"Một thời Quảng Trị" - Tấm lòng tri ân với đồng đội

Thứ Tư, 22/10/2008, 13:30
Cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” viết về quãng thời gian 8 năm, gần 3.000 ngày, từ tết Mậu Thân 1968 đến mùa xuân 1975. Tám năm, quãng thời gian không dài so với một đời người, nhưng lại là quãng thời gian dài dằng dặc bởi cuộc chiến đấu diễn ra từng phút, từng giờ, từng ngày luôn ở trạng thái căng thẳng, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Mỗi một ngày là hàng nghìn quả đạn pháo trút xuống, là không ít đồng đội đã ngã xuống ngay bên chiến hào...

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã viết trong cuốn hồi ức: “Tôi nghĩ phải bằng mọi cách để có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không lãng quên Một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”.

Chính vì nỗi niềm “đau đáu” đó của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mà Đại tá Lê Hải Triều đã chắp bút những trang nhật ký, ghi chép của ông lại để viết thành “Một thời Quảng Trị” - một cuốn hồi ức có giá trị không những cho những con người của ngày hôm qua, hôm nay và cả thế hệ mai sau hiểu thêm về đất và người Quảng Trị trong khói lửa chiến tranh. Vâng! Quảng Trị - niềm tự hào về tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc ta. Quảng Trị -  sự nể phục của bạn bè thế giới trước sự chịu đựng dẻo dai, phi thường của một dân tộc bé nhỏ trước một đế quốc hùng mạnh. Quảng Trị - một nỗi day dứt không nguôi của những người lính còn sống trở về trước linh hồn đồng đội đã hy sinh...

Đánh chiếm điểm cao 13 ở Bắc Quảng Trị.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu với tư cách là một người trong cuộc, muốn tái hiện lại thật đầy đủ, thật chi tiết về từng trận đánh, từng địa danh, từng con người đã chiến đấu ở nơi đây. Vì một quá khứ hào hùng đã qua và vì những tháng ngày hòa bình đang có. Phải biết trân trọng quá khứ mới thấy và hiểu rõ giá trị của cuộc sống ngày hôm nay. Đọc cuốn hồi ức, người đọc như đắm mình vào những tháng ngày sôi động với các trọng điểm, lũy thép, chiến dịch phản công, tấn công... thấy được sự tài trí, mưu lược, bản lĩnh của những người lãnh đạo chỉ huy; sự quyết tâm, tinh thần quả cảm của những người chiến sĩ. Và sáng lên tình đồng chí, đồng đội, sao mà thiêng liêng, cao đẹp đến thế! Những lúc gian nguy, cận kề cái sống, cái chết, vậy mà luôn có người nhận cái chết - sự hy sinh về mình. Đây cũng là bài học cho người lính ngày hôm nay: Trong lúc bộn bề của cuộc sống đã có những xao lãng về tình người, tình đồng đội thì hãy nhìn vào tấm gương của những người đi trước sẽ thấy hổ thẹn biết bao...

Cuốn hồi ức dày dặn, đầy ắp tư liệu, sự kiện, con người như vẫn còn muốn dài thêm mãi. Đọc cuốn hồi ức, độc giả có thể nhận thấy một điều: Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, vị tướng dạn dày trận mạc, đã trở thành cán bộ cấp cao trong quân đội, song ông đã không quên quá khứ của những ngày “nằm gai nếm mật”. Ông dành rất nhiều trang sách để viết về những trận đánh trong đó những tư liệu về đồng đội luôn chi tiết đến cả họ tên, quê quán: “Đại đội 2 bị tổn thất rất nặng vì khi vào tăng cường cho Đại đội 1, đại đội chiến đấu trên hướng đã bị lộ, địa hình lại trống trải, chỉ biết dựa vào những cây xương rồng và dứa dại để làm công sự. Ngoài Chính trị viên Cù Huy Đường và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Chấp đã kể trên, số anh em hy sinh còn có: Trung đội phó Hoàng Xuân Sơn, quê Nam Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Phan Công Dũng, quê Đương Sơn, Hương  Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Phan Văn Quyến, quê Liên Trì, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Hoàng Công Mậu, quê Kim Tiến, Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh...”. Còn nhiều, nhiều lắm những danh sách với đầy đủ tên tuổi, quê quán như thế của đồng đội đã hy sinh trong các trang hồi ký của ông.

Thông qua những cái tên được nhắc đến trong “Một thời Quảng Trị”, có nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được thông tin về người thân của mình. Báo Lao động, Báo Quân đội nhân dân... và nhiều tờ báo khác đã trích đăng những tư liệu quý của “Một thời Quảng Trị” như một tài liệu chính thống cung cấp thông tin về các liệt sĩ từng chiến đấu ở Quảng Trị. Những tấm lòng nối những tấm lòng. Người này đọc được thông báo cho người kia. Dù xa xôi về địa lý, dù sức khỏe không cho phép đến tận nơi, dù rằng những con người chưa một lần gặp mặt, nhưng vì nghĩa tình đồng đội, thông tin về các liệt sĩ vẫn được truyền đi lặng thầm nhưng đầy hiệu quả.

Như gia đình liệt sĩ Phạm Văn Long - Tiểu đội trưởng, quê Mỹ Hòa, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An đã tìm đến nơi anh Long và đồng đội hy sinh sau 39 năm không hề có tin tức. Anh Nguyễn Xuân Hải - con rể liệt sĩ Long đã xúc động nói: “Gia đình tôi không biết nói gì trước tấm lòng tri ân, nghĩa cử của ông Nguyễn Minh Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Báo Lao động. Nếu không có bài báo này, không biết đến bao giờ mới biết được nơi bố tôi đã hy sinh, nơi bố tôi đang yên nghỉ”. Hay như gia đình liệt sĩ Ngô Đức Hạt - Tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 2, quê ở thôn Vũ, Lương Nha, Thanh Sơn, Phú Thọ sau gần 40 năm đã tìm thấy thông tin về nơi liệt sĩ đã hy sinh, cũng nhờ nguồn tư liệu của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Vợ liệt sĩ Hạt nay đã 73 tuổi, nghẹn ngào: “Tôi rất muốn đưa hài cốt chồng tôi và đồng đội của ông ấy về quê để hương khói. Đã bao năm cạn nước mắt, hay tin từ Báo Lao động, tôi bật khóc”.

Và có rất nhiều thân nhân liệt sĩ trong giấy báo tử chỉ ghi hy sinh tại Quảng Trị, không ghi rõ nơi an táng các liệt sĩ đã gọi điện đến các tòa báo đăng tải danh sách các liệt sĩ theo tư liệu của “Một thời Quảng Trị” đề nghị tìm giúp thi hài các liệt sĩ đã được an táng ở đâu để gia đình hương khói sau gần 40 năm bặt tin. Chắc chắn sẽ còn nhiều những câu chuyện xúc động đằng sau các bản danh sách bởi những tấm lòng vì đồng đội như thế.

Thời gian trôi qua đã gần 40 năm, nhưng nỗi lòng của các thân nhân liệt sĩ khi chưa tìm được thông tin về sự hy sinh, nơi an táng của người thân vẫn làm trăn trở, day dứt nhiều người. Cứ mỗi một liệt sĩ được người thân đón về đoàn tụ với gia đình là một niềm vui khôn tả và là động lực thúc đẩy Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục với tâm nguyện thầm lặng của mình với đồng đội.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trăn trở: “Quê quán của cán bộ, chiến sĩ tôi viết lại theo trí nhớ của mình, nên có thể có chỗ chưa chính xác, mong gia đình các liệt sĩ lượng thứ...”, và ông mong rằng, thân nhân các liệt sĩ có thể biết được ngày, nơi hy sinh, nơi an táng của các liệt sĩ. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã âm thầm ghi lại tên của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Ông giữ tờ giấy ghi tên đồng đội hy sinh như báu vật. Đã có thời gian sợ trí nhớ lãng quên, sợ mất đi tờ giấy thiêng liêng ấy, ông đọc tên đồng đội vào máy ghi âm để lưu lại.

81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, chúng buộc phải lùi bước trước tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam. Nhưng sự hy sinh, mất mát của ta cũng thật lớn. Hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, không ít người chưa biết đến nụ hôn ngọt ngào của tình yêu đầu đời, bao ước vọng về cuộc sống còn đang hé mở. Máu xương của chiến sĩ ta đã là một phần trầm tích sâu dày của Quảng Trị. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã khẳng định: “Khi ta đứng trên đất Quảng Trị, ta dễ tìm thấy cội nguồn tình cảm và sức mạnh con người. Về chiến trường xưa không phải chỉ dành cho những ai đã từng có mặt ở đây trong chiến trận mà là cho mọi người, cho các thế hệ người Việt Nam và cả người nước ngoài”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã gọi Quảng Trị là “cõi thiêng trong tâm khảm nhân loại tiến bộ”. Cuốn hồi ức như một nén tâm nhang thắp lên trước anh linh đồng đội một thời cùng ông sát cánh chiến đấu, đồng cam cộng khổ, và mãi mãi hòa máu thịt của mình vào với đất, với nước của Quảng Trị anh hùng.

Bài viết có sử dụng một số thông tin được đăng tải trên Báo Lao động

Nguyễn Minh Thủy
.
.