Một xã hội nô lệ ở thế kỷ XX: Sự sống sót kỳ diệu

Thứ Tư, 25/11/2009, 08:45
Tại bệnh viện, Phạm Văn Muộn giải thích rằng tiếng nổ to mà tôi tưởng rằng có nghĩa là "sự đi tong" chính là một phát đạn badôca - 1 trong 6 phát lần lượt nhằm bắn vào chiếc mini buýt mà anh đã trông thấy qua chiếc gương chiếu hậu. Ngay trước khi phát nổ, anh đã đột ngột nhấn hết ga sau khi phát thứ 5 đã tới gần một cách nguy hiểm.

Tháng 5/1979, lần đầu tiên sau khi chế độ Pôn Pốt bị lật đổ, tôi tới thăm Campuchia. Đi bằng ôtô từ TP HCM sang Pnôm Pênh, ấn tượng đầu tiên của mọi người sau khi vượt qua đường biên giới Việt Nam - Campuchia trên Quốc lộ 1 tại Ba Vẹt là rất nhiều đất trồng trọt bị bỏ hoang. Trải dài trước mắt chúng tôi là một vùng đất hoang lạnh như bãi tha ma, chỉ còn những gốc cây trơ trụi. Đây là một phần của "vành đai trắng" do Khơme Đỏ lập nên theo chiều sâu giữa Campuchia và Việt Nam để sao cho cái xã hội "trong sạch" mới mẻ do chúng lãnh đạo, xây dựng không bị ô nhiễm về mặt xã hội và chính trị. Vùng đất hoang gần như kéo dài tới tận ngoại vi Xvây Riêng, thị xã tỉnh Xvây Riêng trong khu vực "mỏ vẹt" - tại đây đỉnh tam giác lãnh thổ Campuchia ăn sâu về  phía TP HCM 40 dặm.

Cảnh điển hình nhất trên đoạn đường từ Xvây Riêng tới Phnôm Pênh là từng nhóm vài người một hầu như chỉ toàn đàn bà và trẻ em, vừa đẩy vừa kéo chiếc xe nhỏ tự làm lấy, trong xe chất vài thứ tài sản đáng thương - mấy manh chiếu, vài ba củ sắn và một  cái niêu. Họ đang trên đường trở về nơi mà họ hy vọng sẽ tìm thấy quê cũ, dấu vết của bà con họ hàng. Những bộ mặt tang thương, những thân hình còm cõi.

Cơn điên khùng vĩ đại của Khơme Đỏ không chỉ tạo ra một vùng vành đai trắng khổng lồ giữa Campuchia với Việt Nam mà còn có cả việc chuyển toàn bộ dân số ở các tỉnh phía đông giáp giới với Việt Nam sang các tỉnh phía tây giáp giới với Thái Lan và ngược lại. Sau khi lật đổ Pôn Pốt, sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Hiêng Xomrin là tất cả mọi người đều được tự do  rời trại tập trung, đoàn tụ với gia đình và trở về quê cũ. Đối với những ai may mắn nhanh chóng tìm thấy người thân, thì sẽ có phương tiện chuyên chở bằng môtô.

Đối với đại đa số, điều này có nghĩa là phải mất nhiều tuần săn tìm tin tức của những người nhà mà họ đã phải phân ly, thậm chí ngay tại nơi họ bị dồn tới. Điều đó cũng có nghĩa là phải tranh thủ làm lấy một chiếc xe kéo thật đơn giản, chủ yếu theo hình một cái hòm gỗ đặt trên mấy chiếc bánh xe hình tròn bằng gỗ đẽo qua loa - và kiếm một chiếc niêu để nấu ăn cho nhà mình hoặc cho vài gia đình chung nhau. Trong khi áp đặt khái niệm của chúng về "xã hội tập thể", Khơme Đỏ đã ra lệnh phá tan tất thảy những gì đặc trưng cho sự sống cá nhân, như nồi niêu chẳng hạn.

Phỏng vấn những nhóm nhỏ gia đình này phải nhất thiết ngắn gọn, tranh thủ khi họ dừng chân nghỉ ít phút dưới bóng cây bên đường. Họ thường đau xót, nước mắt giàn giụa, và líu ríu khi giải thích những câu hỏi liên quan tới việc vì sao không có đàn ông (Pôn Pốt giết rồi!), vì sao chỉ có các em gái (các em trai bị Pôn Pốt bắt đi lính rồi!), và họ hy vọng tìm thấy gì trên đường đi (biết đâu sẽ gặp họ hàng hay bạn bè gì đó!). Nụ cười duy nhất chỉ thấy trên khuôn mặt những người nào, sau nhiều tuần kéo đầy xe, chỉ còn 1, 2 ngày nữa là sẽ kéo lê được tới nơi trước kia là làng quê của mình.

Những mẩu chuyện ngắn ngủi với những "người trên đường" này tôi đã đi tới mức gọi họ như vậy, đã hiện thực hóa những mẩu chuyện giữa tôi với những người Campuchia tị nạn bên đất Việt Nam trước đó 5 tháng. Nước mắt và lời kể lắp bắp về những cuộc tàn sát hàng loạt, về chế độ sinh sống ghê tởm và tù túng đến mức không thể tin nổi mà bọn Khơme Đỏ áp đặt; việc không có đủ những gì bình thường đối với cuộc sống ở Campuchia như tôi đã từng được biết, tất thảy những điều đó đã là một sự xác nhận quá đủ cho tính chính xác, thậm chí còn là nói bớt đi, của những gì tồi tệ nhất trong lời kể của những người tị nạn.

Một năm sau, tôi tới Campuchia lần thứ ba sau khi Khơme Đỏ bị lật đổ, tháng 5/1980. Cùng đi với tôi có tôi có Vétxa và con gái Anna. Đó là một chuyến đi đầy tham vọng của tôi; đi bằng đường bộ từ TP HCM sang Pnôm Pênh, như tôi đã từng đi hồi tháng 5 trước, sau đó tiếp tục đi theo đường bộ tới Xiêm Riệp để ngắm cảnh đền Ăngko gần đó, chúng tôi từng biết rõ nơi này, nhưng Vétxa và Anna chưa từng đến đây, kể từ khi xảy ra các cuộc tàn sát hàng loạt của Khơme Đỏ. Một phần lý do của cuộc đi đường dài bằng đường bộ này là một nhà làm phim người Úc đang làm một bộ phim về  40 năm làm báo của tôi - một bộ phim  vừa có tính hồi tưởng vừa có tính thời sự. Do những trận bom B-52 của Mỹ và do chính sách của Khơme Đỏ tập trung vào việc phá hủy chứ không bảo dưỡng đường sá, nên chuyến đi của tôi quả là vất vả.

Tới Côngpông Kđếch, cách Xiêm Riệp chừng 20 dặm, một trong hai xe của chúng tôi bị thủng xăm. Vừa qua khỏi một trong những chiếc cầu xây dựng từ thời Ăngko, chúng tôi phải dừng lại để thay bánh. Khi chúng tôi chuẩn bị tiếp tục đi Xiêm Riệp, một sĩ quan người Việt Nam xuất hiện - gần như vừa đi vừa chạy. Anh kéo tôi và người phiên dịch Việt Nam từng được đào tạo ở Úc tên là Nhu sang một bên và nói: "Các bạn không được đi tiếp. Chúng tôi vừa thu được một bức điện vô tuyến của một tên gián điệp Khơme Đỏ nào đó ở đây, đánh đi cho một trong các căn cứ tiền phương của chúng ở vùng Xiêm Riệp rằng các bạn đã tới đây; bức điện này cũng nêu rõ những chi tiết về chiếc xe mini buýt  của các bạn. Hãy nghỉ đêm lại đây (khi đó, chỉ còn nửa giờ nữa là mặt trời lặn) - ở đây thì an toàn".

Ngày hôm sau, chúng tôi làm phim ở Ăngko. Một trong những cảnh được quay là một cuộc phỏng vấn Vétxa ngay tại khu 5 của Ăngko Vát. Trong số nhiều điều đã nói, Vétxa phát biểu: "Khi tôi tạm biệt chồng tôi trước khi ông ấy lên đường trong những chuyến đi thường xuyên của mình, quả là tôi không biết liệu tôi có được gặp lại ông ấy nữa hay không. Nhưng đó đúng là một diễm phúc". Sáng sớm hôm sau, chúng tôi chia tay nhau, Vétxa và Anna trở lại Phnôm Pênh, rồi đi theo con đường kinh khủng chúng tôi đã đi từ Phnôm Pênh sang TP HCM, sau đó đi bằng máy bay ra Hà Nội, sang Băng Cốc để lên chuyến máy bay đã đặt trước về Paris. Cùng với đoàn làm phim, tôi phải tiếp tục hành trình theo một con đường khác chạy dọc sườn phía nam Tônglêsáp (Hồ  Lớn) qua Báttambăng, Puốcxát và Côngpông Chơnăng trở lại Phnôm Pênh để làm thêm một ít phim ở đó nữa.

Trước giờ hoàng hôn ngày 7/5, khi đi tới nơi cách Phnôm Pênh khoảng 40 dặm, đột nhiên có tiếng pháo. Miệng thét lên "Nằm xuống!" tôi làm mẫu nép mình sát xuống sàn chiếc xe mini buýt Sơvrôlê. Gần như đồng thời, tôi cảm thấy máu chảy xuống tay tôi. Đó là máu của anh lái xe người Việt Nam Phạm Văn Muộn khi đó đang ở sát phía trước tôi. Tất cả mọi người - chủ nhiệm phim Đâyvít Brátbơri, phụ trách quay phim - Pitơ Lêvi, phụ trách âm thanh - Gim Gơrân, phiên dịch người Việt Nam - Nhu và cán bộ hướng dẫn người Campuchia Xari, tất cả đều nằm dán xuống sàn xe trong khi đạn bắn xé chiếc mini buýt. Bátbơri, người cuối cùng nằm xuống, liếc mắt xem tiếng nổ từ đâu tới và trông thấy một nhúm đàn ông, khăn quấn trên đầu, đang nấp sau mấy tảng đá lớn bắn ra. Rồi có một tiếng nổ lớn, và chiếc mini buýt khẽ nảy lên. Thế là hết, tôi nghĩ. Một cú "đia rếch" của một thứ vũ khí hạng nặng!

Trước sự kinh ngạc của tôi, chiếc mini buýt vẫn chạy mặc dù máu nóng vẫn chảy xuống ngày càng nhanh, tôi thấy tay của anh lái xe Muộn vẫn nắm chắc vôlăng. Một viên đạn trong loạt đạn đầu tiên bắn xuyên qua gò má anh, những viên đạn tiếp theo bắn vào cổ và vai anh; nhưng tay lái anh vẫn không hề loạng choạng cho tới tận khi anh đưa chúng tôi thoát khỏi chiến địa. Đạn bắn từ phía bên phải sang, nên đáng lẽ anh là người duy nhất có khả  năng thoát chết vì cánh cửa xe duy nhất bên tay trái là cửa của lái xe. Bên trái có một gò dốc đứng, đáng ra anh đã có thể nhảy xuống thoát thân, nhưng anh đã không làm như vậy. Anh đã cứu mạng chúng tôi và xe chỉ dừng lại khi chúng tôi tới một trạm quân sự Việt Nam ở bên đường. Tại đó, chúng tôi đưa anh ra khỏi ghế lái xe và sơ cứu cho anh.

Khi chiếc mini buýt tới bến đò, một đội tuần tra hỗn hợp Việt Nam - Campuchia đã được phái tới nơi xảy ra trận phục kích. Trận đánh diễn ra, và 2 tên Khơme Đỏ bị giết, 17 tên bị bắt. Hình như chỉ có 1 tên trong nhóm 20 tên là chạy thoát. Trong số những tên bị bắt, có tên chỉ huy. Tên này khẳng định rằng mục tiêu của trận phục kích là "thịt Bớcsét". Tôi chấp nhận lời khai này như một sự thừa nhận chính thức rằng tôi đã tố cáo một cách có hiệu quả chế độ Pôn Pốt - Iêng Xary cùng những kẻ hậu thuẫn cho nó.

Nhà làm phim Brátbơri tiếp quản tay lái. Và nhờ tài lái xe tuyệt vời của anh, Muộn đã được phẫu thuật cấp cứu tại một bệnh viện ở Phnôm Pênh vài giờ sau cuộc tấn công. Mặc  dù máu chảy nhiều ra miệng và mũi, anh Muộn vẫn không ngớt than thở việc Brátbơri cho xe chạy nhanh quá mãi tới khi chúng tôi đưa anh xuống xe vào viện. Các bác sĩ cho biết chỉ cần chậm trễ chừng nửa giờ nữa thì anh sẽ phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình!

Hôm sau, tại bệnh viện, Phạm Văn Muộn giải thích rằng tiếng nổ to mà tôi tưởng rằng có nghĩa là "sự đi tong" chính là một phát đạn badôca - 1 trong 6 phát lần lượt nhằm bắn vào chiếc mini buýt mà anh đã trông thấy qua chiếc gương chiếu  hậu. Ngay trước khi phát nổ, anh đã đột ngột nhấn hết ga sau khi phát thứ 5 đã tới gần một cách nguy hiểm.

7 tháng sau, tôi phỏng vấn Phạm Văn Muộn, khi đó đã hoàn toàn bình phục, và là một anh hùng của cả nước vì đã cống hiến tận tụy cho nhiệm vụ của mình. Tôi còn nhớ rằng anh đã phàn nàn việc Brátbơri lái xe quá nhanh khi đưa anh tới bệnh viện, và tôi hỏi anh vì sao? Anh đáp: "Lốp chiếc xe Sơvrôlê đó là lốp của Nga, nên không khớp lắm. Tôi có trách nhiệm phải giữ gìn cẩn thận xe của công ty du lịch. Ngay khi nhấn ga để tránh phát badôca thứ 6, là tôi đã đánh liều với mấy chiếc lốp đó rồi".

Trong chuyến viếng thăm của tôi tháng 12/1980, tôi hiểu ra rằng sự "sống sót kỳ diệu" của đoàn làm phim và của bản thân tôi có ý nghĩa lớn hơn bình thường. Thất bại trong việc "thịt Bớcsét" thể hiện một bước lùi có tầm quan trọng chiến lược. Không lâu sau những phát súng nhằm vào xe chúng tôi là trận phục kích một đoàn tàu trên một địa hình tương tự, 180 người Campuchia bị giết. Cả hai trận phục kích đều được tính là những phát súng mở đầu cho một cuộc phản công mùa mưa năm 1980, trong đó Khơme Đỏ hy vọng chứng minh rằng chúng không chỉ chiếm lại và giữ được những vùng lãnh thổ chạy dọc theo biên giới Thái Lan, mà còn duy trì được các căn cứ du kích ở sâu trong lãnh thổ Campuchia. Việc đánh gục Bớcsét ở một nơi chỉ cách Phnôm Pênh có 40 dặm ắt phải là một sự dẫn luận có sức hậu thuẫn lớn biết nhường nào! Bọn tấn công cũng chỉ trượt có vài milimét. Nếu như viên đạn xuyên qua gò má Muộn ăn cao lên một chút, thì  chắc nó đã vỡ tung đầu anh, và khi đó thì chẳng còn gì cứu nổi chúng tôi khỏi những đòn tấn công bằng badôca.

Đem liên hệ sự sống sót của cá nhân tôi với sự sống sót của nhân dân Campuchia, rõ ràng chỉ là một chút xíu của một hình ảnh tượng trưng, xây dựng trên cơ sở những thất bại liên tục của Khơme Đỏ trong việc tấn công các mục tiêu. Nhưng "sự sống sót kỳ diệu" của nhân dân Campuchia được thể hiện một cách hết sức hiển nhiên trong cuộc đi thăm của tôi hồi tháng 11, 12/1980, và không thể đem sự sống sót kỳ diệu ấy mà quy cho vài phát súng bắn tồi của bọn tàn quân Pôn Pốt - Iêng Xary. Trước hết, có được nó là do "ý chí tồn tại" của nhân dân Campuchia, được sự ủng hộ quốc tế to lớn. Những thay đổi về tình hình trong 4 cuộc viếng thăm đầu tiên của tôi thật là lớn lao

Lược trích "Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam" của Uyn Phrết Bớcsét - NXB TTLL – 1986
.
.