Thiếu tướng An ninh Lê Tiền, Anh hùng LLVTND:

Một đời gắn bó với đất phương Nam

Thứ Tư, 25/11/2009, 15:30
LTS: Ngày 6/10 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1434/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho 1 tập thể, 4 cá nhân thuộc lực lượng An ninh, Bộ Công an; trong đó có Thiếu tướng Lê Tiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Nhân dịp này, Chuyên đề ANTG xin chúc mừng ông và giới thiệu bài viết về một phần quãng đời hoạt động và chiến đấu của ông.

Được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND thời chống Mỹ quả là một sự... hơi muộn màng, song rất xứng đáng đối với ông. Thiếu tướng An ninh Lê Tiền là người miền Bắc, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của ông lại gắn bó và chủ yếu là ở miền Nam, đặc biệt là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan nhưng rất hào hùng. Ông vẫn thường được gọi một cách thân mật theo kiểu Nam Bộ là Hai Tiền, anh Hai Tiền, chú Hai Tiền...

Một buổi chiều, tôi được nghe vị Tướng An ninh lão thành kể rất vắn tắt về quá trình hoạt động cách mạng của ông.

Thiếu tướng Lê Tiền sinh ra và lớn lên ở Hải Dương trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Sau đó đến năm 1946 cả nhà ông lên Hà Nội sinh sống cũng theo yêu cầu của cách mạng để làm cơ sở cho cán bộ hoạt động bí mật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tháng 12/1946, Hà Nội sục sôi không khí kháng chiến. Lúc đó Lê Tiền mới 15 tuổi, nhưng đã hăng hái tham gia lực lượng tự vệ thủ đô, phụ trách một tổ quân báo của huyện Đông Anh.

Năm 1948, chàng thanh niên Lê Tiền đầy nghĩa khí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được điều động về công tác ở Công an tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Vĩnh Phúc) và được bố trí trong Ban trinh sát chính trị. Tháng 8/1949, Pháp tấn công chiếm đóng gần hết hai tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên.

Tháng 5/1950, ta sáp nhập hai tỉnh này thành tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất lực lượng kháng chiến cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí Lê Tiền được phân công làm Tổ trưởng Tổ tình báo nắm tình hình quân sự của địch ở Phúc Yên và kiêm Đội trưởng công an vũ trang thị xã Phúc Yên và khu vực lân cận. Đơn vị này trực thuộc Ban bảo vệ chính trị của Công an tỉnh Phúc Yên và đã lập nhiều thành tích diệt ác trừ ôn, kêu gọi nhiều tề ngụy  đầu hàng cách mạng, mở rộng địa bàn kiểm soát của ta...

Năm 1954, ông được cấp trên cử làm Quyền Trưởng Công an huyện Đông Anh. Lúc đó, Lê Tiền mới 20 tuổi. Đến năm 1957, ông được đề bạt Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị của Công an Vĩnh Phúc.

Cuối những năm 50 đầu 60 của thế kỷ trước, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Vượt qua những khó khăn về hoàn cảnh gia đình, đồng chí Lê Tiền đã quyết định làm đơn gửi cấp trên cho vào Nam chiến đấu. Lá đơn đã được gửi lên lãnh đạo Bộ Công an thời bấy giờ. Thứ trưởng Bộ Công an Ngô Ngọc Du đã gặp riêng đồng chí Lê Tiền để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nêu những khó khăn, gian khổ, hy sinh ở chiến trường... nhưng ông vẫn quyết tâm  lên đường vào miền Nam chiến đấu.

Sau khi được đào tạo nghiệp vụ cơ bản công tác công an và trang bị những kiến thức cần thiết cho hoạt động ở chiến trường miền Nam, tháng 2/1962, đồng chí Lê Tiền cùng với 260  cán bộ công an đợt đầu tiên chi viện cho lực lượng an ninh miền Nam lên đường.

Sau khoảng 6 tháng vượt qua những chặng đường gian khổ trên con đường Trường Sơn huyền thoại và những vùng đất Nam Bộ, tháng 8/1962, Lê Tiền và một số cán bộ công an vào đến ấp Kinh Tắc, gần ngã ba Đầm Chim thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, nơi tận cùng của Tổ quốc. Đó là vùng đất do lực lượng cách mạng kiểm soát mặc dù địch nhiều phen tấn công ác liệt.

Trong thời kỳ này, Ban An ninh khu Tây Nam Bộ do đồng chí Lâm Văn Thê (Ba Hương, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ - tức Bộ Công an - hiện đã mất) làm Trưởng ban. Lúc đó lực lượng tại chỗ của Ban An ninh khu Tây Nam Bộ còn mỏng do một số thì đã tập kết ra Bắc từ trước, một số thì phân tán ở các tỉnh. Sau khi được Bộ chi viện cán bộ từ miền Bắc vào và tăng cường khoảng một chục cán bộ từ quân đội sang, Ban An ninh khu Tây Nam Bộ dần dần được củng cố, thành lập các tiểu ban, trường đào tạo.

Ông Ba Hương yêu cầu số cán bộ mới được chi viện tổ chức công tác đào tạo, huấn luyện về chính trị, nghiệp vụ cho lực lượng an ninh của khu và các địa phương khu Tây Nam Bộ. Mặc dù không mang theo tài liệu từ miền Bắc vào nhưng với ý thức tự lực tự cường, tự nâng cao năng lực và sức chiến đấu từ trong thực tiễn, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban An ninh khu Tây Nam Bộ,  đồng chí Lê Tiền và một vài cán bộ khác đã tự biên soạn giáo trình, tài liệu trên cơ sở kiến thức đã được học và từ thực tiễn công tác, chiến đấu, tổ chức nhiều lớp đào tạo ở chiến khu.

Đồng chí Lê Tiền trực tiếp giảng các bài về công tác trinh sát. Ông nói, mình phải làm "thầy" một cách bất đắc dĩ, nhưng công việc mới và thực tiễn đòi hỏi đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao ngay tại chiến khu Tây Nam Bộ.  Nhiều cán bộ cấp phó, trưởng ban an ninh các tỉnh, huyện cho đến các lớp trinh sát đã được đào tạo ngay tại chiến trường. Nhiều đồng chí sau này trở thành những cán bộ chỉ huy xuất sắc của lực lượng Công an miền Nam. Sau ngày giải phóng, có nhiều người gặp lại ông Lê Tiền đã thân mật gọi ông là "sư phụ"...

Năm 1963, Khu ủy Tây Nam Bộ mở chiến dịch phá "ấp chiến lược", một "quốc sách" của địch ở miền Nam lúc đó. Đồng chí Lê Tiền được cử tham gia đoàn chỉ đạo của Khu ở tỉnh Cần Thơ. Mặc dù lạ nước lạ cái, dân tình cũng lạ, nhưng với sự năng nổ, hòa mình cùng đồng đội và nhân dân, chịu lăn lộn với phong trào, lại được nhân dân ủng hộ, đoàn của đồng chí Lê Tiền (đồng chí Chín Lân làm trưởng đoàn) đã tổ chức nhiều đợt phá "ấp chiến lược" trên lộ Tầm Vu, củng cố xã chiến đấu và phát triển lực lượng cách mạng.

Đến năm 1964, đồng chí Lê Tiền lại được điều về Ban An ninh khu và được chỉ định là Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị. Trong những năm tháng tiếp theo, ông đã cùng cán bộ của Tiểu ban củng cố, xây dựng đơn vị, thành lập một đội ngũ trinh sát với nhiều đội, bố trí thành các trận địa phản gián bảo vệ căn cứ khu và thành lập một đội trinh sát vũ trang để tổ chức các đợt tấn công vào các căn cứ xuất phát của lực lượng tình báo địch.--PageBreak--

Đến năm 1967, ông được lệnh trên điều động lên địa bàn thành phố Cần Thơ, trung tâm chỉ huy Vùng 4 chiến thuật của địch, để nắm tình hình chuẩn bị cho đợt "hoạt động đặc biệt", đó là cuộc Tổng tấn công tết Mậu Thân. Đồng chí Lê Tiền được chỉ định làm chỉ huy chung lực lượng an ninh phối hợp với lực lượng quân sự tham gia tấn công vào các mục tiêu như trung tâm tình báo, cảnh sát của Vùng 4 chiến thuật địch tại Cần Thơ. Sau đó, ông được đề bạt làm Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị của Ban An ninh khu Tây Nam Bộ. Trong thời kỳ này, ông đã gặp đồng chí Nguyễn Phước Tân (Hai Tân) và trở thành bạn chiến đấu thân thiết của nhau cho đến cả sau ngày giải phóng.

Sau đó, đến tháng 5/1968, đồng chí Lê Tiền được cấp trên điều động về Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam lúc đó căn cứ ở chiến khu Tây Ninh. Ông được giao nhiệm vụ Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị của Ban An ninh Trung ương Cục (đơn vị có bí số C51, sau này được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND vào năm 2005).

Ông tâm sự một cách khiêm tốn rằng, nhiệm vụ mới nặng nề hơn, tầm hoạt động rộng hơn, trách nhiệm cao hơn đối với ông và ông phải nỗ lực vượt lên chính mình để đảm đương công việc. Lực lượng C51 từng bước được xây dựng và củng cố sau sự kiện tết Mậu Thân.

Về lại chiến trường xưa.

Đầu năm 1970, Lon Non được Mỹ hậu thuẫn lật đổ Sihanouk ở Campuchia, đồng thời Mỹ - ngụy cho đổ quân đánh tràn lên biên giới Việt Nam - Campuchia hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của lực lượng kháng chiến ở miền Nam. Ông cùng lực lượng của Tiểu ban Bảo vệ chính trị C51 phối hợp cùng quân đội và các ban, ngành thuộc Trung ương Cục miền Nam đập tan trận càn lớn của địch, bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Năm 1972, ta quyết định giải thể 6 phân khu xung quanh Sài Gòn - Gia Định được lập ra trong dịp Mậu Thân và lập lại Khu miền Đông Nam Bộ. Các cơ quan Khu cũng được thành lập. Đồng chí Lê Tiền cùng một số cán bộ của Ban An ninh Trung ương Cục được phân công về cơ sở, tham gia Ban An ninh khu có căn cứ là chiến khu D ở Mã Đà nổi tiếng là gian lao. Ông được chỉ định vào Ban lãnh đạo An ninh khu miền Đông. Tại Đại hội đầu tiên của Đảng bộ An ninh khu miền Đông, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Và lại bắt đầu công việc hầu như từ con số không, ông cùng ban lãnh đạo An ninh khu miền Đông Nam Bộ xây dựng bộ máy. Lực lượng nghiệp vụ, đơn vị trinh sát vũ trang để đảm bảo công tác an ninh ở 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Vừa xây dựng, vừa chiến đấu, An ninh khu Đông Nam Bộ đã tổ chức đấu tranh một số vụ án quan trọng, phát hiện và bắt giữ một số tên gián điệp xâm nhập vào vùng căn cứ của khu, đặc biệt là đưa lực lượng phối hợp vào tiếp quản thị xã Lộc Ninh mới được giải phóng. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng miền Nam.

Cuối tháng 12/1974, đồng chí Lê Tiền được cấp trên chỉ định thay mặt Ban An ninh khu Đông Nam Bộ tham gia đoàn Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam ra Bắc báo cáo tình hình với lãnh đạo Bộ Công an để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.

Những tháng đầu năm 1975, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến rất nhanh, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đồng chí Lê Tiền cùng đoàn An ninh miền Nam đã kịp thời trở lại miền Nam. Ngày 24/4/1975, ông đã về đến khu miền Đông và tham gia chiến dịch. Ông được phân công làm thường trực Ban An ninh khu liên hệ với Khu ủy và chỉ huy chung lực lượng an ninh ở Khu để giải quyết những việc phát sinh.

Ngày 1/5/1975, đơn vị của ông tiếp quản hầu hết các cơ sở tình báo và cảnh sát chế độ cũ tại Biên Hòa, bắt đầu tổ chức lập lại an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng.

Từ năm 1981 đến 1987, các đồng chí Nguyễn Phước Tân, Lê Tiền, Hồ Khiết và một số cán bộ cấp Cục, Phòng và trinh sát được rút về thành lập đơn vị đặc biệt có bí số K4/2 làm nhiệm vụ tổ chức đấu tranh các vụ án lớn, phá âm mưu hoạt động của địch ở phái Nam. Đồng chí Nguyễn Phước Tân làm Tổ trưởng, các đồng chí Lê Tiền và Hồ Khiết là Tổ phó.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và lãnh đạo chiến lược của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), lực lượng An ninh Việt Nam với vai trò chỉ đạo thường trực, trực tiếp tổ chức thực hiện của đơn vị K4/2 và một số đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương phía Nam, đã tiến hành một trong những kế hoạch đấu tranh với bọn phản cách mạng lớn nhất trong lịch sử bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là Kế hoạch CM-12 lịch sử.

Với vai trò là Thường trực Kế hoạch CM-12, đồng chí Lê Tiền đã cùng tập thể lãnh đạo lực lượng an ninh có nhiều sáng tạo, mưu trí trong cách đánh địch và lập thành tích xuất sắc trong chiến công vẻ vang này. Trong kế hoạch phản gián này, đồng chí Lê Tiền đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (1983) và Huân chương Quân công hạng Nhì (1985).

Năm 1987, ông được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị I và Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Trên cương vị công tác mới, với tinh thần trách nhiệm cao và sự sáng tạo, ông đã có nhiều đóng góp vào nhiều chiến công, thành tích của lực lượng an ninh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thiếu tướng Lê Tiền đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý vì những công lao trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1990, ông được phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân.

Trong nhiều lần gặp gỡ với thế hệ cán bộ an ninh trẻ tuổi, Thiếu tướng Lê Tiền đã dành sự khâm phục, ca ngợi một cách chân thành đối với các đồng chí Phạm Hùng, Cao Đăng Chiếm, Nguyễn Phước Tân, Ngô Quang Hớn...  Ông cũng đánh giá cao các thế hệ lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ lực lượng an ninh hiện nay, đã có nhiều thành tích góp phần bảo vệ vững chắc an ninh của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển

Trung Chính
.
.