Một Oskar Schindler của Thụy Sĩ bị quên lãng

Thứ Năm, 18/01/2018, 15:33
Carl Lutz là nhà ngoại giao người Thụy Sĩ đã có công giải cứu 62.000 người Do Thái tại Hungary. Tuy được nhân dân các nước Israel, Đức, Hungary và Mỹ kính trọng nhưng tại ngay quê hương mình, thì nhiều người, nhất là giới trẻ không biết ông là ai...

Oskar Schindler là kỹ nghệ gia người Đức đã cứu mạng gần 1.200 người Do Thái khỏi thảm họa diệt chủng của Đức Quốc xã bằng cách thuê họ làm công nhân trong các nhà máy sản xuất đồ sứ và xưởng sản xuất đạn dược ở các nơi mà ngày nay thuộc về Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Còn Carl Lutz là nhà ngoại giao người Thụy Sĩ đã có công giải cứu 62.000 người Do Thái tại Hungary. Tuy được nhân dân các nước Israel, Đức, Hungary và Mỹ kính trọng nhưng tại ngay quê hương mình, thì nhiều người, nhất là giới trẻ không biết ông là ai...

Hàng chục nhà an toàn và hàng nghìn tấm hộ chiếu cứu sinh

Ở vùng ngoại ô thủ đô Berne của Thụy Sĩ, có một con đường tĩnh lặng mang tên Carl Lutz nhưng hầu như không ai biết nhân vật này đã có công trạng gì đặc biệt, ngoại trừ chức danh của nhân vật này được ghi rõ trên tấm biển: Phó Lãnh sự Thụy Sĩ ở Budapest từ năm 1942-1945.

Trong khi trong tàng thư của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ vẫn lưu giữ nhiều bằng chứng cụ thể bao gồm hàng ngàn bức thư kèm theo ảnh chụp các gia đình người Do Thái, tất cả đều được chính quyền nước này đóng dấu. Đó là toàn bộ bằng chứng chứng minh nỗ lực của Carl Lutz giải cứu hàng chục ngàn người Do Thái thoát khỏi cuộc tàn sát hàng loạt của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II.

Ông Carl Lutz ở Budapest.

Carl Lutz sinh ngày 30-3-1895 tại Walzenhausen, Thụy Sĩ. Năm 18 tuổi, ông cùng gia đình di cư đến Hoa Kỳ, nơi ông sống và làm việc trong hơn 20 năm. Nơi mưu sinh đầu tiên là bang Illinois,  sau đó Carl Lutz đi làm để kiếm tiền theo học tại Đại học Central Wesleyan ở Warrenton, bang Missouri. Năm 1920, Carl Lutz tìm được việc làm tại tổ chức Swiss Legation ở thủ đô Washington. Tại đây, ông tiếp tục theo học tại Đại học George Washington và tốt nghiệp với tấm bằng bằng cử nhân vào năm 1924.

Năm 1926 đến năm 1934, Carl Lutz lần lượt được bổ nhiệm làm đại diện tại Lãnh sự quán Thụy Sĩ ở Philadelphia và ở St. Louis. Năm 1934, ông rời Hoa Kỳ để nhận nhiệm vụ làm Phó lãnh sự Thụy Sĩ ở Jaffa, sau đó nhận nhiệm sở ở Palestine cho đến năm 1942 rồi chuyển đến làm việc ở thủ đô Budapest của Hungary năm 1942.

Một năm trước đó, chính phủ Hungary đã ngả theo nước Đức và đến năm 1944, nước này bị Đức Quốc xã chiếm đóng hoàn toàn. Với cương vị là Phó tổng lãnh  sự Thụy Sĩ ở Budapest, Carl Lutz sớm hợp tác với Cơ quan người Do Thái Palestine. Ông đã ban hành các chứng thư an toàn của Thụy Sĩ cho phép gần 10.000 trẻ em Do Thái gốc Hungary được phép di cư. Nhà nước Hungary dưới quyền thủ tướng thân Đức Ferenc Szalasi và đảng Mũi tên Chữ thập thân phát xít của ông phối hợp cùng cảnh sát Hungary đã lùng bắt gần 440.000 người Hungary gốc Do Thái.

Charlotte Schallie, chuyên gia nghiên cứu cuộc tàn sát người Do Thái của Hitler, cho biết: "Sau khi Budapest bị Đức Quốc xã chiếm đóng, người Do Thái ở Hungary may mắn được Carl Lutz nhanh chóng thu xếp để họ rời khỏi nước này trong bí mật".

Ông Carl Lutz (phải) và tài xế riêng ở Budapest.

Một trong những người chịu ơn của Carl Lutz là bà Agnes Hirschi, người Do thái gốc Hungary chào đời ở Anh và về sau chuyển đến ở Budapest. Agnes Hirschi kể: "Cả gia đình chúng tôi được Carl Lutz cấp cho hộ chiếu bảo vệ". Số lượng người Do Thái ở Hungary phải đến hàng chục vạn, để tìm cách giải cứu họ, dù chỉ là phần nhỏ trong số này, Lutz đã có cách xoay trở táo bạo.

Trước hết, ông thuyết phục người Đức cho phép ông phát hành 8.000 hộ chiếu cho phép người cầm hộ chiếu được rời Hungary. Số hộ chiếu này, Carl Lutz âm thầm cấp cho toàn bộ các gia đình người Do Thái. Sau khi đạt tới con số 7.999 hộ chiếu, ông bắt đầu quay trở lại con số 1 với hy vọng người Đức không chú ý sự cấp trùng nhiều lần. Theo ước tính của các nhà sử học, Lutz đã giải cứu được 62.000 người Do Thái. "Đó là chiến dịch giải cứu dân thường lớn nhất trong Thế chiến thứ II"- Schallie nhận định.

Cuối cùng, hành động của Carl Lutz cũng bị người Đức phát hiện và họ đã có ý định trừ khử ông nhưng may mắn điều đó đã không xảy ra. Khi bị thua trận ở khắp nơi, bọn Đức Quốc xã ở Hungary càng trở nên tàn bạo hơn - thay vì đưa người Do Thái đến hệ thống trại tập trung, bọn chúng bắt đầu chở các gia đình người Do Thái đến bờ sông Danube rồi xả súng bắn chết hàng loạt. Một ngày nọ, một chiếc xe tải của quân Đức nhét đầy người Do Thái đỗ xịch ngay trước trụ sở của đảng Mũi tên Chữ thập. Vừa lùa hết người trên xe xuống, quân Đức và cảnh sát Hungary đã xả súng vào họ.

Carl Lutz đã lao xuống dòng sông Danube để cứu một người phụ nữ Do Thái thân mình đầy máu (nơi này giờ là bến tàu mang tên ông - Bến Carl Lutz). Dìu người phụ nữ sắp chết lên bờ, Carl Lutz yêu cầu nói chuyện với các sĩ quan Hungary phụ trách đội bắn. Ông tuyên bố người phụ nữ này là công dân nước ngoài được chính phủ Thụy Sĩ bảo vệ. Khẩu khí và lý lẽ của Carl Lutz khiến những họng súng đang chĩa vào ông và người phụ nữ kia đều phải hạ xuống.

Bà Agnes Hirschi và danh sách các gia đình người Do Thái được Carl Lutz giải cứu.

Sau chuyện này, Carl Lutz bí mật lập ra 76 ngôi nhà an toàn để che giấu những nạn nhân người Do Thái. Bên cạnh đó, chính quyền Thụy Điển và Hội Chữ Thập Đỏ cũng lập ra 120 ngôi nhà an toàn khác ở khắp Budapest.

Agnes Hirschi nhớ lại nơi trú ẩn an toàn bên trong tòa nhà lãnh sự quán Thụy Sĩ ở Budapest vào tháng 12-1944: "Tôi được tổ chức sinh nhật lần thứ 7 trong một tầng hầm bí mật. Bố Carl Lutz đã tặng tôi vài thanh kẹo chocolate" (Carl Lutz sau này trở thành bố dượng của bà Agnes Hirschi). Vợ của Carl Lutz là bà Gertrud đã hỗ trợ chồng rất nhiều trong suốt thời gian chồng bà hoạt động ở Budapest. Bà mất không lâu sau khi Thế chiến thứ II kết thúc và Carl Lutz, vào năm 1949 đã đi bước nữa với Magda Csanyi, người được ông bảo vệ cùng cô con gái Agnes.

Những chứng tích nhắc về quá khứ

Agnes Hirschi rời khỏi tầng hầm trong lãnh sự quán Thụy Sĩ vào tháng 2-1945 khi quân đội Xôviết chiến thắng Đức Quốc xã và giải phóng Hungary. Đối với Carl Lutz, chiến tranh đã kết thúc, ông được triệu hồi về thủ đô Berne của Thụy Sĩ. Nhưng khi trở về Thụy Sĩ, ông không hề được chào đón như một vị anh hùng. Carl Lutz qua đời năm 1975 tại Berne.

Trong một cuộc phỏng vấn không lâu trước khi qua đời, Carl Lutz nói ra sự thật: "Không ai cảm ơn tôi mà chỉ bảo rằng tôi sống sót trong chiến tranh là điều may mắn. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao cũng không bắt tay tôi". Tại sao người Thụy Sĩ quá lạnh lùng như vậy? Nhà sử học Francois Wisard giải thích: "Ở Thụy Sĩ, người ta không thích tôn sùng cá nhân như các quốc gia khác. Tôi cho rằng Carl Lutz là trường hợp ngoại lệ. Nhưng đối với ông, tôi không có từ nào khác để mô tả, trừ từ “Anh hùng".

Ngày nay, đoạn đường Szechenyi chạy ven bờ sông Danube của thủ đô Budapest có một công trình kiến trúc khiêm tốn tưởng niệm những nạn nhân Holocaust của hơn 70 năm về trước mà khi thường lãm, người ta không ngước nhìn mà phải cúi xuống: Đó là những chiếc giày đủ hình dáng và kích cỡ được làm bằng sắt và được gắn chặt xuống lòng đường. Công trình nhắc nhớ về một quá khứ đau thương của thành phố Budapest trong Thế chiến thứ II.

Công trình tưởng nhớ những nạn nhân người Do Thái bên bờ sông Danube chảy qua thủ đô Budapest.

Câu chuyện đau lòng vẫn còn khắc sâu trong lòng người dân thành phố Budapest: rất nhiều người Do Thái đã bị cột lại với nhau, bắn trên bờ sông rồi từng khối thi thể trôi theo dòng nước lạnh. Những kẻ ra tay hạ sát cho rằng, ném thi thể xuống dòng sông là cách tiện lợi nhất vì dòng sông sẽ mang thi thể nạn nhân trôi đi xa. Thông thường, những nạn nhân trước khi bị bắn sẽ được lệnh phải cởi bỏ giày.

Trong những năm tháng chiến tranh, giày là một mặt hàng quý hiếm. Những người Do Thái cũng hiểu được điều ấy nên họ sẽ bán giày của mình ở chợ đen hoặc luôn giữ bên mình. Có những nhóm vài người bị buộc vào nhau nhưng chỉ một người bị bắn. Khi người bị bắn ngã xuống sông sẽ kéo theo người còn lại, thoi thóp trong dòng nước rồi cũng ra đi mãi mãi nên thời bấy giờ, người ta gọi sông Danube là "nghĩa địa Do Thái".

Công trình tưởng niệm với những đôi giày bỏ lại bên bờ sông Danube là  ý tưởng của đạo diễn Can Togay. Ông đã cùng nhà điêu khắc Gyula Pauer dựng lên công trình này từ năm 2005. Bên những đôi giày là tấm biển thông tin ghi bằng 3 thứ tiếng Anh, Hungary và tiếng Hebrew: "Để tưởng nhớ các nạn nhân bị bắn bên dòng sông Danube vào những năm 1944-1945. Khởi công ngày 16-4-2005". Có tổng cộng 60 đôi giày sắt nằm bên bờ sông Danube. Không chỉ có những khách du lịch và người dân địa phương, đây còn là nơi rất đông người thân của các nạn nhân từng thiệt mạng bên dòng Danube đến đặt vòng hoa tưởng nhớ những người đã khuất.

Tượng tưởng niệm Carl Lutz ở Budapest, Hungary.

Mặc dù bị chính đất nước Thụy Sĩ làm ngơ, song Carl Lutz vẫn được các nước khác kính trọng: Israel, Đức, Hungary và Mỹ. Ngày 13-12 -2006, một buổi lễ tưởng niệm Carl Lutz đã diễn ra tại Tòa lãnh sự Thụy Sĩ ở Budapest với sự tham dự của các nhà ngoại giao nước ngoài, các quan chức chính phủ Hungary và đại diện của cộng đồng người Do Thái.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Thụy Sĩ Marc André-Salamin đã nhắc lại những kỷ niệm về tiền bối, ghi nhận Carl Lutz là "một trong những anh hùng của thế kỷ XX". Thị trưởng Budapest Gábor Demszky nhấn mạnh rằng, nếu không có những nỗ lực bất chấp hiểm nguy của Carl Lutz, Budapest có thể sẽ không trở thành một đô thị đa văn hóa như ngày nay.

Ông nói thêm rằng, Budapest là thủ đô duy nhất ở Đông Âu, nơi một cộng đồng người Do Thái cả trăm nghìn người đã sống sót sau thảm họa Holocaust. Năm 2018 này, một căn phòng trong tòa nhà Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ sẽ được mang tên Carl Lutz. Thế mà khi đặt câu hỏi về Carl Lutz thì nhiều người Thụy Sĩ, nhất là giới trẻ vẫn ngơ ngác hỏi:"Ông ấy là ai?".

Duy Ân - Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.