Người đóng thế Stalin sau hơn 50 năm im lặng

Thứ Năm, 15/05/2008, 08:30

Suốt nhiều năm các nhà bác học và sử học đau đầu với câu hỏi: có hay không người đóng thế Stalin? Đã có những tin đồn rằng đại nguyên soái từng có đến vài người đóng thế. Nhưng, họ là ai, thay thế lãnh tụ trong những trường hợp nào và nói chung họ có tồn tại hay không trên thực tế? Nếu có thì điều gì đã xảy ra với họ sau đó?

Ý thức về dấu "tuyệt mật"

Và thật tình cờ, chúng tôi đã tìm được không chỉ điều xác nhận cho việc Stalin có người đóng thế, mà còn là người đóng thế thực sự còn sống. Con người này sống khiêm tốn ở Moskva và không bao giờ kể cho bất kỳ ai về chi tiết này trong tiểu sử của mình. Ông đã cam kết không để lộ và im lặng hơn 50 năm nay.

Thậm chí nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Phelics Dadaev không hề tiết lộ một lời nào về vai kịch bí mật và rất nguy hiểm của mình với vợ và các con. Ông im lặng để giữ mạng sống cho mình. Trước năm 1996, mọi thông tin về người đóng thế được giữ bí mật, và chỉ có một vài nhân viên ngành đặc biệt biết về sự tồn tại của ông. Trong năm 1996, hồ sơ lưu trữ được giải mật. Lúc đó những người trong gia đình mới biết về bí mật này và rất lâu, họ không thể tin vào việc đó!

Chi tiết gây chấn động trong tiểu sử trước kia chỉ nằm trong hồ sơ cá nhân của ông được bảo quản tại tủ bảo mật của KGB. Còn bây giờ nó nằm trong tiểu sử chính thức của Phelics Gajievich Dadaev, Trung tướng, cựu chiến binh Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, giáo sư, viện sĩ, người được thưởng Huân chương “Sao vàng vinh quang của Tổ quốc” và nhiều phần thưởng khác.

Trong Bách khoa toàn thư của Bộ Quốc phòng “Những người lính thế kỷ XX” (tập 2, trang 326) có viết về Dadaev như sau: “Và còn một nét đặc biệt nữa trong tiểu sử của Phelics Gajievich: trong năm 1996 đã giải mật, rằng trong suốt một thời gian dài nghệ sĩ đã đóng trong phim thời sự như là người đóng thế I.V Stalin. Dĩ nhiên, việc đó được thực hiện với sự cho phép của ngành và của chính Stalin. Có ngoại hình giống một cách kỳ lạ với lãnh tụ, Dadaev đã đọc các báo cáo, bắt chước giọng nói của Người...”.

Trở thành người đóng thế như thế nào?

- Tên thật của tôi là Gazavat (Gazi), còn tên Phelics tôi đã lấy trong thời gian chiến tranh để tưởng nhớ người chỉ huy đã hy sinh trên tay tôi - Phelics Gajievich kể.

Ông sinh năm 1926 tại làng Cazi-Cumikh trên vùng  núi cao của Dagestan, ngay từ nhỏ đã phải làm việc: làm mục đồng, học nghề mạ thiếc của cha, thông thạo công việc kim hoàn. Nhưng điều ông thích nhất là những điệu nhảy. Khi gia đình chuyển đến Groznưi ông đã học ở chỗ người dựng vở ba lê.

Sau khi cùng gia đình chuyển đến Ucraina, Gazi đã biểu diễn trong đoàn ca múa “Lezginca”, năm 1939, người ta đã nhận ra Gazi tại kỳ thi Olympic nghệ thuật Bắc Kavkaz và đã mời ông về Đoàn ca múa quốc gia Ucraina. Đoàn chuẩn bị đi biểu diễn ở London, đang tìm kiếm người biểu diễn các điệu nhảy Kavkaz. Và sự lựa chọn rơi vào Dadaev.

Trong thời gian chiến tranh, ông phục vụ tại Lữ đoàn Văn công tiền  phương thuộc Sư đoàn 132. Tiếng tăm về tài năng của Gazi bay khắp các lữ đoàn văn công tiền phương và đã tới tai các tướng lĩnh quân đội.

Chiến tranh nên các nghệ sĩ cũng phải cầm súng chiến đấu. Dadaev thậm chí còn đi trinh sát – theo tin tức của ông, Hồng quân đã cho phá cây cầu, sau đó, quân Đức không còn đường rút, để quân đội Xôviết vào được thành phố Cherkessc. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Sau lần Dadaev bị thương năm 1942, quân y viện đã gửi giấy báo tử về cho gia đình ông.

- Người ta đưa 7 thi hài về quân y viện, trong đó hóa ra có hai người còn sống. Một trong hai người đó là tôi - Dadaev kể cho phóng viên tờ KP nghe - Tôi vẫn còn giữ giấy báo tử. Trong những năm chiến tranh, người thân của tôi cứ nghĩ là tôi đã hy sinh ngoài mặt trận.

Những ai đã từng nhìn thấy Dadaev đều nhận xét rằng ông giống Stalin đến kỳ lạ.

- Hồi trẻ tôi giống lãnh tụ của dân tộc đến nỗi thậm chí một số người đã chế nhạo tôi. Tôi làm ra vẻ không thích, nhưng tận trong tâm khảm lại rất tự hào bởi mình giống với vị lãnh tụ vĩ đại - Dadaev kể.

Không biết từ khi nào và ai là người đưa ra ý tưởng chọn Dadaev làm người đóng thế Stalin. Nhưng, trong năm 1943, các nhân viên ngành đặc biệt đã quan tâm đến người chiến sĩ này. Sau một buổi biểu diễn của Dadaev, một nhóm người mặc thường phục đã đến chỗ ông và đưa ông về Moskva bằng một chuyến bay bí mật mà không một lời giải thích. Họ đưa ông tới một nhà nghỉ ở ngoại ô, cho ông ăn rất ngon. Chỉ đến khi đó các nhân viên Nội vụ dân ủy mới giải thích họ muốn gì ở ông.

Chuẩn bị thế nào?

- Phelics Gajievich, người ta chuẩn bị cho ông đóng thế như thế nào?

- Đây - nghệ sĩ lấy ra các bức ảnh trong đó ông đóng vai Stalin nhưng với các kiểu tóc và râu khác nhau và cho xem - là những bức ảnh chụp thử để tìm ra những cái giống nhất. Bức này bị hỏng. Stalin không thể gầy như thế được. Bức ảnh này cũng bị hỏng, ở đây không giống lãnh tụ lắm.

- Theo quan điểm đầu tiên, có vẻ không thực tế lắm khi một thanh niên còn trẻ lại đóng thế một ông già đã ngoài 60 tuổi?

- Tôi đã trải qua bao thứ, chịu nhiều đau khổ, nên nhìn già hơn tuổi.

- Ông phải hóa trang già đi thế nào?

- Vào những năm đó không có hóa trang tạo hình như bây giờ. Tôi phải tự làm cho mình những “nốt rỗ” trên mặt: trước tiên tôi thoa lớp phấn màu nâu như rám nắng, sau đó dùng lược chải đầu có răng bằng sắt của phụ nữ ấn mạnh vào mặt mình. Răng lược sẽ để lại những dấu trên mặt. Thế là thành những “nốt rỗ” sâu. Khi lớp hóa trang khô đi, tôi đánh phấn nhẹ lên mặt. Suốt cả ngày cứ phải giữ nguyên như thế, đến tối mới tẩy trang. Nhưng điều chủ yếu là phải biết bắt chước đúng tác phong, cử chỉ, dáng đi, giọng nói của Stalin.

Dadaev phải chuẩn bị trong vài tháng trời. Ông phải tập luyện dưới sự chỉ đạo của các huấn luyện viên và dưới sự giám sát của các nhân viên Nội vụ dân ủy.

Trong toàn bộ thời gian năm 1943, các nhân viên Nội vụ dân ủy mặc thường phục đã có các cuộc trò chuyện với Dadaev: ông phải cư xử thế nào trong đời thường. Người ta cấm ông giao tiếp với người thân. Lúc đó, ông phải viết cam kết im lặng. Tuy nhiên, không có bản cam kết ông cũng chẳng dám liều mà hở ra với ai đó về “công việc” của mình - như ông nói, đời ông giống như vở kịch có tên gọi “Im lặng là vàng”.

- Các anh xem này. Đây là ai? – Dadaev rút từ túi ra một tấm ảnh. Chúng tôi nhận ra đó là Stalin! Đúng y như bức ảnh trong các cuốn sách lịch sử!

– Không phải. Đó là ảnh tôi đóng thế! – Dadaev nói, có vẻ thỏa mãn về ấn tượng đã tạo ra.

- Nhìn chung tôi và lãnh tụ giống nhau gần như 100%. Giống cả vóc dáng (Dadaev cao 1,70 m, còn Stalin - 1,72m), cả giọng nói, cả cái mũi. Chỉ có đôi tai là khác nhau. Chỉ có thể phân biệt người thật và người đóng thế qua đôi tai này. Trước kia tôi không nhận ra điều đó.

Dadaev nói, sự giống nhau của ông với lãnh tụ là do ông tự đánh giá. Ban đầu là qua các bức ảnh. Còn một lần họ gặp nhau. Và Phelics Gajiev đã viết trong cuốn sách của mình:

“... Sau này, trong những năm 50 đã xuất hiện những tin đồn từ những kẻ KGB phản bội, rằng ở đâu đó có người đóng thế, rằng không phải chỉ một người. Rồi một ai đó trong số họ xác nhận, rằng người đó không biết đã chết hay đã hy sinh. Sau cái chết của Stalin tất cả đã im lặng, và chỉ trong năm 1955 một nhà sử học đã đưa ra câu chuyện, người ta đã chuẩn bị và huấn luyện một người, một nghệ sĩ không ai quen biết tại nhà nghỉ của chủ nhân".

Bốn người đóng thế

- Phelics Gajievich, có người đóng thế nào khác nữa không?

- Stalin có 4 người đóng thế. Người ta đề phòng ông bị ám sát. Hồi ấy gián điệp hoạt động nhiều lắm. Bởi vậy mọi chuyến đi đều được chuẩn bị rất kỹ càng. Chẳng hạn, mọi người đều biết: xe sẽ đưa Stalin ra sân bay hoặc đến một thành phố nào đó.

Trên thực tế đi từ điện Kremlin ra là người đóng thế và anh ta lên xe ôtô. Mọi người nhìn thấy anh ta và cho rằng đó chính là Stalin. Song, Stalin thật vào lúc đó đã lặng lẽ đi theo con đường khác. Và điều đó chỉ có những người vạch ra phương án biết thôi. Thậm chí, từ Cunsev đến Cremlin có hai con đường. Chính tôi đã tham gia trong những chuyến đi thu hút sự chú ý như vậy với tư cách người đóng thế Stalin.

- Vậy ông và những người khác đóng thế Stalin đã gặp nhau bao giờ chưa?

- Tôi không thể nói được.

- Ông có hiểu rằng mỗi chuyến đi của ông trong hình ảnh của Stalin có thể  là chuyến đi cuối cùng không?

- Tất nhiên... Bây giờ khó ai nghĩ rằng người đóng thế còn sống! Thậm chí, người ta còn loan báo rằng tôi đã bị bắn chết, để không ai tìm kiếm nữa...

Dadaev im lặng và có cảm tưởng rằng mắt ông hơi ướt. Ông giữ im lặng. Sau đó ông mỉm cười và phanh vạt áo vét ra. Tôi nhìn thấy trong thắt lưng của ông khẩu súng ngắn. Rồi ông nói: “Để đề phòng bất trắc!”.

Sau này, một người bạn của ông giải thích với chúng tôi, đến tận bây giờ Dadaev vẫn còn có thói quen nghĩ về sự an nguy của mình, lo sợ những vụ mưu sát. Ông còn sống vì ông là người rất cẩn trọng. Tôi biết rằng, trong thời gian chiến tranh, ông đã học ở trường tình báo. Những cán bộ an ninh đã để ý đến ông cho nhiệm vụ thay thế Stalin. Ông đã kể cho tôi nghe, rằng trong thời gian chiến tranh ông đã thay Stalin đọc báo cáo qua sóng phát thanh.

- Ông đã gặp Beria chứ?

- Tất nhiên! Beria tham gia vào việc chuẩn bị những người đóng thế Stalin.

Thay Stalin xuất hiện trước mọi người

Theo lời người bạn thân của Dadaev, giai đoạn đầu tiên hợp tác với cơ quan an ninh của ông trong vai người đóng thế là chuyên xuất hiện tại những nơi cần thiết, thu hút sự chú ý về mình (chẳng hạn, đi từ Kremlin ra, ngồi vào xe...). Giai đoạn thứ hai phức tạp hơn: thay Stalin xuất hiện trước mọi người. Dadaev đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

- Trong các trường hợp đó có ai biết về sự thay thế này?

- Chỉ những ai vạch ra việc này biết điều đó.

Tham gia chiến dịch "Teheran-43"

- Dadaev được giao trọng trách thay người đứng đầu Liên Xô bay tới Teheran trong cuộc gặp “bộ ba”?

- Người ta nghĩ ra 2 lộ trình. Để thu hút sự chú ý của nhiều người do tôi tham gia. Vào đúng giờ đã định tôi trong vai Stalin bước lên ôtô, cùng đoàn bảo vệ hướng ra sân bay. Chưa một sách báo nào viết về điều này. Đây là lần đầu tiên tôi kể lại. Việc làm này cốt để Stalin (chính xác hơn đó là bản sao của ông, chính là tôi) rơi vào tầm ngắm của tình báo nước ngoài. Còn Stalin thật thì đã ở Teheran. Tôi không có mặt ở Teheran. Nhiệm vụ của tôi chỉ đến sân bay. Thế là xong.

Người bạn của Dadaev kể, ở Teheran vào các thời điểm nào đó có người đóng thế thứ hai thay thế Stalin. Người này rõ ràng đã ở trên máy bay đỗ tại sân bay mà Dadaev được chở đến đó.

- Với mọi sự chuẩn bị cẩn thận và mưu mẹo như vậy, Stalin có bị mưu sát hay không?

- Có, hai lần.

- Tức là ở Teheran vụ mưu sát nhằm vào chính Stalin thật chứ không phải người đóng thế?

- Đúng, đó là do tình báo của chúng ta làm việc không tốt.

                                      (Xem tiếp ANTG số 753, thứ Tư ra ngày 7/5/2008)

Đoàn Thị Phương (Theo các phóng viên KP)
.
.