Những chiến công của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Minh Hiền

Thứ Sáu, 21/09/2007, 23:55

20 tuổi, chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND sau 5 năm "đi ở" cho địch, đánh 17 trận và diệt được 174 tên ác ôn. Giờ nhớ lại, chị không tưởng tượng nổi sao mình lại làm được như vậy. Chị chỉ biết rằng, mỗi lần mang mìn đi đánh, chị đều qua cửa canh gác của địch chỉ bằng nụ cười của mình. Và khi sau "nụ cười" là những tiếng nổ...

Và cũng chính nụ cười, tại Festival Thanh niên sinh viên thế giới năm 1973 ở CHDC Đức, cô gái 20 tuổi ấy đã khiến bạn bè hiểu thêm về đất nước Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù.

Chị là Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền, hiện giữ chức Phó trưởng Công an quận 5, TP HCM.

Bảy tuổi phải ở với họ hàng để cha mẹ hoạt động cách mạng. Ký ức với Minh Hiền là những lần vào thăm cha và các chú ở chiến khu, giúp chị hiểu rằng cha và các chú chịu nhiều khổ cực, hy sinh, cũng chỉ để thống nhất đất nước.

Cha chị bị giặc bắt tù đày mấy năm, thả ra, ông lại tiếp tục hoạt động. Mẹ là một trong 4 cán bộ nòng cốt của đội quân tóc dài ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Để giúp đỡ  thêm về vật chất cho cha mẹ và các chú, cô bé Minh Hiền lúc ấy đi cắt rau bán kiếm tiền. Sau mỗi bữa cơm trưa, chị ra đồng, cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu cánh đồng nữa ở Bến Tre mỗi ngày chị phải đi qua, suốt 5 năm như vậy...

Chị đi từ trưa cho đến tối mịt, khi đầy một bao tải lớn thì về. Ăn tạm chút  gì, chị lại ngồi nhặt, rửa rau, rồi bó lại thành bó để 5 giờ sáng thức dậy đi bán.

12 tuổi, chị lên thị trấn đi ở cho những gia đình giàu có. Những công việc của một cô bé 12 tuổi là nấu nướng, giặt giũ, rửa bát, bế con cho chủ. 3 năm sau chị chuyển đến ở cho gia đình một viên đại úy cảnh sát của chế độ Sài Gòn.

Làm rất được việc nên Minh Hiền được nhà chủ quý mến. Một năm sau, Ban Chỉ huy An ninh vũ trang Bến Tre đặt vấn đề động viên chị làm cơ sở hoạt động ngay trong nhà địch.

Chị chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để học cách sử dụng vũ khí. Nhiệm vụ của Minh Hiền là phải khai thác được “nguồn tin” quan trọng từ viên đại úy về những kế hoạch càn quét của chúng, những thông tin từ phía ta bị lộ.

Để làm được những việc này trước hết phải tạo dựng bằng được một vỏ bọc tốt nhất và làm sao để cho gia đình chủ tin tưởng ở mình. Khi bắt đầu hoạt động cách mạng bí mật cũng là lúc chị được gia chủ giao cho công việc quán xuyến gia đình bởi tên sĩ quan thường xuyên phải đi xa nhà, còn vợ y mải mê buôn bán.

16 tuổi, Minh Hiền xinh xắn với dáng người cao ráo, gương mặt tròn đầy, nụ cười thanh thoát với đôi lúm đồng tiền. Thế mạnh đó của chị bỗng trở thành “cơ hội” cho việc làm ăn buôn bán của vợ tên đại úy.

Lợi dụng những tên sĩ quan háo sắc thường xuyên đến đây “tán tỉnh” Minh Hiền, vợ tên đại úy móc nối những đường dây mua rượu ngoại rồi lại tranh thủ những tên đó để bán với cái giá cắt cổ.

Trong ngôi nhà tên đại úy có đến một phòng chật kín rượu, nhưng cứ nhập vào thì chỉ một tuần sau đã được tiêu thụ hết. Nhờ chuyện đó mà Minh Hiền đã moi được rất nhiều tin tức từ phía những tên sĩ quan địch để kịp thời báo cáo tổ chức.

Một lần ông chủ bị thương nằm viện ở Sài Gòn, Minh Hiền phải lên chăm sóc thay bà chủ vì bà còn lo việc buôn bán. Biết ông chủ có cảm tình quý mến, nên trong giao tiếp hàng ngày chị cố tạo ra một khoảng cách chủ tớ để ông chủ không được đà lấn tới.

Nhưng việc bà chủ nổi máu Hoạn Thư chắc chắn xảy ra bởi ông chủ càng ngày càng tỏ ra hãnh diện với đám sĩ quan trẻ rằng, cô gái trong nhà mình không phải là người giúp việc mà là... vợ bé.

Một ngày nọ, viên sĩ quan mở tiệc chiêu đãi vì được lên hàm thiếu tá. Để quan sát nắm tình hình, chị tranh thủ bưng bê thức ăn lên bàn tiệc. Đúng lúc đó, ông chủ gọi chị vào và giới thiệu là “vợ bé” trước mặt quan khách làm bà chủ vô cùng tức giận. Bữa tiệc tan, chị chủ động nói chuyện nghiêm túc với bà chủ.

“Cô còn đủ tư cách gặp và nói chuyện với tôi? Cô đi ra ngoài đi! Cô tưởng gạt tôi được hả? Cô đang âm mưu thành vợ bé để chiếm đoạt những của cải trong nhà tôi chứ gì?” - giọng bà ta lạnh lùng nhưng không giấu nổi vẻ lo sợ “đối thủ” lấn vào đống của cải kếch sù của mình.

“Không! Chị nhầm! Tôi không hề yêu chồng chị. Lấy anh ấy lại càng không. Nhưng việc chồng chị say đắm tôi, muốn lấy tôi thì có. Bây giờ chị phải giúp tôi để anh ấy đừng làm gì tôi, cũng là để giữ chồng cho chị” - giọng “cô giúp việc” nghiêm túc.--PageBreak--

Trong ngôi nhà ấy, Minh Hiền sử dụng sự ghen tuông của bà chủ để bảo vệ mình khỏi bàn tay ông chủ. Nhưng, cũng từ ông chủ, chị khai thác được nhiều thông tin về những cuộc hội họp sắp diễn ra. Dĩ nhiên, chị chỉ đánh vào những cuộc họp không có mặt ông chủ để duy trì nguồn tin tức về địch. 

Phải nói rằng trong 17 trận đánh chị tham gia, thì “công lao thông tin” của gia đình ông chủ không phải là nhỏ. Đáng kể nhất là trận đánh vào hội trường công chức và đánh vào cuộc họp của tình báo địch ở Bến Tre.

Như các tỉnh khác trong toàn miền Nam, ở Bến Tre, địch cũng xây dựng một hội trường công chức làm nơi hội họp thường xuyên của bọn cảnh sát, quân đội để bàn những kế hoạch bình định và “sát Cộng”.

Được “ông chủ” cho hay có cuộc họp quan trọng, chị bí mật báo cáo ngay với tổ chức qua cơ sở của mình. Cơ sở này là một sĩ quan quân đội địch, Minh Hiền gọi là “anh Hai” (do tổ chức giới thiệu, chị không trực tiếp xây dựng), phối hợp hoạt động rất hiệu quả với Minh Hiền trong những trận đánh lớn.

Tổ chức xác định đây là một hội nghị để bàn về việc bình định và gom dân của địch ở chiến trường miền Nam. Muốn phá được kế hoạch thì phải diệt được bọn ác ôn đầu sỏ trong hội nghị này.Dù biết địa điểm như vậy nhưng Minh Hiền vẫn tranh thủ thời gian đi nghe ngóng nguồn tin từ người dân.

Đây là nguồn tin rất quan trọng bởi người dân miền Nam khi đó rất lo sợ con em mình sẽ bị bắt lính nên khi nghe tin có hội họp gì họ thường “tìm hiểu” xem kỳ này con em mình có nằm trong “danh sách đen” hay không. Cũng từ nguồn tin này, chị nắm chắc được thời gian và địa điểm họp của chúng.

Để cẩn thận, chị vẫn đi qua trung tâm chiêu hồi xem địch có “đánh lạc hướng” không. Ở đó vẫn im ắng. Qua hội trường công chức thì thấy địch rục rịch tổ chức rất nhiều vọng gác.

Qua tình hình nắm được, Minh Hiền quyết định chọn mìn định hướng để đánh, vừa chắc chắn lại vừa hiệu quả, và tránh thương tổn cho dân. Tuy nhiên, quả mìn rất nặng, sẽ ôm vào cửa bằng cách nào đây? Chị nghĩ ra việc phải mua một gánh rau muống để giấu mìn vào. 

Được tổ chức “duyệt” cho đánh trận này, Minh Hiền xin phép bà chủ nghỉ một buổi để “mua thuốc mang về cho em đang ốm ở nhà”. Bà chủ đồng ý. Hôm đó, chị tranh thủ về nhà, bí mật lấy vũ khí, kiểm tra kỹ rồi cất đi.

Làm xong, chị đến nhà bà dì hỏi mua gánh rau muống để giấu mìn trong đó. Sau khi chuẩn bị xong mọi việc cho trận đánh, chị lại trở về lo việc cho bà chủ.Sáng hôm sau, Minh Hiền dậy sớm xách làn đi chợ như mọi ngày. Khi đi, chị ghé qua nhà dì lấy gánh rau đã gửi để giấu mìn vào đó.

Gần đến chợ, chị gửi gánh rau chỗ quán cô thợ may với lời giải thích: “Gánh hộ bà Hai vì bà mua nhiều thứ quá”. Sau đó, chị đến chợ mua thức ăn rồi lại quay về gửi thức ăn, gánh gánh rau muống đến chỗ cần gánh.

Trên đường đi, có một người đàn ông ăn vận rất thường dân, đeo kính mát, cứ đi lại trên đường, gặp ai cũng trêu chọc xét hỏi, ngó nghiêng đủ kiểu. Nhìn qua, chị đã nghĩ rằng đây là tên mật thám nguy hiểm, cần phải bình tĩnh đối phó vì chắc chắn nó sẽ sờ đến gánh rau.

Quả đúng như vậy. Người đàn ông này hỏi mua rau. Lấy lý do chọn rau, bàn tay hắn cứ thọc sâu dần, sâu dần xuống phía quả mìn đang nằm dưới. Dù tim đập thình thịch nhưng Minh Hiền vẫn cố lấy bình tĩnh. Khi tay nó gần chạm tới quả mìn đột nhiên nó dừng lại.

Có lẽ những mớ rau tươi còn những giọt nước, chẳng có dấu hiệu khả nghi gì nên hắn buông. Hắn giả vờ lục lục cái bóp và nói rằng quên tiền nên không mua nữa”.“Nè anh! Anh có thể làm thế được sao? Cả gánh rau của tôi anh đảo cho nát bét, giờ anh không mua, cả nhà tôi chờ vào gánh rau này đấy! Nếu là người khác thì anh đã ăn chửi rồi. Đó, giờ tôi bán những mớ này cho ai?”.

Chị vừa giả vờ ăn vạ khóc lóc, tay cứ lia những mớ rau ra ngoài để càng thuyết phục hắn chẳng có gì trong gánh. Hắn vội vàng nhặt những mớ rau xếp vào gánh cho chị rồi rối rít xin lỗi!--PageBreak--

Tên mật thám lẳng lặng đi. Hình như, hắn nhẹ nhàng như một con sóc lẻn vào trong hội trường. Việc của chị bây giờ là tìm cách đặt gánh rau muống ngay trước cửa chuẩn bị cho tiếng nổ quyết định.

Một chuyện ngoài ý muốn đã xảy ra. Lúc đó, trước cổng hội trường công chức có một người bán chuối và đông học sinh đang xúm lại để mua. Nếu đặt mìn để đánh bây giờ chắc chắn những người này không tránh khỏi thương vong.

Nhưng không đánh thì thời cơ sẽ mất, chị lại không hoàn thành nhiệm vụ. Bằng cách nào di chuyển được người bán chuối và đám học sinh đi nơi khác? Phải rồi, mua hết chỗ chuối đó. Nếu có ai đó hỏi mua chuối làm gì mà nhiều thế, chị sẽ trả lời gần tết rồi, mua chuối về ép để làm mứt tết.

Thêm một tình huống phát sinh từ gánh chuối. Chị bảo quên tiền, để đi cùng bà bán chuối về nhà lấy tiền. Và để gánh được chuối về thì cách tốt nhất là... gửi gánh rau chỗ hai tên lính gác cổng bởi vì không  thể cùng một lúc mà gánh hai thứ.

Thấy sự việc ồn ã xảy ra từ lúc đầu với người khách mua rau bất đắc dĩ, hai tên lính gác cũng không tỏ ra nghi ngờ. Nhưng  chúng vẫn cảm thấy do dự.

“Hai anh cầm tạm ít tiền, xem như công các anh trông hộ. Lát nữa ra bán được rau em sẽ gửi thêm cho. Tết nhất đến nơi rồi, thông cảm anh nha!”.Hai tên cảnh sát nhìn nhau gật đầu. Tiện thể, chị đặt gánh rau bên cạnh lối ra vào hội trường và hướng góc sát thương của quả mìn vào phía bên trong.

Chị cười nhỏ nhẹ cảm ơn rồi đi ra, bí mật giật nụ xòe. Sau lưng là vài lời trầm trồ: “Con bé bán rau xinh dữ ha! Cười đẹp dữ ha!”.

Hai người với gánh chuối rảo bước. Qua chỗ cô thợ may chị lấy cái làn thức ăn rồi đi về nhà bà chủ. Khi gần tới nơi, từ phía hội trường một tiếng nổ rung động cả đường phố.

Minh Hiền bí mật viết thư báo cáo ban chỉ huy. Mấy ngày sau, ban chỉ huy cho biết, trận đó địch chết và bị thương hơn 30 tên. Hai tên gác cổng chết ngay tại chỗ. Đó là một trong những trận đánh mà giờ chị vẫn nghĩ, ngoài sự gan dạ, chị đã gặp may.

Một lần chị tình cờ nghe được mẹ ông chủ nói với bà chủ: “Kỳ này đám công an, cảnh sát bình định ở trên Sài Gòn về họp, không rõ thằng con nhà mình có về họp không!”.

Nghe được tin này, chị dự định sáng mai đi chợ sẽ đến những nơi mà chúng thường dùng để làm nơi hội họp xem chúng từ Sài Gòn về họp có đông không, để còn lên kế hoạch...

Đi qua một vài chỗ, tình hình vẫn rất im ắng. Chỉ có khu hội trường công chức, vừa được “sửa chữa” lại sau vụ nổ của mấy tháng trước, thấy cửa mở và trong nhà nhấp nhổm những bóng người đứng, ngồi. Ngoài sân, một số tên tay cắp cặp nói cười rôm rả.

Trên dọc đường Hùng Vương, cảnh sát đứng gác sẵn ở các lối ra vào. Chúng tổ chức thành nhiều trạm kiểm soát cố định và tổ chức tuần tra lưu động xung quanh khu vực này. Qua nguồn tin thu thập được cùng với kết quả trinh sát thực địa, Minh Hiền nghĩ, sẽ có một cuộc họp quan trọng diễn ra ở đây.

Nhưng, do đã nếm trải bài học đau đớn trước đó, địch tiến hành bảo vệ chặt chẽ hơn. Lần này chúng không tổ chức canh gác ở cổng ra vào của hội trường mà tập trung gác ở bên ngoài.

Minh Hiền báo cáo với ban chỉ huy và đề xuất kế hoạch. Vẫn là mìn định hướng và cách ngụy trang sẽ là một thùng kem. Nhưng, một mình chị thì không thể xoay xở để từ chiếc thùng kem đó, có một quả mìn đặt đúng hướng. Chị cần sự giúp đỡ của đồng đội, đó chính là anh Hai.

Ban chỉ huy giao nhiệm vụ cho chị thực hiện kế hoạch trong chiều hôm đó. Sau khi lo cơm nước với bà chủ xong, chị bế con bà chủ đi chơi để có cớ làm công tác chuẩn bị.

Trên đường về nhà, chị mua một thùng kem rồi đến nơi bí mật lấy bom đặt phía dưới lớp xốp cách nhiệt. Giấu kỹ thùng kem đề phòng bất trắc, rồi bế đứa bé về nhà bà chủ.

Sáng hôm sau, chị đi chợ sớm rồi tạt ngang lấy thùng kem để mang đi... bán. Quả mìn đã qua mắt được bọn gác đường bởi cái sự quá kín đáo của lớp xốp dưới đáy thùng.

Đến cổng hội trường, chị đứng chờ một lúc vẫn chưa thấy anh Hai đến. Trong khi đó lượng kem đã vơi dần và đáy chiếc thùng đang dần lộ ra... Nếu chờ anh Hai thêm một lúc nữa, có thể chúng sẽ nghi ngờ và lục soát thùng kem, chắc chắn Minh Hiền sẽ bị bắt.

Chị quyết định, nếu anh Hai không tới kịp thì chị sẽ hành động đúng kế hoạch. Bởi, chị có thể hy sinh nhưng sự tổn thất của kẻ thù sẽ rất lớn. Đúng giờ đã hẹn, chị bắt đầu lần tay vào cái nụ xòe...--PageBreak--

Đúng lúc đó thì một người bận đồ sĩ quan cộng hòa phóng xe gắn máy lại phía Minh Hiền, đó là anh Hai. Anh Hai mua một que kem. Khi que kem được lấy ra cũng là lúc dây cháy chậm được điểm hỏa. Thùng kem ở lại vị trí cách cổng hội trường 10m, hai người lên xe gắn máy phóng vội.

Một tiếng nổ lớn làm chấn động cả đường phố. Lúc này, hai người đã ra ngoài khu vực đó an toàn. Minh Hiền tạm biệt anh Hai, nhanh chóng nhảy xuống khỏi xe lẫn vào đám đông để đánh lạc hướng sự theo dõi. Trận này, cấp trên thông báo 44 tên địch bị đền tội.

Một trận đánh nữa cũng đã đi vào lịch sử của ngành Công an, là trận đánh tại “Nhà nghỉ Việt Nam” (nhà nghỉ thuộc khu vực hành chính của cơ quan tỉnh Bến Tre thuộc chính quyền Sài Gòn). Đây là khu nhà nghỉ được địch dành riêng cho bọn công chức các cấp ở các nơi đến nghỉ chờ ngày làm việc.

Bà Nguyễn Thị Định với chị Minh Hiền.

Khu này có rất nhiều nhà và dĩ nhiên, trong mỗi tòa nhà có rất nhiều phòng, mỗi phòng bố trí theo cấp bậc và chức vụ khác nhau. Đặc biệt, phòng số 14, được dành riêng cho những công chức ngụy trung, cao cấp hoặc sĩ quan quân đội Sài Gòn từ cấp thiếu tá trở lên.

Qua tin tức của cơ sở, Minh Hiền được biết, hiện đang có bọn công chức và sĩ quan của Sài Gòn mới về họp bàn kế hoạch đặc biệt với Bến Tre. Qua thông tin từ gia đình người chủ thì nguồn tin này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, qua một số lần bị đánh vào ban ngày ở các nơi trong thị xã, địch rất sợ và hết sức cảnh giác.

Ai muốn vào cơ quan của chúng thăm người nhà, kể cả nói đúng tên và chức vụ của người đó, vẫn bị nghi là “Việt Cộng” vào nắm tình hình, quy luật hoạt động của chúng nên chúng canh gác, kiểm tra rất nghiêm ngặt, cẩn mật.

Sáng hôm sau, Minh Hiền đi chợ sớm.

Chị đi dọc theo đường Nguyễn Huệ đến cổng nhà nghỉ thì dừng lại, niềm nở chào tên lính gác khu vực này với một cử chỉ lịch thiệp. Đứng trước mặt tên lính gác, chị bình tĩnh hỏi: “Bữa qua nghe tin cậu tôi trên Sài Gòn về làm việc, đang nằm chờ ở đây. Cậu cháu tôi lâu ngày chưa gặp được nhau. Mong các anh cho tôi vào thăm cậu tôi một chút và bảo cậu khi nào xong việc thì ghé qua nhà ít hôm”.

Sau một số câu hỏi về thông tin người cậu, cộng với sự khám xét không thấy gì, tên lính gác vui vẻ để chị vào. Đây không phải là lần đầu tiên Minh Hiền đến đây, bởi chị và gia đình ông bà chủ đã từng đến đây gặp “ông chủ” khi ở Sài Gòn về.

Minh Hiền đi thẳng lên phòng số 14. Tới nơi nhìn qua cửa sổ không  thấy ai, cửa lại khóa vẫn có mấy chiếc áo còn nguyên hàm đang treo trên mắc áo.Khi quan sát kỹ phòng số 14 và dự kiến vị trí đặt mìn, chị rời tòa nhà. Tên lính gác hỏi: “Cậu không có ở trong đó hay sao mà ra nhanh dữ vậy?”.

Minh Hiền cười tự nhiên: “Xin cảm ơn anh đã thông cảm cho em vào nhưng rủi ro không gặp được vì cậu em chưa về đây. Không biết chiều nay hay chiều mai cậu có về không?”.

Tay gác cổng nói xen vào: “Chiều nay và chiều mai đều có người về đấy”. “Thôi được, chiều nay hoặc mai nếu cậu về thì anh bố trí cho em vào gặp nhé. Thật phiền anh quá!” - nói xong, chị cười chào tên lính gác và đi thẳng ra chợ.

Khi về tới nhà, chưa kịp viết thư báo cáo kế hoạch thì chị nhận được thư của Ban chỉ huy qua một cơ sở ở nội thành. Nội dung của bức thư: “Theo cơ sở báo cho biết, bữa nay có một số tên công chức ở Sài Gòn về không rõ làm gì. Hiện chúng đang nằm đợi ở phòng số 14 của khu nhà nghỉ Việt Nam.

Theo nhận định của Ban chỉ huy thì bọn này được cấp trên phái về họp để bàn kế hoạch bình định tìm diệt cơ sở cách mạng của ta trong thời gian tới (tin này đã được kiểm tra lại). Quyết tâm của Ban chỉ huy phải diệt cho được bọn này. Đồng chí hãy dùng mìn định giờ để đánh. Yêu cầu bố trí xong và ra khỏi địa điểm trước 21 giờ ngày...".--PageBreak--

Mai là chủ nhật. Muốn vào diệt địch được đêm nay Minh Hiền đã xin phép bà chủ cho nghỉ “về thăm nhà” để có thời gian chuẩn bị. Chị mua bánh kẹo ngụy trang. Rồi, chị lấy mìn ra kiểm tra các bộ phận gây nổ, vặn kim đồng hồ cho đúng số 21.

Xong, chị đặt mìn vào hộp nhôm rồi cho vào giỏ xách. Phía trên là mấy chiếc hộp nữa cũng y chang như vậy nhưng bên trong là bánh kẹo. Chị chọn loại kẹo khi cho vào hộp cũng nặng tương đương với quả “kẹo gang” trong hộp kia.

18 giờ ngày hôm đó, “cô cháu gái” đã có mặt ở nhà nghỉ Việt Nam để đón “cậu”. “Sáng nay tôi có gặp cậu, giờ cậu hẹn về phòng để cậu có việc nhắn về nhà”. Tên lính gác quen thuộc vui vẻ cho chị vào.

Đến sân, Minh Hiền thấy nhiều người đang tụ tập thành từng toán. Chị nghĩ bụng, nếu quay ra và đi hướng khác thì chúng sẽ nghi ngờ. Mà đi thẳng chắc chắn chúng sẽ hỏi và kiểm tra. Chị quyết định đi thẳng. Không ngoài dự đoán, chúng bắt bỏ từng thứ ra để kiểm tra vì không tin vào những lý do chị vừa đưa ra.

Chị cố lấy bình tĩnh để tin rằng sẽ chẳng sao cả. Cái chính, khi bị phát hiện, mình sẽ nhanh thoăn thắt để vặn lại kim... Một mình hy sinh mà giết được cả đám,  là đã đạt được mục đích chính.

Mấy hộp nhôm liên tiếp được mở ra. Tất cả đều giống nhau. Lúc này, có tên bảo thôi không lục soát nữa, tên thì vẫn kiên nhẫn bới tìm. Chiếc hộp có mìn được một tên sờ vào. Chị thót tim nhưng vẫn giữ vẻ bình thản.

Không hiểu sao nhấc lên rồi chúng lại bỏ xuống, có lẽ về độ nặng cũng chẳng khác. Tên lính dường như là tiểu đội trưởng, nhìn xoáy vào Minh Hiền: “Rồi, đi đi. Dễ thương quá, chồng con gì chưa?”.

Chị “được nước làm liều”: “Bất cứ ai vào thăm người thân các ông cũng bắt lại để lục soát như vậy hết hay sao?”. Vừa nói, tay chị đẩy mấy cái hộp nữa ra: “Đây, các ông kiểm tra thì kiểm tra cho nốt đi”.

Mấy hộp nhôm được mở toang toác rồi dốc ngược ra sân. Mấy tên kia vội vàng xin lỗi rồi tản đi nơi khác. Chị lượm lại mấy hộp bánh kẹo cho vào giỏ và đi thẳng.

Phòng số 14. Vẫn không có ai. Nhưng, cửa thì đã mở. Quần áo treo nhiều hơn, và còn một chiếc hòm gỗ chưa đậy nắp. Có lẽ do vội đi đâu nên tên địch này chưa kịp khóa. Cơ hội ngàn vàng, Minh Hiền cho vội quả mìn vào phía dưới chiếc hòm rồi để đống quần áo lên như cũ.

Bố trí xong, chị lấy bánh kẹo trong giỏ xách xếp sẵn vào đầu giường rồi nhanh chóng rời tòa nhà. Về nhà, chị cứ thấp thỏm chờ đến con số 21 của chiếc đồng hồ treo tường. Còn 5 phút, 3 phút, 1 phút, 5 giây, 0 giây... Chưa thấy gì cả. Thêm 1 giây nữa. Lại thêm 1 giây nữa...

Một tiếng nổ long trời đã phát ra. Có lẽ do chiếc đồng hồ của gia đình này sai số. Đêm hôm đó Minh Hiền trằn trọc không ngủ, chỉ mong sao đến sáng để biết “kết quả”. Nhưng có một điều nữa khiến chị phải suy nghĩ rất kỹ: tại sao không phải là một tiếng nổ mà đùng một lúc hai tiếng?

Sau này, Ban chỉ huy thông báo, thêm một đồng chí nữa đánh mục tiêu kế bên  cùng thời gian. 18 tên địch đã thiệt mạng từ hai tiếng nổ.

17 trận đánh, gây không ít những tổn thất cho địch, “bông hoa trong lòng địch” đã 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 4 lần được tặng Huân chương Chiến công trong khoảng thời gian chỉ 2 năm.

Năm 1971, Cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam rút nữ chiến sĩ biệt động Minh Hiền ra Bắc học. Khi đi, chị chỉ báo với chủ nhà là em gái bị bệnh nặng nên xin nghỉ một thời gian để chăm sóc. Năm đó, anh trai và em gái chị hoạt động cách mạng bị địch bắt.

Tên chỉ điểm đã nói với em gái chị: “Mày có một người chị đang ra Bắc để làm hồ sơ Anh hùng phải không?”. Câu chuyện này mãi sau em gái chị mới kể lại. Có nghĩa là, nếu cơ sở không rút Minh Hiền ra kịp, có thể chị sẽ bị giặc bắt.

Gia đình chị có 4 anh chị em, tất cả đều hoạt động cách mạng. Cha bị địch bắt, thả về tiếp tục hoạt động và hy sinh trong một trận càn của địch vào năm 1968.  Anh trai chị bị địch bắt rồi thả, sau đó cũng hy sinh. Em gái sau khi chúng điều tra, bẻ gãy cả ngón tay, không khai thác được gì chúng mới thả.--PageBreak--

Tháng 9/1973, sau khi ra Bắc học được 2 năm, Minh Hiền vinh dự được đại diện tuổi trẻ Công an nhân dân tham dự liên hoan Festival thanh niên sinh viên thế giới, tổ chức tại CHDC Đức.

Trên đường sang Đức, đoàn Anh hùng và chiến sĩ thi đua ghé thăm Trung Quốc. Chủ tịch Mao Trạch Đông dành một buổi gặp gỡ đoàn. Nhìn cô chiến sĩ nhỏ nhắn trong chiếc áo bà ba, ông hỏi: “Khi đánh giặc, đồng chí thấy mình thiếu gì?”.

Minh Hiền tự tin: “Thưa, không chỉ riêng tôi mà cả đất nước tôi, cái thiếu lớn nhất khi đánh giặc là vũ khí. Lòng dũng cảm, tình yêu nước và trí thông minh chúng tôi có. Nhưng nhiều chiến sĩ của chúng tôi vì thiếu vũ khí mà đã phải hy sinh. Cái chúng tôi cần, vẫn là vũ khí”.

Chuyến đi này, chị được giao nhiệm vụ sẽ phát biểu tại diễn đàn thanh niên. Câu hỏi của Chủ tịch Mao Trạch Đông càng xoáy sâu trong lòng cô gái 20 tuổi một quyết tâm: Cái thứ nhất là phải giải thích cho bạn bè quốc tế hay rằng cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ là chính nghĩa. Bên cạnh đó,  phải tranh thủ kêu gọi sự ủng hộ về mặt vật chất của bạn bè quốc tế.

Chị Minh Hiền và bạn bè quốc tế tại Festival thanh niên sinh viên thế giới năm 1973, tại CHDC Đức.

Buổi diễn thuyết bắt đầu. Cô gái Việt Nam chào các bạn thanh niên với nụ cười thân mật. “Thưa các bạn. Tôi cùng tuổi như các bạn. Tại sao một cô gái như tôi lại phải cầm súng, trong khi tôi phải được đi học, phải được sống trong yên bình như các bạn. Nhưng, 16 tuổi, bom đạn Mỹ đã cướp đi người cha của tôi, đẩy gia đình tôi ly tán mỗi người một phương.

Có thể từ buổi lễ này trở về, tôi lại tiếp tục cầm súng và có thể sẽ hy sinh vì đất nước của chúng tôi. Hỡi các bạn, những thanh niên yêu chuộng hòa bình và mong ước có cuộc sống hạnh phúc, hãy chia sẻ và ủng hộ chúng tôi, vì một nền hòa bình trên trái đất, vì tiến bộ xã hội và tương lai tuổi trẻ”.

Cả buổi lễ chìm trong im lặng. Minh Hiền tiếp tục: “Dân tộc chúng tôi không khuất phục. Đã từng tham gia các trận đánh, tôi rất hiểu, nhiều người dân, nhiều chiến sĩ của chúng tôi hy sinh dưới bom đạn kẻ thù cũng chỉ vì trong tay họ thiếu  vũ khí.

Chúng tôi cần các bạn ủng hộ chúng tôi, dù ít dù nhiều, để như một sự động viên tinh thần lớn sau những ủng hộ về vật chất, giúp chúng tôi sớm đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi Việt Nam và thống nhất đất nước”.

Nhiều người bạn quốc tế đã khóc khi nghe bài diễn thuyết của Minh Hiền. Họ đã không ngần ngại dốc túi tiền ủng hộ đất nước Việt Nam. Một nhà báo Mỹ gặp chị phỏng vấn: “Tôi là người Mỹ. Tôi xin hỏi bạn, bạn có căm thù tôi không?”.

Chị cười hiền: “Tại sao tôi lại căm thù bạn, trong khi bạn đến đây viết bài về sự yêu chuộng hòa bình và tình hữu nghị? Điều này tôi phải quý bạn hơn đấy chứ.

Tôi chỉ căm thù những kẻ cướp nước tôi, giết chết bao nhiêu người dân vô tội, và bắt những người con gái như tôi phải cầm súng. Tôi mong rằng, ngòi bút của bạn sẽ giúp những kẻ đó phải rời khỏi đất nước của chúng tôi!”.

Hơn 30 năm qua, Minh Hiền vẫn không quên được những giây phút trong vòng tay bạn bè quốc tế để kêu gọi vì hòa bình cho Việt Nam. Với những đóng góp không nhỏ, chị được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT khi 20 tuổi.

Đồng thời, chị cũng là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên sau giải phóng. Người Anh hùng năm xưa hiện đeo quân hàm Đại tá, giữ chức Phó trưởng Công an quận 5 (TP HCM).

Vẫn nụ cười của năm xưa, vẫn sự tận tụy với công việc và chu toàn trong mọi thứ. “Bà quận phó công an” vẫn làm việc cả ngày nghỉ, bởi công việc của một người chỉ huy trên một địa bàn đông đúc dân cư và lắm tệ nạn, bao giờ cũng thấy thiếu thời gian.

Bao nhiêu việc phải giải quyết, rồi đi đánh án... chị đều thu xếp thời gian để giải quyết xong công việc. "Mà bê trễ thì cấp dưới sẽ không nể mình. Tôi trưởng thành từ chiến đấu nên phải giữ được sự tỉnh táo, quyết đoán. Lấy quá khứ để soi mình, còn những việc làm trong hiện tại để làm gương cho chiến sĩ" - chị nói.

Trong gia đình, chị luôn coi trọng bữa cơm chung. Bận là thế nhưng sáng chị vẫn tranh thủ đi chợ, cắm nồi cơm trước khi đi làm. Trưa về qua nhà luộc mớ rau. Chồng chị là anh Nguyễn Thế Bình, hiện công tác tại Ban chống tham nhũng Trung ương. Anh từng tham gia chiến dịch truy quét Trương Văn Cam và đồng bọn.

Anh chị có hai người con, và họ hài lòng bởi sự tự lập của con mình.

(Ghi theo lời kể của Anh hùng Nguyễn Thị Minh Hiền)

Hoàng Nguyên Vũ
.
.