Những chiến công vang dội của Anh hùng biệt động Lê Văn Việt

Thứ Tư, 02/05/2018, 20:00
Lúc sinh thời, trong gian thờ ở nhà của vợ chồng Anh hùng Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) - Vũ Minh Nghĩa (Chính Nghĩa), nguyên là Đội trưởng Đội 5, F100 Biệt động Sài Gòn, ngoài di ảnh cha mẹ, ông có thờ một người đồng đội từng sát cánh chiến đấu "vào sinh, ra tử" với ông trong nhiều trận đánh "xuất quỷ nhập thần" giữa lòng TP Sài Gòn như: khách sạn Caravelle, cư xá Brink, Tòa đại sứ Mỹ đường Hàm Nghi…

Đó là Anh hùng, liệt sỹ Lê Văn Việt (Tư Việt), người đã chiến đấu gan dạ, dũng cảm trong trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ năm 1965, trúng đạn bị thương bị địch bắt.

Sau khi nằm trong dự định trao trả tù binh nhưng không thành, địch đày ông ra Côn Đảo. Tại đây, ông cùng các tử tù Lê Hồng Tư, Phạm Văn Dẫu tổ chức vượt ngục nhưng bại lộ, địch bắt giam lại, tra tấn dã man đến chết. Ông đã vĩnh viễn nằm lại với nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Bà Vũ Minh Nghĩa, vợ anh hùng Bảy Bê, nữ chiến sĩ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968 bên mộ Anh hùng Lê Văn Việt.

Anh hùng Lê Văn Việt (Tư Việt) còn có các bí danh Nguyễn Văn Hai, Ba Thợ Mộc, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng sớm có truyền thống yêu nước, giác ngộ cách mạng.  Năm 1959, Lê Văn Việt thoát li theo cách mạng, ông được kết nạp Đảng vào ngày 3-2-1960 và sau đó gia nhập lực lượng Biệt động thành Sài Gòn.

Từ tháng 2-1960, Tư Việt được tổ chức phân công hoạt động nội tuyến. Trong những năm 1963-1964, Tư Việt cùng lực lượng võ trang tham gia các trận đánh tiêu diệt Bót Bà Bếp (Củ Chi), bót Cầu Xáng (Hóc Môn) và đánh phá Đài phát tin Quán Tre của quân đội VNCH và đặc biệt là trận đánh vào cư xá sỹ quan Mỹ Brink, Tòa Đại sứ Mỹ.

Những năm đầu 1960, người Mỹ xây dựng cư xá Brink làm nơi sống và làm việc của hàng trăm sĩ quan Mỹ sống độc thân. Cư xá được bố phòng cực kỳ cẩn mật và được bảo vệ nhiều lớp rào quân cảnh, mật vụ…

Tháng 12-1964, Trưởng ban Quân báo Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) nhận mệnh lệnh từ Bộ Chỉ huy tổ chức tấn công cư xá Brink. Tại căn cứ Bàu Chứa, Nhuận Đức, (Củ Chi) ông đã giao nhiệm vụ quan trọng này cho đồng chí Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Đội trưởng Đội 5, là một chỉ huy biệt động dày dạn kinh nghiệm để lên kế hoạch cùng đồng đội thực hiện. Triển khai ngay nhiệm vụ, các đồng chí Bảy Bê, Tư Mập, Tư Việt, Minh Nguyệt… tổ chức nhiều đợt điều nghiên, nắm vững các quy luật ra vào tại cư xá có lính gác 24/24.

Làm sao để mang 200kg thuốc nổ TNT vào đặt dưới gara để xe của tòa nhà này một cách an toàn? Chiến sỹ biệt động Tư Mập được phân vào vai tài xế lái xe chở  "ngài Thiếu tá cảnh sát" Bảy Bê đến cổng cư xá Brink hỏi thăm ngài đại tá Mỹ và chờ  dự lễ Noel. Bảy Bê xin lính gác cho xe vào gara của cư xá để chờ đón ngài Đại tá William Johson một cách an toàn.

Địch không chút nghi ngờ, bởi lúc đó là vào cuối giờ chiều ngày Noel 24-12-1964. Sau đó, giống như chờ quá lâu, Bảy Bê làu bàu vì  bụng đói, miệng khát khô nên xin phép ra ngoài ăn uống. Ông nhanh chóng cài mìn hẹn giờ, thoát ra bên ngoài an toàn. Chỉ hơn 10 phút sau, một tiếng nổ long trời, lở đất làm rung chuyển thành phố Sài Gòn, làm 175/270 sĩ quan, cố vấn Mỹ thương vong.

Năm 1965, Chính phủ Mỹ bắt đầu ồ ạt đưa quân đội vào tham chiến tại Miền Nam Việt Nam. Nhằm đánh đòn phủ đầu cảnh cáo quân xâm lược, Bộ Chỉ huy Miền đã giao nhiệm vụ cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức thực hiện đánh vào căn cứ đầu não địch nhằm tiêu diệt sinh lực cao ấp Mỹ và gây tiếng vang trên chiến trường, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh, chống Mỹ của quân dân Miền Nam và cả nước.

Trận đánh dũng cảm nhất và cũng là trận đánh cuối cùng của Tư Việt cùng đồng đội Biệt động Sài Gòn nhằm vào Tòa Đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi vào lúc 8h sáng ngày 30-5-1965. Đội trưởng Bảy Bê chỉ huy và trực tiếp đánh mìn với 150 kg thuốc nổ TNT chất trong xe. Tư Việt cầm đầu tổ chiến đấu dẫn đầu đội hình di chuyển áp sát Tòa Đại sứ, còn nhóm hộ tống rút lui do Minh Nguyệt hỗ trợ phía sau.

Theo kế hoạch, tổ biệt động xuất phát từ đường Trần Quang Khải. Đội trưởng Bảy Bê lái xe Frégate chở 150 kg thuốc nổ, trên xe có Trần Văn Thế bảo vệ, còn Năm Bắc và Tư Việt chạy xe gắn máy yểm trợ phía sau. Khi ngang qua mục tiêu cổng gác Tòa Đại sứ, một nơi chúng không cho dừng xe, Tư Việt rút súng ngắn hạ gục hai tên cảnh sát cho Bảy Bê lao xe tới. Xe thuốc nổ áp sát rào chắn bên hông. Bảy Bê và Thế giật nụ xòe kíp nổ rồi lao ra khỏi xe chạy đến bắn giải vây cho Tư Việt.

Đấu súng dữ dội. Đội trưởng Bảy Bê bắn về phía cảnh sát và đánh lạc hướng địch, chạy về phía đường Tôn Thất Đạm. Cùng thời điểm này là  một tiếng nổ long trời lở đất vang lên chấn động cả Sài Gòn. Lúc này, Tư Việt bị bao vây. Vừa bắn trả anh vừa chạy về hướng chợ Bến Thành ra đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để thoát thân.

Nhưng không may, anh bị một tên mật vụ nấp gần đó đã bắn thủng ruột. Một tay nhét ruột vào khoang bụng, Tư Việt dùng răng cắn rút chốt lựu đạn. Lựu đạn lép không nổ, anh vật lộn giữa nhóm cảnh sát, mật vụ cho đến khi kiệt sức mới sa vào tay địch.

Hay tin chiến sỹ biệt động Sài Gòn Tư Việt bị bắt, chỉ huy biệt động Tư Chu và Bộ Chỉ huy lực lượng biệt động vô cùng lo lắng, tìm mọi cách để giải cứu anh. Kiên quyết không lặp lại thất bại, do điều kiện, khoảng cách, phương tiên liên lạc khiến bọn địch tráo trở, lật lọng  như vụ trao đổi tù binh với anh hùng thợ điện Nguyễn Văn Trỗi, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố: Nếu chính quyền Sài Gòn xử tử Lê Văn Việt và anh công nhân Lê Hồng Tư thì phía Cách mạng sẽ xử bắn Trung tá CIA Mỹ tên Hertz là anh vợ của Tổng thống Mỹ Kennedy.

Hertz đang là sĩ quan công binh chỉ huy việc xây dựng, mở rộng đường băng sân bay quân sự trong phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng tiếc thay, kế hoạch trao trả tù binh không thể thực hiện được vì do Trung tá Hertz bị ốm và chết đột ngột. Lê Văn Việt lập tức bị Tòa án địch lưu đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo chờ thi hành án.

Ra đảo, ông bị nhốt ở phòng giam số 3, Trại Phú Hải, Côn Đảo một nơi từng giam cầm 250 tử tù chính trị trong thời kỳ chống Mỹ. Địch giam giữ chiến sĩ Biệt động Lê Văn Việt cùng các tử tù Lê Hồng Tư, Phạm Văn Dẫu chung một phòng. Tại đây các anh đã bàn tính với nhau về kế hoạch vượt ngục, thay vì nằm yên chờ chết.

Vào giữa đêm 2-10-1966, lợi dụng bọn lính gác say ngủ. Lê Văn Việt dùng kỹ thuật đặc công tay không áp vào góc vuông hai mặt tường giam, trèo lên nóc trại giam Phú Hải. Sau đó ông xé quần dài làm dây thòng xuống, kéo 2 đồng đội lên. Sợi dây quần lại được sử dụng làm công cụ để họ leo qua tường có chăng dây thép gai phía trên.

Đã được bố trí từ trước, bên ngoài có sẵn con "ngựa bổ" (thang thợ xây) áp sẵn vào tường. Ba chiến sĩ biệt động đu dây xuống "con ngựa bổ", nhảy xuống đất. Khi ra được bên ngoài, đêm tối, họ vô ý làm khua động một cái lon gây tiếng vang. Địch phát hiện có tù trốn, báo động khắp nơi nhưng họ đã kịp thời vượt ra khỏi khu giam, lần đường trốn lên núi.

Sau 2 ngày ẩn nấp, Lê Hồng Tư đã bị địch phát hiện bắt về lại trại giam. Còn Tư Việt và Phạm Văn Dẫu cũng bị bắt sau đó 9 ngày, khi đang lẩn trốn trên núi. Tư Việt bị địch đánh đập tra khảo rất tàn bạo. Đêm 30-11-1966, ông đã trút hơi thở sau cùng.

Ngày 20-12-1994, ông  được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam". Tên ông được  đặt cho một con đường lớn chạy dài từ xa lộ Hà Nội xuyên suốt qua Tăng Nhơn Phú, nơi đã sinh ra ông - một  người con anh hùng bất khuất.

Nam Yên
.
.