Nhân văn ngoại giao Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:00
Với tri thức và kinh nghiệm phong phú, đa dạng, từ thực tiễn đất nước, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển thành công nhiều nguyên lý, quan điểm, luận điểm về đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, một nền ngoại giao độc lập, tự chủ, hữu nghị và nhân văn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và Người đã đưa Việt Nam lên một vị trí xứng đáng trên chính trường quốc tế từ thế kỷ XX.

Trong thời gian 24 năm là Chủ tịch Nước, Người đã chỉ đạo, hướng dẫn công tác ngoại giao, trực tiếp tham gia các hoạt động đối ngoại của đất nước bằng tài năng ngoại giao kiệt xuất của mình và giành được tình cảm cùng với sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong 30 năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc.

Với tri thức và kinh nghiệm phong phú, đa dạng, từ thực tiễn đất nước, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển thành công nhiều nguyên lý, quan điểm, luận điểm về đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, một nền ngoại giao độc lập, tự chủ, hữu nghị và nhân văn.

Thêm bạn bớt thù

Bản chất của ngoại giao Việt Nam là hoà bình để hợp tác phát triển nên thông báo đầu tiên về chính sách ngoại giao của nước Việt Nam DCCH là: "Đối với các nước Đồng Minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng nền hoà bình thế giới lâu dài". Mặc dù phái hiếu chiến Pháp không ngừng tăng cường khiêu khích, Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố với báo chí quốc tế: "Đồng bào tôi và tôi thật thà muốn hoà bình".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu thanh niên Nga tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội, tháng 3-1966).

Ngay cả khi cuộc chiến bùng nổ, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: "Nhân dân Việt Nam chỉ muốn có hoà bình, một nền hoà bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người bạn Pháp chân chính".

Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, đang đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Geneva, Hồ Chí Minh vẫn giương cao ngọn cờ hoà bình, chống chiến tranh, đưa ra nhiều sáng kiến để cứu vãn hoà bình, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao trên khắp thế giới. Tuy vậy, Hồ Chí Minh không nhắc đến nền hoà bình chung chung, mà phải là hoà bình và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của đất nước Việt Nam.

Từ thực tế của đất nước, Hồ Chí Minh phân tích, nhận định tình hình quốc tế rất chính xác, nhạy bén và sáng suốt, đặc biệt là Người nắm bắt mọi cơ hội thuận lợi và tận dụng triệt để các mâu thuẫn về quyền lợi giữa các lực lượng đối phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi Hungary tháng 8-1957.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bối cảnh quốc tế chia hai bên đối đầu căng thẳng, Hồ Chí Minh đã coi ngoại giao thành một mặt trận chính trị: "Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược lúc này. Nó có nhiệm vụ phát huy thế thắng và thế chủ động của ta, tiến công một kẻ địch đang thất bại, bị động về mọi mặt và phải xuống thang; phát huy thắng lợi quân sự và chính trị trên chiến trường quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ lớn nhất của nhân dân tiến bộ trên thế giới kể cả nhân dân Mỹ".

Nếu biết kết hợp sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam với sự nghiệp hoà bình thế giới thì sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội, bởi vậy cần phải hiểu rõ đường hướng: "Ngoại giao của ta là cốt tranh thủ nhiều người ủng hộ cuộc đấu tranh cứu nước của ta… Phải làm sao vui lòng được mọi người, làm vui lòng được từ người binh nhất, binh nhì. Tuy không được lòng họ trăm phần trăm nhưng không được mất lòng ai trăm phần trăm. Ta phải luôn giúp đỡ họ và mong cho tất cả đều đoàn kết".

Chủ động, linh hoạt, sáng suốt, khéo léo, nhân văn nhưng cương quyết

Để đạt được mục đích "làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết", Hồ Chí Minh đã chứng tỏ trí tuệ, bản lĩnh và phong cách văn hoá ngoại giao xuất sắc của mình. Trước Cách mạng tháng Tám, Người đã kết thân và tỏ ý tin cậy nước Mỹ thông qua sỹ quan tình báo Patty, vị này kể lại: "Ông Hồ yêu cầu tôi mang về Mỹ một bức thư đầy tình hữu nghị và ca ngợi nồng nhiệt nhân dân Mỹ. Ông mong rằng người Mỹ phải biết là nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên Mỹ là bạn và là đồng minh".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Loseby (Anh) tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch tháng 2-1960.

Tổng tư lệnh quân đội Quốc dân đảng Lư Hán thay mặt Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật vốn là một người bộ tộc Lô Lô rất kiêu ngạo, ngang ngược, chỉ gọi Chủ tịch nước Việt Nam DCCH là Tiên sinh!

Ngày 16-9-1945, trong một buổi chiêu đãi, Hồ Chí Minh lại nói về những phong tục tốt đẹp của người Lô Lô và kể về những kỷ niệm trong thời gian Người ở cùng bộ tộc này. Lư Hán đứng bật dậy: "Thưa Chủ tịch, tôi là người Lô Lô", rồi nâng ly rượu nói: "Thưa Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật là hạnh ngộ". Từ đó, Lư Hán tỏ ra tôn kính Người và có một số động thái ngăn cản quân Pháp có lợi cho ta.

Ngày 15-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời hai đại diện Chính phủ Pháp là Sainteny và Pignon đến Bắc Bộ Phủ nói chuyện. Hai đại diện của Pháp không dùng từ Chủ tịch mà chỉ dùng từ Ngài để tỏ thái độ không công nhận chính quyền của ta. Sainteny chợt nhìn thấy một bức hoành phi Hoàn ngả sơn hà treo trên tường bèn nói: "Ngài giữ được bức tranh cổ này là tốt lắm. Giữ được cái cổ là rất quý hóa thưa ngài". Câu nói này ngụ ý rằng ta không nên đấu tranh đòi độc lập, cứ giữ chế độ thuộc Pháp như cũ tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ông Hoàng Xuân Hãn cũng có mặt lúc đó dịch nội dung chữ Hán của bức tranh sang tiếng Pháp, đó là: Trả lại cho ta non sông đất nước của ta. Rồi Người nói: "Đây là bức hoành phi do đại biểu nhân dân Thủ đô đưa đến tặng và yêu cầu Chính phủ đòi lại cho được toàn vẹn lãnh thổ nước Việt Nam từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Hôm nay tôi mời hai đại diện của nước Pháp đến để thực hiện yêu cầu ấy". Hai đại diện tái mặt lại vì quá bất ngờ.

Đầu thập niên 50, tuy nhận thấy âm mưu của Mỹ muốn thay chân Pháp nhưng Hồ Chí Minh vẫn chỉ đạo giữ thân thiện với Mỹ, vì thế giữ ổn định được quan hệ với chính quyền Tưởng Giới Thạch được Mỹ ủng hộ đang kiểm soát vùng Hoa Nam sát biên giới nước ta. Hồ Chí Minh còn thỉnh thoảng gửi thư, quà như một người bạn cũ cho tướng Tiêu Văn đang đóng quân ở Quảng Tây, nhờ đó chúng ta được yên ổn cả vùng biên giới, tập trung đối phó với Pháp.

Tháng 5-1959, Nhật bồi thường chiến tranh 39 triệu đôla theo Hoà ước Sanfrancisco cho chính quyền miền Nam; khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Nhật Shiraiki, Hồ Chí Minh nói: "Nhân dân và Chính phủ Việt Nam DCCH thấy rằng đòi hỏi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà là tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt-Nhật".

Đầu những năm 1960, Liên Xô-Trung Quốc cùng khối XHCN nhưng lại mâu thuẫn, bất đồng gay gắt nên Hồ Chí Minh tìm cách dàn xếp để đoàn kết cả hai nước lớn, bảo đảm sự ủng hộ đối với Việt Nam, Người căn dặn: "Vì đoàn kết mà phải tranh đấu. Tranh đấu để đi đến đoàn kết chứ không nói xấu ai. Phải làm sao trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em, đó là thiên kinh địa nghĩa (chân lý không thay đổi)". Việt Nam có thông lệ gửi điện mừng sinh nhật các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc nhưng vì hai nước đó mâu thuẫn nên Trung Quốc đề nghị không làm như vậy nữa.

Tháng 4-1964, trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrutchev, để thể hiện tình cảm phù hợp với hoàn cảnh, Hồ Chí Minh mời đại sứ Liên Xô đến Phủ Chủ tịch dùng bữa tối. Khi khai tiệc, Người nâng ly rượu chúc sinh nhật tròn 70 tuổi của Nikita Khrutchev khiến đại sứ Liên Xô ngạc nhiên, bất ngờ, xúc động trước cử chỉ thân thiết này. Biết tin này, Khrutchev đã chân thành cảm ơn Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêu vũ cùng Tổng thống Xukarno (Indonesia) tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội tháng 6-1959.

Tháng 5-1966, trong khi cuộc đại cách mạng văn hoá đang rầm rộ càn quét khắp Trung Quốc, Hồ Chí Minh gặp Mao Trạch Đông ở Hàng Châu. Hai bên trao đổi tình hình mỗi nước, Mao Trạch Đông hào hứng giới thiệu về cách mạng văn hoá và đề nghị Việt Nam cũng phải tiến hành một cuộc cách mạng như vậy. Hồ Chí Minh từ tốn nói: "Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hoá được, chúng tôi đang còn phải làm đại cách mạng võ hoá!". Mao Trạch Đông đành gật đầu tán thành.

Ngày 12-1-1967, trong buổi tiếp và trả lời phỏng vấn chủ bút một số tờ báo lớn của Mỹ như Arkansat Daily, Miami News, Hồ Chí Minh thẳng thắn nói: "Tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập".

Tháng 1-1969, Ủy ban đoàn kết nước Đức sang thăm Việt Nam nêu vấn đề có nhiều thanh niên Đức muốn tình nguyện sang cầm súng chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trả lời: "Đó là một ý định tốt, rất đáng hoan nghênh. Nhưng cần làm cho các cháu hiểu rằng: chúng ta đừng để nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới. Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình nên mới tiến hành cuộc đấu tranh đầy gian khổ hy sinh này. Chúng tôi không những chiến đấu vì bản thân mình mà chính vì lợi ích của toàn nhân loại".

Tính nhân văn cách mạng trong ngoại giao Hồ Chí Minh là sự chấp nhận mặt trái, bên phản diện, những cá nhân không cùng chung lý tưởng, biết cách kiềm chế cái ác, phát huy cái thiện, dung hòa cái tốt và cái xấu để cùng chung mục tiêu là sự công bằng, tiến bộ và đoàn kết quốc tế. Bởi vậy, "Tên tuổi Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn với những hành động cao cả nhất, những ước mơ cao quý nhất của nhân loại nhằm thực hiện một khối cộng đồng anh em thực sự của nhân dân các nước được hưởng quyền bình đẳng, được thỏa mãn đầy đủ về những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình trong một thế giới không có chiến tranh, không có sự tàn bạo, nghèo khổ và phân biệt đối xử".

Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là biểu tượng kết hợp hài hoà tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là hiện thân của đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau nên tư tưởng ngoại giao của Người cũng thấm đẫm tính nhân văn truyền thống dân tộc và đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình Việt Nam, giúp chúng ta hội nhập vào nền  văn minh trí tuệ của thế giới trong thế kỷ XX và mãi sau này vì một Việt Nam phát triển và thịnh vượng.

Đỗ Hoàng Linh (PGĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.