Những y tá tình nguyện chống đại dịch ở Mỹ

Thứ Ba, 19/05/2020, 15:25
Khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan tràn khắp nước Mỹ, và New York là thành phố chịu thiệt hại nặng nề với số người nhiễm và người chết cao nhất nước Mỹ thì hàng nghìn y tá từ nhiều bang đã tình nguyện đến nơi này để cùng chung tay góp sức chăm sóc những người nhiễm bệnh…


1. 6 giờ chiều, quảng trường Times Square, nơi được gọi là "trái tim của New York" vốn rất tấp nập thì bây giờ, ngoại trừ hàng trăm y tá trong bộ đồng phục màu xanh đứng rải rác thành từng nhóm chờ xe bus đưa họ vào các bệnh viện, còn thì đường phố hầu như không một bóng người.

Tamara Williams, 40 tuổi, y tá đến từ thành phố Dallas, bang Texas nói: "Nó giống như một thành phố chết, trái ngược với bên trong bệnh viện, hầu như lúc nào cũng đặc kín. Tôi chưa bao giờ chứng kiến số bệnh nhân nặng nhiều như vậy và số người chết cũng nhiều như vậy mặc dù chúng tôi đã làm hết sức…".

Các y tá tình nguyện rời khách sạn đến điểm chở xe bus vào bệnh viện.

Trong số gần 6.000 y tá từ nhiều bang khác nhau tình nguyện đến các bệnh viện ở New York để góp sức chống đỡ bệnh tật, có hơn 4.000 người được sắp xếp chỗ ăn nghỉ tại các khách sạn thuộc khu Midtown Manhattan. Ban ngày, một nửa trong số họ ngủ li bì nhưng khi đêm xuống, họ phải đối mặt với từng dãy hành lang bệnh viện, người nằm la liệt, với không ít bệnh nhân rơi vào trạng thái hoảng loạn, với khoa săn sóc đặc biệt (ICU) đầy căng thẳng và kinh hoàng hơn mọi thứ là cái chết.

Ngay cả khi tổng số tử vong hàng ngày tại New York đã giảm trong hai tuần gần đây thì COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ ngừng lại. Lượng bệnh nhân nhập viện vẫn ở mức cao - khoảng 1.000 người mỗi ngày so với hơn 3.000 hồi đầu tháng tư.

Catherine, y tá ở bang Arkansas đến New York lần đầu trong đời, nói: "Trước đây, tôi chỉ biết New York qua truyền hình, báo chí nhưng bây giờ, nhìn thấy các hí viện ở Broadway đèn tắt tối thui, các khu phố sang trọng, những cửa hàng sầm uất cửa đóng im ỉm, những đại lộ đầy ắp xe hơi, vỉa hè tràn ngập người đi bộ nay vắng như chưa bao giờ có sự sống thì tôi mới hiểu sự tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh là như thế nào".

2.Kể từ lúc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp đầu tiên xuất hiện ở nước Mỹ - bang Washington ngày 21/1/2020 - là một người đàn ông 30 tuổi trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc rồi sau đó, tăng lên vài trăm ca thì đa số dân Mỹ vẫn tin vào lời phát biểu của ông Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) "chưa có bằng chứng về việc bệnh viêm đường hô hấp cấp lây từ người sang người".

Các bệnh viện cũng thế, họ không hề có kế hoạch chuẩn bị cho sự quá tải. Chỉ đến khi số người nhiễm tăng lên vài chục nghìn với vài nghìn người chết - trong đó có nhiều bác sĩ, y tá, đồng thời lây lan sang những bang khác, cộng với sự thừa nhận chậm trễ của WHO rằng COVID-19 là đại dịch toàn cầu thì hệ thống y tế ở New York mới giật mình. Gần 80% y tá chỉ được ngủ từ 3 đến 4 tiếng mỗi ngày.

Sandra Roth, 24 tuổi, y tá ở bệnh viện Elmhurst, phố Queens nói: "Tôi mệt đến độ chỉ muốn lăn xuống một chỗ nào đó, dưới nền nhà cũng được, để ngủ chứ không cần ăn".  Olumide Peter Kolade, 30 tuổi, làm việc 12 tiếng mỗi ca và 34 ca trong 36 ngày vừa qua cho biết lần đầu tiên trong đời anh bắt đầu ngồi thiền: "Điều này giúp tôi bình tâm được đôi chút".

Mỗi y tá tình nguyện thường phải chăm sóc cho 2 hoặc 3 bệnh nhân COVID-19.

Y tá Michel, 36 tuổi, làm việc tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Susan Smith McKinney, nơi đã có 17 người chết vì COVID-19 nói: "Chúng tôi là những người lính trên tuyến đầu, là tai và mắt của các bác sĩ nhưng chúng tôi không phải là robot. Chúng tôi cần ngủ".

Trước tình hình này, Hiệp hội Y tá New York lập tức đưa ra thông báo, kêu gọi sự tình nguyện của tất cả y tá ở các bang trên toàn nước Mỹ, đến New York để hỗ trợ trong việc chăm sóc bệnh nhân. Y tá Williams khi xem truyền hình phát đi hình ảnh quá tải trong các bệnh viện ở New York đã nói: "Tôi không thể ngồi yên ở nhà. Lương tâm không cho phép tôi làm thế" dù rằng một số người trong gia đình đã ngăn cản cô, nhưng: "Tôi sắp xếp đồ đạc, tạm biệt chồng cùng đứa con trai 8 tháng tuổi. Tôi lên đường...".

Tuần lễ đầu tiên ở Bệnh viện Bellevue, Manhattan, y tá Williams băn khoăn tự hỏi liệu mình có chọn đúng? Vốn là người bình thản vì đã có gần 12 năm làm việc trong nghề y nhưng khi bước vào khoa săn sóc đặc biệt, cô chưa bao giờ thấy quá nhiều bệnh nhân không còn đáp ứng với việc chữa trị, và khi các y tá xung quanh xuất hiện những triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, cô sợ rằng mình cũng đã bị nhiễm.

Williams nói: "Ca trực tối hôm kia, tôi thấy các y tá khóc nức nở trong hành lang bệnh viện khi một đồng nghiệp do chính họ điều trị đã chết. Điều đó khiến tôi nhớ đến đứa con trai ở nhà nếu người chết ấy là tôi". Y tá Heather Smith, 50 tuổi, đến từ đảo Topsail ngoài khơi bang North Carolina, tình nguyện làm việc tại Bệnh viện Elmhurst, phố Queens, khi thấy quá nhiều bệnh nhân tử vong, bà nói: " "Mỗi sáng vào bệnh viện, tôi đều tự hỏi liệu tôi có thể đứng vững thêm ngày hôm nay nữa không?". 

Một y tá khác, Maggie Scott, 24 tuổi, đến từ San Diego, bang California cho biết đã mấy lần anh phải nuốt nước mắt khi bấm vào ứng dụng Face Time trên điện thoại để người bệnh sắp lìa đời nhìn thấy người thân của họ lần cuối cùng. Molly Teeter, đến từ thành phố Magnet Cove, bang Arkansas nói không gì ám ảnh bằng những xác chết vẫn phải để trong phòng điều trị vài tiếng đồng hồ trước khi đưa vào nhà xác tạm thời - là những chiếc xe tải đông lạnh.

3. Ngày 10/3/2020, Trung tâm y khoa Kimmel -  Đại học New York mới chỉ có 2 bệnh nhân nhưng đến ngày 10/4, người bệnh đã nằm tràn đầy hết tất cả các tầng và cả ở bệnh viện Tisch gần đó. Gabrielle Barshay, y tá cao cấp tại Kimmel, phụ trách khoa tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm virus viêm đường hô hấp cấp cho biết nhiều người trong số họ cô độc, không thân nhân, họ hàng nên khi họ chết, cũng chẳng biết phải báo tin cho ai.

Điều khó khăn nhất của y tá tình nguyện là phải báo cho gia đình bệnh nhân biết người thân của họ đã lìa đời.

Amanda Talmadge, 27 tuổi, cũng là y tá cao cấp nói: "Tôi có cảm giác ngày rất dài, chẳng bao giờ kết thúc. Tôi thấy mình giống như một người mới vào nghề. Tôi thực sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi sợ". Niềm an ủi duy nhất của Talmadge và cũng là của các y tá tình nguyện khác là cứ 7 giờ tối, các bữa ăn nóng được một tổ chức từ thiện giao đến tận tay khiến họ có cảm giác là người dân New York đang chào đón họ.

Với y tá Shameka Dugger, 39 tuổi, đến từ thành phố Fort Valley bang Georgia. Từ lâu, bà đã muốn đi thăm thành phố New York nên sau mỗi ca trực, dù rất mệt nhưng bà vẫn cố gắng mượn chiếc xe hơi của bạn bè, lướt qua Empire State, Madison Square Garden và Central Park bởi lẽ những nơi này đã ngừng cho khách vào tham quan, mua sắm.

Chỗ dựa tinh thần duy nhất của bà là mỗi sáng, trước khi đến Trung tâm Y tế Jacobi, phố Bronx, bà nghe những bài thánh ca rồi cầu nguyện cho mọi người ở New York. Bà nói: "Tại nơi này, nếu ai không thấy sợ thì không phải là con người".

Nhưng cũng có lý do để hy vọng. Hôm chủ nhật, có 3 bệnh nhân ở Trung tâm Y tế Jacobi được rút ống nội khí quản. Dugger nói: "Mỗi lần điều này xảy ra, bệnh viện phát bản nhạc pop nổi tiếng "Fight Song - Bài ca tranh đấu" của Rachel Platten trên loa phát thanh. Tôi đã khóc. Tôi nhớ nhà và ước được ôm cả 6 đứa con, nấu những món ăn cho chúng, nhưng bây giờ thì chưa. Tôi sẽ không rời khỏi đây cho đến khi dịch bệnh kết thúc".

Theo ông Joseph Moscola, Phó Chủ tịch Trung tâm y tế Northwell Health, trong số y tá đến từ các bang trên toàn nước Mỹ, 500 người đã được đưa về 23 bệnh viện thuộc hệ thống Northwell Health. Đây là nguồn lực vô giá vì các y tá ở Trung tâm đã gần như kiệt sức.

4. Cho đến nay, thành phố New York vẫn là tâm điểm của đại dịch COVID-19 trên toàn nước Mỹ, và New York Presbyterian, Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cũng như Weill Cornell Medicine, là "tâm điểm của tâm điểm". Brittany Lackey, tốt nghiệp ngành điều dưỡng tại Đại học bang New Mexico rồi sau nhiều năm làm việc ở Bệnh viện Las Cruces, cô quyết định tạm biệt chồng cùng 3 đứa con để đáp lời kêu gọi của Hiệp hội Y tá New York.

Cô kể: "Cũng như tất cả các y tá tình nguyện khác, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn. Hãng hàng không United Airlines tặng vé máy bay cho tôi. Tiền khách sạn do đội Quản lý Khủng hoảng New York thanh toán. Khi được đưa đến làm việc tại Phòng săn sóc đặc biệt (ICU), Trung tâm y tế Interfaith, Brooklyn, giám đốc trung tâm đã nói: "Tôi có trách nhiệm sâu sắc để cho các bạn biết rằng các bạn đang bước vào địa ngục".

Quả đúng như vậy, lần đầu tiên bước vào ICU, Lackey cảm thấy như mình vừa ký vào án tử hình. Cô được chỉ định săn sóc cho 2 bệnh nhân COVID-19. Một người đàn ông 40 tuổi và một 80 tuổi, đến từ viện dưỡng lão. Đó cũng là lần đầu tiên Lackey thấy người chết nhiều như vậy. Không chỉ bệnh nhân mà cả bác sĩ, y tá cũng chết.

Cô nói: "Tôi ký hợp đồng tình nguyện trong 4 tuần nhưng có lẽ tôi sẽ gia hạn thêm. Khó mà bỏ mặc những người đang cận kề giữa sự sống và cái chết, miễn là chồng và các con tôi đều ổn".

Và không chỉ tình nguyện làm việc tại các bệnh viện, nhiều y tá còn được phân công đến tận nhà người bệnh để chăm sóc họ nhằm giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế của thành phố New York vì mặc dù kết quả xét nghiệm cho thấy họ dương tính với COVID-19 nhưng họ chưa xuất hiện những triệu chứng đặc hiệu, chưa phải thở máy.

Ajayi, 47 tuổi, là một trong những y tá thuộc loại này. Cô làm việc cho Northwell Health, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất New York với 23 bệnh viện. Đỗ xe trên lề đường, trước một khu dân cư ở Queens, Ajayi mở cốp rồi lấy từ chiếc thùng nhựa đôi găng tay, khẩu trang, quần áo kháng khuẩn, mũ bảo hộ có tấm che mặt, vải bọc giày rồi mặc tất cả vào. Bệnh nhân của cô hôm nay là một phụ nữ 74 tuổi, đã dương tính với COVID-19.

Cô nói: "Tôi có 6 bệnh nhân phải thăm và tôi không thể mặc những thứ này để sang các nhà khác. Vì vậy trong xe tôi luôn có sẵn  6 bộ đồ bảo vệ".

Phun xong dung dịch sát trùng vào tay đã đeo găng, Ajayi bấm chuông. Chồng của bệnh nhân mang khẩu trang y tế ra mở cửa. Ông chào Ajayi bằng nụ cười thân thiện rồi lùi lại vài bước để nhường lối cho Ajayi. Điều may mắn cho cô - và cho cả bệnh nhân là bà lão 74 tuổi đã có thể trả lời tất cả mọi câu hỏi mà không bị hụt hơi.

Ajayi nói: "Tôi sống cách New York 2 giờ lái xe. Điều lo lắng nhất là tôi có thể mang virus từ nhà bệnh nhân về nhà mình, nơi tôi sống cùng con trai 23 tuổi, và đứa em gái. Vì thế, tôi luôn đeo khẩu trang khi ở nhà cũng như cố gắng tránh xa gia đình 6 feet (2m) để hạn chế sự lây nhiễm".

Bác sĩ Maria Carney, giám đốc y tế của Northwell cho biết sau khi xuất viện, hầu hết tất cả các bệnh nhân COVID-19 vẫn cần được theo dõi y tế hoặc phục hồi chức năng để họ có thể lấy lại chất lượng cuộc sống trước đây. Ông nói: "Chúng tôi thực sự bước vào một lĩnh vực mà chúng tôi chưa hề biết. Phần lớn bệnh nhân khi xuất viện đều rất yếu - cả về thể chất lẫn tinh thần. Làm thế nào họ có thể thích ứng với giai đoạn phục hồi tiếp theo? Đó sẽ là một thách thức lớn".

Đêm đã tàn, bình minh đã ló dạng trên đường phố vắng lặng ở New York. Ca đêm đã kết thúc, các y tá chuẩn bị về khách sạn với một giấc ngủ dài còn các y tá làm ca ngày, họ đã đứng thành từng nhóm ở quảng trường Times Square, chờ xe bus đến đón. Y tá Kelsey Owen cho biết cô cầu mong hôm nay đừng phải nói với các thành viên trong gia đình bệnh nhân rằng người thân của họ đang trong những phút cuối cùng của cuộc đời...

Vũ Cao (theo New York Times)
.
.