"Một trăm giờ với Fidel" - Fidel và những tranh luận về án tử hình

Thứ Tư, 28/10/2009, 15:15
Không phải chúng tôi vui sướng gì khi cần phải áp dụng án tử hình. Đã có lúc, thậm chí các án tử hình đã được hủy bỏ; song những gì chúng tôi đã phát hiện từ những kế hoạch khủng bố, âm mưu phá hoại, không phải là ít...

- Nhà  báo Ignacio Ramonet:  Nhiều nước trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình. Tất cả các nước trong Liên minh châu Âu đã bãi bỏ, và nhiều người tự hỏi tại sao ở Cuba, một nước đạt được biết bao tiến bộ xã hội, lại chưa hủy bỏ án tử hình.

- Tôi nghĩ đây là một đề tài khó, và là một câu hỏi hay. Cái đó, cũng như những vấn đề về môi trường, và nhiều vấn đề khác, là những điều mà ở đây đã và đang tranh luận trong nhiều năm.

Có phải chúng tôi đã bàn luận với nhau về án tử hình khi chúng tôi quyết định làm Cách mạng, hoặc khi chúng tôi đi đấu tranh hay khi Cách mạng thắng lợi?

- Không, thực sự là, chúng tôi không tranh luận với nhau về chuyện đó. Có phải chúng tôi đã bàn luận với nhau vấn đề đó trong những năm đất nước bị xâm lược, gánh chịu cuộc "chiến tranh bẩn thỉu", những âm mưu ám sát, phá hoại và những thứ khác? Không, đúng là chúng tôi đã không tranh luận về vấn đề này. Chúng tôi suy nghĩ về những hình thức, những cách thức và những mặt hợp pháp của đề tài, và cũng có cả một ít kinh nghiệm lịch sử.

Đã suy nghĩ như thế nào? Rằng các phong trào chính trị cần phải tự bảo vệ. Các chế độ tư sản cũng vậy. Cả những cuộc phản cách mạng cũng như cách mạng cần phải tự bảo vệ thông qua các phương cách kiểu này hay kiểu khác. Đối với chúng tôi, điều cốt yếu lúc đó là tự bảo vệ mình thông qua những quy tắc, những phương thức hợp pháp và trên hết là tránh những điều phi nghĩa.

Tránh - như tôi đã giải thích - tất cả những gì ngoài pháp luật, ngoài công lý; đó là điều mà chúng tôi đã tránh.

Không phải chúng tôi vui sướng gì khi cần phải áp dụng án tử hình. Đã có lúc, thậm chí các án tử hình đã được hủy bỏ; song những gì chúng tôi đã phát hiện từ những kế hoạch khủng bố, âm mưu phá hoại, không phải là ít. Đã có lúc, trong năm đầu của Cách mạng, án tử hình đã được ngừng thi hành, nhưng anh bạn ơi, một số kha khá người đã được thoát chết, nhưng còn nhiều trường hợp cần phải bị xử hoặc đã bỏ trốn, và về sau, không còn cách nào khác là phải khôi phục mức án này. Điều đang chờ đợi ở chúng tôi là gì, chúng tôi cũng không thể hình dung được.

Chúng tôi đã xem xét từ một góc độ, đó là vấn đề sống hay chết, và chúng tôi cũng xuất phát từ một số quan điểm nảy sinh trong các quá trình cách mạng, trong những cuộc cách mạng sâu sắc, đã có từ lâu. Nhìn chung, những người tham gia vào các cuộc tranh luận này đều xuất phát từ một nguyên tắc thực tế đây là cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết - Nếu anh không có khả năng tự bảo vệ mình, thì sự nghiệp của anh sẽ bị thất bại và anh cần phải trả giá bằng sinh mạng.

Đối với chúng tôi, điều đó là một tư tưởng rõ ràng. Và trước những tội phạm rất nghiêm trọng, chúng tôi đã nói: "Vậy, làm sao chúng ta có thể thực sự ngăn chặn được những hành vi đó?". Nếu có nhiều hành động đánh thuê, đó không phải là một vấn đề tư tưởng. Rất may là chúng tôi không phải đấu tranh chống lại những người cuồng tín về tư tưởng hay về sự nghiệp. Chúng tôi may mắn chỉ phải đấu tranh chống những kẻ bị chi phối chủ yếu bởi tham vọng về vật chất, tham vọng về kinh tế và xã hội.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Cho đến nay, đã có bao nhiêu án tử hình được phán quyết nhưng chưa được thi hành?

- Cho đến nay, không một ai trong số những tên đến đây từ nước ngoài và đặt bom chống phá Cách mạng, bị xử bắn. Tôi không thể nói với anh từ khi nào, nhưng chắc là phải từ nhiều năm nay.

Đối với những tội danh thông thường, mức án đó vẫn được áp dụng cho đến tháng 4/2000, hiện tôi không thể cho anh biết con số chính xác, nhưng có thể tra cứu. Chắc chắn phải có đến vài chục người. Có thể có cả chế tài, tôi không thể nói với anh số liệu chính xác, có thể là 20 hoặc 25 trường hợp. Nhưng bây giờ tôi không thể nói với anh con số chính xác, bởi vì tôi không có ở đây số liệu.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Và từ đó không còn áp dụng nữa?

- Không áp dụng một trường hợp nào.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Từ cách đây ba năm?

- Đó là một biện pháp mà người ta gọi là tạm hoãn. Nhưng tôi muốn cảnh báo về điều này: Không phải đã xóa bỏ. Sau đây, nếu anh muốn tôi có thể cho biết ý kiến của tôi, nhưng chưa bị xóa bỏ. Có không biết bao nhiêu cách giết người, khoa học và nghệ thuật giết người rất tinh xảo, và giờ đây, anh không thể nói: "Chúng ta hãy từ bỏ án tử hình".

Có hai trường hợp phạm tội giết người nghiêm trọng còn treo đó chưa xử, trong đó có một vụ chúng đã giết toàn bộ một gia đình, kể cả một em bé, có người từ Miami về thăm. Những tội ác rất nghiêm trọng đó do bọn tội phạm hình sự thực hiện, gây ra một vấn đề rất nặng nề trong công luận, và những trường hợp này đang được giải quyết.

Không phải chúng tôi thích làm như vậy, càng không phải chúng tôi vội vã, hay mong muốn làm việc đó; mà tôi nghĩ rằng phải cần có thời gian trước khi đi tới áp dụng việc hủy bỏ vĩnh viễn án tử hình đối với bất cứ loại tội phạm nào, một việc mà chúng tôi sẽ rất vui mừng được làm. Hiện không có một cam kết về sự đình chỉ hoàn toàn.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Các ông nghiên cứu khả năng này chứ?

- Tôi đã nói với anh, về những mối quan tâm của chúng tôi, và đã giảm bớt việc áp dụng án tử hình như thế nào đối với các hoạt động có tính chất chính trị; tôi đã kể với anh trường hợp của những tên lính đánh thuê đã đặt bom, và sau đó, tôi nói với anh rằng đã một thời gian dài mức án này không được áp dụng; nhưng không từ bỏ nó, bởi vì chúng tôi đang sống trong thời kỳ phức tạp.

Trong trường hợp những tội danh thông thường, trên thực tế, đã không áp dụng án tử hình, nhưng cũng không từ bỏ nó, như tôi đã giải thích với anh, vì tôi không muốn lừa gạt ai, và chúng tôi cho rằng, nhân dân chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc đó và nó mang lại những vấn đề nghiêm trọng trong dư luận. Dù vậy, anh có thể tin chắc rằng, ở đây không thể xảy ra một hành động phi nghĩa bằng bất cứ giá nào. Nhưng những kẻ phạm vào những việc làm nghiêm trọng cũng sẽ không được hưởng một sự khoan hồng nào với họ, mà nhân dân thực sự không tán thành, vì kẻ đó cần phải nhận được một bài học. Cần phải thực hiện công tác giáo dục ngay trong chúng tôi, nhưng Cách mạng có thể hủy bỏ án tử hình khi có những điều kiện thực tế tối thiểu để áp dụng chính sách đó.

- Nhà  báo Ignacio Ramonet: Cá nhân ông, ông nghĩ gì về án tử hình?

- Tôi có những quan điểm về án tử hình. Tôi nghĩ rằng án tử hình không giải quyết được vấn đề, án tử hình chỉ có ảnh hưởng tương đối. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu về tội phạm và những nguyên nhân của nó. Chúng tôi cần đi sâu và tôi hài lòng với những công việc và những nghiên cứu mà chúng tôi đang xúc tiến. Đã có những trường hợp tội ác thật khủng khiếp mà không nghi ngờ gì, bất cứ ai đã học luật đều biết rằng có một nguyên tắc: người mất trí thì không bị kết tội.

Chúng tôi đang phân tích nghiêm túc vấn đề này. Chúng tôi đang nghiên cứu các trường hợp những người bị mất trí. Ở ngay nước Mỹ, có một số lớn người bị tổn hại tâm thần. Và có một nguyên tắc pháp lý: Cần phải chứng minh - và làm thế nào để chứng minh - rằng một người không phạm tội trong những điều kiện đó.

Không biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu đã được tiến hành về những nguyên nhân tâm thần của tội phạm? Có thể do nguồn gốc di truyền, do bị tai nạn, tai nạn do những mâu thuẫn giữa những con người gây ra, hoặc do những hành động bạo lực. Đâu là những yếu tố di truyền hoặc tai nạn làm tổn hại đến hoạt động của trí não con người và trên thực tế đã biến một số người thành những quỷ dữ.

Chúng tôi đã trăn trở với những thực tế đó, kinh nghiệm đó, những khái niệm đó. Ở đây không bao giờ có ai bị trừng phạt để trả thù. Trong các bản án, có án chung thân, và đó cũng là một giải pháp cho án tử hình.

Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang tiến tới một tương lai, mà khi đó chúng tôi sẽ có được những điều kiện trong nước để xóa bỏ án tử hình. Như vậy là một ngày nào đó chúng tôi sẽ đứng trong hàng ngũ những nước đã xóa bỏ án tử hình. Chúng tôi hy vọng tới ngày nào đó, không phải xuất phát từ những yêu cầu đơn thuần có tính triết học, mà là từ một tinh thần về công lý và về thực tiễn. Đó là quan điểm của chúng tôi hiện nay và lập trường của chúng tôi liên quan đến án tử hình.

* Các dịch giả: Hoàng Hiệp, Bùi Trọng Nhự, Lê Xuân Quỳnh, Đỗ Văn Tài, Nguyễn Văn Thọ. Hiệu đính: Nguyễn Duy Cương

Theo NXB Chính trị Quốc gia
.
.