Nguyễn Văn Trà - người cán bộ Công an vì nước quên thân

Thứ Bảy, 24/04/2010, 16:45
Lịch sử CAND tỉnh Mỹ Tho, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã viết về ông. Những người đồng chí đồng đội một thời "nếm mật nằm gai", bây giờ mỗi khi nhớ lại người cán bộ An ninh ấy đều tâm phục, khẩu phục về tài ba và lòng dũng cảm.

Người con trai xứ Bắc

Nguyễn Văn Y (Năm Y), nhưng tên thật của ông là Nguyễn Văn Trà (Năm Trà), sinh năm 1909 tại làng Thạch Bích, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tuy nhà rất nghèo nhưng ngày nhỏ Trà là một cậu bé thông minh, hiếu động. Lớn lên đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, rồi tham gia vào tổ chức bí mật kháng Pháp. Đến trước năm 1930, tổ chức cử đồng chí vào Nam hoạt động, theo con đường dân phu cạo mủ cao su ở tỉnh Long Khánh.

Nhưng ở đây không lâu ông bỏ việc, để vào Hóc Môn - Bà Điểm gặp đồng chí Mai Chí Thọ nhận nhiệm vụ mới. Hai người sau đó cùng về Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nơi hiện đang có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ. Chính mảnh đất này người con trai xa nhà xứ Bắc đã phải lòng người con gái xinh đẹp vùng đồng bằng châu thổ Nguyễn Thị Loan, lúc đó cô cũng đang làm công tác hội Phụ nữ cách mạng. Tình yêu, hạnh phúc giúp cho họ thêm sức mạnh chiến đấu, trong suốt những tháng năm gian lao mà anh dũng.   

Người có công trong việc phá các vụ án lớn

Về miền Tây Nam Bộ, tôi gặp được nhiều người đồng đội cũ của ông Năm Trà, giờ thì trong đa số họ đã nghỉ hưu nhưng những ký ức, kỷ niệm về người thủ trưởng xưa như vẫn còn nguyên đó. Năm Trà lăn lộn với phong trào lên xuống không mệt mỏi, rồi năm 1948, ông được bổ nhiệm Phó ty Công an tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Mai Chí Thọ lúc đó là Trưởng ty.

Năm 1951, Năm Trà lên làm Trưởng ty thay đồng chí Mai Chí Thọ sang làm Bí thư Tỉnh ủy, rồi được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Dấu ấn của Năm Trà trong thời gian làm lãnh đạo Chỉ huy Công an tỉnh Mỹ Tho, người ta nhắc nhiều đến vụ phá một vụ án gián điệp lớn, do cơ quan Phòng nhì Pháp cài cắm người vào hàng ngũ của ta để phá hoại.

Lịch sử CAND tỉnh Tiền Giang, cũng có ghi chi tiết vụ án như một mốc son chiến công của tỉnh nhà, Ấy là vào tháng 9/1949, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ có chủ trương thực hành tiết kiệm, cấm trong nội bộ ta dùng các loại hàng xa xỉ phẩm như thuốc lá, cà phê, xà bông thơm... Nhưng kẻ địch đã lợi dụng chủ trương này, khi cuộc sống trong vùng căn cứ cách mạng còn vô vàn khó khăn gian khổ, thì chúng dùng tiền, hàng, vật chất để mua chuộc cán bộ chiến sĩ ta. Bằng cách ấy, nên chỉ một thời gian ngắn, địch đã lôi kéo được một số người trong đó có Năm Đình, một cán bộ của ta ở huyện Châu Thành cam làm tay sai nội gián.

Trước tình hình ấy, cấp trên giao trách nhiệm cho Năm Trà trực tiếp chỉ huy phá án. Nhận trách nhiệm, ông khẩn trương thành lập một tổ trinh sát, đột nhập vào hang ổ địch để nắm bắt tình hình và phát hiện ra nơi ở của chúng, nằm trong một ngôi biệt thự của tên cai tổng Phẩm núp dưới cái nhãn "Hiệu thuốc tây", nhưng nhân dân trong vùng vẫn gọi là "Khu quốc gia". Biết địch, là cơ hội để đánh thắng địch! Năm Trà suy nghĩ thế, rồi ông táo bạo đề ra phương án lấy hai chiến sĩ Công an xung phong, mang theo vũ khí vào "Khu quốc gia" giả trá hàng địch.

Cùng thời gian đó, Năm Trà bí mật mời Năm Đình về ty họp rồi ra lệnh bắt hắn. Cũng ngay trong đêm ta tổ chức tiến công "Khu quốc gia", nhờ đã có nội ứng nên trận đánh giành thắng lợi nhanh chóng. Ta bắt gọn bọn địch, thu toàn bộ vũ khí, tài liệu, phá tan âm mưu thâm độc của chúng cài cắm gián điệp vào căn cứ của ta ở Đồng Tháp Mười.  

Sau vụ án "Khu quốc gia", Năm Trà còn trực tiếp chỉ huy phá một điệp vụ lớn khác, mang tên "Ban Địa hình Nam Bộ". (Theo ông Lê Văn Lung, nguyên là trinh sát Công an tỉnh Mỹ Tho. Ông Chín Khải, thư ký riêng của Năm Trà cũng kể lại).

Việc thành lập "Ban Địa hình Nam Bộ" là một yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Ta chủ trương tung người vào điều tra trong lòng địch, để nắm tình hình phục vụ cho kế hoạch quân sự tấn công các đô thị và vùng tạm chiếm. Nhưng kẻ địch lại âm mưu lái hoạt động của ta sang một hướng khác. Chúng cướp của, giết người, thủ tiêu cán bộ cao cấp trong vùng căn cứ, làm mất lòng tin, gây rối nội bộ và tổ chức.

Biết được âm mưu đó, sau nhiều đêm dài suy nghĩ, Năm Trà nảy ra sáng kiến bày mưu "Rung chà-cá nhảy". Đồng chí bí mật ém sẵn quân chờ địch, tại các điểm xung yếu rồi bắn tin đánh động. Kết quả còn hơn cả mong đợi, bọn phản bội hoang mang tưởng đã bị lộ, cả lũ vội vàng nhảy lên thuyền máy tháo chạy. Trong trận này ta tóm gọn được 20 tên, cùng đầy đủ tang vật vũ khí, tài liệu và tiền bạc do chúng cướp được trong nhân dân.

Còn nhiều vụ án khác nữa, dưới sự chỉ huy của Năm Trà, ta đã bắt sống tên gián điệp CIA Tô Văn Giác, được Mỹ đưa từ Hồng Công qua Thái Lan, Campuchia về Việt Nam, với vỏ bọc "Phái đoàn liên lạc Hoa Kỳ". Rồi vụ tên giáo Thảo tay sai của Phòng nhì Pháp, cài cắm vào căn cứ của ta ở Đồng Tháp Mười. Năm Trà "tương kế tựu kế" bí mật điều tra bắt hắn đền tội.--PageBreak--

Thời gian dù qua đi, nhưng lịch sử cũng thật công bằng khi đánh giá những chiến công phá các vụ án lớn ấy, đồng chí đồng đội vẫn nhớ tới một Năm Trà Phó ty rồi Trưởng ty Công an tỉnh Mỹ Tho; Trưởng ty Công an tỉnh Long Châu Sa. Sau này đồng chí lên đến chức vụ Phó ban, rồi quyền Trưởng ban An ninh khu Trung Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy An ninh khu và Bí thư Đảng ủy liên cơ dân chính đảng. Dù ở cương vị nào Năm Trà vẫn là người cán bộ Công an lãnh đạo và chỉ huy xuất sắc. 

Khôi phục đường Hồ Chí Minh trên biển qua ngả Campuchia

Ông Nguyễn Viết Khải (Chín Khải), quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến tre, trong kháng chiến chống Mỹ có một thời gian dài làm thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Văn Trà. Theo ông chiến công nổi bật nhất trong nhiều điểm nổi bật của Năm Trà còn góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công con đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam theo hải phận quốc tế, rồi cập cảng Compong Som của Campuchia. "Tôi là người trực tiếp chụp ảnh Năm Trà để làm giấy thông hành (passport) Campuchia giả, phục vụ việc đi lại thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do Đảng giao cho đồng chí Năm Trà. Mặt khác, tôi còn biết đồng chí Sáu Khánh (sau này là Đại tá Tỉnh đội phó, Tỉnh đội Tiền Giang), hồi đó thường xuyên gặp làm việc với đồng chí Năm Trà.

... Đồng chí Năm Trà còn phân công nhiều đồng chí lãnh đạo khác và cán bộ an ninh Khu 8 như đồng chí Phạm Văn Tiến (Năm Tiến); đồng chí Ba Long (cán bộ điệp báo an ninh); đồng chí Sáu Ngân (Ủy viên an ninh)... cùng tham gia chỉ đạo. Tàu vào hàng ta tập kết ở cảng Compong Som, lực lượng an ninh phối hợp với bộ đội Quân khu 8 tiếp nhận, rồi nhanh chóng vận chuyển đến các chiến trường thuộc Khu 8 (miền Trung Nam Bộ; Khu 9 (miền Tây Nam Bộ); Khu 4 (Sài Gòn - Gia Định) với số lượng rất lớn".

Chỉ tính từ tháng 3/1967 đến tháng 11/1969, ta đã vận chuyển được 21 chuyến hàng từ Bắc vào Nam qua ngả Campuchia, tổng cộng 2.900 tấn vũ khí quân dụng và gần 5 tấn tiền mặt các loại. Chiến công đó đã góp phần làm nên nhiều chiến thắng oanh liệt, đặc biệt phục vụ cho cuộc Tổng tấn công và đồng loạt nổi dậy toàn miền Nam tết Mậu Thân năm 1968.

Thà hy sinh, không đầu hàng kẻ thù!

Ông Chín Khải nói về người cấp trên của mình: "Đồng chí Năm Trà luôn nhắc nhở lực lượng An ninh Khu 8, An ninh các tỉnh khi tiến hành công tác nghiệp vụ, phải phát huy hết sức mạnh tổng hợp các lực lượng cách mạng; bảo đảm hai yêu cầu bảo vệ và tấn công, dựa trên nền tảng phong trào cách mạng của quần chúng và nghiệp vụ an ninh tình báo...". Có lẽ thế mà hơn 10 năm căn cứ Khu 8 chỉ cách đồn địch, tàu địch qua lại trên sông Cửu Long hơn một cây số nhưng vẫn được bảo vệ an toàn! Nhưng chiến tranh, sự khốc liệt hình như vẫn có ngoại lệ?!

Đầu năm 1970, trong một lần đi công tác, Năm Trà cùng các đồng chí Lưu Hà Mỹ (Chín Mỹ, cán bộ điệp báo); Nguyễn Văn Oanh (Ba Oanh, cận vệ); Nguyễn Văn Tùng (cận vệ), họ gặp một trận càn lớn của địch và lần đó chúng đã phát hiện ra ông. Địch huy động máy bay, tàu chiến, pháo binh, bộ binh bao vây trên bộ và dưới sông dày đặc. Chúng phong tỏa không cho Năm Trà và các đồng chí của ông rút vào khu rừng gần đó. Chúng còn chặn các ngả đường từ xa, không cho lực lượng ta đến giải vây chi viện.

Tình thế tiến lui đều không được, Năm Trà cùng đồng đội rút vào hầm bí mật ở gần bờ sông. Địch tiếp tục xiết chặt vòng vây rồi dùng loa gọi hàng, nhưng Năm Trà và 3 đồng chí thà hy sinh nhất quyết không đầu hàng địch! Họ dùng lựu đạn, tiểu liên, súng ngắn chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, cuối cùng họ đã anh dũng hy sinh. Hôm đó là ngày 12/5/1970.

Lịch sử lực lượng Công an vẫn nhắc đến tên đồng chí Năm Trà. Đồng đội của ông nhiều người cũng đã xác nhận, có những dòng ghi trang trọng về người con Hà Tây (nay là Hà Nội) sống vì nước quên thân và chết như một người anh hùng!

Đỗ Viết Nghiệm
.
.