Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014):

Những anh hùng trên đồi A1

Thứ Sáu, 09/05/2014, 16:55

Kéo pháo vào, kéo pháo ra…
Mấy hôm liền trời mưa nặng hạt, dốc núi cao, đường trơn, người đi bộ còn ngã oành oạch. Khẩu pháo sừng sững như con voi sắt chết rồi, ỳ ạch, nhích lên, tụt xuống ở lưng chừng núi. Mấy chục người bám chặt hai chiếc dây chão lớn nghiêng rạp người về phía sườn dốc, mắt chằm nhìn về phía khẩu pháo, đồng thanh hô:

- Dô… ta… này!

- Dô… ta… này!

Tiếng hô gằn, âm trong cổ họng để không vang to về phía địch. Mấy chiến sĩ kéo dây thừng trượt chân ngã lạch bạch… Khẩu pháo lại tụt xuống, rồi lại nhích lên. Người chỉ huy động viên:

- Cô lên!... cố… ố lên này!

- Hai…i, ba… này!

Khẩu pháo nhích lên liên tiếp… Người chỉ huy ra lệnh tất cả cho pháo dừng lại rồi phổ biến:

- Sắp tới, pháo phải qua một dốc núi gấp khúc (cua) khi lên tới đỉnh cao thì phải đưa pháo đi về phía bên phải một đoạn rồi quặt lại bên trái ngay mới cho pháo xuống dốc.

Nơi đây đã có pháo gặp nạn, nên phải bình tĩnh, thận trọng, không nóng vội.

Trời vẫn mưa, dốc núi có chỗ bùn ngập nửa bánh xe… Tất cả mọi người: ai vào việc nấy. Pháo lại nhích từng tí một. Bỗng có tiếng hô to:

- Ghìm! Ghìm! Gấp khúc gấp khúc! Mấy chiến sĩ công binh hối hả giáng cuốc xuống mặt đường phía giáp thành núi… người chỉ huy hô:

- Ép pháo vào phía thành núi! Được rồi, cố… lên! Được rồi, sắp qua rồi! Cố lên!

Mọi người tập trung tinh thần đưa pháo qua đoạn đường sườn núi chênh vênh. Sơ ý một chút pháo có thể đổ sang phải lăn hàng chục vòng xuống vực thẳm. Người chỉ huy lại ra lệnh:

- Càng! Càng! Đưa càng sang trái ngay! Chú ý dốc đấy, dốc trơn! Được rồi! Chú ý!

Kéo pháo qua đèo. Ảnh: Tư liệu.

Không rõ những tiếng nói ồn ào có vang về phía địch không? Từ Mường Thanh từng loạt đại bác của Pháp nổ Pùng! Pùng! Tiếng đạn pháo réo o… o… nối đuôi nhau bay vào rừng xé không khí xèn xẹt, xèn xẹt… nối tiếng nhau nổ trên càng cây, sườn núi, mặt đường đinh tai… Từng chùm lửa sáng rực tóe lên chói mắt… Chèn pháo xong, tất cả nằm rạp xuống mặt đường, đại bác của địch ngừng bắn, mọi người lại tiếp tục nhiệm vụ.

Nửa đêm về sáng, trời vẫn mưa, đường nhầy nhụa bùn đất trơn như đổ mỡ. Bộ phận ghìm pháo, vít nòng, nâng càng đều có người ngã. Hai khúc gỗ chèn bị văng ra… Khẩu pháo bất ngờ lao phăng phăng xuống dốc. Người chỉ huy hét lên:

- Ghìm! Ghìm!

- Chèn! Chèn! Chèn ngay!

- Ôm chặt càng pháo đẩy về phía vách núi! Ôm chặt càng pháo… Bỗng có tiếng kêu:

- Ôi, pháo đè lên em rồi! Trời ơi! Đau lắm! đau lắm!

Khẩu pháo đứng chững lại, chỉ huy ra lệnh:

- Tất cả ai ở đâu, đứng yên chỗ đó - người chỉ huy nói - các cán bộ trung đội lại đây.

Chúng tôi soi đèn pin, ba bốn tia sáng nhỏ, chiếu vào chiến sĩ bị nạn nằm ngửa đầu quay ra ngoài, bánh xe và càng đè lên bụng. Chứng tỏ chiến sĩ này đã ôm càng pháo ngửa người giữ và nâng càng pháo lên. Có tiếng hỏi:

- Cậu nào đấy?

- Cậu Giá - Hà Ngọc Giá, Yên Thành, Nghệ An - một chiến sĩ đáp.

Người chỉ huy ra lệnh:

- Khi tôi hô, hai… ba thì kéo pháo lùi lại, bộ phận chèn, chèn ngay! Bộ phận nâng càng nâng lên. Hai người nhanh chóng kéo chiến sĩ ra. Rõ chưa? Chuẩn bị… bắt đầu.

- Hai ba… này!

Lực lượng CAND diễu binh tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cảnh Vũ.

Giá được kéo ra khỏi càng pháo, thắt lưng quần áo bị rách  toang, bụng cũng bị xé rách toang như dao chém, máu chảy nhiều. Chúng tôi ấn ruột Giá vào rồi dùng năm sáu cuộn băng, băng bụng cho Giá, nhưng máu vẫn chảy…

- Đau quá, đau quá!

 Giá vẫn kêu rên. Tôi được lệnh cùng 4 chiến sĩ thay nhau cáng Giá đưa đi cấp cứu.

Nằm trên cáng, Giá kêu rên thảm thiết gọi tên tôi liên tục. Đi được một đoạn Giá yếu dần. Chúng tôi đặt cáng của Giá nằm ở ven rừng. Giá vẫn nắm chặt cổ tay tôi gọi: "Anh ơi! Anh ơi! Cứu em với! Em sắp chết rồi, cứu em với!". Tôi vẫn an ủi:

- Em không chết đâu. Anh và đồng đội vẫn ở bên em, đang cứu em đây.

Giá lại gọi:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con sắp chết rồi - Giá khóc thút thít, tay quờ quạng:

- Anh ơi! Mẹ ơi!... anh ơi! Mẹ ơi!...

Tay Giá buông khỏi tay tôi, bắt chuồn chuồn rồi im bặt, người lạnh toát… Tôi và các chiến sĩ không ai cầm được nước mắt. Tôi vuốt mắt vuốt miệng, nắn ngón chân ngón tay cho Giá, dặn 4 chiến sĩ phải ngồi bên Giá. Tôi đi sâu vào rừng tìm xem có đơn vị nào không. Phía trong xa có một ánh đèn xanh như con đom đóm. Tôi đến, thấy một hầm, che bạt, vài người đang gọi điện và ghi chép. Tôi báo cáo tình hình và yêu cầu giúp đỡ.

Lực lượng CAND diễu binh tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cảnh Vũ.

Một cán bộ xưng danh là Khắc Tính cán bộ của cơ quan pháo binh. Anh nhiệt tình cho mấy cán bộ đem cuốc chim, xẻng to của pháo binh gặp tôi và xé cho 8 mét vải hoa màu đỏ của Trung Quốc để khâm niệm (quấn thi thể Giá). Chúng tôi trở về chỗ Giá nằm, tôi hỏi anh em:

- Có lúc nào Giá tỉnh lại không? Một chiến sĩ trả lời:

- Có một lần, thấy môi Giá mấp máy, em ghé tai sát vào miệng Giá, mới nghe rõ một lần nữa, Giá lại gọi mẹ ơi! Và gọi tên anh!

Lực lượng CAND diễu binh tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Cảnh Vũ.

Tôi hy vọng Giá sống trở lại, lấy tí bông đặt một bên lỗ mũi, ghé tai vào ngực, sờ tay chân Giá xem có ấm lên tí nào không?

Nhưng ôi! Tất cả lạnh toát, cứng đờ. Các chiến sĩ đến "Báo cáo đã đào… xong". Tôi bảo: "Chờ một lúc nữa, may ra… nhưng chờ mãi, chờ mãi… người Giá vẫn lạnh toát, vẫn ngừng thở. Tôi lau nước mắt, nghẹn ngào nói: "Mỗi người một tay nào!". Bốn chiến sĩ bộ binh, bốn chiến sĩ pháo binh và tôi đưa Giá đi… Những xẻng đất rào rào đổ xuống, cùng với tiếng khóc nấc lên của chiến sĩ như xé ruột xé gan…

Đắp xong mộ, chúng tôi chặt cành cây to cắm lên đánh dấu. Vì ở đây không có một hòn đá nào. Tám chiến sĩ bồng súng đứng hai bên mộ. Tôi đứng phía chân mộ hô:

- Chú ý! Nghiêm! Phút mặc niệm bắt đầu… thôi!

Tôi nói tiếp: Vĩnh biệt Hà Ngọc Giá!

- Chào!

Thế là Hà Ngọc Giá người đầu tiên của đơn vị tôi hy sinh thầm lặng trước khi mở màn chiến dịch, không huân chương, không anh hùng. Một mình Giá nằm lại trong rừng sâu, núi cao thăm thẳm…

Ngay hôm sau được lệnh kéo pháo ra. Cả đơn vị tập trung để chính trị viên giải thích, động viên. Nhưng lấy danh sách, chỉ có vài chiến sĩ giơ tay, còn lại người thì cáo đau chân, người kêu mệt ốm phải ăn cháo, người nào cũng có lý do để từ chối nhiệm vụ kéo pháo ra. Chính trị viên lại kiên trì động viên, cũng chỉ có hơn chục người… Vừa lúc đó, phái viên cấp trên đến, một số chiến sĩ hy vọng phái viên sẽ truyền đạt mệnh lệnh không kéo pháo ra… Sau khi ổn định trật tự, đồng chí phái viên nói:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị dùng người kéo pháo vào để giữ bí mật, tạo bất ngờ.

Nay cũng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả Cụ Hồ nữa đều ra lệnh kéo pháo ra, vì địch đã thay đổi tăng nhiều quân, có công sự dày đặc… Đồng chí phái viên nói đến đây thì các chiến sĩ ồn ào. Chiến sĩ Hòa người tầm thước, mặt vuông chữ điền là chàng lính xung kích rất dũng cảm nhưng ngổ ngáo, hay phê bình cấp trên thẳng thắn trung thực nhưng nghe rất sốc tai, nói:

- Cụ Hồ, ông Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh là đúng rồi. Chúng em xin chấp hành ngay. Đề nghị ông không nói dài, nói dai, nói dại nữa…

Hòa vừa ngồi xuống thì Hương… một chiến sĩ trẻ măng, cao gầy, dáng thư sinh, quê ở Gia Viễn, Ninh Bình đứng lên nói:

- Chúng em rất thương Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp tốn bao nhiêu công sức đưa quân lên đây để tiêu diệt giặc Pháp ở đây. Bây giờ thấy không đánh được phải kéo pháo ra, rút quân. Chắc Cụ Hồ với ông Giáp buồn lắm… Giặc Pháp thì càng kiêu ngạo, bọn chó săn thì lên mặt. 

Anh phái viên cười, ngắt lời:

- Không, không phải không đánh mà Cụ Hồ bảo đã đánh thì phải chắc thắng. Ông Võ Nguyên Giáp đã xin ý kiến Cụ Hồ cho kéo pháo ra và thay đổi cách đánh. Nhất định phải tiêu diệt nó chứ.

Anh phái viên chưa nói hết, các chiến sĩ đã reo lên, vỗ tay hoan hô.

Thế là tất cả đứng lên đi kéo pháo ra… lại kéo pháo ngược lên lưng chừng núi… trong rừng giá sâu thẳm.

Sau đó chúng tôi cùng công binh tham gia làm hầm cho pháo, chặt gỗ, tre, trúc làm nóc hầm. Theo yêu cầu của trên bảo đảm nếu pháo binh của địch dù có bắn trúng nóc hầm thì pháo và người của ta vẫn an toàn.

Phải thừa nhận rằng pháo binh ta ở Điện Biên Phủ rất giỏi là còn nhờ sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bố trí hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung, có công sự an toàn và nghi binh giỏi.

* Trích trong tập truyện ký "Những Anh hùng trên đồi A1" của Thiếu tướng, TS, Nhà văn Nguyễn Chu Phác; do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cùng Trung tâm Văn hóa Tràng An Hà Nội phát hành

N.C.P.
.
.