban Paniuskin thông báo: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 7 vừa họp đã bầu anh vào Ban Chấp hành Trung ương. Tổ quốc vẫn không quên anh. Năm 1946, anh được trở về nước.

Lida cũng được theo chồng về Thiên Tân, rồi Bắc Kinh dạy tiếng Pháp tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.

Mười năm yên hàn rồi bị đấu tố...

Về nước, Lý Lập Tam làm Chủ tịch Tổng Công hội, Bộ trưởng Bộ Lao động.

Số phận Lý Lập Tam trong cuộc đời được mươi năm có thể gọi là yên ổn, hạnh phúc. Tới nửa cuối thập niên 50, quan hệ Trung - Xô chuyển sang đối lập rồi tan vỡ. 

Khang Sinh từ chỗ sẵn mối tị hiềm với Lý Lập Tam đã gieo rắc tin đồn Lý Lập Tam là con người không đáng tin cậy, hơn nữa vợ lại là công dân Liên Xô.

Quả nhiên, đầu tháng 9, ông ta gặp Lý Lập Tam, hỏi nhiều chuyện, cả việc yêu cầu Lida rời bỏ quốc tịch Liên Xô. Bà tỏ ra bực bội, trả lời: “Liên Xô là Tổ quốc tôi, mà Tổ quốc thì chỉ có một”. Bà đâu ngờ hệ lụy từ đây thật sâu xa.

Đồng chí, bạn bè, xóm làng xa lánh gia đình Lida. Có thư tố giác lên Trung ương rằng Lida dám cả gan phát biểu luận điệu xét lại và thường... lai vãng đến Sứ quán Liên Xô.

Năm 1962, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập tiểu ban điều tra về “vụ Lý Lập Tam”.

Khang Sinh, Lý Phúc Xuân... đã gặp Lý Lập Tam nói chuyện. Lý Lập Tam bác bỏ mọi tin đồn, lời buộc tội về vợ và đem cả tính mạng mình ra đảm bảo sự trong sáng, nhiệt tình và tấm lòng quý mến của bà đối với Đảng và nhân dân Trung Quốc.

Ông nói với con gái Lý Anh Nam: “Người ta đòi bố phải ly hôn với mẹ, nhưng bố sao nỡ đang tâm, vô đạo, lìa bỏ người vợ từng cưu mang mình ở tù không bị chết đói vì suy kiệt...". 

Không chịu ly hôn, phía Trung ương lại đòi bà Lida bỏ quốc tịch. Lý Lập Tam phải cố vận động vợ khi hộ chiếu hết hạn – 1964 thì đành xin nhập quốc tịch Trung Quốc.

Đầu tháng 6/1966, Lý Lập Tam nhận quyết định đình chỉ chức Bí thư Trung ương cục Hoa Bắc để “kiểm điểm”.

Trong khuôn viên Trung ương cục dán đầy “báo chữ to” vạch mặt “kẻ cơ hội thâm căn cố đế”, “tên thực hành đường lối xét lại”...

Ông bị Hồng vệ binh dẫn ra trước công chúng, ép phải tự xỉ vả mình về sai lầm “tả khuynh”, “hữu khuynh”. Bị xỉ nhục, hành hạ, cổ đeo biển “phần tử phản đảng”, nhưng Lý Lập Tam vẫn một mực động viên vợ con: “Cuối cùng rồi Đảng sẽ thấy đúng sai”...

Trong mấy tháng trời, ông liên tiếp viết thư cho Chu Ân Lai kể rõ mình bị hành hạ, nhà cửa bị lục soát, phá phách. Song, tình hình ngày một xấu hơn. Tới ngày 5/6/1967, theo lệnh trực tiếp của Thích Bản Vũ, 56 tổ chức Hồng vệ binh Bắc Kinh, Thiên Tân... tuyên bố thành lập “Liên minh đấu tranh chống tập đoàn xét lại phản cách mạng Lý Lập Tam”. Một toán quân “tạo phản” đến đóng tại nhà Lý Lập Tam, ngày ngày lôi cả hai ông bà ra họp phê đấu.

Sáng ngày 19/6/1967, một toán người lạ mặt xông vào nhà, tự xưng “phe tạo phản Thiên Tân”, bắt giải Lý Lập Tam đi và 3 ngày sau, ông qua đời tại một nhà giam bí mật, để lại một mảnh giấy với những dòng chữ viết run run, có nội dung: “Thưa Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh tụ kính mến!”. Tiếp đó, Lý Lập Tam khẳng định mình và gia đình không hề và không bao giờ thông đồng với nước ngoài. Mong Trung ương điều tra thật kỹ càng để có kết luận cho công bằng. Dòng cuối, bên trên “Lời chào cách mạng”, ông còn cho biết có một thư nữa gửi Chủ tịch đang giấu dưới giường ở nhà, thư viết chưa xong...

Đúng ngày chồng qua đời, bà Lida cũng bị bắt. Tiếp ngày hôm sau, Lý Anh Nam và em gái cũng bị bắt và bị mang tội danh thành viên trong “Tập đoàn gián điệp Lý Lập Tam”.

Năm 1969, 2 người được tha vì là “các cháu dạy bảo được” – Lời văn của Nghị quyết Đại hội IX. Riêng bà Lida mãi tới tháng 12/1978 mới được Hồ Diệu Bang, Trưởng ban Tổ chức Trung ương quyết định cho chuyển từ nơi giam tù bí mật tại tỉnh Thiên Tây về Bắc Kinh.

Cái chết bí ẩn của Lý Lập Tam sau đó vẫn chưa được công bố (năm 1970, Chu Ân Lai đã chỉ thị cho Trung ương cục Hoa Bắc điều tra làm rõ).

Tuy vậy, ngày 20/3/1980 tại lễ truy điệu khôi phục danh dự, có mặt Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, Vương Chấn đọc tuyên cáo chính thức có đoạn: “Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định hoàn toàn phục hồi cho đồng chí Lý Lập Tam và khôi phục lại danh dự tốt đẹp của đồng chí. Nay hoàn toàn và triệt để bác bỏ mọi lời bịa đặt vu cáo... đối với đồng chí Lý Lập Tam”.

Có một điều đến nay nhiều cựu du học sinh Việt Nam đã từng học ở Trung Quốc  vẫn nhớ, phu nhân Lý Lập Tam chính là cô giáo dạy tiếng Nga cho họ vào những năm 50 thế kỷ trước.

Năm 1998, bà đã sang thăm Việt Nam (khi đó bà 86 tuổi)

Trịnh Tố Long
.
.