Nhà sàn Bác Hồ - Biểu hiện sáng ngời tấm gương sống giản dị, tiết kiệm của Người

Thứ Bảy, 19/05/2018, 11:10
Bác Hồ đã dạy: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là Văn hóa” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t3, tr431).

Theo lời Bác thì cuộc sống đời thường đó là cuộc sống văn hoá. Và từ những điều Bác chỉ rõ về văn hóa, thì nơi Bác Hồ sống, làm việc đại diện đầy đủ cho ý nghĩa văn hoá đó, trong đó đặc biệt là đời sống "sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng". Bác đã hành động và hành động trước sau như một trong cuộc sống đời tư của mình, điển hình là cách ở mà ngôi nhà sàn Bác ở là một mẫu mực hàng ngày nêu gương và giữ lại cho đời.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ từ chiến khu về thủ đô. Đảng, Nhà nước mời Bác ở ngôi nhà lớn  trước đây của viên Toàn quyền Pháp tại Đông Dương.

Bác đã nói: Tại ngôi nhà này năm 1931, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương đã ký bản án tử hình tôi. Sau đó thay Pháp, Nhật đã nhảy vào đây, nhưng rồi cũng bị đánh đuổi. Tiếp đến là tướng của quốc dân đảng Trung Quốc và tướng Pháp lại làm chủ ngôi nhà này. Song chúng không thể ở đây được lâu. Và bây giờ thì tôi đang ở đây.

Bây giờ tôi đang ở đây có nghĩa rằng dân tộc Việt Nam hiện nay nghiễm nhiên tồn tại ở đây với một lịch sử vinh quang đầy biến động.

Vậy là Bác không ở ngôi nhà đó. Bác tìm đến ở trong ngôi nhà của người công nhân phục vụ viên Toàn quyền phía góc vườn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đoàn đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc bên ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, tháng 2-1960.

Mùa hè 1958, Chính phủ làm cho Bác ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói. Tầng 1 có một phòng Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, tiếp khách quốc tế, các Bộ, các ngành thường về báo cáo công việc với Bác và đặc biệt nơi đây Bác thường tiếp các cháu đến thăm Bác. Bác đề nghị xây bệ xi măng xung quanh căn phòng, trên lát gỗ tạo thành ghế ngồi để các cháu vào quây quần bên Bác - Bác cho nuôi bể cá vàng để các cháu vui.

Tầng 2 có 2 phòng, mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước, một phòng Bác nghỉ, một phòng Bác làm việc (lúc đầu Bác đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng ở một phòng, vì Bác nghĩ Bác sử dụng cả 2 phòng là lãng phí).

Và ngày 19-5-1958, Bác chuyển từ ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền Pháp  tại Đông Dương mà Bác chọn làm nơi ở nhờ từ 19-12-1954. Vậy là đến lúc này Bác tròn 68 tuổi mới có, gọi là nhà riêng.

Giặc Mỹ đánh phá Hà Nội. Bác vẫn ở nhà sàn. Mãi đến mùa hè 1967, nhân chuyến Bác đi công tác, Bộ Chính trị mới làm thêm một căn phòng bằng bê tông, cốt thép với mục đích để Bác làm việc, nếu mỗi khi có máy bay giặc Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, có thể tránh bom bi, mảnh đạn. Căn phòng làm không xin ý kiến Bác được, vì Bộ Chính trị thấy rằng nếu xin ý kiến Bác, Bác không đồng ý.

Và khi nhà xây xong Bác đã quyết định làm nơi họp của Bộ Chính trị. Từ 20-7-1967, tuần một lần Bộ Chính trị đến họp với Bác ở nơi đây. Tối 17-8-1969, Bác từ nhà Sàn xuống ở hẳn ngôi nhà này. Và tại đây Bác đã sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Tại khu Phủ Chủ tịch, Bác đã sống 15 năm cuối cuộc đời mình. (Ngôi nhà Sàn Bác ở và làm việc 11 năm). Đây là thời kỳ quyết định đối với vận mệnh của Đảng, dân tộc, đất nước mà Người với cương vị Chủ tịch đứng ra gánh vác trọng trách.

Nơi đấy, không sơn son thếp vàng, không ngọc ngà châu báu, nhưng có ngôi nhà sàn đã đi vào huyền thoại. Vì nơi đó: "Cái nhà Sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao" - (Phạm Văn Đồng); "Dưới mái nhà này, Bác Hồ của chúng ta nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, nghĩ về CNXH miền Bắc, và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế - Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã từng đề ra đường lối chiến thuật, chiến lược, đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" - (Trường Chinh).

Di tích nhà sàn.

Nhà sàn Bác Hồ biểu tượng của đạo lý làm người trong sáng, lời nói đi đôi với việc làm: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành. Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng hoa… không dính líu gì với vòng danh lợi" - (Hồ Chí Minh Toàn tập. Sđd. T4, tr.161).

Nơi đây, Người trăn trở lo sự nghiệp: "Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người";

Nơi đây, có chân lý dựng nước, giữ nước, xây dựng đất nước. "Không có gì quý hơn độc lập tự do" - Chân lý có giá trị vĩnh hằng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc ở mọi thời kỳ lịch sử;

Nơi đây, dấu ấn thiên tài của đấng anh minh kiệt xuất Hồ Chí Minh, "Xem một vài bức ảnh Bác Hồ có người nói mắt Bác có 2 con ngươi, và tin vào chỗ đó Bác là một ông thánh. Đó là việc hoang đường. Vì mắt Bác cũng như mắt mọi người. Mắt Bác sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, bởi vì Bác biết nhìn. Bác nhìn thấy cái nhỏ, cái to, thấy cái hiện tại và tương lai, thấy những cái mà mọi người không nhìn thấy" - (Phạm Văn Đồng):

Ngày 2-9-1960, trong một bản thảo về kỷ niệm Quốc khánh nước nhà, Bác Hồ đã viết: "Trong lúc chúc mừng quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta xin gửi tới đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và xin hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà" (Bác dùng bút bi gạch đè hai chữ "chậm lắm") - (Đặc san Báo Nhân dân 19-5-1985).

Trong lần gặp đoàn đại biểu miền Nam 1969 (cũng tại nơi đây), Bác nói rằng: Bác kêu gọi các cô các chú đánh Mỹ 20 năm, chứ chưa bao giờ Bác kêu gọi đánh Mỹ 21 năm (Lời Bác bảo 20 năm thắng Mỹ được chứng minh bằng thực tế lịch sử: Năm 1954, Hiệp định Geneva ký kết, vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời 2 miền Nam - Bắc. Sau 2 năm nước nhà sẽ hiệp thương thống nhất. Nhưng 1955, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp độc chiếm miền Nam, thế là từ 1955 cả nước ta tiến hành cuộc chống Mỹ. Vậy 1955 - 1975 đúng 20 năm).

Nơi đây, trước khi về cõi trường sinh, Bác Hồ dặn lại: "Đổi mới là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân" (Di chúc).

Nơi đây, Bác Hồ đã chuẩn bị cho chúng ta con đường đi tới ấm no, điều đó Người đã chỉ rõ trong tác phẩm "Con đường phía trước" viết năm 1960: "Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, ngàn lần và giúp người làm ra máy, ra gang thép, than dầu. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà, là con đường ấm no thật sự của nhân dân" - (Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.10, tr40-41).

Đảng vạch đường lối kinh tế: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chính là thực hiện sự chỉ dẫn của Bác.

Như thế, từ đổi mới đến công nghiệp hoá nước nhà, Bác Hồ đã chuẩn bị và vạch ra từ những năm 60 của thế kỷ 20 tại ngôi nhà sàn ấy.

Nơi đây, Bác Hồ chuẩn bị hành trang cho cuộc hành trình của Đảng, đất nước, nhân dân "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" - (Di chúc).

Ngôi nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch đã đi vào trái tim khối óc của nhân dân ta và bạn bè thế giới, mà hôm nay và mai sau mọi người vẫn về hội tụ tại đây để tìm giá trị đích thực cuộc sống của một con người đích thực của lịch sử, và như có cái may trong đời mình có một lần gặp Bác.         

Lúc Bác còn sống, những ai đã có may mắn được gặp Người, từ thiếu niên, nhi đồng, đến các cụ già, từ cán bộ các ngành, các giới, từ khách trong nước, đến khách nước ngoài đều cảm thấy tự nhiên, thoải mái và thân tình khi ở bên Người. Cho nên, nhiều người nước ngoài đã có dịp gặp Bác tại nơi ở và làm việc của Người, sau này khi trở lại Việt Nam đến thăm nơi Bác ở đã kể lại với giọng đầy xúc động: "Chúng tôi không thấy có gì cách biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi: Người rất hiểu chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy Người là người anh, người bạn, người đồng chí và cũng là Bác Hồ của chúng tôi".

Và: "Được gặp Người quả thật là một diễm phúc nhất trong đời". May mắn ấy, vinh hạnh ấy, tình cảm ấy còn được lưu lại trong những tập sách mà Bác Hồ để lại trong giá sách ở tầng 2 nhà sàn, của một số tác giả nước ngoài gửi tặng Bác với những dòng đề tặng: Đi-ốp ghi trong tập sách "Những vấn đề chính trị ở Châu Phi da đen": "Để kỷ niệm niềm vinh dự mà Ngài đã ban cho tôi khi tiếp tôi ở Hà Nội. Để tỏ lòng ngưỡng mộ một người thầy vĩ đại, xin kính tặng Ngài tập sách học trò này"; Trong cuốn "Tuyển tập Bô-li-va" tác giả ghi: "Kính gửi đồng chí Hồ Chí Minh, người hun đúc nên hàng ngàn cán bộ, người dẫn đường gương mẫu của những người cộng sản trên thế giới"; Ma-Đơ-Len Ríp-Phô đã được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ghi lại tấm lòng mình trong cuốn sách "Ở miền Bắc Việt Nam (viết dưới bom)": "Kính gửi Bác Hồ, sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu"; Được tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nơi ở và làm việc của Người ở Phủ Chủ tịch, nhà báo Bớc-Sét đã ghi trong cuốn "Miền Bắc Việt Nam": "Với tất cả lòng trung thành đối với Chủ tịch và nhân dân Việt Nam anh hùng".

Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Vì vậy, Bác Hồ đã đi xa, nhưng dòng người vô tận từ khắp các miền quê Việt Nam, từ 150 nước trên thế giới vẫn về bên Người. Nhân dân ta về hội tụ tại đây để thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ, Người đã đưa lại cho họ cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc hôm nay; để được tận hưởng những giá trị tinh tuý về nhân cách sống và cốt cách sống mà Bác Hồ đã nêu gương sáng; để nguyện với Người sống và làm việc tốt hơn để đáp đền công ơn Bác.

Bạn bè của nhân dân ta từ khắp các châu lục hội tụ về đây để bày tỏ tấm lòng quý trọng của mình đối với Việt Nam, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó tăng cường và thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác với Việt Nam để cùng nhau làm được điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "gìn giữ hoà bình thế giới lâu dài". Tấm lòng đó được thể hiện bằng những dòng cảm tưởng đã ghi trong sổ lưu niệm của Khu di tích Phủ Chủ tịch khi họ vào thăm Nơi ở và làm việc của Bác Hồ.

Hàng trăm, hàng ngàn cảm tưởng được ghi lại dưới mái nhà sàn Bác Hồ đều toát lên điều: nơi đây là sợi dây văn hoá có khả năng nối liền với nhân dân các nước, và các dân tộc; ca ngợi Người - Hồ Chí Minh đỉnh cao văn hoá con người, đỉnh cao của cuộc sống văn minh cho mọi thời đại: "Một khu nhà ở đơn sơ, một chiếc giường giản dị. Người sống một cuộc sống vô cùng khiêm tốn trong lúc chính Người có thể sống như một ông vua. Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho một thời đại cách mạng. Đó là một con người suốt cuộc đời hoạt động cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, không chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà cho người Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ - La tinh và ở khắp mọi nơi còn có sự bất công"; "Nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh quả là một bài học lớn đối với tất cả những người cách mạng trên thế giới.

Cuộc sống đơn sơ và giản dị của Người chứng tỏ rằng Người sống vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho dân tộc Người. Chính vì vậy với dân tộc mình, Người trở nên vĩ đại và đáng yêu. Với các dân tộc trên thế giới, Người trở thành con người đáng kính và đáng khâm phục".

Tổng thống Nga Putin, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của thế kỷ 21 ghi lại tại nhà Sàn những điều khâm phục ngưỡng mộ: "Tôi thành thật được làm quen với cuộc sống của người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới".

Lối sống khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm, được chính một tổng biên tập nước ngoài đã được Bác Hồ tiếp ở phòng khách của Người đã mô tả: "Chúng tôi được dẫn vào tầng dưới ngôi nhà sàn của Bác - gọi là phòng khách của vị nguyên thủ quốc gia mà thật vô cùng giản dị, có lẽ không khác những gian nhà của nông dân Việt Nam mà tôi có dịp tới. Trong gian phòng này chỉ có bộ bàn ghế mây được coi là nổi bật".

Và trong tâm niệm của những người đã đến thăm nơi đây: Ngôi nhà Sàn của Bác đã đi vào huyền thoại bởi nơi đó thật giản dị, nhưng vĩ đại và trong sạch vô cùng. Các thế hệ người Việt Nam (kể cả thế giới) sẽ tìm thấy ở nơi đây cái đẹp: Cái đẹp thật sự truyền thống, nhưng hiện đại; cái đẹp giản dị nhưng văn minh; cái đẹp của tương lai; cái đẹp của hôm qua, cái đẹp của hôm nay, cái đẹp của ngày mai; cái đẹp trong ý niệm cuộc sống để rồi phục vụ cho cuộc sống của người đời.

Mọi thế hệ người Việt Nam, mãi mãi "Học, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ" là ở những mẫu mực mà Người đã để lại. Nhất là bây giờ, cần lắm, ở mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý những hành động, những việc làm gương mẫu, dù là nhỏ, cũng có giá trị gấp ngàn lần những lời nói suông.

* Ảnh trong bài: Tư liệu.

TS. Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch)
.
.