Những bài học nhân sinh

Thứ Bảy, 21/01/2012, 10:35

Trong Di chúc, viết trước lúc đi xa vào cõi vĩnh hằng, Bác đã nhấn mạnh rằng, để thực sự xứng đáng là "người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân", Đảng ta cần "thật trong sạch" và mỗi đảng viên phải "thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Những người chiến sĩ công an từng có thời gian được làm việc ở bên cạnh Bác hơn ai hết đã luôn nhận được những bài học thực tế rất sinh động về điều này.

Gần với Bác, càng thấy ở trong lòng người Cha già của dân tộc, tình yêu thương đối với những người lao động, cần lao là vô bờ bến. Đồng chí Vương Văn Long ở Công an tỉnh Tuyên Quang nhớ lại một lần được vinh dự đi bảo vệ Bác trong kháng chiến chống Pháp:

"Bác cùng chúng tôi về đến Mỹ Lâm thì trưa. Chúng tôi định vào cơ sở ăn cơm, nhưng vì có tiếng máy bay nên Bác bảo chúng tôi mang cơm ra bãi cỏ trong rừng ngồi ăn. Tôi cùng đồng chí nhiếp ảnh vào bưng cơm, lại mượm thêm chiếu của gia đình ra ngồi. Thấy chúng tôi mang chiếu ra, Bác bảo: "Các chú không được làm phiền đến nhân dân". Tôi mang cái chiếu trả lại đồng bào. Lúc tôi đi ra thì Bác cùng mấy đồng chí bảo vệ đã bẻ lá rừng lót trải thay chiếu rồi. Đến khi đặt mâm cơm xuống, Bác nhìn thấy con gà luộc, đĩa cá và hai bát canh măng, Người không vui, nói:

- Trong lúc nhân dân đang thắt lưng buộc bụng kháng chiến, mình ăn cơm thế này là ăn cơm quan đấy!

Bác chia đôi tất cả các món ăn. Bác bảo chúng tôi chốc nữa mang vào cho những gia đình nghèo trong xóm... Vừa ăn cơm, Bác vừa vui vẻ hỏi tôi:

- Chú Long là công an, vậy ở Tuyên Quang ai là người mua nhiều  "công trái quốc gia" nhất?

- Dạ, thưa Bác ở tỉnh cháu có bà Hồ Xuân Viện mua nhiều nhất ạ!

-Vậy ai là người nghèo nhất, mà lại mua cố gắng nhất?

Bác hỏi vậy, tôi đành chịu. Thật là một thiếu sót lớn... Tôi đành thưa với Bác:

- Thưa Bác, cháu không nắm được ạ!

Bác hỏi:

- Thế Công an của ta là bạn dân hay bạn quan?

- Dạ, Công an ta là bạn dân ạ!

- Đã là bạn dân thì các chú phải nắm được ai là người nghèo nhất chứ? Người giầu mua nhiều là chuyện tất nhiên, còn người nghèo mà cố gắng nhất, đó là tấm lòng nhiệt thành ủng hộ kháng chiến của họ...".

Thật thấm thía! Tác phong gần dân, vì dân luôn là thực chất tính cách của Bác, một người làm cách mạng vì nước vì dân, chứ không phải vì sự nghiệp của cá nhân mình. Ai ở gần Bác cũng phải công nhận rằng, Bác làm việc đến tận cùng sức lực, nhưng không bao giờ nghĩ tới việc hưởng thụ cá nhân. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, nhớ lại những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám được ở bên Bác:

Sau 20 năm Hồ Chủ Tịch về thăm lại Pắc Bó (Cao Bằng -1961).

"Làm việc nhiều như vậy, nhưng ăn uống rất đơn giản. Những ngày đầu vẫn cơm gạo đỏ, rau muống, Bác ăn chung với anh em Cảnh vệ và cơ quan. Sau chúng tôi đề nghị nấu riêng cho Bác. Hồi ây, lúa mùa bị lụt, mất nhiều, lại phải cung cấp gạo cho quân Tưởng Giới Thạch, nên đầu năm 1946, nạn đói lại đe dọa. Để giải quyết tình hình,  một mặt Bác đề ra phong trào "bớt bữa cứu đói". Bác tự bớt bữa vào chiều thứ bảy. Cả tuần làm việc không ngơi, mà ngày hôm ấy, lại chỉ có một bữa! Nhiều lúc nhìn Bác làm việc, tôi cứ ứa nước mắt. Tôi ước giá mình có tài gì mà giúp Bác giải quyết được công việc một chút thôi thì cũng thỏa lòng". Sống mực thước, gương mẫu một cách thực chất nên Bác Hồ luôn toát ra sức mạnh tinh thần to lớn chinh phục mọi người xung quanh. Cũng đồng chí Hoàng Hữu Kháng đã nhớ lại:

- Bác làm việc rất cương quyết, điềm đạm, nhưng Người rất vui, rất giàu tình cảm. Những buổi Bác hướng dẫn về thời sự, ngoài việc giảng bài cho chúng tôi biết tình hình, Bác lại còn kể những mẩu chuyện vui làm cho chúng tôi nhớ mãi.

Tính Bác rất dễ xúc động. Có một đêm, Bác ngủ trên gác một căn nhà, tới bốn giờ sáng Người thức giấc. Ngoài trời gió vun vút đập vào cửa kính, ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có tiếng trẻ em rao hàng dưới đường phố vọng lên. Bác mở cửa ngó nhìn cho tới khi em bé đi khuất, mới từ từ khép cửa lại...

Bác luôn luôn giữ trong mình một niềm tin sắt đá vào nhân dân, vào sự trung thành của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Những người chiến sĩ Cảnh vệ ở gần Bác đã không chỉ một lần được nghe Bác dạy về điều này. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng, nguyên Cục phó Cục Cảnh vệ, nhớ lại những ngày tháng 7-1958, khi Bác đi dự hội nghị về sản xuất vụ mùa ở tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây):

"Trên đường về Hà Nội, ngồi trên xe, Bác nói với tôi: "Hôm nay chú và chú Ninh đưa bác đi công tác ngoài giờ giấc kế hoạch, các chú không vui phải không? Các chú xem: có đi sớm mới đi được nhiều nơi, tránh được phiền hà, mắt thấy, tai nghe, thấy được được nhiều việc, có được thực tế nói chuyện với hội nghị. Ngừng giây lát, giọng Bác trầm xuống: "Các chú đã thấy nhân dân mình vất vả lắm mới có được bát cơm ăn, manh áo mặc. Đến nơi nào đồng bào cũng đón tiếp thân tình,  bảo vệ Bác... Các chú nên nhớ rằng, giữ bí mật và bất ngờ là kế hoạch bảo vệ an toàn nhất. Có sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cũng phải giữ bí mật lực lượng. Phải tin ở dân, phải biết dựa vào dân mà làm công tác bảo vệ...".

Sống và làm việc ở tầm tư duy chiến lược với toàn những việc "quốc gia đại sự", nhưng Bác Hồ không bao giờ bỏ qua cả những sự việc tưởng chừng như nhỏ nhặt. Nói cho cùng, nhiều khi sự thành bại của những việc lớn lại phụ thuộc không ít ở tính quy củ của những việc nhỏ. Đến với các lực lượng vũ trang, dù ở đơn vị bộ đội hay công an, bên cạnh việc quan tâm tới công tác chính trị tư tưởng, Bác cũng hay để mắt tới cả những khu vực hậu cần trong đời sống anh em của các chiến sĩ.

Ngày 21/12/1965, nói chuyện tại hội nghị mừng công của Trung đoàn 600 (làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương), sau khi đề cập tới mọi mặt công tác, học tập, sản xuất... Bác nhắc nhở: "Bác qua đơn vị các chú, thấy nhà bếp còn bẩn và lộn xộn, ngoài thời gian học tập, công tác ra, các chú còn phải luôn góp ý kiến và giúp đỡ cho anh chị nuôi để anh chị nuôi đỡ vất vả. Những thứ ăn thừa không được vứt lung tung ra bàn để giúp anh chị nuôi lau chùi bàn ghế được sạch sẽ. Tất cả mọi người cùng làm thì mới tốt được; các anh chị nuôi phục vụ mình, mình phải phục vụ, giúp đỡ anh chị nuôi, giữ gìn vệ sinh chung cho tốt để bảo vệ sức khoẻ" ...

Có những vĩ nhân mà người đời phải ở xa mới thấy hết tầm vĩ đại, nhưng cũng có những vĩ nhân mà ta càng ở gần thì ta lại càng thêm phần yêu kính. Bác Hồ là một vĩ nhân. Càng ở xa Bác, người ta càng thấm thía hơn sự vĩ đại của Bác trong những nỗ lực hoạt động cách mạng dành cho dân tộc, cho nhân loại. Càng ở gần Bác, người ta càng yêu quý và cảm phục Bác hơn. Những bài học mà Bác đã dạy cho lực lượng CAND được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác và đấy chính là một trong những điều kiện để người chiến sĩ công an Việt Nam trong mọi hoạt động của mình luôn luôn là của dân và vì dân

Định Công
.
.