Người mẹ thầm lặng bên người cha anh hùng

Thứ Bảy, 07/03/2009, 09:25
Những ngày công tác bên Pháp ngắn ngủi, BS Phạm Ngọc Thạch cũng không thể dành cho vợ con nhiều thời gian. Ông tranh thủ nhiều mối quan hệ, cơ hội gặp gỡ cho công tác ngoại giao, vận động sự giúp đỡ trang thiết bị, thuốc men từ những người bạn Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh.
>> Trái khoáy và nghiệt ngã

Anh Định kể: “Cha tôi là vậy đó. Ông dành cả tâm lực khi tham gia Chính phủ Bác Hồ. Một người bà con biết cha đi sang Pháp, nhờ cha gửi dùm 2.000 đôla cho thân nhân nhưng khi trở về nước, trong túi ông vẫn còn nguyên vẹn số tiền ấy. Không ai dám trách ông vì bản thân ông là con người luôn toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ được giao phó. Chính phủ Pháp đón ông rất trân trọng, dành cho ông một chỗ nghỉ trong một khách sạn cao cấp ở Paris nhưng ông đã về sống với mẹ con tôi trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô.

Đó cũng là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi. Trong lúc di chuyển bằng xe điện ngầm, hai cha  con nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Tôi nhận ra cha tôi, dù đã trở thành bộ trưởng nhưng vẫn hết sức giản dị. Vì lẽ đó, khi về Việt Nam dự lễ truy điệu cha, nhìn những di vật cha để lại, chỉ vài món đồ đơn sơ, vài bộ quần áo, mớ sách vở trong căn phòng giản dị dành cho bộ trưởng, tôi không cầm được nước mắt. Phút giây đó, tôi hiểu gia tài quý báu nhất cha để lại cho chúng tôi chính là cuộc đời giản dị của cha”.

Dù không có nhiều thời gian được sống bên cha nhưng Alain Phạm Ngọc Định ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng yêu nước của BS Phạm Ngọc Thạch. Năm 19 tuổi, anh quyết định lấy quốc tịch Việt Nam và mẹ anh, bà Marie Louise tôn trọng sự chọn lựa ấy của anh.

Bà làm việc quần quật ngày đêm, nuôi các con học hành thành đạt. Anh trở thành tiến sĩ toán học. Dù đã về hưu, anh vẫn hợp tác dạy ở Đại học Orleaus. Nhiều năm qua, anh vẫn đi về thăm Việt Nam, hỗ trợ Trường đại học Khoa học tự nhiên đào tạo tiến sĩ toán học.

Trường Tiểu học mang tên Marie Louise Phạm Ngọc Thạch ở Tịnh Biên - Tây Ninh.

Ở vị tiến sĩ toán học 70 tuổi này, tôi nhìn thấy bóng dáng người anh hùng trong cách sống giản dị, chân thành. Anh lấy vợ Việt Nam, dạy các con nói tiếng Việt Nam.  Suốt mấy mươi năm, anh vẫn còn giữ những lá thư của cha gửi cho anh. Đã bao lần nước mắt anh rơi xuống, làm nhòe những dòng chữ thân thương.

“Alain con của ba

Ba gửi cho con cái thư của anh Fương. Anh Fương là con người rất tốt, thương con và nhắc nhở con luôn.

Về việc học của con, nếu con giỏi về toán học nên đi sâu nghiên cứu toán học. Toán học giỏi thì mới có thể sáng tạo được trong vật lý lý thuyết. Einstein là một gương điển hình, Plauck, De Broylie là những thí dụ khác. Vì vật lý lý thuyết có điểm phức tạp: cần phải chứng minh trên thực nghiệm và việc đó không phải luôn luôn làm được, thứ nhứt trong hoàn cảnh nước ta còn kém về cơ sở kỹ thuật và vật chất. Con ráng học cho giỏi để về miền Nam đóng góp phần mình trong chiến đấu ngày nay và trong xây dựng ngày mai...

Ba hôn con nhiều và con hôn má và Colette thay cho ba”.

Đặc biệt lá thư đề ngày 2/5/1966, trong lòng Bộ trưởng vẫn luôn kỳ vọng con sau khi làm luận án tiến sĩ toán học ở Pháp sẽ trở về miền Nam Việt Nam chiến đấu:

“Định, con của ba,

Hôm nay có chú Trần Công Tường đi qua Pháp, ba gởi hai cuốn sách nhỏ cho con, để con biết được một số anh hùng của miền Nam nước ta. Qua chị Út Tịch và chị Mười Lý, con sẽ hiểu thêm cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và những mưu trí của những người chiến sĩ miền Nam. Những gương ấy sẽ động viên con và làm cho con trong mọi khó khăn sẽ cố gắng có đủ dũng cảm và mưu trí để vượt qua.

Cuộc chiến đấu của miền Nam cũng như của cả miền Bắc nước Việt Nam ta còn gay go, gian khổ nhưng nhứt định thắng lợi sẽ về ta, vì ta có những người dân anh hùng, đầy mưu trí, có một Đảng lãnh đạo tài tình khoa học, có  sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa, có cả loài người tiến bộ hậu thuẫn cho ta. Con cố gắng làm xong luận án tiến sĩ rồi về chiến đấu để tôi luyện thêm.

Con nói ba gởi lời thăm và hôn nhiều má và chị con.

Ba hôn con của ba

Con nhớ đưa chú Tường con đi chơi ở Paris”.

Khi vội vã viết cho con trai lá thư ấy, BS Phạm Ngọc Thạch không bao giờ nghĩ mình lại chính là một trong những tấm gương anh hùng, đã động viên cả nước vượt qua những năm tháng khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam, trong đó có chính người con trai của ông. --PageBreak--

Alain Phạm Ngọc Định sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học đã thông qua Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin được về chiến trường miền Nam. Nhưng Thủ tướng với tầm nhìn nhân văn và chiến lược đã khuyên anh ở lại Pháp nghiên cứu toán học và “tham gia phong trào phản chiến ở Pháp cũng là một cách hiệu quả để anh góp phần chiến đấu và xây dựng đất nước”.

Alain Phạm Ngọc Định tâm sự, dù sống ở Pháp nhưng trong tâm thức anh vẫn là người Việt Nam. Tôi có hơi tò mò hỏi: “Anh có gặp khó khăn khi một giáo sư toán học mang quốc tịch Việt  Nam lại được dạy học, nghiên cứu ở một trường đại học danh tiếng nước Pháp”. Anh mỉm cười nói: “Rất may nước Pháp bình đẳng đã nhìn tấm bằng tiến sĩ của tôi trước khi tìm hiểu quốc tịch của tôi. Việc chọn lựa quốc tịch là quyền tự do của một công dân mà!”.

Trong đáy lòng, Việt Nam mới thực sự là nhà của anh. Năm 1979, Nhà nước đã trao lại ngôi nhà số 202 đường Chasselaup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) cho gia đình BS Phạm Ngọc Thạch.

Bước chân lên những bậc thềm xưa cũ, bà Marie Louise suýt ngất đi vì xúc động. Suốt cuộc đời, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay (bà mất ngày 18/9/1996), bà luôn dành cho BS Phạm Ngọc Thạch một tình yêu mãnh liệt, duy nhất, sâu thẳm. Bà luôn đứng về phía chồng, hòa hợp nhịp nhàng với sự lựa chọn chính trị của chồng, không bao giờ ngừng phát động phong trào đoàn kết với Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, bà đã dũng cảm đối mặt với sự trả thù nghiêm khắc của chính quyền Pháp, không ngần ngại, chữa trị và che giấu các chiến sĩ cách mạng. Vì sự “thách đố” ấy, hàng triệu đồng của bà ở ngân hàng đã bị đóng băng. Bà đã trải qua những năm tháng cơ cực, khó khăn vẫn không nản lòng, vẫn nguyên vẹn trong lòng bà một tình yêu sâu đậm, thủy chung và lòng ngưỡng mộ đối với chồng...

Trước khi qua đời, bà đã tặng 30.000USD - số tiền bà dành dụm được để xây trường học ở Tịnh Biên, Tây Ninh - nơi chồng bà đã hy sinh và ủng hộ trang thiết bị cho các bệnh viện mang tên Phạm Ngọc Thạch ở Sài Gòn, Đà Lạt. Các con bà cũng góp tặng 20.000 USD cho quỹ chăm lo người nghèo là dân tộc thiểu số ở Đà Lạt. Và Quỹ học bổng Phạm Ngọc Thạch cũng đã được thành lập... 

Anh Định nói: “Cho dù cuộc sống có biết bao thay đổi nhưng tôi luôn tự hào vì lý tưởng của cha mẹ tôi. Tôi thể hiện niềm tự hào đó khi thay ba, má tôi lo cho người nghèo”. Và con trai người anh hùng khiến tôi thực sự khâm phục về sự khiêm tốn, giản dị. Về Việt Nam, sống trong một biệt thự đầy dấu ấn lịch sử - phòng mạch của BS Phạm Ngọc Thạch năm xưa, phương tiện di chuyển của vợ chồng anh là chiếc xe đạp.

Anh đã chở chị Thanh Mến - người vợ Việt Nam đi khắp thành phố. Từ quận 3, họ  đến thăm Phòng Truyền thống Phạm Ngọc Thạch ở quận 5 bằng chiếc xe đạp ấy. Trên tay anh là chiếc đồng hồ cũ kỹ nhưng với anh đó là một báu vật.

Anh nói trong niềm tự hào: “Đó là chiếc đồng hồ ông Lưu Thiếu Kỳ đã tặng cho papa tôi trong một lần ông sang Trung Quốc công tác. Papa tôi rất quý chiếc đồng hồ này. Khi hy sinh, ông còn đeo nó trên tay. Đồng đội ông đã giữ lại và đã trao vật kỷ niệm này cho tôi. Đối với tôi, đây là một báu vật vô giá. Cũng như mẹ tôi, mỗi khi đặt chân vào khuôn viên biệt thự 202, tim tôi thắt lại nỗi đau, pha lẫn niềm tự hào. Cha tôi - người anh hùng. Cuộc đời của ông chính là tài sản vô giá đã để lại cho chúng tôi...”

Trầm Hương
.
.