Ngồi ở nhà tướng Đặng Quốc Bảo

Thứ Hai, 09/01/2017, 12:45
Những năm xa, đã vài lần có dịp đến tư gia của ông bà do công việc, thoáng ngó vẻ lịch lãm và gì nữa, một chút thướt tha duyên dáng bên người chồng, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, tự dưng câu ngạn ngữ “lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống” cứ choán lấy tâm trí. Tông, giống ở đây hình như hàm cả nghĩa đen lẫn bóng?

Tầm truy ngược sử Việt, chắc không ít những môn đăng hộ đối này khác. Trong phạm vi bài viết ngắn này tôi nghĩ khái niệm môn đăng hộ đối có lẽ chưa chính xác mà về đường nhà gái hình như cụm từ trâm anh thế phiệt có lẽ tạm xuôi tai hơn?

Thời gần có hai ái nữ và cháu nội của cụ Tuần phủ Vi Văn Định kết duyên với những đấng nổi danh GS. Hồ Đắc Di, GS. Nguyễn Văn Huyên và GS. Tôn Thất Tùng. Có cụ Sở Cuồng Lê Dư, một trí thức uyên bác, mấy cô con gái rượu của ông, cô cả là phu nhân của Vũ Ngọc Phan, cô thứ hai, vợ nhà trí thức nổi danh Hoàng Văn Chí, cô út là vợ tướng huyền thoại Nguyễn Sơn.

Như cô con gái cưng của GS Dương Quảng Hàm, Dương Thị Duyên đây đã bén duyên với Phó GS,  tướng Đặng Quốc Bảo. Cô em Dương Thị Thoa còn có tên là Lê Thi được ví như một nữ lưu, người vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình đã nên duyên với Đại tá Lê Hồng Hà, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Một cô nữa là GS Dương Thị Cương, GĐ Bệnh viện C thành gia thất với ông chồng là GS Vũ Văn Đính, Chủ nhiệm khoa, Anh hùng Lao động ngành Y tế.

GS Dương Quảng Hàm bỏ mình vì quốc sự thời điểm Toàn quốc kháng chiến, sau này được truy tặng liệt sĩ, trước năm 1945 là GS, học giả nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu mà một trong những trước tác đó thế hệ trí thức Việt lẫn bình dân thời Pháp cai trị đều thuộc nằm lòng đó là cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” - một công trình khoa học cơ bản và khoa học giáo dục nổi tiếng, đặt nền móng cho bộ môn Văn học sử ở Việt Nam,...

Hổ phụ sinh hổ tử. GS ở chín suối hẳn ngậm cười vì khi GS ngã xuống, những đứa con hẵng còn trẻ thơ, bấy bớt nay thành đạt, phương trưởng. Có thể do nếp nhà khí chất được hưởng của người cha. Thứ nữa là sự truyền dạy, rèn cặp của người mẹ mà các cụ mình thường nói phúc đức tại mẫu. Người con trai thứ, GS Dương Trọng Bái nổi tiếng lĩnh vực khoa học vật lý, Anh hùng Lao động thời đổi mới. Nếu người em gái Lê Thi căn cốt học thuật từng là Viện trưởng Viện Triết học thì cô chị Dương Thị Duyên trưởng thành từ chiến khu Việt Bắc dần dà tập quen với nghề báo.

Chủ tịch Fidel Castro với ông Đặng Quốc Bảo.

Rồi một yếu nhân của TTXVN Dương Thị Duyên được chọn là nữ phóng viên duy nhất tại cuộc hòa đàm Ba Lê thời Trưởng đoàn Xuân Thủy. Cũng phải biên thêm cho tộc phả nhà ấy, GS Bái còn có một người anh là Dương Bá Bành, bác sĩ phẫu thuật tài năng, không may bị tai nạn giao thông rồi qua đời tại Pháp, một người em trai là Dương Đại Hồng, giáo viên THPT lâu năm và người em út là Dương Tự Minh, từng là Giám đốc khách sạn Hà Nội.

Phóng viên TTXVN Dương Thị Duyên, nữ nhà báo Việt Nam duy nhất trong phái đoàn VNDCCH do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy dẫn đầu từ tháng 5-1968 hiện đang phải nằm một chỗ sau lần giải phẫu não. Nhưng câu chuyện ngắt quãng khi có khách thăm, trí nhớ của bà vẫn chắp nối để rành rẽ một câu chuyện dài phong phú sôi động. Như tấm ảnh trên tường kia  bà chụp cùng nhà báo Leo Figuères của đảng Cộng sản Pháp cùng một số đại biểu tại Ðại hội Phụ nữ lần thứ nhất, Việt Bắc năm 1950.  Đó là lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ và nhiều đại biểu nữ đang chiến đấu và công tác ở các vùng miền.

Rồi những ngày đêm ở Ba Lê khai thác thông tin, làm tin phổ biến, tin tham khảo, hằng ngày gửi về Tổng xã và phục vụ công tác nghiên cứu của Ðoàn. Trưởng Đoàn Xuân Thủy lần ấy đã ví vui cặp mắt của nữ nhà báo duyên dáng thông thạo tiếng Anh tiếng Pháp, khi thì như con dao cau, lúc thì như ánh mắt của chim phượng. Ý ca ngợi cách hành xử thận trọng, chuyên nghiệp, tranh thủ được cảm tình của nhiều phóng viên quốc tế, tạo quan hệ gần gũi, tin cậy với những người có nhiều tin quan trọng, “tìm cơ hội ‘moi’ tin tức của họ mà vẫn chú ý thận trọng để không bị lộ tin tức bí mật của mình.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hội nghị Ba Lê, năm 1970 bà về Hà Nội phụ trách phòng tin thế giới.  Với nhiều đóng góp xuất sắc, Tổng xã có công văn xin bà về làm Phó Tổng. Mặc dù các yếu nhân của TTX như Đào Tùng, Đỗ Phượng tha thiết nhiều lần xin nhưng nơi khác lại cần bà hơn? Bà được chuyển công tác sang Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam là Thường vụ, Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội cho đến lúc nghỉ hưu.

… Vẫn phong thái tự nhiên xởi lởi thẳng thắn như mấy chục năm trước, thời tôi có mấy dịp tháp tùng chủ nhân đây, Trung tướng Đặng Quốc Bảo Bí thư thứ nhất  TƯ  Đoàn  đi  tỉnh này địa phương khác. Hàm tướng hồi đó hiếm nhưng hiếm hơn là phong thái trí tuệ của một thủ lĩnh thanh niên mà mặt bằng cán bộ bây giờ đang hình như thiếu, khuyết?

Câu chuyện chúng tôi loanh quanh thế nào lại lui về cái làng Hành Thiện quê ông. Hành Thiện nằm trên hành lang Phủ Thiên Trường. Địa linh tất sinh nhân kiệt. Thời Nho học,  Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người có bằng cấp cao nhất trong làng là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh) sinh năm 1828;  đỗ tam giáp tiến sĩ đệ nhất.

Thoáng trên tường bức ảnh vợ chồng ông trẻ trung bên cụ Trường Chinh. Hình như tướng Bảo là anh em thúc bá?

Làng có 4 quan thượng thư; 4 ông tuần phủ; 4 người làm quan tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan tri phủ, tri huyện, chưa kể số đỗ đạt đi làm thầy giáo (sư phụ), thầy thuốc (đại phụ) ở khắp nơi. Thời hiện đại, làng Hành Thiện có 88 người là GS, TS và trên 600 người có bằng cử nhân, trong khi dân số của làng chỉ trên 6.000 người.

Làng có 4 tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc; 2 Anh hùng LLVT là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm bộ trưởng có Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Hàm GS có Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh. Ngạc nhiên trong chuyện ông cười như khoe rằng, không phải ở Hành Thiện nhưng khí mạch của đất Hành Thiện bây giờ nảy ra một nhân vật được coi là số 2. Ấy là ông Đinh Thế Huynh. 

 Có lần tôi mạo muội dùng cụm từ ma lực Đặng Quốc Bảo trong một bài viết đề cập đến sức thuyết phục của ông. Nhớ một “fan” của ông từng bộc bạch “Ông ấy làm được cái việc rất đơn giản mà nhiều, rất nhiều người không làm được là nhắc người ta chợt nhớ, mà nhớ một cách tự nguyện và ngoan ngoãn rằng không phải miếng ăn là tất cả!”.

Anh cũng dài dòng rằng, tiếp chuyện ông, người ta dễ rơi vào trạng thái tâm lý mà có người gọi là tình cảm tôn giáo. Có hơi ngược một chút là con chiên chả phải làm phận sự xưng tội bởi tâm trí bận cuốn theo những dẫn dắt của thứ thủ lĩnh tinh thần là ông.

Tổng Bí thư Trường Chinh (ngoài cùng bên phải) cùng ông bà Đặng Quốc Bảo, Dương Thị Duyên.

Có người vội vã từng riệt cho ông kiêu ngạo? Nhưng bất ngờ trong câu chuyện mới đây, ông bộc bạch giản dị. Nhân cách được biểu hiện qua ứng xử cậu ạ. Phải hiền lành giấu mình đi một tý. Cung cách ứng xử của tôi là đừng để ai đó có cảm giác mình coi thường họ. Có lẽ ngu xuẩn nhất là chỗ nào cũng nhăm nhăm kiếm chuyện. Nếu không nuôi, không gây được cảm giác người đối thoại đang được mình tôn trọng thì mình thất bại. Tất nhiên là phải trao đi đổi lại không phải một chiều. Người đang ngồi với mình là một bộ phận, một nội dung của xã hội mà mình đang muốn biết và tham khảo... Có lẽ đó là phương pháp cơ bản của mình.

Phương pháp Đặng Quốc Bảo, bí quyết làm nên ma lực của sự thuyết phục phải chăng ông biết  nâng tầm khái quát thăng hoa thành khái niệm xen lẫn chi tiết sinh động của đời sống? Chả hạn như ông sôi nổi về lớp trẻ thế này: “Tốc độ tiến lên của Việt Nam phụ thuộc vào sự trưởng thành của lực lượng trẻ và tôi khẳng định người trẻ hiện nay dễ thích ứng với tốc độ nhanh hơn, cao hơn mà thế hệ đàn anh chưa làm được. Tổ chức Đoàn phải vượt qua những trở ngại thuộc về triết lý trong cuộc sống của giới trẻ. Đó là sự giả dối. Học hành giả dối, đối phó nên bằng cấp là giả dối...

Thời đại đã tạo ra thời cơ thuận lợi nhất cho giới trẻ thuận lợi chưa từng có lịch sử - nên cần phải khắc phục những thói xấu trên để nắm lấy cơ hội, phát triển đất nước.

Vai trò chính của thời đại là sự xuất hiện các học giả trẻ tiến tới trình độ của thời đại và có tính chủ động cao. Chưa bao giờ đòi hỏi của dân tộc đối với lớp học giả trẻ lại cấp bách như hiện nay, để họ vượt lên, làm nòng cốt dẫn dắt đất nước đi lên. Sự hình thành của lớp học giả trẻ trí tuệ là cơ sở hình thành các chính sách chiến lược...”.

Nhưng ngay đó ông đã thở dài rằng, từng học toán, lý, học luật trước cái tuổi 20. Bây giờ tuổi 90 vẫn ngày đọc 3 tiếng và sử dụng Internet tham khảo, kết nối này khác nhưng có dịp chuyện trò với 2 đứa cháu nội ông vẫn thấy... đuối! Cháu nội ông, 1 trai 1 gái mới trên 20 trình độ TS đang làm việc ở nước ngoài. Bức ảnh trên tường ghi lại hình ảnh Thái tử Hoàng gia Anh đến tận ĐH Cambrit để chúc mừng thành tích của sinh viên Đặng Hoàng Vũ - cháu nội ông.

Ông chiếu cái nhìn về phía tôi. Cái đã đi qua vĩ đại thật nhưng cái cái quyết định là cái phải đi tới. Không phải con cậu mà là thế hệ các cháu của cậu mới đại diện cho tương lai. Các cháu nó không cần cái nhà của ông bà để lại mà chúng đi khắp thế giới không có bến đỗ nào cố định hết!

Hơi bị thú vị khi ông đề cập tạm gọi là giải mã câu thành ngữ “lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống” và “phúc đức tại mẫu”. Tớ may mắn gặp được vợ tớ - ông cười - cái gene là người đàn ông, người chồng quyết định. Nhưng để uốn nắn cái gene ấy rèn cặp dưỡng dục kiến tạo nhân cách phải là người đàn bà. Ngạc nhiên khi ông bộc bạch phương pháp nói chuyện với trẻ từ khi còn trong bào thai ông bà đã áp dụng từ bao giờ? 

Rời ngôi nhà đối diện với vườn hoa Hàng Đậu, chợt nhớ thêm trong buổi trao phần thưởng cao quý Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) cho ông Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người từng kề vai sát cánh với ông nhiều năm trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, có những lời khá tâm huyết. Và cả cật ruột nữa.

Bởi không dễ có những lời như thế này: “Đồng chí Đặng Quốc Bảo là con người trung thực. Vì lợi ích cách mạng, đồng chí dám phê phán. Những bài phát biểu của đồng chí Đặng Quốc Bảo đều góp phần phát triển lý luận cách mạng. Đặc biệt, đồng chí có công đào tạo ra một thế hệ mang ba đặc tính. Đó là tâm huyết, độc lập sáng tạo và mang trong mình khả năng mầm mống của sự phát triển”.

Xuân Ba
.
.