Một người 9 năm liền phục vụ Bác

Thứ Tư, 30/05/2007, 14:45

Chúng tôi lên thị trấn Cầu Gồ, thủ phủ của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang hỏi thăm đường về nhà ông Hoàng Tấn Quang, tại thôn Tân Hồng, thị trấn Nông Trường, người có 9 năm liền phục vụ Bác Hồ. Bà cụ bán hàng nước sau khi nhiệt tình chỉ dẫn đường còn  giới thiệu: "Ông Quang là người nấu ăn cho Cụ Hồ đấy!".

Anh công nhân nông trường cam ngày ấy

Sinh năm 1934, là người dân tộc Nùng tại xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, năm 18 tuổi cũng như bao thế hệ thanh niên thời đó, anh thanh niên Hoàng Tấn Quang đã nhiều lần xung phong đi bộ đội nhưng đều không được do không đủ sức khỏe. Anh liền chuyển sang hoạt động ở địa phương với suy nghĩ làm sao đóng góp được nhiều công sức cho cách mạng.

Sau vài năm hoạt động ở xã, rồi tham gia đoàn dân công đi xây dựng khu tự trị Việt Bắc, khoảng đầu năm 1959, anh chuyển về công tác tại Nông trường Yên Thế (lúc này nông trường chủ yếu trồng cam Bố Hạ).

Công tác nhiệt tình, là đảng viên trẻ, bí thư chi đoàn thanh niên nên anh được tổ chức và mọi người quý mến.

Vào tháng 3/1960, anh được tổ chức nông trường yêu cầu làm hồ sơ lý lịch để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Đến tháng 12/1960, anh và anh Ngô Văn Các, một cán bộ rất giỏi về kỹ thuật trồng cam của nông trường được đưa về Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang.

Lúc này đồng chí Trần Trung, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Ngô Duy Phương, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh mới gặp mặt và phân công rõ nhiệm vụ cho hai người là về Phủ Chủ tịch trông nom và chăm sóc vườn cây cho Bác.

Thế là trong tâm trạng vừa mừng vừa tự hào song lại rất đỗi lo lắng, mùa đông năm 1960, anh chia tay gia đình, bạn bè, xa nông trường cam để về thủ đô.

Những ngày đầu ở Phủ Chủ tịch đối với anh thanh niên Hoàng Tấn Quang thật khó khăn và vất vả, công việc thì không nhiều nhưng do mọi hoạt động, sinh hoạt đều phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật nên không tránh khỏi những lúc căng thẳng tưởng như không vượt qua nổi.

Thế nhưng, cũng chính trong những thời điểm khó khăn đó, sự gần gũi giản dị, sự quan tâm của vị Cha già kính yêu đã làm anh thêm vững tin hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt qua được mọi thử thách.

Những kỷ niệm sâu sắc

Hơn 40 năm đã trôi qua, song ông Quang vẫn nhớ rất rõ những kỷ niệm sâu sắc về Bác. Dường như đối với ông những ngày tháng được ở bên Bác  mới chỉ hôm qua.

Ông kể lần đầu ông được trò chuyện với Bác là vào tháng 4/1961, khi đó Bác đi ra vườn cây và chỉ vào cái cây ông đang tưới rồi hỏi: “Chú có biết cây này là cây gì không?”. Ông Quang lúng túng trả lời: “Thưa Bác cháu không biết ạ”.

Bác chậm rãi chỉ từng cây giảng giải: “Đây là cây móng bò, còn kia là cây tường vi”.

Rồi Bác ôn tồn nói như nhắc nhở: “Người chăm sóc hoa thì phải biết tên các loài hoa”.

Lời dạy của Bác làm ông nhớ mãi, từ đó về sau, làm việc gì ông cũng để ý, tìm hiểu cặn kẽ.

Lần khác nhìn thấy hàng râm bụt được trồng ở dọc lối đi, ông nảy ra sáng kiến uốn những thanh tre thành cái vòm cổng rồi buộc những cành cây râm bụt theo cái vòm cổng đó, đến mùa râm bụt ra hoa, cả vòm cổng rực rỡ, trông rất đẹp, Bác nhìn thấy liền khen: “Ồ các chú làm đẹp quá”. Ông và anh em rất vui.

Càng ở gần Bác, ông và những đồng chí cần vụ, giúp việc, bảo vệ Bác càng học được nhiều điều bổ ích, sâu sắc từ những việc làm tưởng như hết sức giản dị, bé nhỏ.

Tháng 10/1964, ông được phân công vào tổ trực tiếp phục vụ Bác, tổ gồm 9 người. Cả 9 anh em trong tổ phục vụ Bác mỗi người một việc, song đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đều được Bác rất quý.

Mỗi tháng anh em được Bác tổ chức ăn cơm chung một lần. Bữa cơm của vị Chủ tịch nước với anh em trong tổ phục vụ cũng rất giản dị, đạm bạc, cơm thường chỉ với cá kho, cà muối, rau luộc.

Khi ăn, Bác thường động viên mọi người: “Chú Cẩn (đồng chí nấu ăn) đã có công nấu ra đây, Bác cháu ta phải cùng nhau ăn cho hết”.

Câu chuyện về bữa ăn cháo ngô của Bác là một câu chuyện mà đến nay mỗi lần kể lại ông Quang vẫn không khỏi xúc động.

Ông nhớ là vào khoảng giữa năm 1965, khi đó miền Bắc mất mùa, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, cộng với việc giặc Mỹ leo thang đánh phá, tình hình kinh tế khó khăn, Bác và Chính phủ đề ra chủ trương một tuần ăn cháo ngô để tiết kiệm lương thực ủng hộ đồng bào khó khăn. Chủ trương được thực hiện ngay, ngô được dùng để nấu cháo là loại ngô non, giã ra, hoặc gọt hạt lọc rồi cho vào nấu cháo.

Song mọi người trong Phủ Chủ tịch không nỡ để Bác ăn cháo ngô nên đề nghị Bác ăn cơm, Bác từ chối và nói: “Bác là người đề ra chủ trương thì phải là người gương mẫu thực hiện”. Cả tuần liền mỗi bữa ăn khi bưng bát cháo ngô cho vị Chủ tịch nước, mà nước mắt của ông Quang như muốn trào ra.

Đức tính tiết kiệm và giản dị của Bác không chỉ ở việc ăn uống, ông Quang còn được chứng kiến vào một buổi sáng, khi đi dạo với Bác, đồng chí Vũ Kỳ nói với Người: "Thưa Bác, Bác cho phép chúng cháu thay đôi dép khác vì dép cao su của Bác đã mòn quá rồi”.

Quả thật đôi dép cao su của Bác thường đi đã mòn vẹt cả một bên gót.

Nghe vậy, Bác liền gạt đi: “Dép vẫn còn đi tốt lắm”. Lần khác, trong lúc đang chuẩn bị giường để Bác đi nghỉ sau giờ làm việc buổi tối, Bác gọi ông Quang: "Chú Quang, lại đây Bác bảo”, ông Quang lại gần, Bác chỉ vào chiếc chiếu nhỏ để trong gầm giường, bảo: “Chú đem chiếc chiếu này về vá cho Bác”. Thì ra, Bác dùng chiếc chiếu vá trải lên trên đệm.

Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thiết thực lập thành tích kỷ niệm ngày sinh của Người, ông tâm niệm rằng, đối với những người may mắn được sống và phục vụ Bác Hồ thì càng phải cố gắng nhiều hơn để làm việc có ích cho xã hội

Đỗ Tuấn Khoa
.
.