Chuyện về những bức chân dung:

Những bức chân dung thẫm đẫm máu và nước mắt

Thứ Tư, 04/11/2009, 19:45
Nhưng tôi không thể ở Quảng Ngãi lâu hơn thời gian dự tính, bởi một công việc đột xuất kéo tôi về Sài Gòn. Còn nhiều bức ảnh của Jane không được chị Bốn, anh Hiền, anh Nguyễn Chận nhận dạng... Trước khi trở về, tôi nhờ các anh chị tặng bức ảnh cô gái bị xiềng chân cho chị Viên...

Rồi công việc cuốn tôi đi. Thời gian thấm thoắt trôi, đã gần một năm mà tôi chưa thực hiện được lời hứa với các anh chị cựu tù Quảng Ngãi. Cho đến ngày 11/7/2009,  chị  Tự xuất hiện trong ngôi nhà của tôi...

Cơ duyên cuộc gặp gỡ ấy bắt nguồn từ Jane, từ bức ảnh người nữ tù bị xiềng tôi nhờ các anh chị ở Mộ Đức trao lại cho người trong ảnh, từ việc chị dành dụm số tiền không nhỏ đưa đứa con trai 10 tuổi đi chữa một căn bệnh về mắt. Vào Sài Gòn, ở nhà người bà con, chị gọi điện thoại cho tôi ngay.

Tháng 8/2008, người phụ nữ tên Viên rất mơ hồ trong trí tưởng tượng của tôi. Nhưng giờ chị đang ở bên tôi. Chị không khác mấy người nữ tù bị xiềng trong bức ảnh nhưng trông đầy đặn, tràn đầy sức sống, dù chân chị đi vẫn còn khó khăn. Chị Viên nói: "Nhận được bức ảnh  từ anh Hiền, tôi sững sờ, vui mừng đến bật khóc. Đúng là mình đây, hồi ở Bệnh viện Quảng Ngãi. Dẫu là bệnh nhân, bọn cảnh sát vẫn sợ chúng tôi trốn, đã xiềng chân chúng tôi lại với nhau. Người bị xiềng cùng tôi là chị Nguyễn Trần Thị Lan.

Tôi nhớ rất rõ, dù bức ảnh chỉ có đôi chân của chị ấy. Chị Lan rất đẹp. Địch tra tấn chị tàn nhẫn đến mức chị bị động kinh nặng. Mỗi lần nhìn chị lên cơn co giật tôi phải giữ chân tay chị thật chặt, để chị không bị té xuống giường. Sau chiến tranh, tôi không còn được gặp lại chị ấy nữa, không biết chị còn sống hay đã mất...". Mắt chị Viên rưng rưng.

Chị có cái tên rất đẹp - Phạm Thị Xuân Viên. Chị nói: "Đó là cái tên do cha tôi đặt, khi ông đi tập kết. Cha luôn mong có được một mùa xuân đoàn viên, hạnh phúc". Chị lặng đi một lúc, mắt đượm buồn, giọng cũng trầm buồn: "Nhưng mùa xuân ấy không bao giờ đến. Nó đã không thực sự đến...".

Tôi  bị cuốn vào giọng nói buồn của chị. Chị kể về một mùa xuân năm 1954, khi ông Phạm Công Trung - cha chị, một cán bộ cách mạng ở Mộ Đức, Quảng Ngãi lên đường tập kết ra Bắc, để lại người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi ra đi, ông không hình dung chỉ sau vài năm, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Không chịu nổi cảnh bị rún ép ở địa phương, người mẹ dẫn con đi thoát ly. Sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại có truyền thống cách mạng, cô bé Viên tham gia đội công tác xã Đức Tân khi mới lên 12 tuổi. Để hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ liên lạc, cô giao liên bé nhỏ ấy phải cải trang đi men theo vùng địch. Chị học nhiều cách giấu tài liệu vào chiếc nón, túi thư luồn vào người.

Vẻ đẹp trong sáng của một nữ tù ở khu săn sóc đặc biệt, trong khuôn viên bệnh viện Quảng Ngãi qua ống kính của Jane, năm 1971-1972.

Chị Viên không giấu được niềm tự hào về những năm tháng công tác cho đội Đức Tân. Những chuyến giao liên đã giúp chị trưởng thành nhanh chóng. 14 tuổi, chị được đội công tác cử đi học y tá. Mậu Thân năm 1968, chị phục vụ đơn vị ra trận. Đó là thời điểm căng thẳng dữ dội đối với chị, có quá nhiều thương binh  và chiến sĩ hy sinh. Với túi cứu thương trên vai, vượt qua bom đạn, chị như con thoi hết cấp cứu, chuyển thương binh về tuyến sau, vừa nghẹn ngào khi chứng kiến những anh bộ đội còn rất trẻ, rất đẹp đi vào cái chết do thiếu thuốc men, dụng cụ phẫu thuật.

Năm 1970, chị về đội công tác huyện Mộ Đức - một đơn vị vừa hoạt động chính trị phối hợp với quân sự. Vượt qua gian khổ, bom đạn, chị vẫn kiên cường bám đội, chăm sóc thương binh. Chị được kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi. Cũng chính ngày ấy, mẹ chị - bà Trần Thị Thi bị địch bắt vào tù. Lòng chị xốn xang, bởi đây không phải là lần đầu tiên mẹ chị bị bắt. Những ngón đòn tra tấn tàn bạo trong tù khiến mẹ chị kiệt sức, héo mòn.

Nhưng hình ảnh người mẹ trong vòng vây kẻ thù, bị đánh  đến gương mặt ướt đẫm máu vẫn kiên cường hô khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm" đã giúp chị có thêm sức mạnh. Chị đã thề trong nước mắt, lời thề trung thành với con đường mình đã chọn lựa.  Chị nhớ đến lá thư của cha, những lá thư từ miền Bắc, đã vượt qua muôn vàn chặng đường hiểm nguy để đến với chị. Chị đã thuộc lòng những lá thư ấy chúng mang lại cho chị niềm hạnh phúc khôn tả, giúp chị có thêm nghị lực và lòng dũng cảm để vượt qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy.

Một ngày cuối năm 1970, được cơ quan phân công xuống làng thu "lúa động viên" do bà con đóng góp cho cách mạng, chị ngụy trang thành một thôn nữ, cắp thúng và liềm đi cắt lúa. Đi cùng chị còn có ba đồng chí. Chị được phân công đi trước dọ đường. Bà con rất nhiệt tình đóng góp "lúa động viên" cho cách mạng. Một tên chiêu hồi giả làm dân cắt lúa bám sát, nhìn mặt chị. Hắn ra ám hiệu. Ngay lập tức địch ùa xuống đám ruộng. Tiếng súng của địch giúp ba đồng chí đi sau quay lại, tìm nơi thoát hiểm.

Biết mình đã bị lộ, chị vùng bỏ chạy. Tiếng súng đuổi rát sau lưng chị. Bị một viên đạn cắm vào đùi, chị khuỵu xuống đám ruộng. Tên lính phía sau trờ tới, nắm mái tóc dài bị xổ tung của chị giật ngược. Toán lính vây chặt lấy chị, quẳng chị vào chiếc bồ đập lúa, kéo đi. Chúng kéo chiếc bồ lúa vô làng. Hay tin con gái bị bắt, mẹ chị chạy ra nhìn con. Bà lặng đi khi nhìn thấy tên lính tra hỏi, tát vào mặt chị. Chị một mực nói mình nhà nghèo, đi mót lúa. Mẹ chị lẫn trong đám, rồi lao ra, nghèn nghẹn hỏi:

- Có phải con đó không?

- Con chớ ai mà không phải. Chị làm ra vẻ giận dỗi - Hồi nào mẹ dẫn con đi ở mướn rồi mẹ bỏ con, để con nghèo đói phải đi mót lúa mới ra nông nỗi này. Mẹ nhẫn tâm như vậy, mẹ con gì nữa mà mẹ con!

Mẹ chị cắn răng gạt nước mắt. Bà hiểu những thông điệp gửi đến từ con gái, rằng mẹ hãy yên tâm, con quyết không khai báo. Tin con, bà vội vã trốn đi. Chị được địch khiêng trên chiếc bồ lúa về Đức Vinh. Bà con ở Đức Vinh tìm nhiều cách tiếp cận, giúp đỡ chị.

Hay tin người con trai vừa mới hy sinh đêm qua, bà Hạnh - một người dân ở Đức Vinh dành chiếc dạt giường cho con. Bà đã chuẩn bị sẵn, chờ đồng đội đưa xác con trai về mai táng. Nhưng nhìn thấy chị Viên người ướt đẫm máu nằm trên chiếc bồ lúa, lòng bà xốn xang, dành chiếc dạt giường ấy cho chị Viên nằm. Bà run rẩy thì thầm: "Con hy sinh rồi, mẹ tìm cái khác cho con nằm cũng được. Nhưng cô ấy còn sống, bị thương, bị tra tấn, mẹ không thể để cô ấy nằm co quắp trên chiếc bồ lúa. Con hãy phù hộ cho mẹ".

Địch khiêng chiếc dạt giường quẳng lên xe, rồi đưa về dinh quận Mộ Đức. Chúng lại quẳng chị xuống sân. Chúng túm lấy mái tóc dày của chị cột vào dạt giường. Bị thương xương đùi không được cấp cứu đúng kỹ thuật, bị phơi nắng, bị hành hạ bởi cơn khát nước. Chị bị đau đớn dữ dội và kiệt sức. Chị bị tên chiêu hồi đến nhận mặt. Hắn đã từng là huyện ủy viên huyện Mộ Đức nên biết rất rõ chị Viên. --PageBreak--

Chị một mực khai mình đi ở đợ bị chủ đuổi, phải đi mót lúa sống qua ngày, lại đang bệnh sốt rét. Chị không phải là Viên y tá tên là Tự. Tên chiêu hồi biết chị giấu tung tích nhưng im lặng vì xấu hổ trước một cô y tá mảnh mai, bị thương nặng mà vẫn dũng cảm bảo toàn bí mật tổ chức cách mạng. Chị lại được đưa đến nhà lao Mộ Đức.

Địch tiếp tục tra tấn và bỏ đói chị. Chị lại được đưa đến Bệnh viện ở Đà Nẵng điều trị rồi đến trung tâm thẩm vấn. Tại đây, chị vẫn từ chối không nhận mình là Viên và kiên quyết không chiêu hồi. Chúng đưa chị vào nhà tù. Khi chị bị bệnh nặng, chúng đưa chị đến khu săn sóc đặc biệt ở Bệnh viện Quảng Ngãi. Sợ chị trốn, chúng xiềng chân chị cùng với Nguyễn Trần Thị Lan - một nữ tù, bệnh nhân như chị.

Chính nơi đây những người của hội Quaker đã đến, tìm cách giúp đỡ các chị. Và nữ bác sĩ Jane đến khám bệnh cho chị, với chiếc máy giấu trong túi đựng thuốc men, bông băng. Thương cảm hình ảnh hai nữ tù trẻ măng bị xích chân, Jane đã giơ máy ảnh lên ngắm. Hình ảnh của chị Viên đã được Jane lưu giữ...

Một người nữ tù khác là chị Phạm Thị Tho để lại trong lòng Jane một nỗi day dứt khôn tả:

"Một nữ tù khác mà tôi quan tâm đặc biệt là cô Tho, một cô gái mới 16 tuổi. Cô bị bắn vào đùi, viên đạn đã làm gãy xương đùi trái của cô. Chân của cô bị trật khớp, viên đạn vẫn còn găm trong đó, đã mưng mủ. Bác sĩ và tôi đã yêu cầu thả cô để tiến hành phẫu thuật, nhưng tên cảnh sát đã từ chối. Trong khi đó, bác sĩ của chúng tôi lại phát hiện cô bị bệnh tim nghiêm trọng nên đã viết thư cho nhà cầm quyền Mỹ và Việt Nam yêu cầu một sự xem xét đặc biệt. Một lần nữa lại không có sự phản hồi nào. Cuối cùng, vị bác sĩ này đã quyết định mổ chân cho cô Tho bằng những dụng cụ tại chỗ.

Vào buổi sáng, chúng tôi cùng nhau chuẩn bị các thiết bị và đến khu săn sóc đặc biệt để thực hiện ca phẫu thuật này, nhưng cô Tho không còn ở đó nữa. Tên cảnh sát nói rằng cô bị đưa đến Trung tâm điều tra để thẩm vấn. Mặt tôi tái nhợt "Nhưng cô ấy bị bệnh tim. Cô ấy sẽ chết mất.", tôi nói với hắn. Nhưng hắn không hề có sự thương xót nào cả. Hắn nói để tôi hiểu rằng "Nhưng cô ta là tù chiến tranh, rất nguy hiểm. Là một Việt Cộng". Tôi nghĩ đến nụ cười của cô và trả lời hắn "Vâng, nguy hiểm". Cô Tho không còn trở lại bệnh viện, tôi không biết liệu cô có còn sống hay không. Chính quyền cảnh sát miền Nam Việt Nam và cả các cố vấn người Mỹ đã không đoái hoài đến bức thư của người bác sĩ".

Chị Phạm Thị Xuân Viên (Tự) ở TP HCM.

Chị Viên vượt qua những ngón đòn tra tấn của địch ở Trung tâm điều tra vì lời hứa không bao giờ phản bội với mẹ, vì niềm tin của người cha đang sống trên đất Bắc, dù chị chưa bao giờ được gặp mặt.

Nhưng niềm vui ngày hòa bình được gặp cha trộn lẫn nỗi đắng cay, chua xót. Hôm ấy ông trở về quê, đứng trước vợ con mà không thốt nên lời. Mẹ chị gương mặt đượm buồn, trầm lắng. Nhiều lần bị bắt vào tù, bị đánh đập, tra tấn khiến nhan sắc mẹ tàn phai, héo hắt. Cuối cùng thì chị cũng hiểu ra rằng người đàn ông đang khóc nghẹn trước mẹ con chị chính là người cha mà chị hằng mong được gặp gỡ, yêu thương, chăm sóc. Nhưng giờ đây ông đã có vợ, có con ở miền Bắc. Ông ngậm ngùi nói: "Tôi đã chờ mình, mong được về Nam chiến đấu cùng mình. Nhưng rồi tôi không còn nhận được tin tức của hai mẹ con. Chiến tranh ngày càng ác liệt, tôi lo lắng, thương nhớ hai mẹ con. Nhưng mình ơi, tôi đã không được như mình. Tôi ngàn lần muốn được nói lời xin lỗi hai mẹ con...".

Bà Thi cất giọng trầm buồn: "Thôi, ông đừng dày vò mình nữa. Thật ra thì ông cũng có lỗi gì đâu. Chẳng qua là do chiến tranh. Nếu đất nước không bị chia cắt, thì mẹ con tôi đâu có mất mình!". Chị Viên ngồi xuống bên mẹ. Chị cũng không biết nói gì, cứ để mặc nước mắt tuôn rơi. Chị rất muốn chạy đến, gục đầu vào ngực cha mà khóc: "Cha ơi, con đã sống xứng đáng với niềm tin của cha trong nhà tù". Cho đến lúc đó, người đàn ông như hóa đá lặng nhìn đứa con gái gầy gò, xanh xao, bên cạnh là cây nạng gỗ. Ông lao đến, ôm lấy hai mẹ con. Cả ba người cùng hòa những giọt nước mắt vì hạnh phúc và đau khổ...

Ngày trở về quê xưa, nhìn người vợ héo hắt vì những ngón đòn thù, nhìn con gái gầy gò, khập khiễng bước đi vì thương tật lòng ông tràn ngập thương cảm, day dứt. Ông nửa muốn được quỳ xuống xin người vợ năm xưa tha thứ, hứa sẽ bù đắp cho mẹ con bà, nửa bị níu chặt trở lại bởi một sợi dây ràng buộc khác. Bà Thi đọc được trong mắt chồng nỗi khổ tâm, giằng xé. Bà cũng bất chợt thở dài, buồn bã. Cuối cùng bà thốt lên: "Thôi, ông hãy về với dì nó và sắp nhỏ đi".

Khi cha đi rồi, chị Viên bật khóc, hỏi: "Mẹ, mẹ rất yêu cha, sao mẹ lại nhường cha cho người ta. Trong khi mẹ có quyền...". Bà Thi thở dài: "Níu kéo để làm gì hả con? Bây giờ, ông ấy về với mình, liệu ông ấy có yên ổn không?! Mẹ khổ đã quen rồi. Mẹ không muốn dì sắp nhỏ khổ thêm". Chị ôm chặt mẹ òa khóc nức nở...

Cho đến nay, cha chị cùng mẹ kế và đàn con ba đứa (đứa út sinh sau ngày hòa bình) sống ở Quy Nhơn. Sau chiến tranh, chị học y tá, lấy chồng, sinh con. Khi có một tổ ấm, chị càng thấm thía sự hy sinh, cao cả của người mẹ..."

T.H.
.
.