Những chiến công huyền thoại của Anh hùng liệt sĩ CAND Trần Bá Giản

Thứ Ba, 31/07/2007, 15:15

Không thể để Tổng Quỳnh, tên phản động khét tiếng, nhởn nhơ gây tội ác, Trần Bá Giản nảy ra ý nghĩ táo bạo: đột nhập bốt Diêm Điền. Sau khi đã nắm chắc quy luật đi lại, hoạt động của Tổng Quỳnh, ông đã cùng đồng đội bí mật, bất ngờ đột nhập  bốt Diêm Điền giữa ban ngày, bắt sống Tổng Quỳnh.

Dù chỉ được nghe kể lại về cuộc đời hoạt động và những chiến công của ông nhưng không ai là không kính phục. Nhân dân xã Thụy Lương, nơi ông sinh ra, lớn lên và các xã trong vùng như Thụy Sơn, Thụy Phong, Thụy Văn, Thụy Hưng, Thụy Quỳnh... nơi nuôi dưỡng, chở che ông dọc ngang tung hoành chiến đấu thì rất tự hào và coi những chiến công của ông như những huyền thoại.

Trần Bá Giản sinh năm 1916, trong một gia đình nông dân nghèo, tại thôn Hổ Đội, thuộc tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, (nay là xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó nhưng lại giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Trần Bá Giản sớm có khí phách của người anh hùng. Bởi Thái Thụy, quê hương ông cũng chính là quê hương của những con người mà tên tuổi của họ gắn liền với những mốc son lịch sử của dân tộc, mà tiêu biểu là người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh - một trong những lãnh tụ đầu tiên của Đảng ta.

Trần Bá Giản tham gia cách mạng từ năm 1937. Năm 1946, ông vinh dự được  đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Có sức khỏe, mưu trí, dũng cảm, đặc biệt gan dạ, Trần Bá Giản được cấp trên tin tưởng chọn vào đội hành động, có nhiệm vụ diệt tề, trừ gian. Cuối năm 1949, ông là Đội trưởng Đội hành động Công an huyện Thụy Anh.

Tháng 2/1950, quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng. Một số kẻ ham sống, sợ chết cam tâm làm tay sai, chỉ điểm, dẫn đường cho quân Pháp càn quét, bắt bớ, sát hại cán bộ kháng chiến và đồng bào yêu nước. Hàng ngày, chứng kiến những cảnh ấy, ông căm hận kẻ thù đến tận xương tủy.

Tháng 8/1950, Trần Bá Giản được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy đội hành động bắt Tổng Quỳnh, một tên phản động khét tiếng gian ác ở thôn Nghĩa Chỉ, xã Hồng Châu (nay là xã Thụy Liên). Y thường dẫn địch về càn quét, đốt phá, bắn giết cán bộ, nhân dân. Nhân dân trong vùng rất căm ghét nhưng cũng rất sợ hắn.

Đánh hơi thấy sự nguy hiểm, đêm đêm, Tổng Quỳnh phải mò lên bốt Diêm Điền, cách nhà y 3 km để ngủ mà không dám nằm nhà. Trần Bá Giản đã trực tiếp xuống địa bàn, gặp gỡ nhân dân, điều tra nắm tình hình, tìm ra quy luật đi lại, sinh hoạt ăn, ở của tên Quỳnh. Ông trực tiếp lên phương án, báo cáo cấp trên và cùng đồng đội thực hiện.

Kế hoạch của đội hành động là bí mật phục kích ở những nơi tên Quỳnh thường qua lại, khi hắn xuất hiện thì xông lên bắt sống. Ba lần phục kích không thành, một số anh em nản chí, muốn thay đổi địa điểm, ông động viên anh em kiên trì chờ đợi nhưng vẫn không thấy Tổng Quỳnh xuất hiện.

Không thể để y nhởn nhơ gây tội ác, Trần Bá Giản nảy ra ý nghĩ táo bạo: đột nhập bốt Diêm Điền. Sau khi đã nắm chắc quy luật đi lại, hoạt động của Tổng Quỳnh, ông đã cùng đồng đội bí mật, bất ngờ đột nhập vào bốt Diêm Điền giữa ban ngày, bắt sống Tổng Quỳnh, dẫn giải y qua chợ huyện đang lúc đông người, nhằm khuếch trương thanh thế, sau đó mới đưa hắn về căn cứ giao cho cách mạng xét xử.

Những người ở chợ hôm đó được tận mắt chứng kiến cảnh Tổng Quỳnh mặt tái mét, người rũ như tàu lá héo, đều thấy hả hê. Hành động quả cảm  của Trần Bá Giản và anh em trong đội hành động còn làm cho kẻ địch vô cùng kinh hãi.

Đêm 1 tết Tân Mão - năm 1951, Trần Bá Giản dũng cảm, bí mật vượt qua vọng gác, đột nhập vào phòng tên Chánh Ky - chỉ huy bọn vệ sĩ ở bốt Thượng Phúc (xã Thụy Sơn). Tên Chánh Ky lúc này đang cùng một số đàn em say sưa rượu chè rồi cờ bạc sát phạt nhau mà không hay biết gì.

Sau khi đặt dao găm và thư cảnh cáo lên bàn làm việc của Chánh Ky, ông bình tĩnh rút ra ngoài. Sáng hôm sau, tỉnh rượu, Chánh Ky và bọn đàn em nhìn thấy dao găm và thư cảnh cáo, thì vô cùng hoảng hốt. Y lệnh cho bọn đàn em không được tiết lộ chuyện Công an Việt Minh lọt vào tận hang ổ, nhưng hành động “xuất quỷ nhập thần” của Trần Bá Giản nhanh chóng được lan truyền trong dân chúng và hàng ngũ địch, đã làm cho bọn phản động hoang mang lo sợ, phải chùn tay không dám hung hăng như trước.

Trần Bá Giản còn chỉ huy nhiều trận chiến đấu ngoan cường, quả cảm như bắt bọn tay sai phản động Lý Thuyết, Lý Riểu, Lý Khanh... ở xã Thụy Sơn; hay những trận tập kích táo bạo, chớp nhoáng, cướp súng địch ở bốt Kha Lý, bốt Diêm Điền, ngay giữa ban ngày làm cho địch càng hoang mang, khiếp sợ.

Phát hiện thấy bọn lính Bảo Hoàng (lính do Chính phủ Bảo Đại tuyển mộ), ban ngày thường xuyên đi lại tuần tra từ bốt Diêm Điền đến khu vực cống Thóc, xã Thụy Trình, ông chọn khu vực cống Thóc làm địa điểm phục kích để cướp súng của bọn chúng. Bọn địch lúc đi thì hàng ngũ chỉnh tề, lúc về thì uể oải, trễ nải. Từ vị trí phục kích, ông bất ngờ xông lên, miệng hô xung phong và nhanh như cắt lao vào cướp súng địch.

Một mình ông giằng co, giật được 2 khẩu súng của bọn lính và chạy. Sau giây phút bất ngờ, hoảng loạn, những tên lính Bảo Hoàng vốn ham sống sợ chết, mới nổ súng, vãi đạn về phía ông, nhưng ông đã kịp khuất sau những bụi cây ven đường cùng với những khẩu súng vừa cướp được.

Cuối tháng 4/1951, quân Pháp mở chiến dịch Meduse (Sứa biển) vào 2 huyện Thụy Anh, Phụ Dực và một phần của huyện Quỳnh Côi. Cả hai huyện bị chiếm đóng, nhân dân bị kìm kẹp, tình hình hết sức khó khăn. Huyện ủy Thụy Anh giao nhiệm vụ cho công an phối hợp với bộ đội địa phương, du kích thực hiện phá tề trừ gian, phá thế kìm kẹp của địch.

Giữa năm 1951, Trần Bá Giản và đội hành động được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội huyện Thụy Anh phá tề ở thôn Nhạo Sơn, xã Hồng Hưng (nay là xã Thụy Sơn). Đây là địa bàn quan trọng, nên địch cho lập bốt Đồng Hòa ở xã Thụy Phong do quân Pháp đóng; gần đó là bốt vệ sĩ Thượng Phúc xã Thụy Sơn, để án ngữ và khống chế hoạt động của Việt Minh ở khu vực này. Do vậy, nếu xóa được hội tề thôn Nhạo Sơn sẽ gây được tiếng vang, góp phần khôi phục phong trào trong vùng, song đây cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trần Bá Giản đã xây dựng phương án cụ thể và cùng anh em trong đội hành động bàn bạc, hạ quyết tâm thực hiện.

Vào một đêm hè, ông nhận nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm là trực tiếp bắt sống tên Tín, một tên xã ủy cực kỳ phản động, gian ác, có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân trong vùng.

Mặc dù địch canh phòng rất cẩn mật, ông vẫn mưu trí, vượt qua các vọng gác, bí mật tiếp cận mục tiêu. Khi thấy ông đột ngột xuất hiện, tên Tín thoáng chút bất ngờ, song y đã kịp trấn tĩnh tìm cách đối phó. Hai bên vật lộn dữ dội. Ông bị bố con tên Tín vừa hô hoán vừa chống trả quyết liệt. Bọn địch ở bốt Đồng Hòa đang đi tuần và bọn vệ sĩ bốt Thượng Phúc gần đó nghe tiếng kêu cứu của bố con tên Tín liền kéo đến hỗ trợ. Ông bị chúng bắn bị thương và bị bắt.

Bọn địch hân hoan, mừng rỡ vì đã bắt được một chỉ huy Công an Việt Minh tài giỏi. Chúng tìm mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, từ dùng cực hình, tra tấn dã man, đến mua chuộc, dụ dỗ, nhưng Trần Bá Giản vẫn giữ vững khí tiết người Cộng sản, người chiến sĩ công an cách mạng kiên cường, bất khuất, quyết không khai báo để bảo vệ bí mật cho lực lượng, cho Đảng, cho cách mạng.

Không khuất phục được ông, ngày 17/6/1951, bọn địch đã giết hại ông, chúng treo đầu ông trên cây đa ven đường thôn Nhạo Sơn, nơi có đông người qua lại với tấm biển có dòng chữ “Việt Minh nhìn đây, hãy coi chừng”, hòng uy hiếp tinh thần của cán bộ và nhân dân ta. Địch còn cho quân canh gác đêm ngày, không cho đồng đội và thân nhân của ông đến lấy đầu ông đưa đi chôn, nhưng đến một buổi sáng, đầu của người anh hùng đã biến mất. Địch càng kinh hãi, khiếp sợ.

Gương chiến đấu hy sinh anh dũng và khí tiết cách mạng kiên cường, bất khuất của Trần Bá Giản là biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ CAND tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Trần Bá Giản hy sinh nhưng tấm gương “sống dũng cảm, chết anh hùng” của ông đã được đồng chí, đồng đội và cán bộ nhân dân địa phương học tập, noi theo.

Trần Bá Giản đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng III. Ngày 1/9/2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 389KT/CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ CAND Trần Bá Giản.

Ngày nay, dưới gốc đa thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn, nơi cách đây 56 năm, kẻ thù hèn hạ đã giết hại và treo đầu ông trên cành đa, vào những ngày Rằm, mồng Một nhân dân trong vùng vẫn tới thắp hương tại một ngôi miếu nhỏ. Mọi người tưởng nhớ đến ông, một người Anh hùng với những chiến công như huyền thoại

Đoàn Hải Châu
.
.