Người chiến sỹ Điện Biên năm xưa

Thứ Ba, 15/05/2012, 13:35

Mùa xuân năm rồi, khi hoa ban nở trắng rừng Tây bắc, Trần Minh Văn - giám đốc phụ trách dự án của Vinamilk rủ chúng tôi tham gia một chuyến du xuân lên Tây bắc, đi giữa những điệp trùng rừng ban để đến với mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa…

Thì hóa ra, gần 58 năm trước, thân sinh của Trần Minh Văn là đồng chí Lê Nam (Trần Ngọc Quế) đã tham gia chiến dịch này, và chính ông đã cùng Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 đánh trận Him Lam nổi tiếng  mở màn chiến dịch Điện Biên…

Dù chưa một lần gặp, nhưng tôi lại biết về người cha của Văn trước khi biết Văn. Là bởi khi ấu thơ học tại Hà Nội, có lần tôi được nhà  trường tặng thưởng một cuốn sách viết về các chiến sĩ Điện Biên, và đọc cho đến thuộc lòng từng hàng chữ.

Chính giữa những trang sách này, tôi đã gặp người cha thân yêu của Trần Minh Văn…

"Qua ánh đèn bão tôi thấy nét mặt của Trung đoàn trưởng sắt lại:

- Vẫn còn một lớp hàng rào án ngữ lối xung phong chính. Bộc phá viên nào lên, bị thương vong ngay người ấy.

- Ta phải xuống trực tiếp nắm tình hình, giải quyết khó khăn tại chỗ mới được.

Tôi vừa nói dứt lời thì đồng chí Lê Nam có ý kiến ngay:

- Đề nghị cho tôi xuống!

- Không, đồng chí mệt, để chúng tôi! - Trung đoàn trưởng  trả lời Lê Nam.

- Các anh phải ở lại đây! - Nói đoạn, Lê Nam chạy vụt ra ngoài chỉ huy sở.

Chúng tôi gọi giật lại không được, đành phải cử một tổ liên lạc chạy theo. Cả chỉ huy sở hồi hộp chờ đợi. Riêng tôi, ngoài việc lo cho Tiểu đoàn Phủ Thông, lại lo cho cả Lê Nam đang yếu mệt, liệu có hoàn thành được nhiệm vụ theo như ý muốn của anh và cũng là của chúng tôi hay không?

Điện của Bộ tư lệnh Đại đoàn gọi xuống hỏi tình hình. Rồi đồng chí phái viên của Bộ tư lệnh Đại đoàn lại xuống trực tiếp hỏi chúng tôi… Một lúc sau, chúng tôi nghe thấy rõ, giữa những tiếng súng lớn nhỏ, bỗng có tiếng bộc phá nổ dội. Rồi một đồng chí ở tổ liên lạc dây chuyền chạy về báo tin: Đồng chí Lê Nam đã gặp đồng chí Ân, Tiểu đoàn trưởng và cho biết ở dưới lớp hàng rào cuối cùng ấy là một đoạn giao thông hào. Một ổ trung liên của địch hoạt động ngay tại đó. Ta bắn, nó lẩn. Ta ngừng bắn cho bộc phá lên, nó lại xuất hiện ra bắn quét, rất nguy hiểm.

Không lâu, đồng chí liên lạc lại chạy vào báo cáo: Tiểu đội đồng chí Oanh đã xung phong vào hướng chỉ huy sở của địch. Và đồng chí đó vừa dứt lời thì chuông điện thoại ở chiếc máy gọi thẳng xuống Tiểu đoàn Phủ Thông bỗng réo lên - đường dây thế là đã nối lại được rồi! Tôi chạy tới nghe. Đó là tin cuối cùng: Tiểu đội của Nguyễn Văn Oanh đã cắm lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" lên đỉnh cứ điểm 1, cứ điểm then chốt của Him Lam, sau khi đã diệt liên tiếp 5 chiếc lô cốt.

Lúc đó là 23 giờ 30 phút, trước giờ quy định của Bộ chỉ huy mặt trận 30 phút…" (Chiến thắng Him Lam - Tác giả Mạc Ninh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân).

Vâng, ngay từ tuổi ấu thơ, tôi đã thuộc lòng những đoạn văn này. Và đồng chí Lê Nam trong câu chuyện, chính là người cha thân yêu của Văn… Ở hàng rào cuối cùng của Him Lam, chính ông là người trực tiếp chỉ huy để quân ta xuyên thủng, giành thắng lợi cuối cùng…

Ông Lê Nam tên thật là Trần Ngọc Quế, quê ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bởi làng quê quá nghèo, ông đã theo các cụ phiêu bạt mãi tận Vinh, rồi Thanh Hóa. Ở đây, ông được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên Cộng sản, và thời nhà thơ Tố Hữu ra tù về Thanh Hóa gây dựng tổ chức Đảng, thì ông được ông Tố Hữu dắt dìu và giao cho nhiều công tác quan trọng…

Bước vào kháng chiến chống Pháp, ông thuộc lớp cán bộ Đảng tăng cường cho quân đội.

Tác phẩm sơn dầu “Trong chiến hào Him Lam”, một sáng tác mới kỷ niệm Điện Biên Phủ của họa sĩ quân đội Phạm Thanh Tâm.

Ông làm công tác chính trị tại Đại đoàn 312, cùng Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch lớn. Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141, ông cùng Trung đoàn của mình lãnh ấn tiên phong đánh trận mở màn, tiêu diệt cứ điểm Him Lam của địch. Là cán bộ chính trị, ông nhiều lần được vinh dự  đọc vang thư Bác Hồ gửi động viên anh em chiến sĩ trước giờ xuất kích: “Các chú sắp ra trận, nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới… Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú”…

Ông là người từng phát hiện ra  Phan Đình Giót để bồi dưỡng thành tấm gương anh hùng (Hồi ký của Đại tá Mạc Ninh, Chính ủy Trung đoàn: Đồng chí Lê Nam, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn cho tôi biết: Tiểu đội phó Phan Đình Giót trong túi thường xuyên có gói kim chỉ, hễ cứ qua một chặng đường dài lại bỏ ra khâu kín những chỗ nứt nẻ ở gan bàn chân để hôm sau đi cho kịp anh em…).

Ông năng động, nhiệt tình, sống hòa đồng với chiến sĩ, được anh em yêu mến, tin cậy, do đó luôn hoàn thành tốt các công tác chính trị của đơn vị. Và đặc biệt trong đêm 13/3/1954 khi đơn vị nổ súng tấn công Him Lam, dù đang bị cơn sốt rét hành hạ, ông vẫn tích cực tham gia chiến đấu, và ở khoảnh  khắc ác liệt nhất, gay cấn nhất tại lớp hàng rào cuối cùng bị địch án ngữ, quân ta hy sinh rất nhiều mà không thể vượt qua, chính ông Lê Nam đã xung phong từ chỉ huy sở lao xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn Phủ Thông của trung đoàn khai thông và đánh chiếm bằng được cao điểm cuối cùng này…

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, có công lao của toàn quân, toàn dân và  trước hết là của những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp cầm súng xung trận, trong đó có người Chủ nhiệm chính trị xuất sắc của Trung đoàn 141 này… Sau chiến dịch, ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, được  điều về công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…

Năm 1967, người chiến sĩ Điện Biên này lại lên đường ra trận khi chiến dịch  Đường 9 - Khe Sanh mở ra. Một Bộ tư lệnh của mặt trận được Quân ủy Trung ương thành lập, do Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm chính ủy, Phó tổng tham mưu trưởng Trần Quý Hai làm tư lệnh, và Trung tá Lê Nam giữ chức Trưởng phòng Tuyên huấn Cục Chính trị mặt trận. Ông đã anh dũng hy sinh trong một trận B52  rải thảm trúng vào Bộ tư lệnh mặt trận, để lại bao niềm thương tiếc cho gia đình, đồng đội…

Đại tá Bùi Thế Tâm, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần mặt trận, và sau này là Cuc trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng, đã nói về đồng chí Lê Nam: "Trên cương vị vừa là Trưởng phòng Tuyên huấn, vừa là Phái viên chính trị của Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp ở mặt trận, Trung tá Lê Nam đã giúp Bộ tư lệnh tiến hành công tác chính trị chiến đấu, công tác chính trị chiến trường, góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi của chiến dịch. Liệt sĩ Lê Nam là một phái viên chính trị xuất sắc tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh".

Với nhiều công lao to lớn, Trung tá Lê Nam được Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, đặc biệt là sau này ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì… Phải ghi nhận đây là một sự đánh giá rất trân trọng của Đảng và Nhà nước với cuộc đời đồng chí Lê Nam, từ chiến dịch "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" cho đến mặt trận Đường 9 - Khe Sanh nổi tiếng thời chống Mỹ…

Người liệt sĩ  từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ ấy sớm ra đi, để lại người vợ hiền và ba đứa con ngoan. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Hiệp suốt một đời thờ chồng, nuôi con, việc nước việc nhà đều đảm đang, trọn vẹn. Từ một công nhân, bà trở thành Bí thư Đảng ủy, Giám đốc  Nhà máy kẹo Hải Hà, Hà Nội; rồi Bí thư Đảng, Giám đốc Nhà máy bột mỳ Bình  Đông, TP HCM.

Người con gái lớn của ông bà, chị Trần Thu Chung tiếp bước cha, hiện là Đại tá  Bộ đội Biên phòng; người con trai Trần Minh Văn là Thạc sĩ, Phó tổng giám đốc phụ trách dự án của Vinamilk… Chính người con trai này đã cùng mẹ và chị với sự giúp đỡ của Tướng Đồng  Sỹ Nguyên  đã đưa hài cốt cha mình từ núi rừng Trường Sơn về Nghĩa trang TP HCM để tiện bề chăm sóc và hương khói. Không những thế, Văn còn nghe theo lời mẹ tìm đường về quê cha tại xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) xây dựng một từ  đường cho họ tộc bởi cha anh là con trưởng của dòng họ…

Và mùa xuân ấy, giã từ Him Lam - Điện Biên, Trần Minh Văn đã mang theo về một cành ban rất đẹp để cắm trên mộ cha - người chiến sĩ Điện Biên tại Nghĩa trang TP HCM, như mang tất  cả vẻ đẹp của thiên nhiên, của  ký ức  Điện Biên oai hùng về cho cha mình…

Trương Nguyên Việt
.
.