Mở lại hồ sơ vụ “Buôn lậu có còi hụ” ở Long An trước năm 1975

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:45
Hơn một năm trước ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, người dân miền Nam khi ấy đã không ngớt xôn xao bàn tán về một vụ buôn lậu bị bắt tại tỉnh Long An. Nó được những tờ báo đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xuất bản tại Sài Gòn gọi là "vụ buôn lậu có còi hụ".

Điều oái oăm nhất là những người tham gia bắt vụ buôn lậu này thay vì được khen thưởng thì có người bị  giam, có người bị cách chức và cũng không ít người bị điều chuyển đến những vùng chiến sự dầu sôi lửa bỏng bởi lẽ "bảo kê" cho đoàn xe buôn lậu ấy là bà Đinh Thúy Yến, vợ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và bà Đỗ Thị Năm, vợ trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu!

KỲ I: CHỌC ĐÚNG TỔ ONG BÒ VẼ

Buôn lậu có công xa mở đường

16 giờ ngày 31/1/1974, một đoàn xe vận tải quân sự gồm 7 chiếc GMC mà người dân miền Nam vẫn quen gọi là xe "nhà binh", thùng sau che bạt kín mít, chạy với tốc độ cao từ  thị xã Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) hướng về Sài Gòn. Dù trời chưa tối nhưng xe nào xe nấy bật đèn sáng trưng và điều đặc biệt nhất là dẫn đầu đoàn xe ấy, có một chiếc xe Jeep cắm cờ 3 sọc, vừa chớp đèn vừa hụ còi inh ỏi như thể đang thi hành một nhiệm vụ quan trọng!

Trên chiếc xe Jeep, ngồi cạnh tài xế là một đại úy Quân cảnh (tương tự như Lực lượng Kiểm soát Quân sự ngày nay), bảng tên trước ngực áo ghi chữ "Nhiều". Lúc chạy qua chốt kiểm soát đặt ngay đầu cầu Tân An, thị xã Tân An, tỉnh Long An, thấy mấy người lính gác cầu đang ra hiệu chặn những chiếc xe dân sự lại để nhường đường cho đoàn xe quân sự, đại úy Nhiều nghiêng người ra, đưa tay vẫy chào.

Một trong những chiếc xe quân sự chở hàng lậu bị đưa về Tiểu khu Long An.

Thế nhưng vừa qua khỏi cầu Tân An thì ở chốt gác đầu cầu bên kia, một trung sĩ Quân cảnh tên là Nguyễn Văn Sang, thuộc Trạm kiểm soát quân xa, Tiểu đoàn 3 Quân cảnh, đóng tại Long An - do không biết mặt đại úy Nhiều - là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân cảnh thuộc Biệt khu Thủ đô (Sài Gòn) - nên đã thổi còi chặn lại. Chiếc xe Jeep dẫn đầu cùng cả đoàn xe làm như không biết, vẫn cứ phóng thẳng.

Theo trung sĩ Sang, sở dĩ ông quyết định chặn đoàn xe lại là vì căn cứ vào quy định của Bộ Tổng Tham mưu, hễ đã là đoàn xe quân sự thì xe dân sự không được phép đi lẫn vào nhưng trong đoàn xe này, lại có một chiếc xe Jeep màu trắng. Hơn nữa, thời điểm ấy có nhiều tin đồn về việc tướng Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ) sẽ đảo chính nên trung sĩ Sang mới yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Ông kể: "Thấy họ chạy luôn, tôi liền điện thoại báo cho trung úy Hộ ở Phòng 3, Tiểu khu Long An và một sĩ quan phụ trách hành quân của Quân đoàn III để thẩm định hành trình của đoàn xe nhưng cả hai đã về nhà rồi".

Thời điểm ấy, 7 chiếc GMC và chiếc xe Jeep có còi hụ đã ra khỏi địa giới thị xã Tân An và đang trên đường đến Bến Lức. Trung sĩ Sang kể tiếp: "Lúc này, tại Gò Đen, có căn cứ của Tiểu đoàn 332 Địa phương quân thuộc Tiểu khu Long An đóng sát quốc lộ. Tôi điện thoại cho Tiểu đoàn trưởng là thiếu tá Bé và đề nghị lập chướng ngại vật". Cũng sợ đảo chính, thiếu tá Bé lập tức gọi cho đại tá Lê Văn Năm, Tỉnh trưởng Long An, thông báo rằng: "Có một đoàn xe nghi ngờ chở quân đảo chính đang tiến về Sài Gòn, phía Quân cảnh đề nghị lập chướng ngại vật chặn đường".

Thất kinh hồn vía, Lê Văn Năm đồng ý để Tiểu đoàn 332 dựng ngay chướng ngại vật đồng thời gọi về Bộ Tổng Tham mưu để báo tình hình. Người nghe máy là một sĩ quan cấp tá tên Thanh. Ông Thanh chẳng có ý kiến gì hết mà chỉ nói để trình lên cấp trên giải quyết.

Tuân lệnh đại tá Năm, lính Địa phương quân nằm gần nơi đoàn xe sắp đi qua lập tức dựng chướng ngại vật gồm bao cát, loại dùng để đắp công sự chiến đấu, dây thép gai và một số thùng phuy rỗng. Bên cạnh đó, thiếu tá Bé còn cẩn thận điều một khẩu đại liên 12,7mm đặt ngay giữa đường.

Vài phút sau, chiếc xe Jeep chở đại úy Nhiều đến nơi và khi nhìn thấy hàng rào chướng ngại vật, ông ta bảo tài xế dừng lại rồi bước xuống. Lúc gặp thiếu tá Bé, ông ta nói: "Tôi là đại úy Nhiều, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân cảnh thuộc Biệt khu Thủ đô. Tôi đang hộ tống đoàn xe quân sự thi hành một công tác đặc biệt. Yêu cầu thiếu tá cho gỡ bỏ chướng ngại vật để chúng tôi kịp thời lên đường". Thiếu tá Bé đáp: "Đại úy thông cảm, tôi được lệnh giữ các ông lại. Phiền đại úy trình cho coi sự vụ lệnh hành quân".

Cũng vào lúc này, đại tá Năm vừa đến nơi. Lẽ ra, ông Năm sẽ cho lệnh giải tỏa chướng ngại vật nhưng đám lính Địa phương quân đang đứng xung quanh, có vài người tò mò leo lên thùng xe, giở bạt che phủ để xem trong xe có gì. Tới hồi nhìn thấy toàn là rượu ngoại, thuốc lá, xà bông thơm, nước hoa, đồng hồ… thì họ la lên: "Hàng lậu tụi bay ơi". Lập tức, gần như số lính Địa phương quân với hơn 100 người đang có mặt ở đó xúm vào, tranh nhau cướp.

Nhiều người dân cùng một số vợ con lính tráng ở trại gia binh xung quanh thấy lính cướp thì họ cũng xông vào cướp. Một lái xe GMC tên Thông kể lại: "Quang cảnh diễn ra rất hỗn loạn. Lính Địa phương quân từ trên xe ném từng kiện hàng cho vợ con. Nhiều thùng rơi xuống đất, rượu Henessy XO vỡ tung tóe…" khiến Tỉnh trưởng Lê Văn Năm phải ra lệnh cho khẩu đội đại liên 12,7mm nổ chỉ thiên một tràng dài thì tình hình mới được vãn hồi. Kiểm điểm lại, hơn một phần ba số hàng trên các xe đã bị cướp mất.

Sở dĩ lính Địa phương quân biết đó là hàng lậu vì từ năm 1972 trở về trước, khi quân viễn chinh Mỹ còn tham chiến tại miền Nam Việt Nam thì các loại hàng hóa miễn thuế phục vụ lính Mỹ như rượu, xà bông thơm, nước hoa, thuốc lá, máy cassette, đồng hồ… được bán với giá rất rẻ trong các PX (Post Exchange - tạm dịch là Siêu thị quân đội).

Hồi ấy, nhiều "xì thẩu" người Hoa Chợ Lớn đã móc ngoặc với lính Mỹ để mua hàng PX rồi đem bán ra ngoài nên ở một số chợ, những mặt hàng loại này được bày bán tràn lan với giá rẻ hơn giá thị trường. Đến khi Hiệp định Paris ký kết, lính Mỹ rút về nước thì hàng PX cũng theo chân lính Mỹ đi luôn trong lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân chỉ tăng chứ không giảm.

Vì vậy mới sinh ra buôn lậu và những kẻ chủ mưu buôn lậu đều là quan chức chóp bu của chính quyền Sài Gòn hoặc vợ con của những quan chức ấy. Theo tờ Sao và Sọc - Stars and Stripes - là tờ báo dành riêng cho Quân đội Mỹ, số xuất bản tháng 9/1974 đã có bài viết nói về tình hình buôn lậu hàng PX ở miền Nam Việt Nam sau vụ "còi hụ Long An": "Không còn nguồn cung trong nước, những nhóm buôn lậu chuyển ra nước ngoài mà cụ thể là Thái Lan.

Bằng cách móc nối với lính Mỹ ở các căn cứ không quân như Cô Rạt, U Don, U Bon để mua hàng PX rồi khi đã gom đủ số lượng, họ thuê tàu đánh cá chở đến hải phận quốc tế, gần một số cửa biển ở Mỹ Tho, Kiến Hòa (nay là Bến Tre), Vũng Tàu. Sau khi thống nhất ngày giờ, tọa độ giao hàng, một số tàu Giang cảnh thuộc Hải quân Sài Gòn sẽ áp sát tàu đánh cá rồi sang mạn. Từ đó, hàng lậu theo đường bộ lên Sài Gòn và nhanh chóng biến mất vào những dãy nhà kho nằm dọc theo bến Chương Dương, bến Hàm Tử. Tiếp theo, nó xuất hiện trong những cửa hàng, những sạp bán lẻ và những chợ cóc ở lề đường…".

Xử lý

Trở lại chuyện "buôn lậu có còi hụ” ở Long An, theo trung sĩ Quân cảnh Nguyễn Văn Sang, người trực tiếp chặn đoàn xe buôn lậu thì ngay sau khi phát hiện hàng lậu, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 Quân cảnh nửa mừng nửa lo. Mừng là vì có dịp "lập công" còn lo là đằng sau số hàng lậu khổng lồ ấy, chẳng biết có "ông lớn" nào đứng ra "bảo kê" không. Nếu không thì chẳng nói làm gì còn nếu có thì "banh xác" là cái chắc.

Một cửa hàng PX dành riêng cho lính Mỹ.

Trung sĩ Sang kể: "Hồi ấy, việc di chuyển ban đêm trên Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) rất nguy hiểm đối với lính tráng Sài Gòn vì du kích Quân Giải phóng thường xuyên đắp mô, gài mìn. Nhưng lúc nghe tin về vụ bắt hàng lậu, thiếu tá Đức, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 Quân cảnh - lúc đó đang ở Biên Hòa đã lập tức bảo tài xế lái xe Jeep quay về ngay. 1 giờ sáng, khi về đến nơi, ông Đức đã ra lệnh cho Quân cảnh Long An gấp rút hoàn thành biên bản rồi sáng hôm sau, toàn bộ sĩ quan binh lính có mặt trong đoàn xe, bị đưa về giam ở Tiểu khu Long An để khai thác".

Kết quả điều tra cho thấy đường dây buôn lậu này bắt đầu từ hai bà vợ - một của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và một của trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn đặc biệt về an ninh, quân sự cho Tổng thống Thiệu cùng một viên tướng ở Phòng 6 Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn - là bộ phận chuyên về tình báo quân sự, trực tiếp chỉ huy các lực lượng bí mật gồm các "Chiến đoàn xung kích Lôi Hổ". Chính viên tướng ấy đã móc nối với một số đơn vị hải quân ở Vùng 4 Chiến thuật và các tỉnh trưởng Long An, Định Tường, nhận hàng lậu từ biển rồi khi vào bờ, hàng được chuyển sang xe GMC, đưa về điểm giao nhận tại khu vực Cây Da Sà (nay thuộc quận Bình Tân, TP HCM).

Vẫn theo kết quả điều tra, chuyến hàng lậu bị bắt là chuyến thứ 11 còn những chuyến trước đi theo đường Cần Giuộc. Riêng đại tá tỉnh trưởng Lê Văn Năm, không phải là ông ta không biết chuyện buôn lậu bởi lẽ theo thiếu tá Bé, khi đến Gò Đen, nơi đoàn quân xa bị chặn lại, ông Năm đã buột miệng chửi thề: "Mẹ! Sao lại đi vào giờ này" trong lúc theo trung sĩ Sang thì câu chửi thề này đại tá Năm vô tình thốt ra khi nghe ông Sang điện thoại báo cáo.

Thượng sĩ Hảo, một trong những người tham gia buôn lậu kể: "Sở dĩ đổ bể là vì các chuyến trước đều đi vào ban ngày, và được tỉnh trưởng Định Tường, Long An bảo kê. Xe chở hàng lậu chạy lẫn với xe công vụ, có sự vụ lệnh công tác của Phòng 6 Bộ Tổng Tham mưu nên không bị phát hiện. Lần này, do đi vào lúc xế chiều, thời điểm mà các đoàn quân xa đã về hết vì sợ Quân Giải phóng phục kích, đồng thời đoàn xe lại có những biểu hiện nghi vấn, chẳng hạn như mở đèn, bật còi hụ và lại có thêm chiếc Jeep dân sự nên mới khiến Quân cảnh Long An nghi ngờ là chở quân đảo chính!".

Ngay hôm sau, nhiều tờ báo xuất bản tại Sài Gòn loan tin ầm ĩ về chuyện "buôn lậu có còi hụ". Lợi dụng cơ hội, các nhóm đối lập với Nguyễn Văn Thiệu nhân danh phong trào "toàn dân chống tham nhũng", phát động những cuộc biểu tình, yêu cầu phải nhanh chóng đưa vụ việc ra trước ánh sáng công lý?

Bản kết luận điều tra của Tiểu đoàn 3 Quân cảnh không hiểu do vô tình hay cố ý, rò rỉ cho báo chí đã chứng minh rằng đường dây buôn lậu này liên quan đến nhiều cấp, nhiều binh chủng khác nhau: Hàng lậu từ tàu đánh cá được sang mạn cho tàu của Giang đoàn 56 tuần thám, Chỉ huy trưởng là thiếu tá Ninh Duy Định vận chuyển vào kinh Chợ Gạo, Mỹ Tho.

Tiếp theo, bộ phận Quân vận Biệt khu thủ đô chịu trách nhiệm đưa hàng từ Mỹ Tho về Cây Da Sà, Sài Gòn dưới sự mở đường của Tiểu đoàn Quân cảnh Biệt khu thủ đô. Căn cứ vào sự vụ lệnh công tác cũng như các biên bản hỏi cung những người trực tiếp tham gia vận chuyển hàng lậu, đã cho thấy ngoài viên tướng ở Phòng 6 Bộ Tổng tham mưu - người trực tiếp ký giấy đi đường cho đoàn xe, còn có hai đại tá là Lê Văn Năm, Chung Văn Bông, chuẩn tướng Phạm Hữu Nhơn - Trưởng phòng 7 Bộ Tổng tham mưu, trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân đoàn III và phó đô đốc, trung tướng Chung Tấn Cang, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô…

(Còn tiếp)

Cao Trí
.
.