Tiết lộ sự thật sau 34 năm im lặng:

Mỹ chôn chất độc da cam ở Hàn Quốc

Thứ Sáu, 24/06/2011, 10:35

Sau 34 năm im lặng và mang trong mình những đau đớn do phơi nhiễm chất độc hóa học, vào trung tuần tháng 5/011, 3 cựu binh Mỹ từng trú đóng tại Hàn Quốc đã lên tiếng nói ra sự thật về việc mình đã tham gia chôn hàng trăm thùng thuốc diệt cỏ và hóa chất độc hại tại căn cứ quân sự Camp Carrol ở miền Nam Hàn Quốc.

Tiết lộ của các cựu binh Mỹ đang dấy lên làn sóng phẫn nộ mới của dư luận Hàn Quốc cùng những quan ngại về mức độ nhiễm độc dioxin trong môi trường đất và nước các khu vực xung quanh căn cứ quân sự của Mỹ.

Từ câu chuyện của người trong cuộc

"Đây là một gánh nặng mà tôi đã mang trong người suốt gần 35 năm qua. Tôi không muốn mang nó theo xuống mồ. Tôi như trút được gánh nặng ngàn cân" -  Steve House, 54 tuổi, một cựu binh Mỹ tại Hàn Quốc hiện đang sống tại Apache Junction, bang Arizona, Mỹ, phát biểu với Hãng Thông tấn Associated Press vào đầu tháng 6/011, khoảng 2 tuần sau khi ông cùng các đồng đội cũ tiết lộ trên kênh truyền hình KPHO-TV ở bang Arizona về vụ chôn hàng trăm thùng chất độc hóa học ở Camp Carrol, Hàn Quốc.

Trò chuyện với tờ báo Hàn Quốc The Hankyoreh, House kể ông tham gia quân đội Mỹ và được đưa đến Hàn Quốc vào tháng 2/978, đóng quân tại Camp Carrol  ở gần Daegu, miền Nam Hàn Quốc. Lúc đó House là một thanh niên tuổi đôi mươi, khỏe mạnh và yêu đời, rất háo hức được đến vùng đất xa lạ tận Viễn Đông châu Á.

House còn nhớ, cũng trong năm 1978, ông cùng các đồng đội gồm 6 người, trong đó 4 người vận hành thiết bị và 2 người lái xe tải chở thùng hóa chất - tất cả được giao nhiệm vụ mang đi chôn xuống đất những thùng phuy loại 120 lít bên ngoài sơn màu vàng tươi và màu cam, bên trong vẫn còn một phần hóa chất thừa, chưa sử dụng hết. House không hề được nói cho biết những chiếc thùng phuy gỉ sét đó chứa loại hóa chất gì và chúng độc hại như thế nào. Đó là các chất diệt cỏ và hóa chất khai quang mà quân đội Mỹ từng sử dụng ở Việt Nam và cả ở bán đảo Triều Tiên. Tổng cộng có khoảng 250 thùng phuy hóa chất đã được chôn ở Camp Carrol.

House kể, ông và các đồng đội phải đào một cái hào khá sâu và dài hơn 100 mét nhưng không được biết là đào nhằm mục đích gì. Một thời gian sau khi thực hiện công việc đó, ông phát hiện mình mắc những triệu chứng kỳ lạ, thường hay ho khan, lên cân và phình to gan. House đến phòng chụp X-quang để kiểm tra xem đó là những triệu chứng gì, nhưng sau khi khám cho House xong, vị bác sĩ đã lặng thinh không nói gì. Tình trạng bệnh của House cứ tái đi tái lại nhiều lần cho đến ngày ông kết thúc đợt phục vụ quân ngũ tại Hàn Quốc và trở về nước vào tháng 12/1979.

Các nhà điều tra Hàn Quốc đang dùng máy siêu âm dò tìm hóa chất chôn dưới đất.

Trở về nhà ở bang Michigan, House xin việc làm, cưới vợ và sinh con, có một gia đình yên ấm. Nhưng cuộc sống không bao giờ bình yên đối với House khi những cơn đau cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện, khiến cho House phải khổ sở triền miên. Vậy mà suốt hàng chục năm trời, House vẫn cố chịu đựng những cơn ho, những triệu chứng đau tức ở vùng gan mà không hề biết rằng mình đã phơi nhiễm chất độc hóa học.

Rốt cuộc, sau hơn 30 năm "sống chung" với những triệu chứng đau nhức ấy, vào đầu năm 2011, thông qua Hội Cựu chiến binh Mỹ (VA), House cũng đã tìm được một bác sĩ để kiểm tra xem mình bị bệnh gì. Vị bác sĩ, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, đã thông báo ông bị biến chứng tiểu đường Type II và chứng rối loạn thần kinh ngoại biên do phơi nhiễm chất độc da cam. Và ông cũng chỉ được VA cho gặp bác sĩ một lần duy nhất cho đến nay.

House cho biết, các đồng đội cũ của ông là Richard Cramer và Robert Travis hiện cũng đang mắc các di chứng do phơi nhiễm chất độc da cam. Ông Cramer mắc chứng tê chân và hiện đi lại rất khó khăn mặc dù tuổi mới ngoài 50, còn Travis thì mắc chứng ho khan như House. Ngay từ khi mới từ Hàn Quốc trở về, House đã than phiền với bác sĩ quân y về những cơn ho và chứng đau gan nhưng đều bị gạt ngang.

Cách đây 5 năm, House đã khiếu nại lên Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng các quan chức ở đây đã từ chối thừa nhận việc House đã phơi nhiễm chất da cam. Những cơn đau triền miên và những vấn đề liên quan đã khiến House phải nghỉ việc ở Michigan vào năm 2008 và dời về ở Apache, bang Arizona cho đến nay. House hiện đã trở thành người tàn phế và tiếp tục khiếu nại lên Bộ Quốc phòng Mỹ với một hy vọng hết sức mỏng manh.

Cơn sốt tại Hàn Quốc

Vụ tiết lộ của các cựu binh Mỹ ngay lập tức gây nên một cơn sốt thật sự trên báo chí cũng như trong dư luận người dân sống xung quanh khu vực căn cứ Camp Carrol cũng như khắp đất nước Hàn Quốc. Báo chí Hàn Quốc ngay lập tức đưa những dòng thông tin đậm nét về sự việc, và đặt câu hỏi về việc quân đội Mỹ đã chôn những chất gì ở Camp Carrol và có chất da cam hay không.

Ông Steve House và những tấm ảnh chụp để chứng minh việc chôn các thùng hóa chất cách đây 34 năm.

Trong khi đó, hàng chục người dân Hàn Quốc sống xung quanh căn cứ Camp Carrol biểu tình phản đối ngay bên ngoài hàng rào căn cứ. Họ mang biểu ngữ với dòng chữ "Hãy đào một cái hố ở đất nước của các người và chôn nó xuống đó" - ám chỉ việc chôn hóa chất diệt cỏ của lính Mỹ. Khắp Hàn Quốc, một không khí "chống Mỹ" lại đang chực chờ bùng nổ trở lại. Cần biết rằng, sự hiện diện của hơn 28.000 quân Mỹ ở Hàn Quốc luôn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dân chúng xứ kim chi. Trước đây, vấn nạn mại dâm phục vụ nhu cầu lính Mỹ mọc lên như nấm quanh các căn cứ quân sự Mỹ đã từng gây nên làn sóng phản đối quyết liệt trong dư luận và chỉ tạm lắng dịu sau khi các "dịch vụ sinh lý" này bị dẹp bớt.

Ý thức được tính chất nhạy cảm và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Bộ Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã phản ứng cực nhanh, ngay lập tức cử một phái đoàn phối hợp với phía Hàn Quốc tiến hành ngay một cuộc điều tra, dò tìm tại các vị trí trong và quanh căn cứ Camp Carrol để tìm dấu vết của chất độc hóa học từng được chôn tại đây, đặc biệt là chất độc da cam - được xem là rất nguy hại vì có chứa thành phần cực độc là chất dioxin.

Trong một nỗ lực trấn an dư luận Hàn Quốc, tướng John Johnson, Tư lệnh quân đoàn bộ binh số 8 đóng tại căn cứ Camp Carrol, đã phát đi một tuyên bố, trong đó nêu: "Chúng tôi muốn bảo đảm với nhân dân Mỹ và nhân dân Hàn Quốc sống ở xung quanh căn cứ Camp Carrol rằng chúng tôi đang có những bước đi đúng đắn để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho quý vị".

Tuy nhiên, tuyên bố của tướng Johnson cũng không thể ngăn được nỗi lo sợ của những người sống xung quanh căn cứ Camp Carrol. Người ta lo ngại rằng, theo thời gian, các chất độc hại trong những chiếc thùng phuy rỉ sét đó có thể đã ngấm vào đất và những mạch nước ngầm. Đặc biệt, nếu các thùng phuy đó có chứa chất da cam, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn, vì trong chất da cam có chứa chất dioxin cực độc (thuộc nhóm 17 hóa chất cực độc mà nhân loại phát hiện được).

Trong lời kể với báo chí, ông House cũng có nhắc đến chi tiết ngay sau khi các thùng hóa chất được chôn xuống hào sâu, House phát hiện nhiều xác chết của chim dưới hào, do miệng hào chưa được lấp sau khi chôn xong. Điều này cho thấy mức độ nguy hại của các thùng hóa chất đã được chôn. Ông House còn nhất mạnh, sau hơn 30 năm, các thùng phuy hóa chất có lẽ đã bị mục rỉ, vì thế chất độc có nguy cơ ngấm ra môi trường xung quanh rất lớn.

Hiện các nhóm điều tra hỗn hợp Mỹ-Hàn vẫn đang tiến hành tìm kiếm dấu vết của các thùng hóa chất diệt cỏ được chôn năm xưa. Trong một báo cáo công bố từ năm 1992, quân đội Mỹ đã thừa nhận rằng, sau khi được chôn ở căn cứ Camp Carrol, các thùng hóa chất đã được di chuyển đến chôn ở một nơi khác bên ngoài căn cứ. Vị trí hố chôn mới được xác định là gần khu vực mà House và các đồng đội của ông đã chôn lúc đầu.

Trong 2 năm 1979-1980, hàng chục tấn đất bị nhiễm hóa chất bên trong căn cứ Camp Carrol đã được bốc mang đi "chôn" ở một nơi không ai được biết. Điều này khiến cho công tác  điều tra gặp thêm khó khăn do phải dò tìm nơi chôn mới là ở đâu, các hóa chất trong đất ấy hiện nay vẫn còn hay đã bị tiêu hủy hay chưa, trong các thùng hóa chất được chôn đó có chất da cam hay không, và nếu có thì nhiều hay ít. Tất cả chỉ được trả lời khi công tác điều tra phối hợp giữa Mỹ-Hàn Quốc đưa ra kết luận cuối cùng

An Tôn - Q.Vương (tổng hợp)
.
.