Năm 1969, Trung Quốc đã xây dựng lại Thiên An Môn như thế nào?

Thứ Năm, 30/10/2008, 08:30

Thiên An Môn là một công trình nổi tiếng tiêu biểu của thủ đô Bắc Kinh và cả Trung Quốc. Trải qua thời gian hàng trăm năm và sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai, công trình biểu trưng này đã nhiều lần được tu sửa, xây dựng lại. Lần gần đây nhất là năm 1969, Trung Quốc đã bí mật xây dựng lại Thiên An Môn.

Theo sử liệu ghi lại thì Thiên An Môn được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều nhà Minh tức năm 1420. Do đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với rất nhiều các cuộc chiến tranh mà không được tu sửa nên kết cấu kiến trúc của công trình này đã bị hư hại nghiêm trọng. Thêm vào đó do ngấm nước từ bên dưới nền và bản thân trọng lượng của khối cổng đồ sộ nên kiến trúc chính của công trình đã bị lún nghiêm trọng. Sau khi Trung Quốc thành lập, Thiên An Môn đã nhiều lần được tu sửa và gia cố nhưng vẫn không thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Đặc biệt là sau vụ động đất với cường độ 6 đến 7,5 độ richter năm 1969 tại khu vực Hà Bắc khiến mức độ hư hại của Thiên An Môn càng trầm trọng hơn, kết cấu của tòa thành lầu bị hư hỏng khá nặng. Để đảm bảo an toàn, cuối năm 1969, Quốc vụ viện đã quyết định: dỡ bỏ hoàn toàn thành lầu Thiên An Môn và xây dựng mới một Thiên An Môn ngay tại vị trí cũ theo đúng quy cách và hình thức kiến trúc cũ.

Kết cấu của thành lầu Thiên An Môn rất phức tạp nên có ý kiến đề nghị mời nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm việc tái xây dựng Thiên An Môn. Tuy nhiên, phía nhà thầu nước ngoài đưa ra thời gian hoàn thành công trình là từ 3 đến 5 năm còn nhanh nhất cũng phải 2 năm. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chu  Ân Lai đã thành lập một Tổ lãnh đạo xây dựng lại thành lầu Thiên An Môn với sự tham gia của Bộ Tổng tham mưu, Ủy ban Cách mạng Bắc Kinh... Qua nghiên cứu các phương án, cuối cùng nhiệm vụ tháo dỡ và xây dựng lại thành lầu Thiên An Môn đã được giao cho Công ty Công trình kiến trúc số 5 của thành phố Bắc Kinh.

Để đảm bảo thời gian thi công và chất lượng công trình, Công ty Công trình kiến trúc số 5 đã sử dụng đội ngũ công nhân lành nghề, độ tin cậy chính trị cao cho công trình xây dựng lại Thiên An Môn. 

Kiến trúc thành lầu Thiên An Môn có chiều dài 66m, cao 32m, rộng 37m. Toàn bộ khu vực xung quanh thành lầu Thiên An Môn được bao bọc kín lại bằng một lều vải khổng lồ và khu vực Công viên Trung Sơn cạnh đó cũng được đóng cửa và trưng dụng phục vụ cho công tác thi công. Một  lò hơi nước tạm thời được dựng tại Công viên Trung Sơn và các ống dẫn nước nóng được bố trí xung quanh khu vực Thiên An Môn đảm bảo không khí bên trong luôn ở nhiệt độ bình thường cho dù bên ngoài trời đang rất lạnh.  

Để đảm bảo bí mật, không chỉ người dân Bắc Kinh không biết Thiên An Môn đang được xây dựng lại mà những người làm việc tại Công viên Trung Sơn và Cung văn hóa dân tộc ngay gần đó cũng không hề biết gì. Tất cả những người có liên quan đến việc tái xây dựng Thiên An Môn được lệnh không tiết lộ thông tin với bất kỳ ai. Đó được xem là nhiệm vụ chính trị đối với tất cả những ai có liên quan đến việc tái xây dựng công trình này.   

Công việc đầu tiên là đo đạc và tháo dỡ Thiên An Môn do đơn vị thi công và Cục Đo đạc chịu trách nhiệm thực hiện. Tất cả các chi tiết của Thiên An Môn được đo đạc và ghi chép lại một cách chính xác. Những kết quả đo đạc được báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Mao Trạch Đông và ông đã ra chỉ thị giữ nguyên kiến trúc không thay đổi một chút nào, phải đảm bảo Thiên An Môn sau khi xây dựng lại phải giống với kiến trúc cũ cả về thiết kế và kích thước của từng chi tiết.

Theo ghi chép lịch sử thì Thiên An Môn được xây dựng từ thời nhà Minh năm 1420 là cửa nam của Hoàng thành đời Minh với kiến trúc ban đầu mô phỏng theo Thừa Thiên Môn ở Nam Kinh. Tháng 7/1457, Thừa Thiên Môn bị hỏa hoạn và thành lầu bị cháy rụi. Năm 1465, Thừa Thiên Môn được xây dựng lại theo kiểu kiến trúc cung điện và về cơ bản đã có quy mô gần giống với Thiên An Môn ngày nay. Năm 1644, Thừa Thiên Môn bị phá hủy do chiến tranh và sau đó một năm thì được xây dựng lại. Công trình hoàn thành sau 6 năm xây dựng và được đổi tên thành Thiên An Môn.     

Việc tháo dỡ Thiên An Môn được giám sát bởi Công an thành phố Bắc Kinh. Ngoài phần nền và móng bằng gạch vữa, toàn bộ Thiên An Môn được kết cấu bằng gỗ. Tại đỉnh của Thiên An Môn, khi tháo dỡ đã phát hiện thấy một hộp gỗ chạm khắc hình “Nhị long hí châu” bên trong có một đồng tiền Kim nguyên bảo, một viên hồng ngọc và 5 loại ngũ cốc gồm có: đậu vàng, cao lương, đậu đen, ngô và gạo. Những hiện vật đó đã được giao nộp cho chính quyền. 

Thiên An Môn có hơn 60 cây cột trong đó cột lớn nhất có đường kính 1,2m và cột nhỏ nhất có đường kính 0,6m. Mỗi cây cột cao 12m và nặng hơn 7 tấn. Loại gỗ của những cây cột này đã được tìm thấy tại khu vực rừng nguyên sinh ở đảo Hải Nam, nhưng do khó khăn trong khâu vận chuyển nên sau đó đã đổi sang nhập khẩu từ Gabon và North Borneo. Loại gỗ này rất cứng có màu đỏ hoặc vàng, gặp lửa không cháy mà chỉ bốc khói. Theo yêu cầu “sử dụng toàn bộ vật liệu mới” mà Quốc vụ viện đưa ra, toàn bộ kết cấu bằng gỗ của Thiên An Môn được gia công tại Bắc Kinh và tất cả các cột, xà đều được làm từ gỗ nguyên khối. Các chi tiết gỗ được xử lý hóa học phòng mối mọt, phòng cháy...

Trong quá trình sửa chữa Thiên An Môn còn tìm thấy 7 quả đạn pháo được chôn ở khu vực xung quanh Thiên An Môn. Không ai biết dụng ý của việc chôn 7 quả đạn pháo đó là gì và sau đó những hiện vật này cũng không hề được nhắc đến và đã biến mất. 

Để hoàn thành những chi tiết dát vàng của Thiên An Môn, người ta đã phải sử dụng 6 kg vàng. Sau khi công trình hoàn thành, một tổ kiểm tra gồm 9 chuyên gia đã được thành lập để nghiệm thu kết quả. Tổ kiểm tra đã sử dụng máy dò kim loại để dò khắp khu vực Thiên An Môn và phát hiện thấy một dụng cụ bằng sắt bị bỏ quên. Khi kiểm tra khu cầu thang phía đông thì máy dò lại kêu to. Kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân là do trong thành phần loại đá sử dụng có hàm lượng sắt tương đối cao.

Công trình xây dựng lại Thiên An Môn chính thức khởi công ngày 15/12/1969 và hoàn thành ngày 7/3/1970. Tổng cộng thời gian thi công công trình là 112 ngày. Riêng phần ngói thủy tinh của công trình này cũng đã có đến hơn 10 vạn viên gồm hơn 100 loại kích cỡ khác nhau. Sau khi xây dựng lại, Thiên An Môn mới có kích thước cao hơn nguyên bản 87mm bởi theo lịch sử ghi chép lại thì do được xây dựng đã lâu nên Thiên An Môn cũ đã bị lún sụt nên thực ra Thiên An Môn mới đã phục hồi được độ cao cũ ban đầu của công trình này. Thiên An Môn mới không chỉ bảo toàn được hình dáng, kết cấu và kích thước mà còn được xây dựng với tiêu chuẩn phòng chống động đất cấp 9 và các loại thiết bị chiếu sáng, sưởi nóng, điện thoại, thang máy... Theo thống kê có tới 216 đơn vị từ 21 tỉnh trên toàn Trung Quốc tham gia công trình xây dựng lại Thiên An Môn và thời điểm đông nhất công trình sử dụng đến 2.700 công nhân.   

Sau khi tấm màn che được tháo dỡ, một Thiên An Môn mới hiện ra hùng vĩ, huy hoàng và tráng lệ. Ngay chính giữa là hình ảnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông và hai bên là hai biểu ngữ: “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa muôn năm” và “Nhân dân thế giới đại đoàn kết muôn năm”. Ngày nay, Thiên An Môn đã trở thành địa điểm tổ chức những sự kiện trọng đại của Trung Quốc và là một điểm tham quan nổi tiếng trên đất nước Trung Hoa

T.V. (tổng hợp)
.
.