"Trại giam tù binh Phú Quốc":

Những cuộc nổ súng vào trại giam

Thứ Bảy, 30/05/2009, 16:05
Súng nổ như một trận đánh lớn, tầm súng càng lúc càng hạ thấp. Anh em chết và bị thương hàng loạt nhưng vẫn bắt được tên giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và tên trung sĩ Vũ Đình Khoan, giữ ở Phòng 6...

Tức nước vỡ bờ

Từ năm 1995, ông Trần Văn Kiêm, một nhà báo, cựu tù binh Phú Quốc (đã mất năm 2005) đã viết trong sách "Trại giam tù binh Phú Quốc":

...Trong phiếu trình đề ngày 5/2/1969, tên đại tá tham mưu phó Đào Trọng Tường báo cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết:

"Lúc 14h ngày 30/1/1969, Phân khu A6 không chịu đi làm, đập vách tôn la ó. Phân khu B6 cũng la ó, rồi C6 và D6 cũng làm theo. Một số tù binh B6 ùa ra leo rào kẽm gai. Một số thanh toán rượt theo. Quân cảnh nổ súng:

- 4 tù binh chết.

- 25 tù binh bị thương.

- 7 tù binh bị địch thanh toán được giải thoát.

"Đến chiều hôm sau 31/1/1969 còn 2 phân khu chưa chịu vào phòng".

"Vùng 4 chiến thuật cho 2 trực thăng võ trang đậu sẵn tại phi trường An Thới và Phòng Quân cảnh Bộ Tổng tham mưu đưa ngay 60 quân cảnh đến tăng cường".

Nhờ "phiếu trình" của những tên tay sai khét tiếng mà thế hệ hôm nay biết được những cuộc thảm sát đẫm máu của địch ở Phú Quốc. Theo phiếu trình ngày 4/6/1970, tên trung tá Đỗ Đức Tâm - trưởng khối Quân sự vụ đã gửi lên thiếu tướng Chánh Văn phòng Tổng thống:

"Như thường lệ, vào mỗi buổi sáng, lúc 7h, giám thị khu trại giam tập họp tù binh. Đoàn trưởng tù binh điểm danh và báo cáo. Tuy nhiên vào sáng ngày 5/5/1970, khi tập họp, có một số tù binh đè bắt ông giám thị và giết chết ngay. Nhân viên gác trên đài quan sát khu giam có bắn chỉ thiên để dọa tù binh nhưng vô hiệu. Liền sau đó, số tù binh trong trại giam lợi dụng sự lộn xộn toan vượt cổng để đào thoát ra rừng.

Thành phần ứng trực trại giam đã đến kịp thời và nổ súng vào đám tù binh toan vượt rào. Kết quả:

- 7 chết (có 2 do chúng thanh toán lẫn nhau).

- 54 bị thương (22 nặng được đưa về Tổng y viện Cộng hòa).

Nhân viên trại giam: 1 giám thị bị giết chết, 1 quân cảnh bị thương".

Bên lề phiếu trình này, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu có bút phê: "Có lẽ Thủ tướng cho đại tá Đắt làm việc này có hiệu quả hơn là ở Chí Hòa". Sau đó ít lâu, Thủ tướng ngụy quyền Trần Thiện Khiêm ra lệnh điều Trần Vĩnh Đắt ra làm chỉ huy trưởng Trại giam tù binh Phú Quốc.

Đầu tháng 2/1970, chấp hành lệnh của tòa Đại sứ ở Sài Gòn và của Bộ Quốc phòng ngụy, trước tết âm lịch, địch phân lập khoảng 700 sĩ quan miền Nam ở các khu đưa về Phân khu A4 (B4 là khu dành giam tù binh hạ sĩ quan miền Nam). Vừa mới đưa anh em về A4, địch đã  chuẩn bị ngay việc cưỡng ép chiêu hồi. Chúng cho bọn trật tự ở phân khu khác cầm gậy gộc rảo qua các phòng, đe dọa phải ngoan ngoãn nghe lời giám thị, nếu không sẽ bị thẳng tay đàn áp.

Đảng ủy phân khu chủ trương nếu địch đưa trật tự sang đàn áp sẽ chống lại. Anh em lựa một số người khỏe mạnh, dũng cảm, tổ chức thành một đội xung kích làm nhiệm vụ bửa củi. Nếu bọn trật tự vào thì đội xung kích sẽ dùng búa chặn đường, rút lui. Lúc ấy, toàn thể anh em trong phân khu sẽ ào ra đánh chúng.

Đúng như dự đoán của anh em Phân khu A4. Sáng 24 tết (năm ấy không có ngày 30), địch cho bọn trật tự nhìn mặt, lôi người ra đánh phủ đầu. Theo kế hoạch đã bố trí sẵn, bọn trật tự vừa lôi anh em ra đánh, toàn phân khu đã ào lên đánh lại. Anh em chỉ đánh bằng tay không. Địch cũng ở trong tư thế sẵn sàng, nên khi anh em vừa ào lên đánh, bọn quân cảnh liền nổ súng yểm trợ.

Anh em tù binh chiến đấu rất dũng cảm. Mặc dù quân cảnh nổ súng dữ dội, anh em vẫn không lùi bước. Một lát sau, bọn trật tự chạy thoát ra ngoài, để lại 3 xác chết và 1 tên bị thương rên khóc, quờ quạng mò đường ra cửa. Bên tù binh cộng sản, 13 người chết, khoảng 30 anh em bị thương.

Chỉ huy trưởng trại giam xuống nước hứa: sẽ không cho trật tự vào khu nữa và sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ theo tiêu chuẩn quy định. Anh em đồng ý cho chúng đưa người chết và bị thương ra. Nhưng ngay hôm sau địch đã trở mặt, vào bắt đi 19 người - phần lớn thuộc đội xung kích bửa củi, đem ra đánh, tìm người chủ mưu rồi đưa vào biệt giam 4 ngoài trời.

Địch nổ súng vào phân khu chiến sĩ miền Bắc

Giữa năm 1970, còn trong đợt cưỡng ép chiêu hồi, địch đưa một số anh em chiến sĩ quê miền Bắc từ D5 đến D4. Chúng tổ chức một đội trật tự gồm 4 tên, cho kiểm soát, kìm kẹp và đánh đập anh em, nhằm khủng bố tinh thần, cưỡng ép tù binh vào khu Tân sinh hoạt (tức chiêu hồi). Chúng bắt tù binh trước khi ra khỏi cổng đi làm bên ngoài và khi về, trước lúc vào phân khu phải hô khẩu hiệu phục tùng kỷ luật của trại giam. Anh em không chịu hô. Bọn giám thị đe dọa trừng phạt. Anh em bàn bạc phải kiên quyết chống lại, bởi bản chất của địch là "được  đằng chân sẽ lân đằng đầu",  chúng sẽ tiếp tục tìm cách khống chế anh em nhiều hơn...

Một buổi sáng, trước khi ra đi làm, địch bắt anh em hô khẩu hiệu. Anh em không hô. Tên giám thị xông vào đánh. Anh em đứng lên phản đối. Người từ các phòng cũng ùa ra sân hô: "Đả đảo việc bắt hô khẩu hiệu và đánh đập tù binh". Quân cảnh lập tức kéo đến, bao quanh bên ngoài, nổ súng  vào trại giam làm 1 tù binh chết, 8 người bị thương. Anh em không cho chúng mang người chết và bị thương ra, đòi đại diện Bộ chỉ huy đến giải quyết. Trước lý lẽ của anh em, tên trưởng khu thay mặt Bộ chỉ huy trại giam hứa sẽ không bắt tù binh hô khẩu hiệu, không đánh đập anh em nữa. --PageBreak--

Cuộc tàn sát lớn nhất trên đảo

Sáng ngày 6/5/1972, địch cho tập hợp toàn thể anh em Phân khu B8 ra sân trống ngoài phân khu để chúng lục soát, tìm "vũ khí bén nhọn" và tìm hầm. Cuộc lục soát kéo dài đến tận trưa. Anh em ngồi ngoài trời nắng, nóng suốt mấy tiếng đồng hồ, vừa đói, vừa khát. Đến 10 giờ, địch mới cho anh em  trở vào phân khu và đưa lương thực, thực phẩm đến cho anh em nấu cơm ăn. Cơm nấu bằng loại chảo lớn nên không thể nhanh được.

Đến chiều, anh em mới ăn xong bữa cơm sáng. Anh em đòi nấu tiếp một bữa nữa nhưng địch không cho, nói rằng trời đã tối, anh em vừa mới ăn còn no và nếu nấu một bữa nữa thì đến khuya mới xong, sẽ khó khăn cho chúng trong việc tuần tra canh gác. Hai bên tiếp tục giằng co với nhau. Địch bắt anh em mang cà mèn ra. Anh em kiên quyết chống lại...

Lính quân cảnh được lệnh kéo đến dàn bên ngoài  B8. Tên tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8 cùng giám thị quân cảnh kéo vào trong phân khu, lệnh cho anh em đem cà mèn ra. Anh em kiên quyết không mang. Đến 8 giờ tối, địch bắt đầu đánh đập tù binh. Anh em căm phẫn đánh lại. Chúng vội vã tháo chạy và gọi bên ngoài nổ súng yểm trợ.

Súng nổ như một trận đánh lớn, tầm súng càng lúc càng hạ thấp. Anh em chết và bị thương hàng loạt nhưng vẫn bắt được tên giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và tên trung sĩ Vũ Đình Khoan, giữ ở Phòng 6. Một lát sau, tên trung tá Chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực đến đề nghị đưa người bị thương ra. Anh em tù binh đòi trừng trị tên chỉ huy đã ra lệnh nổ súng giết hại tù binh, từ nay phải chấm dứt bắn vào trại, phải phát cá tươi, lương thực đầy đủ, chôn cất người chết tử tế. Anh em được quyền đưa đi chôn tù binh và tự do tổ chức lễ truy điệu, được điều trị người bị thương đàng hoàng.

Trước khí thế bừng bừng của người tù, tên chỉ huy trưởng đành chấp thuận yêu sách. Theo phiếu trình số 5889/TG, TBCSVN/PQ của tên Chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực, cuộc nổ súng này chúng đã giết chết 13 tù binh, làm bị thương 56 người. Nhưng theo anh em trong Phân khu B8, đây là cuộc tàn sát lớn nhất xảy ra tại Trại giam tù binh Phú Quốc (TGTBPQ), có đến 140 người chết và bị thương (trong số này có đến 36 tù binh người Bến Tre, cũng có một số người bị thương nhẹ không báo cáo).

Tên trung tá Bùi Bằng Dực còn viện dẫn rằng nhân viên quân cảnh đã áp dụng theo Huấn thị số 1130/QP về các tiêu lệnh điều hành trại giam. Vì vậy, cuộc nổ súng như vậy là "hợp lý và cần thiết". Tất nhiên, bọn quan thầy của chúng xem những "phiếu trình" như thế là hợp lý, bởi ở "lò sát sinh" Phú Quốc, nhiều tên ác ôn đã tuyên bố: tính mạng tù binh chỉ đáng giá một tờ trình 2 đồng bạc!

Biệt giam - nơi tù binh chết và bị thương tật nhiều nhất

Hiểu theo cách thông thường, TGTBPQ có 12 khu giam, với 44 phân khu giam, hơn 500 nhà tôn giam tù. Từ những năm 1968, khi phong trào đấu tranh tù binh lên cao, địch lấy 2 Phân khu B2 và A6 làm phân khu biệt giam. Trong phân khu, chúng cho rào cách ly từng cụm 3 phòng hoặc cách ly từng phòng, có chế độ hết sức gắt gao, tù binh thường xuyên bị phạt vạ, bị đánh đập hết sức tàn nhẫn. Sau này, Bộ chỉ huy TGTBPQ cho dựng các biệt giam nằm bên ngoài phân khu, ở khoảng đất trống giữa liên phân khu A+B và C+D. Có 4 biệt giam ngoài phân khu là biệt giam 2, 3, 5 và 6.

Tại biệt giam, chúng lấy bùng nhùng quây nhiều lớp, trên lợp nhà dù, anh em tù binh phải nằm dưới đất, không có chiếu, mùng, mền. Riêng biệt giam 2, bên trong bùng nhùng địch còn cho dựng một lớp vỉ sắt, bề ngang 1 tấm, bề dài 3 tấm, một phần vỉ sắt được âm dưới đất và các tấm khác cột vào cọc sắt chồng lên cao khỏi đầu, nền cũng bằng vỉ sắt, trên phủ nhà dù.

Biệt giam 2 khá kiên cố và rất nóng nực vì sức cản gió và ánh sáng. Biệt giam 2 với diện tích chỉ 27m2 mà có lúc địch giam đến 180 người. Anh em phải chia ra nửa nằm, nửa ngồi. Lúc ngủ phải nằm nghiêng, co chân gác lên vai người trước. Lúc đông quá, không đủ chỗ nằm, anh em phải phân chia một số người đứng. Khi đến phiên, một số người ăn, ngủ đều phải đứng.

Khoảng 1 tháng rưỡi hoặc 2 tháng, địch mới cho anh em tắm 1 lần. 10 người được nửa phuy nước. Nhưng thùng phuy bị đục lỗ xỏ quai khiêng đi nên chẳng còn được nửa phuy. Gặp nước anh em vồ lấy uống dù biết đó là nước sống và chấp nhận bị quân cảnh đánh đập. Chúng hối thúc tù binh tắm cho nhanh khiến anh em chỉ kịp chà xát qua loa và cũng không đủ nước để tắm cho sạch. Điều kiện vệ sinh như thế nên ở biệt giam đầy chấy rận, nhiều người bị ghẻ lở toàn thân hôi thối, bọn quân cảnh canh gác phải đứng cách đó vài chục mét.

Biệt giam là nơi địch giam giữ những người chúng cho là lãnh đạo đấu tranh, những người bị cho là cứng đầu, kiên quyết chống lại chúng, những người lãnh trách nhiệm diệt bọn mật báo, bọn trật tự hoặc tổ chức vượt trại. Trước khi bị đưa đến biệt giam, anh em đã phải trải qua những ngón đòn hết sức khốc liệt ở Ban điều hành, Ban an ninh. Có anh em vì đến biệt giam đã kiệt sức, không bước đi nổi.  Vậy mà trước khi vào biệt giam, mỗi người đều phải làm thủ tục "nhập trại", có thể đó là chày vồ vào mắt cá, 10 thước bảng vào ngực, 5 gậy vào cùi chỏ hoặc nộp cho thượng sĩ nhứt Nhu 1, 2 cái răng.

Những biệt giam ngoài phân khu này cũng là nơi hội tụ những tên ác ôn nhất. Cứ vào buổi chiều, tên thượng sĩ Vinh, an ninh của Tiểu đoàn 8 thường vào biệt giam 6 đánh anh em. Nhiều khi chúng rủ thêm 4-5 tên kéo nhau đến biệt giam lôi anh em tù binh ra đánh đập, chửi bới. Những lúc ngà ngà rượu, chúng càng hung hăng.

Những cựu TBPQ lý giải những hành vi khát máu đó:  Chúng đánh tù binh không phải để khai thác tin tức cũng không phải vì anh em, vi phạm kỷ luật, mà để trút mối căm thù lên những người cách mạng đã sa cơ, để trả thù cho những thiệt hại của chúng trên chiến trường, có khi chỉ đơn giản là để giải trí. Đặc biệt, tên thượng sĩ nhứt Nhu cai quản biệt giam 2. Vì vậy, đây cũng là biệt giam ác liệt nhất - nơi có nhiều tù binh thiệt mạng và tàn phế nhất.

Tên thượng sĩ nhứt Nhu nghỉ hưu khoảng tháng 8/1973. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hắn đi học tập cải tạo 5 năm 4 tháng rồi về sống với vợ con trong một khu vườn khá rộng ở Phú Quốc. Nhiều cựu TBPQ sau này có dịp ra đảo đã đến gặp Trần Văn Nhu tại nhà hắn. Tên Nhu thú nhận đã gây ra nhiều tội ác cho anh em tù binh nhưng đổ trút tất cả cho cấp trên. Hắn nói: "Tiêu lệnh quy định là nếu tù binh nào ngoan ngoãn thì đối xử tử tế, còn dán biểu ngữ, truyền đơn, bắt giám thị thì dùng vũ lực hoặc vũ khí”. Hắn đánh đập tù binh là để cấp trên vừa lòng, không nghi ngờ vì hắn không có chỗ dựa, không được ưu đãi.

Ông Phan Văn Nhẫn - cựu TBPQ từng bị hắn đục 6 chiếc răng, vào cuối năm 1993 cùng một số đồng chí trở lại đảo, ghé nhà Trần Văn Nhu.  Ông  Chín Nhẫn kể: "Lúc ấy, ông ta đã già đi nhiều. Ông ta sống cùng vợ con, với thu nhập từ vườn tiêu. Cháu nội ông ta được đi học như bao công dân khác ở Phú Quốc. Tôi nghĩ bụng: Nhà nước ta đối xử với những tên Việt gian nợ máu như Trần Văn Nhu như vậy là rất khoan hồng, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Tôi thăm dò ông ta 2 điểm: Ông ta đã đục răng bao nhiêu anh em ở TGTBPQ? Có nhớ được tôi là nạn nhân của ông ta không? Cả 2 điểm, ông ta đều cho biết không nhớ nổi. Có lẽ đây là dịp đầu tiên tôi nghe lời nói thật của một trong những kẻ đàn áp chuyên nghiệp các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày".

(Còn nữa)

Trầm Hương
.
.