Nhớ về Thứ trưởng Viễn Chi... (tiếp theo và hết)

Thứ Bảy, 24/08/2013, 17:50

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một trong những đứa trẻ đó đã gặp lại bố mẹ, trong số đó có con một đồng chí trưởng ty công an và sau này cháu đã học tập tốt, trở thành Tổng giám đốc của một ngân hàng lớn có trụ sở tại TP HCM. ("Như chưa hề có cuộc chia ly" trên chương trình VTV1 chỉ mới đề cập đến những người và những gia đình bị thất lạc nhau được đoàn tụ còn những người đã quy tụ, bảo vệ và tạo điều kiện nuôi dưỡng, dạy dỗ họ để sau này họ đoàn tụ với gia đình, với người thân thì chưa đề cập đến - đây là một trong những trường hợp như thế).
>> Nhớ về Thứ trưởng Viễn Chi – Người thầy, người cha, người đồng chí

Cũng trong năm 1972, khi đến bờ sông Bến Hải để sang huyện Triệu Phong làm việc, lúc đó đoàn tìm được đò nhưng không có lái đò và mọi người trong đoàn không ai biết lái. Thêm nữa, lại sắp đến giờ tuần tra của máy bay địch, thế là ông đã chủ động lái đò đưa mọi người qua sông an toàn.

Những dòng đầu trang 115 trong hồi ký 55 năm một chặng đường, ông viết: "Thật hú vía vì đò vừa qua bên kia sông, cả đoàn cũng vừa vào hầm trú ẩn thì máy bay Mỹ ập tới và chúng không phát hiện được ta". Tuy không thạo chèo đò nhưng ông vẫn chủ động lái để đưa mọi người qua sông. Được biết,  khi còn nhỏ, ông thông minh, học giỏi nhưng nhà nghèo, trường huyện xa nhà, có những hôm học cả buổi chiều. Trưa đến các học sinh khác thì cơm đùm, cơm bọc còn ông chỉ có mấy củ khoai lang mẹ ông luộc cho mang đi để ăn trừ bữa.

Khi mới 16 tuổi, ông đã theo cậu vào Hội An làm việc. Tại đây, ông làm công nhật được 7 đồng Đông Dương một tháng, ông chỉ dám sử dụng 3 đồng, còn 4 đồng gửi về nuôi mẹ, nuôi em. Cũng may là trong thời kỳ chống Pháp và được cử ở lại chỉ đạo trong vùng bị tạm chiếm nên ông phải xông xáo và tìm mọi cách vượt qua. Chắc chính trong thời gian này, ông đã học được cách lái đò.

Tháng 9/1972, ông lại được điều động ra Hà Nội sau khi Nixon tuyên bố sẽ đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về thời kỳ đồ đá. Ông được Bộ trưởng giao nhiệm vụ bám trụ Hà Nội để lãnh đạo lực lượng an ninh, cảnh sát, công an vũ trang đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như tài sản của Nhà nước và của nhân dân khi Hà Nội bị ném bom. Vợ con ông và cả cơ quan đi sơ tán, một mình ông đã ăn, ở tại ngay phòng làm việc (15 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) suốt thời gian giặc ném bom để trực tiếp lãnh đạo Công an bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho Thủ đô trong Chiến dịch 12 ngày đêm - Trận "Điện Biên Phủ trên không".

Khi miền Nam mới được giải phóng, ông lại được Bộ trưởng giao nhiệm vụ với tư cách là đặc phái viên của Bộ trưởng vào giúp Sài Gòn - Gia Định. Lúc đó tôi cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đơn vị tôi đóng quân tại quân trường Quang Trung, Gò Vấp. Thỉnh thoảng lên thăm ông tại nơi làm việc ở Đại Sứ quán Thái Lan (toàn bộ nhân viên Đại sứ quán đã rút về nước sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ) đóng trên đường Nguyễn Văn Trỗi.

Toàn bộ tài sản của Đại sứ quán Thái Lan đều được ông cho khóa và niêm phong cẩn thận. Ông nói đây là tài sản của người ta, mình chỉ tiếp quản và tạm dùng nhà để làm việc. Ông không cho phép ai được lấy bất kỳ một thứ gì của Sứ quán. Vì vậy cho đến khi ông được Bộ trưởng rút về Hà Nội, những tài sản nơi ông làm việc ở Sứ quán vẫn còn nguyên vẹn, không bị thất thoát gì.

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông lại được điều động lên các tỉnh biên giới lãnh đạo Lực lượng Công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các tỉnh biên giới, trong đó có nhiệm vụ trao trả tù binh của cả hai bên. 

Khi ông được điều sang giúp đất nước bạn mới được giải phóng, với cương vị là Trưởng đoàn chuyên gia an ninh. Nhiều cán bộ chiến sĩ kể cả chuyên gia của ta sang giúp bạn đã bị bọn tàn quân ám sát, nhưng với ông và đoàn của ông không ai bị thương vong gì tuy mọi người vẫn phải bám sát địa phương, vẫn phải đi khảo sát, kiểm tra và giúp đỡ bạn ở các tỉnh. Một lần, có một vụ án, mà một cán bộ lãnh đạo cao cấp của nước bạn quyết định bắt một người trong hoàng tộc nhưng cán bộ dưới quyền còn đang phân vân chưa dám quyết nên đã sang hỏi ý kiến ông vì biết ông là Trưởng đoàn chuyên gia an ninh của Việt Nam.

Sau khi nghe toàn bộ vụ việc, ông  nghĩ ngay đến thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám, khi đó ta mới thành lập chính quyền cách mạng và chính quyền còn non trẻ, nhiều cán bộ ta còn rất bỡ ngỡ, chưa hiểu biết nhiều về công tác quản lý và lãnh đạo đất nước. Cũng may ngay năm 1945, ông được Tỉnh ủy Hải Dương cử đi học lớp chính trị do Trung ương mở tại trụ sở Hội Tam Điểm (đã giải tán) gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội do Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp trực tiếp giảng bài. Sau khi giảng bài xong, bao giờ Bác Hồ cũng hỏi xem mọi người có hiểu không và có ai có thắc mắc gì không để Bác giải thích. Tất nhiên để lãnh đạo một đất nước còn non trẻ lại chưa có kinh nghiệm nên cũng có nhiều thắc mắc muốn hỏi Bác và Bác bao giờ cũng trả lời rành rọt, rõ ràng.

Ở đây cũng vậy, do đó ông đã thong thả nói: "Các bạn phải thận trọng, cân nhắc và nghiên cứu kỹ  phong tục tập quán. Các bạn vừa mới giành được chính quyền nên chưa có kinh nghiệm. Nước các bạn vẫn đang là một nhà nước phong kiến vì vậy khi các thành viên trong hoàng cung nói chuyện với nhau, lính cận vệ hoàng gia không thể đến gần mà nghe họ nói chuyện được. Đây là một chuyện không có thật, vì vậy các bạn phải hết sức thận trọng tránh bắt oan người ngay". Sau đó cán bộ trên đã về báo cáo lại người phụ trách và họ đã không bắt người trong hoàng tộc nữa vì thế uy tín của chính quyền cách mạng mới thành lập đối với hoàng gia vẫn được giữ vững và đảm bảo.

Đoàn Chuyên gia An ninh Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND (Đoàn K79), ông Viễn Chi đứng thứ ba từ trái qua. Ảnh chụp 10/10/1990.

Sinh thời, ngoài công tác nghiệp vụ, ông còn rất yêu thơ và hay làm thơ. Năm 1997, ông đã cho ra đời tập thơ "Cánh chim trên những dặm đường". Nhà thơ Vũ Quần Phương viết sau khi đọc tập thơ của ông: "Viễn Chi phát lộ năng khiếu thơ từ tuổi thiếu thời, nhưng Viễn Chi không theo đường văn chương. Ông tham gia hoạt động cách mạng, trở thành một chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu. Không theo nghiệp văn, nhưng thơ vẫn lẵng đẵng theo Viễn Chi trên mọi chặng đời. Thơ ông đánh dấu những phấn đấu, những chịu đựng thử thách của đời ông… Thơ lưu giữ những ấn tượng lịch sử đất nước trong hai cuộc kháng chiến, những cử chỉ sâu sắc về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tình quốc tế.

Từ khi nghỉ hưu, ông viết nhiều hơn và hay hơn. Hay vì những chiêm nghiệm việc đời sâu sắc. Hay vì ông đã trở lại như buổi đầu đời, tâm sự hồn nhiên, ý tưởng cởi mở, tình cảm chân thực"… Vũ Quần Phương lại nhận xét: "Viễn Chi rất yêu đời, nhạy cảm, tinh tế, biết trân trọng cái đẹp của ngày thường, của thiên nhiên tạo vật…”.

Với gia đình, ông rất mực quan tâm. Trước khi qua đời, ông đã căn dặn: “Từ khi bố mẹ lấy nhau, bố đi hoạt động cách mạng rất ít thời gian ở nhà, khi đất nước giải phóng, bố lại nhận nhiệm vụ giúp bạn khi nước bạn đang gặp khó khăn nhằm ổn định chính trị, người có công đầu trong việc nuôi nấng và dạy dỗ các con là mẹ, vì vậy các con phải quan tâm, săn sóc, giúp đỡ mẹ chu đáo nhất là những khi trái gió trở trời”.

Nhà tôi có một người em không may bị di chứng viêm não khi mới tròn ba tháng tuổi nên bị bại liệt, ông bà đã chạy ngược chạy xuôi để tìm thầy chữa chạy cho nó nhưng vẫn không thay được số trời. Không biết có phải vì đứa em này hay vì cái tâm, cái đức mà ông đã giúp cho đời những lương y, thầy thuốc và nhiều giáo sư, bác sĩ giỏi có chuyên môn cao.

Đó là vào những năm đầu mới thống nhất đất nước một nhà châm cứu vừa tốt nghiệp ở Trung Quốc về nhưng nghề châm cứu chưa được lưu hành ở nước ta nên không được trọng dụng. Nhà châm cứu đó rất may được người ta giới thiệu với ông. Sau khi nghe trình bày về phương pháp chữa bệnh, ông đã đưa nhà châm cứu về nhà trực tiếp chữa bệnh cho con. Tuy chữa không khỏi vì bệnh tình của con đã quá nặng, nhưng sau đó, ông vẫn đứng ra bảo lãnh và giới thiệu nhà châm cứu với Bộ Y tế và Viện Nghiên cứu đông y. Thế là nhà châm cứu này được mở một phòng châm cứu, từ đây mới được nổi danh và trở thành Anh hùng Lao động vì đã cứu chữa được nhiều người bằng phương pháp châm cứu.

Ảnh trích từ cuốn Hồi ký 55 năm một chặng đường của tác giả Viễn Chi.

Tương tự có một lương y quê ở Vĩnh Phú chuyên chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt. Lương y này cũng không được chính quyền địa phương chấp nhận, không những phải chữa bệnh giấu giếm mà còn bị khép vào tội mê tín dị đoan, lừa gạt để lấy tiền của dân. Ông đã can thiệp kịp thời, lúc đầu ông đưa con lên trên ấy chữa sau đó ông tạo điều kiện để đưa lương y này về Hà Nội chữa bệnh cho con ông và chữa cho vợ một đồng chí cán bộ cao cấp khác. Kể từ đó, vị lương y này làm ăn yên ổn, không những thế còn truyền nghề lại cho nhiều thế hệ sau.

Năm 1980, dù đang bận trăm công nghìn việc ở nước bạn, ông vẫn thường xuyên gửi thư về gia đình nhắc nhở vợ con từng ly từng tý: Nào là cháu Phương Lan còn nhỏ, bố mẹ cháu lại đang bận công việc và thường xuyên đi công tác nên bà và các chú phải thương yêu cháu. Nào là cháu An còn ở chơi với bác không hay lại về quê rồi, nào là Khánh đi thực tập chưa, nhắc nó giữ gìn sức khỏe để còn làm việc lâu dài. Thế Thạch vào Nam chữa bệnh, Minh đã xin phép cơ quan để vào cùng em chưa? Nhớ phải được cơ quan đồng ý mới đi được. Lựu đang có mang phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Nếu đẻ con trai nên đặt tên là Trần Quốc Dũng và nếu con gái đặt tên là Trần Thị Lan Hương...

Suốt 55 năm một chặng đường, cuộc đời của ông thanh bạch chẳng vàng son. Trước khi từ giã cõi đời, ông gọi các con lại và cho mỗi người một quyển thơ do ông sáng tác đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành và nói rằng,  cuộc đời ông không có tài sản nào đáng giá, ông chỉ có tập thơ nhỏ để tặng người thân và bạn yêu thơ (lời tựa của tác giả tập thơ “Cánh chim trên những dặm đường”).

Nhưng với các con ông, họ hiểu rằng cha mẹ đã để lại cho họ một tài sản vô cùng quý giá đó là sự thủy chung, là sự quan tâm đến con cái, là giữ gìn và bảo đảm hạnh phúc gia đình, là đức độ và sự khoan dung, là chí công vô tư, là giữ gìn sự trong sạch và liêm khiết trong cuộc sống cũng như suốt đời tận tụy với công việc.

Tôi xin trích một đoạn trong bài "Tâm sự" của ông để thay lời kết:

…"Nay đã đi qua một chặng đường

Tấm lòng thanh thản, nhẹ hành trang!

Ước như ai đó, cày xong ruộng

Nằm khểnh bên trâu, hóng gió đàn!" …

(Trong tập thơ “Cánh chim trên những dặm đường” của tác giả Viễn Chi).

Tôi viết bài này để tưởng nhớ tới ông, một người cha, người thầy, người đồng chí mẫu mực của gia đình. Tưởng nhớ đến một cán bộ Công an trung thành, tận tụy với công việc. Một tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khiêm tốn - Một số những việc ông đã làm mà mọi người chưa biết đến. Đó là những bài học cho các con, các cháu của ông học tập, noi theo.

Hà Nội, tháng 8/2013

Nguyên Minh (Con trai đồng chí Viễn Chi)
.
.