Mãi trường tồn chứng tích của Cách mạng Tháng Mười

Thứ Hai, 10/11/2014, 20:55

Ngày 21/9/2014, chiến hạm Rạng Đông, biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đã được kéo khỏi vị trí neo đậu trên dòng sông Neva để đưa tới xưởng đóng tàu Severnaya Verf trên bán đảo Kronstad để đại tu. Phần vỏ của chiến hạm mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử sẽ được giữ nguyên trạng. Dự kiến sau 2 năm nữa, chiến hạm số 1 và cũng là chiến hạm cổ xưa nhất của hải quân Nga sẽ quay về vị trí neo đậu vĩnh cửu cho lớp lớp hậu thế chiêm ngưỡng chứng tích của cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới trong thế kỷ XX.

Lá cờ hiệu tung bay trên chiến hạm hôm nay vẫn là lá cờ hiệu được kéo lên vào ngày chiến hạm chính thức hạ thủy hơn 110 năm trước. Rạng Đông là một trong ba chiếc tàu tuần dương trong lớp Pallada, được đóng trong 3 năm tại xưởng đóng tàu Tân Đô đốc ở Petrograd (tên gọi khác của thủ đô) St. Petersburg thời trước Cách mạng tháng Mười và hạ thủy ngày 12/5/1900 để tham chiến tại khu vực Viễn Đông (Thái Bình Dương)..

Chiến hạm dài 126,8m, rộng 16,8m; được trang bị 40 đại bác và 3 dàn phóng ngư lôi. Từ năm 1903, chiến hạm tham gia Hạm đội Baltic của Nga. Tất cả các tàu chiến thuộc lớp Pallada đã tham gia Chiến tranh Nga - Nhật, trong đó chiếc thứ nhất bị quân Nhật đánh chìm tại cảng Lữ Thuận năm 1904. Trong 2 ngày 27 và 28/5/1905, Rạng Đông tham dự trận Hải chiến Tushima dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Oskar Enkvist.

Ít ai biết một chi tiết trong lịch sử của chiến hạm nổi tiếng này: Nó từng hai lần đến Việt Nam. Lần thứ nhất khi Rạng Đông đi từ biển Baltic đến Viễn Đông để yểm trợ cho hải đội của Nga trong khu vực. Ngày 31/3/1905, chiến hạm thả neo ở vịnh Cam Ranh và ở đó gần một tháng để chờ các tàu chiến khác của Nga đến cùng tham chiến. Trên đường tới Tushima, Rạng Đông cũng như các tàu khác của hải đội Nga hoàng, đã neo lại ngoài khơi Cam Ranh.

Quãng thời gian này được mô tả trong những trang nhật ký của vị bác sĩ trên con tàu là Kravchenko: “Rạng Đông tiến vào vịnh Cam Ranh sáng sớm ngày 1/4/1905. Vịnh biển phương Nam khiến các thủy thủ xứ Nga ngỡ ngàng vì vẻ nên thơ và hùng vĩ. Hai lối dẫn từ vịnh ra biển đã được chặn lại ngay lập tức, để tránh các cuộc đột kích của tàu khu trục Nhật Bản.

Chiến hạm Rạng Đông yên vị bên ụ sửa chữa của xưởng Severnaya Verf.

Rạng Đông đã neo đậu lại đó 12 ngày, luân phiên làm nhiệm vụ trực chiến trên biển, bốc dỡ than và thực phẩm, tuần tra tập luyện ngoài khơi. Thuyền trưởng Egorev đã mấy lần có dịp đi lên bờ. Ở đó, ông nhìn thấy một ngôi làng nhỏ với những túp lều mái tranh vách đất, cảnh tượng sẽ rất tiêu điều nếu không có hàng dừa xanh tô điểm. Ven bãi biển rải rác mấy chiếc thuyền nan. Trong làng có một miếu thờ nho nhỏ, mái lợp ngói. Dân làng dáng vẻ lam lũ, ăn vận những thứ áo quần rách rưới…".

Lần thứ hai chiến hạm Rạng Đông đến Việt Nam là khi chiến tranh Nga - Nhật kết thúc, đây là lúc Rạng Đông được sửa chữa xong. Nó cùng những tàu Nga khác tập kết ở cảng Sài Gòn, ngày 20/10/1905 nhổ neo ra Thái Bình Dương để trở về nước Nga. Như thế, trong một năm, chiến hạm Rạng Đông lừng danh đã hai lần cập cảng Việt Nam.

Năm 1906, Rạng Đông trở về quê hương và trở thành con tàu huấn luyện. Từ năm 1906 đến năm 1912, chiếc chiến hạm từng ghé thăm một số nước, như vào tháng 11/1911, nó có mặt tại Bangkok tham dự lễ hội nhân dịp đăng quang của vị vua mới. Chiếc Rạng Đông cũng tham gia các chiến tích phối hợp quốc tế cứu nạn những người còn sống sót sau trận động đất Messina năm 1908. Năm 1914, bắt đầu Đại chiến thế giới I, Rạng Đông tham gia lập những bãi mìn thủy lôi ở vùng biển Baltic và tiến hành những cuộc tuần tra phòng vệ.

Đến cuối năm 1916, con tàu di chuyển đến Petrograd để được đại tu. Petrograd lúc đó đang sục sôi phong trào cách mạng, và một bộ phận thủy thủ của chiến hạm Rạng Đông đã tham gia cuộc Cách mạng tháng Hai Nga (1917). Với hầu hết thủy thủ đoàn đã tham gia đảng Bolshevik, một ủy ban cách mạng được thành lập ngay trên chiến hạm. Ngày 25/10/1917, trước thềm cuộc Cách mạng tháng Mười, thuyền trưởng Aleksandr Belyshev từ chối thi hành lệnh từ Tư lệnh Hạm đội Baltic là phải nã đại bác vào "đám đông quân nổi dậy".

Lúc 21 giờ 45 phút hôm đó, một phát súng lệnh bắn ra từ khẩu pháo trước mũi của chiến hạm Rạng Đông chính là phát súng hiệu để bắt đầu cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông, địa điểm cố thủ của chính phủ tư sản lâm thời, kết thúc triều đại quân chủ Sa Hoàng. Cũng từ đó, chiến hạm Rạng Đông được xem là biểu tượng của cuộc Cách mạng vô sản làm rung chuyển thế giới, với hình ảnh của nó được khắc trên tấm Huân chương Cách mạng Tháng Mười.

Hàng nghìn người dân thành phố St. Petersburg đứng dọc 2 bên bờ sông tạm biệt chiến hạm nổi tiếng được đưa về nơi đại tu. Nhiều chiếc canô riêng đi theo hộ tống "Rạng Đông".

Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, năm 1941, toàn thủy thủ đoàn trên chiến hạm đã tích cực tham gia phòng thủ Leningrad. Trong thời gian Leningrad bị phong tỏa, các khẩu pháo của nó được tháo dỡ để sử dụng trong việc phòng thủ, còn thủy thủ tham gia vào Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tác chiến trên bộ. Rạng Đông neo đậu tại cảng Oranienbaum thuộc thị trấn Lomonosov, liên tục bị bắn phá và ném bom.

Ngày 30/9/1941, trước sức tấn công ồ ạt của quân phát xít Đức và trong tình thế chiến hạm neo đậu ở hải cảng mà không có thủy thủ lẫn vũ khí để chứng tỏ một sự kháng cự, ban chỉ huy tàu quyết định tự đánh chìm cho Rạng Đông nằm dưới nước sâu.

Tháng 7/1944, con tàu được cho nổi trở lại. Trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, Chính phủ Liên Xô đã quyết định tu bổ Rạng Đông thành một tượng đài lịch sử. Vì thế ngày 20/7/1944, nó đã được trục vớt. Sau 3 năm tu sửa, bắt đầu từ ngày 17/11/1948, Rạng Đông được neo lại ở "bến đỗ vĩnh cửu" bên sông Neva cho đến ngày nay. Có một thời gian Rạng Đông được dùng làm tàu đào tạo cho Trường Nachimov của Hải quân Liên Xô, và từ năm 1957 trở thành một chiến hạm bảo tàng.

Năm 2013, nhân đánh dấu sự kiện tròn 110 năm ngày chiến hạm Rạng Đông được đưa vào thành phần hạm đội tàu chiến của nước Nga, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định đưa Rạng Đông trở lại thành phần Hải quân và như vậy, Rạng Đông chính thức trở thành chiến hạm số 1 của Nga.

Lần gần nhất chiến hạm Rạng Đông được đại tu là vào các năm 1985-1987, và đáng lẽ chiếc tàu đã phải đưa đi đại tu ít nhất là 2 lần nữa song do nhiều nguyên nhân, việc này không được thực hiện. Thuyền trưởng tàu, ông Dmitry Kantaev, cho biết lần đại tu trước được thực hiện kỳ công vì thế nay chỉ cần nâng cấp và hiện đại hóa các hệ thống để đảm bảo tàu hoạt động như một viện bảo tàng.

Ông Kantaev trình bày: "Hệ thống phòng chống cháy nổ sẽ được thay mới. Thay các hệ thống cấp và bơm nước lên boong. Máy phát điện diesel và hệ thống lái sẽ được thay thế". Giám đốc Bảo tàng Hải quân, Trung ương Nga Ruslan Nekhay cho rằng, cần khôi phục các hệ thống và thiết bị cơ khí lịch sử của tàu.

Ông Nekhay nhấn mạnh: "Trên chiến hạm Rạng Đông có một số hệ thống và thiết bị cơ khí nguyên bản, là biểu tượng lịch sử của ngành đóng tàu Nga. Ví dụ hệ thống điều khiển của Công ty Siemens, hệ thống liên lạc của Ericsson. Có thể nói đây từng là chiến hạm tiên phong của Hải quân Nga. Trước đó có thông tin cho biết, Nga sẽ lên kế hoạch biến chiến hạm Rạng Đông thành tàu huấn luyện, dư luận từ đông đảo các thế hệ người dân Nga đều cho rằng, nếu như vậy ý nghĩa lịch sử của chiến hạm Rạng Đông sẽ không còn, bằng chứng là bất chấp những biến đổi, thăng trầm của lịch sử, chiến hạm - bảo tàng này luôn là một điểm đến được ưa chuộng nhất của du khách khi đến thăm thành phố St. Petersburg. Trung bình mỗi năm con tàu này đón hơn 200.000 lượt khách và đã có hơn 28 triệu người từ 160 quốc gia đặt chân lên chiến hạm lịch sử này.

Để phục chế những hiện vật cách đây gần một thế kỷ, nhân viên bảo tàng đã thu thập toàn bộ giấy tờ lịch sử của con tàu. Ví dụ người ta có kế hoạch phục chế phòng quân y, lần đầu tiên được trang bị cho tàu Hải quân Nga, bằng máy rơnghen. Khoảng hơn 300 hiện vật trên chiến hạm trong thời gian đại tu sẽ được bảo quản tại Bảo tàng Hải quân, và sau đó đưa trở lại con tàu.

Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết việc sửa chữa sẽ được tiến hành hệt như 30 năm trước, do các chuyên gia của xưởng Severnaya Verf thực hiện. Họ sẽ tháo dỡ từng phần của con tàu, khôi phục tất cả các chi tiết bị mất và thậm chí là cạo 26 lớp sơn được sơn hàng năm nhân ngày Hải quân Nga. Sau khi hoàn tất công tác tu sửa, chiến hạm sẽ được đưa trở lại vị trí "neo đậu vĩnh cửu", dự kiến vào năm 2016, đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử Quân sự Trung ương Nga, và để kịp đưa vào lịch trình diễn ra các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017) mà một phần không thể thiếu chính là Chiến hạm Rạng Đông

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.