Những “chiến binh áo trắng" của Thế chiến II

Thứ Tư, 27/02/2019, 08:36
Có những bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ trong quân đội thời chiến nhưng cũng cầm vũ khí chiến đấu hy sinh để bảo vệ tính mạng của các đồng đội mình. Có những bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ trong quân đội thời chiến nhưng cũng tham gia các nhiệm vụ mật chẳng khác nào đặc vụ. Sự quả cảm và hy sinh thầm lặng của họ ít được biết đến và ghi nhận, hoặc phải trải qua cả một chặng đường dài mới được vinh danh cho đời sau.


Chiến sĩ "áo trắng"

Dù cầm súng hay không cầm súng nhưng các y bác sĩ chăm sóc cho binh sĩ thương trận được ghi nhận là những anh hùng không được nêu danh. Họ phục vụ và bảo vệ giống như mọi quân nhân khác, song lại không được truy tặng danh hiệu gì. Thế nhưng, một trong những ngoại lệ đối với điều này là Ben Lewis Salomon, một bác sĩ phẫu thuật phục vụ trong quân đội Mỹ  thời Chiến tranh Thế giới II.

Sinh năm 1914 trong một gia đình gốc Do Thái ở tiểu bang Wisconsin, miền Trung Tây nước Mỹ, Salomon lớn lên như nhiều lớp thanh niên trẻ tuổi khác cùng trang lứa. Cũng là một chàng trai năng nổ hoạt động và chơi thể thao, Salomon tốt nghiệp trung học phổ thông Shorewood ở Wisconsin. Sau đó, ông lấy bằng nha khoa của Đại học Southern California. Ông hành nghề nha sĩ và bắt đầu cuộc sống bình dị như bao người Mỹ khác. Khi bóng đen chiến tranh ngày một lan rộng, năm 1940, Benjamin Salomon quyết định gia nhập quân đội Mỹ với vị trí là binh nhì.

Bác sĩ Salomon chiến đấu hy sinh cứu binh lính Mỹ trong Thế chiến II.

Vốn kiến thức về nha khoa không phải là tất cả những gì mà Salomon cống hiến cho quân đội. Trong các đợt tập dượt sử dụng súng trường và súng  lục, ông được đánh giá là một "tay thiện xạ". Ngoài ra, vốn hiểu biết về y học của mình giúp ông đảm nhiệm cả các cuộc phẫu thuật ngay tại chiến trường.

Một chỉ huy cấp cao hơn đã ghi nhận và phát hiện những năng lực của Salomon và rồi ông được phong hàm trung sĩ. Sau đó, ông chuyển sang ngành nha khoa quân đội Mỹ và được biên chế là trung úy. Ông được mệnh danh là "binh sĩ đa năng cừ nhất" trong đơn vị của mình.

Tháng 5-1944, Salomon được phong hàm đại úy và trực thuộc Trung đoàn 105, Sư đoàn 27. Salomon không muốn chỉ đơn thuần là sĩ quan nha khoa trong đơn vị mình nên đã hành quân cùng đơn vị và tham gia vào các đợt huấn luyện thể lực. Một quân nhân y tế tham gia vào hoạt động huấn luyện và sử dụng súng ống như thế này là điều hiếm.

Một tháng sau khi Salomon trở thành đại úy, ông đã tham gia trận chiến đầu tiên của mình. Do bác sĩ phẫu thuật ngoài chiến trường của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 105 đã bị thương, và cũng vì nhiệm vụ chăm sóc răng miệng cho chiến sĩ không được sử dụng trong trận chiến ác liệt nên Salomon đã tình nguyện thay thế vị trí này khi đơn vị của mình hành quân đến đảo Saipan thuộc Mỹ để chiến đấu với quân Nhật. Ông không hề ngờ được rằng đây là trận đấu duy nhất của mình.

Khi đơn vị của Salomon đến Saipan, họ mới thấy đây là một trong những trận đánh căng thẳng nhất trong trận địa Thái Bình Dương. Quân đội Nhật nhất quyết không chịu rút khỏi đảo còn quân đội Mỹ cũng quyết chiếm giữ bằng được đảo này. Lúc này, Mỹ đã tiêu diệt phần lớn lính Nhật. Vì vậy, tướng chỉ huy Nhật lúc đó là Yoshitsugu Saito đã áp dụng chiến thuật tấn công mới, vừa tấn công vừa tiến tới.

Khi đơn vị của Salomon đến nơi, quân Nhật đã chiếm được thế thượng phong và chiến đấu hết mình. Lính Nhật đã xâm chiếm được các vị trí tiền tiêu, nã đạn pháo vào lính Mỹ liên tục trong 15 tiếng đồng hồ. Trạm cứu thương nhanh chóng lấp đầy lính Mỹ bị thương.

Là bác sĩ phẫu thuật chiến trường cho đơn vị mình, Salomon đóng cách đường hào tiền tuyến vài chục mét. Trong loạt trại y tế, ông chữa trị cho các binh sĩ bị trọng thương. Ngày 6-7-1944, quân Nhật tiến vào các hào chiến sự và đến khu vực của Salomon.

Ngày 7-7-1944, quân Nhật Bản vượt qua các hào chiến sự và đến các lán trại quân y. Salomon đang chữa trị cho binh lính bị thương thì ông nhìn lên và thấy một binh sĩ Nhật ập vào lán dùng lưỡi lê đâm binh sĩ bị thương và các binh sĩ khác không có vũ khí. Ngay lập tức, Salomon chộp lấy khẩu súng trường M1 ngay trên bàn gần đó, lên đạn và hạ gục tên lính Nhật này.

Đây không phải là lính Nhật duy nhất mà Salomon hạ gục ngày hôm đó. Khi ông quay lại với các binh sĩ bị  thương, ông thấy thêm 2 lính Nhật nữa ập vào lán. Tình thế nguy kịch khiến Salomon quay ngang khẩu súng trường, thúc vào tên thứ nhất, sau đó đập báng súng vào tên thứ hai. Tiếp đó, ông đã hạ gục cả hai tên.

Thêm 4 lính Nhật tìm cách đột nhập vào lán hòng hạ gục Salomon. Một lính Nhật có dao nhưng bị Salomon đá văng khỏi tay, sau đó nã đạn tiêu diệt tên lính này, dùng lê đâm tiếp lính Nhật thứ hai. Bất ngờ hết đạn, Salomon dùng dao đối phó với hai lính Nhật còn lại. Ông hạ một lính bằng dao trước khi đánh gục tên thứ 4 bằng báng súng, rồi sau đó bị một bệnh nhân bắn hạ. Sau khi triệt hạ lính Nhật, Salomon lệnh cho đồng đội sơ tán những người bị thương trong lán. "Tôi sẽ giữ chân chúng cho đến khi mọi người an toàn" là câu nói cuối cùng của Salomon với đồng đội của mình. Khi đại úy Salomon nạp đạn vào súng trường thì cũng là lúc 30 binh sĩ bị thương và đội ngũ phục vụ bắt đầu rút khỏi lán.

Trong lần thực hiện nhiệm vụ cuối cùng, Salomon đã sử dụng súng máy tấn công lính Nhật đang đến gần. Khi binh lính Mỹ quay trở lại khu vực lán trại sau trận đánh, họ thấy thân thể Salomon gục trên khẩu súng máy, xung quanh là 98 xác lính Nhật.

Hầm phẫu thuật cho binh lính Mỹ thương trận.

Những nỗ lực ban đầu nhằm trao tặng Huân chương Danh dự cho đại úy Ben Salomon đều không thành công. Theo các điều khoản của Công ước Geneva, lực lượng chuyên ngành y tế không được cầm súng chống lại kẻ thù. Công ước cũng quy định huân chương không thể được trao tặng cho những hành động nhằm "tấn công" kẻ thù.

Tuy nhiên, những năm sau đó, sau nhiều nỗ lực chứng minh được lòng can đảm và cứu sống được nhiều tính mạng binh sĩ Mỹ, cuối cùng, lòng quả cảm của Salomon đã được ghi nhận với Huân chương Danh dự do chính Tổng thống Mỹ George W. Bush trao tặng năm 2002.

Điều này phần lớn là nhờ công sức của bác sĩ Robert West thuộc trường Nha khoa USC khi năm 1998 ông đã đưa vấn đề này lên trình bày trước một nghị sĩ quốc hội Mỹ. Ngoài ra, Benjamin Salomon còn được trao tặng Huân chương Trái tim Tím, Huân chương phục vụ bảo vệ quốc gia, Huân chương chiến dịch Mỹ, Huân chương chiến dịch châu Á  -Thái Bình Dương và Huân chương Chiến thắng Chiến tranh Thế giới II.

Tình báo "áo trắng"

Không trực tiếp cầm súng chiến đấu như Salomon, nhưng có những y bác sĩ lại thầm lặng tham gia ở mặt trận khác. Đó là mặt trận thông tin mật. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc binh sĩ theo đúng nhiệm vụ chức năng chuyên ngành của mình, họ còn thầm lặng thực hiện những sứ mệnh và vai trò cốt yếu khác mà ít người biết đến. Câu chuyện về bác sĩ James Luce người Mỹ là một ví dụ như vậy.

Bệnh viện dã chiến của Mỹ dựng tại Pháp với biểu tượng Chữ thập đỏ để tránh bom đạn của đối phương trong trận đánh mùa Hè 1944.

Tháng 10-1943, bác sĩ James Luce được Cơ quan Công tác Chiến thuật (OSS), tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), lựa chọn để hỗ trợ cho các nhu cầu chăm sóc y tế cho các nhiệm vụ mật chống lại chiến dịch của quân Nhật ở Burma, tên gọi trước đây của Myanmar. Theo một báo cáo của CIA, Luce được gửi đến Burma để tham gia một đội y tế với biệt danh là FORWARD, hoạt động sau lưng quân Nhật. Ông thuộc biên chế Hải quân Mỹ. Thế nhưng, chỉ riêng hành trình đến Burma cũng là một thử thách đầy khó khăn với tai nạn máy bay ở châu Phi, đi lại bằng voi và đi bộ, tạm thời bất động do sốt rét và viêm phổi.

Khi bình phục, ông giám sát việc xây dựng một bệnh viện thô sơ với phòng khám bệnh, phát thuốc và phòng phẫu thuật, tất cả sẵn sàng đi vào hoạt động. Thuốc men cho bệnh viện này được cung cấp bằng cách thả từ máy bay vào đêm Giáng sinh năm 1943.

Nhiệm vụ chính của Luce là trợ giúp bác sĩ Archie Chun-Ming, bác sĩ đầu tiên tham gia Cơ quan điều phối thông tin (COI), tiền thân ban đầu của OSS. Tại Burma, sứ mệnh của các y bác sĩ này là hỗ trợ nhóm tác chiến có biệt danh là Biệt đội 101, có nhiệm vụ "dàn dựng và hỗ trợ cuộc chiến tranh du kích".

Không giống như những phòng phẫu thuật khử trùng ngày nay, Luce phẫu thuật tại cơ sở y tế xây dựng bằng tre nứa mà ông từng thực hiện phẫu thuật não cho một binh sĩ bản địa. Ngoài vết thương ở sọ não ngay trước trán, người lính này còn nhiều vết thương khác trên người. Hộ lý đã xây một bếp lò để đun nước sôi và khử trùng dụng cụ. Bác sĩ Luce đã tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài 90 phút, trong khi một sĩ quan khác phải vận hành máy phát điện quay tay để duy trì ánh sáng trong phòng mổ. Thật kỳ diệu, ca mổ đã thành công, đem lại niềm hân hoan vui mừng cho nhóm binh lính địa phương dõi theo ca mổ ở bên ngoài.

Thời kỳ Luce hoạt động cho FORWARD hết sức thành công đến nỗi khi sĩ quan chỉ huy được điều chuyển làm việc ở đơn vị khác, ông này đã đề nghị Luce đảm nhiệm thay vị trí của mình, trong khi vẫn làm nhiệm vụ chăm sóc y tế cho đội quân du kích.

Trong những báo cáo gần đây của CIA, có một câu chuyện thú vị do chính cựu Giám đốc CIA Lester Bush viết nên và được xuất bản trong tạp chí nghiên cứu tình báo của cơ quan này. Câu chuyện này đã kể lại chi tiết việc khai thác và sử dụng vai trò của các nhân viên y tế của OSS kèm theo đó là những chiến công mà cuối cùng họ được trao các huy chương như Silver Star và Bronze Star cùng nhiều loại huân huy chương khác.

Bắt đầu từ việc đánh giá và chăm sóc sức khỏe cho những "tân binh" tiềm năng của OSS, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và hộ lý sau đó xử lý chương trình cung cấp dược liệu cần thiết cho quân du kích và những đặc vụ đang làm nhiệm vụ của OSS, kiểm soát quá trình đánh giá y tế khi cần thiết và "cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho những dự án đặc biệt nhạy cảm".

Theo CIA, con số thương vong trong số quân nhân y tế làm việc cho OSS là "không hoàn thiện". Khi OSS giải thể, được thay thế bằng CIA nhiều năm sau đó, tình báo Mỹ nhớ lại rằng đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro như chính đội ngũ tình báo của CIA. "Khi công chúng nghĩ về CIA, họ thường nghĩ về hoạt động tình báo và hành động vỏ bọc. Họ không nghĩ về y tế. Thế nhưng, chính những đội ngũ bác sĩ lại đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của CIA... Bất chấp tất cả những gì mà nhân viên y tế của CIA làm, câu chuyện của họ phần lớn không được biết đến đằng sau bản chất nhiệm vụ chính của họ", báo cáo của CIA thừa nhận.

Theo trang mạng warfarehistorynetwork.com, trong suốt Thế chiến II, số lượng y bác sĩ phục vụ trong quân đội Mỹ đã lên tới khoảng 50.000 người, so với thời bình là 1.200 người. Ngoài ra, 15.000 nha sĩ cũng mặc quân phục. Số y tá tăng từ 1.000 lên 52.000 người. Đó là chưa kể hàng nghìn người làm các nhiệm vụ khác như bác sĩ trị liệu, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, nhân viên bê cáng và chăm sóc cứu thương.

Nguy hiểm rình rập nhiều nhất đối với đội ngũ "áo trắng" là trong Chiến tranh Thái Bình Dương, tên gọi một phần của Chiến tranh Thế giới II. Bất chấp việc các lán trại y tế đều in hình chữ thập đỏ nhưng quân Nhật không tuân thủ quy tắc về cách hành xử đối với đội ngũ y bác sĩ ở chiến trường do Nhật không tham gia ký kết Công ước Geneva trước khi xảy ra cuộc chiến. Vì vậy, biểu tượng Chữ thập đỏ không còn là "áo giáp sắt" đem lại sự an toàn cho đội ngũ y tế. 

Ở mọi mặt trận, nhân viên y tế và đội ngũ khiêng cáng ở tiền tuyến bị thiệt mạng hoặc thương tật nhiều hơn cả. Để không trở thành mục tiêu tấn công, họ phải bôi bùn lên các biểu tượng Chữ thập đỏ in trên lán trại, trên mũ, và xe cứu thương, thậm chí bác sĩ ở các lán trại phẫu thuật di động cũng được trang bị súng trường bán tự động khi bị tấn công. Tuy nhiên, khi bác sĩ của hai phe bị bắt thì họ vẫn tôn trọng đồng nghiệp. Một bác sĩ người Mỹ chia sẻ ông và các bác sĩ của quân Đức đã thoải mái trao đổi với nhau về phương thức tiến hành phẫu thuật cho binh sĩ trọng thương.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.