Nhìn lại cuộc khủng hoảng Hiến pháp ở LB Nga tháng 10/1993: Những ngày đẫm máu

Thứ Hai, 07/10/2013, 07:15

Tình trạng đối đầu giữa hai nhánh quyền lực (hành pháp và lập pháp) ở Liên bang (LB) Nga diễn ra từ khi Xôviết tan rã xung quanh tiến độ cải cách và các phương thức xây dựng hình thái quốc gia mới tới đầu tháng 10/1993 đã chuyển thành một cuộc đụng độ vũ trang đẫm máu diễn ra trong hai ngày 3 và 4 ở trung tâm Moskva và gần Tháp truyền hình Ostankino. Lực lượng vũ trang trung thành với Tổng thống Yeltsin đã tấn công trụ sở Quốc hội Nga khi đó (Nhà Trắng, nay là trụ sở của chính phủ Nga), gây ra nhiều thương vong cả ở những người dân vô tội.

Già néo đứt dây

Về phía lực lượng hành pháp có Tổng thống Boris Yeltsin, Hội đồng Bộ trưởng (chính phủ) với Thủ tướng Victor Chernomyrdin, Thị trưởng Moskva Yuri Luzhkov cùng hàng loạt các nhà lãnh đạo khu vực và địa phương cũng như một bộ phận đại biểu nhân dân theo đuôi ông Yeltsin. Lực lượng lập pháp do Chủ tịch Xôviết Tối cao Ruslan Khasbulatov đứng đầu cùng với Phó tổng thống, Anh hùng Quân đội, cựu phi công Aleksandr Rutskoy và một số đại biểu nhân dân…

Ở thời điểm LB Xôviết bắt đầu tan rã, đa phần các nhân vật ở cả hai bên đều đã ít nhiều chung những quan điểm để họ có thể duy trì hoặc nâng cao vị thế của mình trong một bàn cờ chính trị mới. Tuy nhiên, dần dà tham vọng độc đoán của Tổng thống Yeltsin, muốn thâu tóm mọi quyền ở nước Nga vào tay mình, đã khiến cho một bộ phận trong đội ngũ chung đó tách rời ra rồi trở thành đối thủ. Và mọi sự cứ thế mà quá mù ra mưa.

Theo kết luận của Ủy ban Duma Quốc gia Nga về nghiên cứu và phân tích bổ sung những sự kiện đã diễn ra ở Moskva từ ngày 21/9 tới 5/10/1993, xuất phát điểm dẫn tới các sự kiện đẫm máu cùng vô số những hệ lụy đau lòng ở thời điểm đó là việc ông Yeltsin cho soạn thảo và công bố Sắc lệnh của Tổng thống ngày 21/9 số 1400 "Về cải cách Hiến pháp Liên bang theo từng giai đoạn" được chính ông đọc trên truyền hình vào 20h ngày 21/9/1993. Trong sắc lệnh này tuyên bố giải tán Xôviết Tối cao, không triệu tập Đại hội Đại biểu nhân dân và cũng dừng quyền hoạt động của các đại biểu nhân dân. Ông Yeltsin đã tỏ ra rất quyết liệt và tự tin nên thậm chí đã từ chối không chịu nói chuyện qua điện thoại với Chủ tịch Khasbulatov (hai nhân vật này từng có thời gian sát cánh bên nhau để chống lại Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev)…

Tuy nhiên, xét theo Hiến pháp lúc đó, đây là một hành động vi hiến vì điều 121-6 của Hiến pháp Nga quy định: "Các quyền lực của Tổng thống LB Nga không thể được sử dụng để thay đổi tổ chức nhà nước và quốc gia của LB Nga, để giải tán hay cản trở tới hoạt động của bất kỳ tổ chức quyền lực nào được bầu lên. Trong trường hợp này, quyền lực của tổng thống sẽ ngừng ngay lập tức...".

Chính vì thế nên 30 phút sau bài phát biểu này của ông Yeltsin, Chủ tịch Xôviết Tối cao Khasbulatov cũng đã lên truyền hình phát biểu ý kiến và đưa ra đánh giá về những hành động của ông Yeltsin như một cuộc đảo chính…

Vào lúc 22h cùng ngày, tại phiên họp khẩn cấp của Xôviết Tối cao đã thông qua nghị quyết "Về việc chấm dứt ngay lập tức toàn quyền của Tổng thống LB Nga B.N. Yeltsin".

Cũng trong thời điểm đó đã bắt đầu cuộc họp khẩn cấp của Tòa án Hiến pháp dưới sự chủ trì của Chánh tòa Valeri Zorkin. Tòa án Hiến pháp kết luận rằng Sắc lệnh số 1400 đã vi hiến và là cơ sở để cách chức Tổng thống Yeltsin. Sau khi kết luận của Tòa án Hiến pháp được trình lên Xôviết Tối cao, cơ quan lập pháp đã tiếp tục phiên họp của mình và quyết định trao việc thực hiện quyền Tổng thống cho Phó tổng thống Aleksandr Rutskoy. Đất nước Nga đã bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng  chính trị quyết liệt…

Ông Khasbulatov và ông Yeltsin.

Vào lúc 22h ngày 23/10/1993, tại trụ sở Xôviết Tối cao đã khai mạc Đại hội bất thường lần thứ X của các đại biểu nhân dân. Có 638 đại biểu tham dự. Theo lệnh của chính phủ (đang do lực lượng của ông Yeltsin chi phối), đường dây điện thoại cũng như nguồn điện cung cấp cho tòa nhà này đã bị cắt. Các đại biểu nhân dân đã biểu quyết ủng hộ chấm dứt quyền làm Tổng thống của ông Yeltsin và trao việc thực hiện chức trách Tổng thống cho Phó tổng thống Rutskoy.

Đại hội cũng cử ra các gương mặt mới vào các chức "Bộ trưởng Sức mạnh" chủ đạo: Victor Barannikov (Quốc phòng), Vladislav Achalov (An ninh) và Andrei Dunayev (Nội vụ)...

Để đảm bảo an ninh cho trụ sở Xôviết Tối cao đã lập ra từ những người tình nguyện một số đơn vị bảo vệ  bổ sung, được trang bị vũ khí theo một sắc lệnh đặc biệt lấy từ nguồn vũ khí dự trữ của Cục Bảo vệ Xôviết Tối cao. --PageBreak--

Đụng độ sống mái

Ngày 27/9/1993, trụ sở Xôviết Tối cao đã bị phong tỏa bởi một vòng vây chặt chẽ các đơn vị quân đội, nội vụ và cảnh sát. Xung quanh tòa nhà đã được giăng hàng rào dây thép gai kiên cố, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không chỉ người hay các phương tiện vận tải mà ngay cả lương thực thực phẩm cũng như các loại thuốc men từ bên ngoài cũng không được đưa vào trong tòa nhà…

Ngày 29/9/1993, Tổng thống Yeltsin và Thủ tướng Chernomyrdin đã ra tối hậu thư buộc ông Khasbulatov và ông Rutskoy phải đưa hết người ra khỏi Nhà trắng trước ngày 4/10 và giao nộp vũ khí.

Thực ra, cho tới thời điểm này, những người lãnh đạo Xôviết tối cao vẫn không qua cầu rút ván mà vẫn muốn tìm một lối thoát nào đó thông qua thương lượng. Chính vì thế nên ngày 1/10/1993, tại Tu viện Svyato-Danilov, với sự môi giới của Giáo trưởng Aleksi II đã bắt đầu các cuộc thương lượng giữa các đại diện Chính phủ Nga, chính quyền Moskva và Xôviết Tối cao. Trụ sở Xôviết Tối cao đã có điện, nước trở lại. Đêm hôm đó, tại Tòa Thị chính Moskva đã ký biên bản về việc "xóa bỏ căng thẳng đối đầu" theo từng giai đoạn theo tinh thần những thỏa thuận đã đạt được qua thương lượng.

Ngày 2/10/1993, vào lúc 13h, tại Quảng trường Smolensk đã bắt đầu cuộc míttinh của những người ủng hộ Xôviết Tối cao. Người dân Nga lúc đó có không ít lý do để bất mãn với thực tại xã hội trong cung cách quản lý của Tổng thống Yeltsin. Điều kiện sống của họ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Từ năm 1989 tới 1993, GDP đã bị giảm một nửa. Nạn tham nhũng tràn lan. Gia tăng tình trạng bạo lực và phạm pháp. Dịch vụ y tế xã hội vốn mang nhiều ưu thế từ thời Xôviết đã bị sụp đổ… Lương thực và nhiên liệu ngày một khan hiếm thêm…

Chính với tâm trạng bất mãn đó mà những người biểu tình đã xuống đường một cách đầy nhiệt huyết. Cảnh sát đã bắt đầu mất khả năng kiểm soát tình hình một cách hòa bình nên đã xảy ra đụng độ giữa những người míttinh. Các phương tiện đàn áp đặc biệt đã được sử dụng. Do các lộn xộn mà khu vực đường vòng khuyên ở cạnh Bộ Ngoại giao Nga đã bị phong tỏa nhiều giờ liền.

Cảnh sát tháo chạy trước làn sóng những người biểu tình tràn lên.

Ngày 3/10/1993, cuộc khủng hoảng đã dần dà trở nên nguy hiểm tới dễ dàng bùng nổ. Cuộc míttinh bắt đầu lúc 14h ở Quảng trường Tháng Mười đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Những người tham gia míttinh đã phá vòng vây của lực lượng đặc nhiệm cơ động (OMON) và tiến tới Nhà trắng để giải thoát cho trụ sở này.

Gần 16h ngày 3/10, ông Rutskoy đã ra ban công tòa nhà lên tiếng kêu gọi chiếm lĩnh Tòa Thị chính Moskva và khu vực Tháp truyền hình Ostankino. Ông Khasbulatov cũng xuất hiện trước công chúng và kêu gọi làm chủ Điện Kremli  và bỏ tù "tên tội phạm và kẻ tiếm quyền là Yeltsin" vào trại giam Matrosskaya Tishina…

Tới 17h, những người biểu tình đã xông vào chiếm giữ một số tầng của trụ sở Tòa Thị chính Moksva. Các nhân viên cảnh sát đã xả súng bắn thẳng vào những người biểu tình.

Gần 19h ngày 3/10/1993 đã bắt đầu cuộc tấn công chiếm lĩnh Trung tâm Truyền hình Ostankino. Về sau, chính ông Khasbulatov đã đánh giá đây là một hành động sai lầm vì đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa bạo lực. Cảnh sát tiếp tục xả súng vào đoàn người biểu tình. Có tin là 62 người đã bị sát hại… Đến 19h40', tất cả các kênh truyền hình đều ngừng phát sóng. Sau một thời gian ngắn gián đoạn, kênh 2 đã làm việc trở lại nhờ sử dụng trường quay dự trữ. Những người biểu tình đã không thực hiện được ý định chiếm lĩnh trung tâm truyền hình.

22h, Sắc lệnh của ông Yeltsin về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Moskva và cách chức Phó Tổng thống Rutskoy đã được phát trên truyền hình. Các lực lượng quân đội đã được đưa vào nội đô Moskva. Cũng phải nói rằng, thực ra lúc đầu lãnh đạo quân đội Nga đã không quá nhiệt tình với những kế hoạch sử dụng vũ lực mà ông Yeltsin đã đưa ra. Chính vì thế nên ngay cả khi đã lâm trận nhưng lực lượng đặc nhiệm Nga vẫn không thực hiện mệnh lệnh của chính ông Yeltsin về việc phải hạ sát tất cả các đại biểu nhân dân đang có mặt bên trong Nhà trắng, thậm chí sát hại cả ông Khasbulatov lẫn ông Rutskoy…

Ngày 4/10/1993, đã bắt đầu chiến dịch "dọn dẹp" Nhà trắng. Các loại vũ khí hỏa lực mạnh đã được sử dụng. Gần 10 nghìn xe tăng được huy động hỏa lực nhằm vào Nhà trắng, gây nên những đám cháy.

Gần 13h cùng ngày, những người bảo vệ trụ sở Xôviết Tối cao đã bắt buộc phải tìm đường ra ngoài. Trong đó có nhiều người bị thương.

Đến 18h, những người bảo vệ Nhà trắng đã tuyên bố ngừng chống cự. Ông Rutskoy, ông Khasbulatov cùng nhiều chính trị gia nổi tiếng khác cùng phe đã bị bắt giữ. Ông Khasbulatov đã bị giam vào trại biệt giam Lefortovo của thành phố Moskva (Phải tới tháng 2/1994, ông Khasbulatov mới được Duma Quốc gia ra lệnh ân xá.  Chính Tổng thống Yeltsin đã yêu cầu không được thực hiện lệnh ân xá này. Cho tới hôm nay, ông Khasbulatov vẫn cho rằng, ông Yeltsin chính là tội đồ dẫn tới mọi tai họa của nước Nga hiện nay…).

19h30' ngày 4/10/1993, Đơn vị Đặc nhiệm Alfa đã làm chủ trụ sở Xôviết Tối cao và đưa ra ngoài 1.700 nhà báo, nhân viên bộ máy Xôviết Tối cao, các cư dân thành phố cũng như các đại biểu nhân dân…

Theo kết luận của Ủy ban Duma Quốc gia, những con số thống kê áng chừng cho thấy, trong các sự kiện xảy ra từ ngày 21/9 đến ngày 5/10/1993 đã có khoảng 200 người chết do bị giết hoặc bị trọng thương, và không dưới 1.000  bị thương ở những mức độ khác nhau…

Các con số chính thức từ phía chính quyền Yeltsin cho rằng, đã có 187 người chết và 437 người bị thương trong những ngày đẫm máu đó ở Moskva. Trong khi đó, các nguồn thân cận với những người Cộng sản Nga đưa ra con số người chết lên tới 2.000… Còn ông Khasbulatov trong một bài trả lời phỏng vấn cho báo mạng Svobodnaya Gazeta đã khẳng định: "Những người được thông tin nhiều nhất, trong đó có cả các ông tướng ở Bộ Nội vụ, đã nói với tôi rằng đã có không dưới 1.500 người bị chết…".

Cho tới nay vẫn chưa có một ý kiến thống nhất đánh giá về những sự kiện bi thảm đã diễn ra 20 năm trước ở Moskva. Tuy nhiên, có thể nói rằng, đó là một ký ức đau buồn rất khó phai mờ trong lòng những người dân Nga. Nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện này, Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) đã tiến hành nhiều hoạt động tưởng nhớ những nạn nhân đã ngã xuống ở Moskva những ngày đẫm máu đó với tinh thần "Không bao giờ quên lãng! Không bao giờ tha thứ!"

Minh Huyền
.
.