Kỷ niệm 80 năm Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2010):

Người liệt sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh và căn hầm bí mật

Thứ Hai, 13/09/2010, 22:55
Có một Bí thư chi bộ Nhà máy Diêm Bến Thủy đã ngã xuống trong loạt đạn đàn áp của kẻ thù đúng vào ngày 1/5/1931 tại Cồn Mô, nay thuộc phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An. Để rồi 80 năm trôi qua, những câu chuyện về những đảng viên đầu tiên của phong trào Xô Viết 1930 - 1931 như ông vẫn được nhắc đến như một huyền thoại...

Ít ai biết rằng, ngay giữa lòng TP Vinh, vẫn còn  một căn hầm bí mật được giữ gần như nguyên vẹn trong căn nhà gỗ trăm tuổi như minh chứng rõ ràng cho sự kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng ngày ấy.

Bến Thủy đi đầu, dậy trước

Những ai đến với mảnh đất Bến Thủy - TP Vinh những ngày này không thể không đến thắp một nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài tại di tích Cồn Mô để được thấy, được biết, được nghe trong gió thông rì rào kể những câu chuyện về một thời hùng hồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Thời Pháp thuộc, Bến Thủy được gọi là Yên Dũng Hạ, Đệ Thập.

Năm 1885, thực dân Pháp đánh chiếm Nghệ An. Vinh - Bến Thủy nhanh chóng trở thành trung tâm công thương nghiệp của tư bản Pháp. Các nhà máy Diêm, điện, cá hộp, nhà máy sửa chữa xe lửa, nhà máy gỗ đều tập trung ở Vinh - Bến Thủy với hàng ngàn công nhân...

Những "công nhân bất đắc dĩ" này thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đều là nông dân bị tước đoạt ruộng đất cày cấy, phải bán sức lao động với giá rẻ mạt cho bọn chủ tư bản Pháp. Bọn chủ xưởng gọi lớp thợ này là thợ "áo nâu" để phân biệt với lớp thợ người Bắc Kỳ. Dù có thời gian làm công trong các nhà máy từ 2 đến 3 năm, họ vẫn không được coi là thợ chuyên nghiệp và thường xuyên bị bọn chủ ngược đãi. Với cường độ lao động nặng nhọc, nhiều gia đình công nhân đã buộc phải rời bỏ quê hương, di chuyển tới khu vực gần nhà máy ở tập trung để giảm bớt vất vả.

Do ở gần nhà máy nên sau giờ làm việc, phần lớn thợ Yên Dũng Hạ, Đệ Thập, ngoài ách áp bức của chủ xưởng, đốc công, cai ký trong giờ làm việc, về đến nhà họ còn bị hương hào, lý dịch ở địa phương hà hiếp, đè nén. Chàng thanh niên Lê Viết Cường sinh ra trong một gia đình nông dân ở Yên Dũng Hạ như thế.

Đài tưởng niệm Di tích Cồn Mô với biểu tượng Trống Xô Viết.

Lớn lên, cũng như bao trai tráng khác trong làng, anh xin vào làm thợ ở Nhà máy Diêm Bến Thủy của bọn tư bản Pháp. Từ trong cực nhọc khốn cùng ấy, nhiều lớp nông dân và công nhân ở Vinh - Bến Thủy đã tự có ý thức tạo ra các mối quan hệ vô cùng mật thiết trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Lê Viết Cường là một trong những công nhân hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình trong nhà máy.

Từ những phong trào đấu tranh liên tiếp của các tầng lớp bị áp bức ấy đã manh nha tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức Phục Việt, Thanh Niên, Tân Việt. Đúng ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trụ sở đặt tại Vinh, đồng chí Lê Mao và Lê Viết Thuật, những người con của Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đã được bầu vào Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ... Từ đây, các phong trào của công nhân, nông dân ở thành phố Vinh cũng như ở nhiều nơi khác trong tỉnh được cùng nhau sát cánh dưới một ngọn cờ chung, phong trào vì thế mà cũng lớn mạnh không ngừng...

Theo gia phả thì Lê Mao ở chi thứ 3, Lê Viết Thuật ở chi thứ 5, còn ông Lê Viết Cường ở chi thứ 2. Vì vậy, cả đồng chí Lê Mao và Lê Viết Thuật gọi ông Cường bằng bác. Thời kỳ ấy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vinh, các chi bộ Cộng sản liên tiếp được thành lập trong các nhà máy, xí nghiệp và làng xã ở Vinh - Bến Thủy.

Nhanh chóng giác ngộ lý tưởng, ông Lê Viết Cường được giao đảm nhận trọng trách Bí thư chi bộ Nhà máy Diêm Bến Thủy và là một trong những đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của nhà máy. Mặc dù phải hoạt động trong bí mật, ông Cường cùng các đồng chí của mình đã làm cho phong trào đấu tranh, biểu tình trong nhà máy trở nên có hiệu quả, buộc bọn chủ xưởng phải giải quyết các yêu sách của thợ đồng thời phối hợp với các chi bộ ở nhà máy, xí nghiệp khác đưa phong trào đấu tranh lên một tầm cao mới.

Căn nhà hơn trăm tuổi của dòng họ Lê ở TP Vinh.

Liên tiếp sau đó, cao trào cách mạng 1930 - 1931 được đẩy lên cao mà đỉnh điểm là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân tại Cồn Mô. Điển hình là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của hơn 1.200 công nhân và nông dân Vinh - Bến Thủy với cờ đỏ búa liềm phấp phới ngay giữa trung tâm công nghiệp của thực dân Pháp. Hoảng sợ, giặc Pháp đã đàn áp cuộc biểu tình trong biển máu và sau đó là các chiến dịch lùng bắt những người tham gia biểu tình gắt gao.

Đầu năm 1931, thực dân Pháp và bọn tay sai khủng bố, tàn sát phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh rất dã man. Đêm 30/4/1931, khoảng 9h tối, ông Lê Viết Cường cùng một số người trong tổ Công hội đỏ Yên Dũng Hạ, Đệ Thập đang họp bàn kế hoạch đấu tranh vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931 thì bất ngờ bị địch phục kích bao vây. Bọn chúng đã nã đạn vào Cồn Mô làm ông Lê Viết Cường cùng các đồng chí của mình như Nguyễn Khắc Huy, Cao Trọng Đìu, Lê Khắc Nhẫn, Đinh Văn Vỹ trúng đạn hy sinh ngay tại chỗ. Lúc hy sinh, người Bí thư Chi bộ Lê Viết Cường mới 36 tuổi.--PageBreak--

Căn hầm bí mật trong ngôi nhà trăm tuổi

Một ngày cuối tháng 8/2010, chúng tôi tìm đến phường Bến Thủy, thành phố Vinh. Những dấu tích của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã bị thời gian gần như xóa hết. Khu di tích Cồn Mô giờ đây đã trở thành đài tưởng niệm có quy mô chiều cao 10m, rộng 16,2m. Trên tượng đài khắc biểu tượng búa liềm, mặt trước gắn biểu tượng trống Xô Viết. Trên nền bia còn khắc ghi những sự kiện lịch sử, từng là nơi hội họp của Xứ ủy Trung Kỳ, tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy, nơi anh chị em công nhân các nhà máy ở Bến Thủy cùng quần chúng nhân dân Yên Dũng Hạ, Đệ Thập tập trung mít tinh, biểu tình, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng.

Cồn Mô cũng từng là nơi tập trung hàng ngàn dân cày Yên Dũng Hạ, Đệ Thập kéo đi đấu tranh buộc bọn chủ Nhà máy xe lửa Trường Thi trả lại 100 mẫu ruộng cho dân làng. Ngay trước Cách mạng Tháng Tám, địa điểm này là nơi các đội tự vệ, cảm tử tụ họp nhận mệnh lệnh, truyền đơn và nổi dậy cướp chính quyền...

Cháu nội liệt sĩ Lê Viết Cường, ông Lê Lưu Tịnh giờ cũng đã ngoài tuổi ngũ thập. Ông Tịnh dẫn tôi tới một căn nhà gỗ hai gian khá cũ kỹ. Ông Tịnh và một vài người hàng xóm xung quanh cho hay căn nhà này có tuổi thọ khoảng hơn 100 năm, do chính tổ tiên ông để lại. Ngay cả khi ông Lê Viết Cường sinh ra thì căn nhà này cũng đã có rồi. Trước đây căn nhà  có 5 gian.

Trải qua thời gian, bom đạn của chiến tranh phá hoại, một phần của căn nhà đã bị phá huỷ, chỉ còn lại 3 gian nhỏ hiện tại. Nội thất trong nhà hiện tại gần như vẫn như xưa, bài trí đơn giản với một bộ bàn ghế cũ, chỉ có khác chăng là một tấm ảnh Bác Hồ được treo chính giữa phía cao trên vách gỗ chính của căn nhà.

Chính trong căn nhà này, ông Cường đã làm lễ kết nạp Đảng cho nhiều đảng viên của Nhà máy Diêm và Nhà máy Đèn Bến Thủy. Trong chiến tranh chống Mỹ, ngôi nhà cũng từng là nơi dừng chân, ăn nghỉ của bộ đội trước khi vào chiến trường miền Nam. Trong ngôi nhà trăm tuổi này, gia đình còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng mà đặc biệt nhất phải kể đến căn hầm bí mật nằm phía cuối ngôi nhà. Dẫn chúng tôi vào gian buồng, ông Tịnh thò tay vào góc nhà, cầm lấy một đoạn sắt kéo mạnh. Bất giác, những viên gạch dưới chân tôi dịch chuyển từ từ để lộ ra một miệng hầm khá rộng.

Theo quan sát, căn hầm rộng chừng 80cm và sâu khoảng 1,2m. Đủ để một người ngồi lọt thỏm trong đó. Ông Tịnh cho biết, căn hầm bí mật này chính là do ông Lê Viết Cường làm năm 1930, khi phong trào đấu tranh ở Cồn Mô đang ở giai đoạn sục sôi nhất. Dạo ấy, sau mỗi lần đứng ra tổ chức biểu tình, đấu tranh, Bí thư Chi bộ Nhà máy Diêm thường bị giặc Pháp truy đuổi ráo tiết.

Bị địch đuổi sát sau lưng, ông Cường chạy thẳng về nhà rồi... biến mất. Mấy thằng lính Pháp lùng sục vào làng, tìm vào tận buồng ngủ nhà ông, chỉ thấy một người đàn bà đang đứng... dạng chân trên một chậu than đỏ rực quạt lấy quạt để. Người phương Tây cũng kiêng kị, thấy đàn bà đẻ thì không dám vào, đành đứng phía ngoài cửa buồng ngó nghiêng một hồi rồi bỏ đi. Chờ cho bọn địch đi khỏi, chiếc chậu than lại nhanh chóng được cất đi để lộ một miệng hầm. Và đó chính là nơi ông Cường thường trốn mỗi khi bị giặc Pháp đuổi bắt.

Căn hầm bí mật như một chứng tích lịch sử đã được chính gia đình tu sửa, gia cố lại.

Sau khi ông Cường hy sinh, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, qua khói lửa  chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chiếc hầm bí mật trên vẫn được gia đình gìn giữ cẩn thận cho đến bây giờ. Liệt sĩ Lê Viết Cường sinh được 3 người con. Nối tiếp truyền thống của gia đình, các con ông đều tham gia cách mạng rất tích cực. Người con trai thứ hai là Lê Viết Hoàng (SN 1926) đã hy sinh ngay trong trận Mỹ ném bom năm 1967 vào UBND xã Hưng Thủy khi ông đang làm nhiệm vụ của quyền Chủ tịch kiêm quyền Bí thư chi bộ và được công nhận là liệt sĩ.

Trong căn nhà gỗ của gia đình bây giờ chỉ còn lưu giữ được tấm bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Lê Viết Cường do Chính phủ cấp lại năm 2000 và căn hầm bí mật. Cách đây ít lâu, cũng đã có một đoàn cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xem xét, khảo sát căn hầm nhưng rồi lại đi...

Còn với riêng gia đình liệt sĩ Lê Viết Cường, việc gìn giữ căn hầm qua chừng ấy thời gian không phải là để chờ một sự công nhận nào cả. Ông Tịnh bảo, với tôn ti dòng tộc lâu nay đã trở thành một địa chỉ giáo dục cho lớp con cháu hôm nay về lịch sử, truyền thống của gia đình. Và, cũng thật may vẫn có những người như ông Tịnh cố công lưu giữ những di tích ấy để cho những người thuộc thế hệ sau thêm hiểu được sự kiên cường, bất khuất và bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước anh linh những người chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc

V.B.
.
.