Những kỷ niệm không quên về cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

Thứ Tư, 20/01/2016, 15:15
Khi kết thúc buổi gặp, Bộ trưởng nói đại ý: Những chuyện nói với các đồng chí hôm nay, không phải ai cũng có thể nghe trong thời điểm này. Tất nhiên cũng có chuyện về Bác tôi chưa có thể nói với các đồng chí bây giờ, như thời điểm Bác ra đi, về với Lênin, với thế giới người hiền… Tuần sau Bộ Chính trị sẽ cho công bố Di chúc của Bác cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè năm châu được biết...


Ngày 16-12-2015, tôi vinh dự được tham gia đoàn đại biểu CLB sĩ quan Công an cao cấp hưu trí của Bộ Công an về xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để đến nhà tưởng niệm thắp nén hương thơm tưởng nhớ cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy, người đồng chí, người lãnh đạo mẫu mực của bao thế hệ công an chúng ta nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/1/1916 - 23/1/2016).

Tôi là một trong số 100 học sinh miền Nam đầu tiên được Bộ Công an tuyển chọn vào Lực lượng (15-8-1963) với chủ trương đào tạo cấp tốc để đưa về miền Nam góp phần đấu tranh chống Mỹ - ngụy, giải phóng quê hương. Sau khi học lý luận chính trị và nghiệp vụ công an, lớp B6 - C500 chúng tôi được đi thực tập xây dựng phong trào bảo vệ trị an, phòng chống gián điệp biệt kích ở hầu hết các tỉnh miền Bắc lúc bấy giờ (từ tháng 3 đến tháng 8-1964).

Tôi thực sự là một người may mắn bởi vì đúng hôm lớp chúng tôi được rút về trường cũng là lúc lớp học võ thuật của Bộ Công an do chuyên gia Triều Tiên huấn luyện, biểu diễn báo cáo kết quả luyện tập với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại hội trường lớn của Trường Công an Trung ương - nay là Học viện An ninh.

Tôi vốn là con đất Võ Bình Định, có lẽ hôm đó do sự quá say mê của tôi trước các động tác võ thuật do các vận động viên của ta vừa biểu diễn, nên đồng chí Bộ trưởng mới chú ý. Khi buổi biểu diễn kết thúc, đồng chí Bộ trưởng đến vỗ lên vai tôi hỏi:

- Cậu thấy đánh có hay không?

- Dạ có!

- Cậu có làm được không?

- Dạ, nếu Bộ trưởng cho đi học thì chắc cháu làm được ạ!

Nghe tôi nói thế, Bộ trưởng ngắm kỹ tôi một chút và cười rất vui:

- Có chí khí, nhưng bé người thế này thì khó đấy!...

Nói rồi ông nắm tay tôi lắc nhẹ và đi ra cửa nơi có chiếc Vonga màu đen đang chờ!

Năm 1965, tôi cùng nhiều anh em được Bộ trưởng cử sang nước Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDC Đức) học chuyên ngành kỹ thuật hình sự (KTHS). Khi chúng tôi về nước cũng là lúc đồng chí Bộ trưởng mời chuyên gia CHDC Đức sang giảng dạy nghiệp vụ KTHS cho công an các địa phương. Thời gian học của mỗi khóa là 6 tháng, học tại Trường Công an Trung ương.

Đồng chí Thiếu tá Trần Đức Trường, Trưởng khoa KTHS Trường Cảnh sát được cử phụ trách chung. Tôi và 5 anh em vừa học KTHS ở Đức về được Bộ cử làm trợ giảng cho các chuyên gia. Đồng chí Bộ trưởng quy định cuối tuần lớp phải có báo cáo tình hình học tập bằng văn bản.

Tôi còn nhớ một lần, tôi được cử mang bản báo cáo ra trình Bộ trưởng. Khi tôi đang ngần ngừ đứng trước cổng vào sân nhà thì có một bà đứng tuổi mở cổng đi ra. Khi biết tôi mang báo cáo đến cho Bộ trưởng, bà bảo: Lần sau khi đến, anh cứ ấn vào nút chuông này 3 lần, sẽ có người ra đón anh. Nói rồi bà đưa tay ấn chuông 3 lần… Sau này tôi được biết người phụ nữ tôi nói ở trên là đồng chí Song Toàn, phu nhân Bộ trưởng.

Đồng chí Bộ trưởng đọc báo cáo của lớp rất kỹ. Ông trực tiếp phê vào báo cáo và sửa cả lỗi chính tả cho chúng tôi. Vì là trợ giảng cho chuyên gia nên chúng tôi hay có dịp gặp Bộ trưởng và thỉnh thoảng làm phiên dịch bất đắc dĩ cho Bộ trưởng nếu hôm đó không có phiên dịch đi cùng.

Khóa 1 của lớp KTHS do chuyên gia KTHS Đức giảng dạy được 3 tháng thì Bác Hồ mất. Sau Quốc tang 3 ngày, Bộ trưởng vào trường gặp riêng chúng tôi để giao nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, theo cách nói của Bộ trưởng lúc ấy.

Khi mọi người đã ngồi vào vị trí của mình, đồng chí Bộ trưởng đưa ra một xấp tài liệu và nói: Đây là 3 bản di chúc của Bác Hồ để lại cho chúng ta. Tôi đề nghị các đồng chí chụp 3 bản di chúc này với kết quả tốt nhất.

Quay về phía đồng chí Trần Đức Trường, Bộ trưởng nói: Tôi giao anh Trường trực tiếp quản lý và bảo quản 3 bản di chúc này theo chế độ tài liệu tuyệt mật. Đây là tài sản vô giá Bác Hồ để lại cho chúng ta và con cháu đời sau. Nếu chúng ta để mất hay hư hỏng là chúng ta có tội với nhân dân, với con cháu muôn đời sau… Tiếp đó, ông giở từng bản di chúc giới thiệu nội dung và xuất xứ.

Đồng chí Bộ trưởng kể: Năm 1965, sau lần bị ốm mệt, do cảm thấy sức khỏe không còn được như trước nên Bác viết di chúc phòng khi bất trắc (bản đánh máy đề ngày 15-5-1965). Trong lần họp Bộ Chính trị gần nhất sau ngày viết di chúc, Bác Hồ đưa bản di chúc ra (tất nhiên không ai được đọc) và nói đại ý: Hiện nay sức khỏe tôi không được tốt, phòng khi bất trắc, tôi viết sẵn mấy lời này để lại cho toàn Đảng, toàn dân… Đề nghị đồng chí Bí thư thứ nhất ký chứng kiến vào đây... Ngay khi ký xong, đồng chí Lê Duẩn cất chiếc phong bì có bản di chúc đã được dán kín vào két sắt bảo mật trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Đồng chí Bộ trưởng nói tiếp: Từ hôm đó đến khi Bác mất, Bộ Chính trị đinh ninh rằng Bác Hồ của chúng ta chỉ để lại có bản di chúc do tự tay Bác đánh máy và đã có sự ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn. Mãi đến khi Bác mất được khoảng một giờ thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác mới đưa một phong bì dán kín cho đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị (đang họp bàn việc tổ chức lễ tang Bác) và nói đại ý: Cuối tháng 5 vừa rồi (năm 1969), Bác có đưa tôi chiếc phong bì này và dặn cất kỹ, chỉ sau khi Bác mất một giờ mới đưa cho đồng chí Bí thư thứ nhất và Bộ Chính trị. Nay tôi xin làm theo ý nguyện của  Bác… Đó chính là bản di chúc tự tay Bác viết mà tôi đang cầm trước mặt các đồng chí đây. Sau khi đọc kỹ các bản di chúc của Bác để lại, Bộ Chính trị quyết định sẽ công bố công khai và chính thức bản di chúc viết tay này của Bác…

Chúng tôi ngồi im phăng phắc và rất xúc động khi nghe đồng chí Bộ trưởng nói về di chúc của Bác, về những ngày cuối cùng trước lúc Bác đi xa… Hôm đó chúng tôi thật sự tự hào khi chính đồng chí Bộ trưởng tin tưởng giao nhiệm vụ và về những thông tin Bộ trưởng cho biết mà ở thời điểm đó không phải ai cũng có thể biết…

Khi kết thúc buổi gặp, Bộ trưởng nói đại ý: Những chuyện nói với các đồng chí hôm nay, không phải ai cũng có thể nghe trong thời điểm này. Tất nhiên cũng có chuyện về Bác tôi chưa có thể nói với các đồng chí bây giờ, như thời điểm Bác ra đi, về với Lênin, với thế giới người hiền… Tuần sau Bộ Chính trị sẽ cho công bố Di chúc của Bác cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bạn bè năm châu được biết...

…Vào một ngày thứ bảy cuối tháng 9-1969, hơn 9 giờ, anh Đường - lái xe riêng của Bộ trưởng đến phòng tôi ở và bảo: Bộ trưởng đến thăm đoàn chuyên gia, đang đợi ở phòng khách, anh mời các đồng chí ấy xuống (hôm ấy đến phiên tôi trực cạnh đoàn chuyên gia tại khách sạn Kim Liên). Sau khi thông báo cho các đồng chí chuyên gia xong, tôi vội đến phòng khách để trình diện với Bộ trưởng.

Tôi tranh thủ báo cáo để Bộ trưởng rõ là đồng chí Parker - Trưởng đoàn chuyên gia cùng một chuyên gia khác đã vào trường làm việc với lớp. Hiện chỉ có 3 đồng chí chuyên gia ở nhà và 10 giờ sẽ vào làm việc với lớp. Vừa lúc ấy, 3 đồng chí chuyên gia xuống đến nơi. Đồng chí Bộ trưởng đứng dậy bắt tay từng người và mời họ ngồi.

Trung tướng Lê Thành, Chủ nhiệm CLB sĩ quan Công an hưu trí, Bộ Công an, cùng đoàn cán bộ Sĩ quan công an hưu trí thắp hương tưởng nhớ cố Bộ trưởng (tại Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Sau khi hỏi thăm sức khỏe từng đồng chí chuyên gia, Bộ trưởng nói: Hôm qua tôi nhận được 2 chiếc máy chụp ảnh lấy ngay của Bộ Nội vụ CHDC Đức gửi tặng. Một chiếc tôi chuyển cho Cục C39 (Cục Kỹ thuật, gồm có KTHS và các biện pháp trinh sát kỹ thuật). Một chiếc tôi giữ và hôm nay mang đến chụp tặng các đồng chí vài kiểu làm kỷ niệm. Mời các đồng chí xuống sân chụp, rồi tôi sẽ đi cùng các đồng chí vào trường làm việc với đồng chí trưởng đoàn… khi xuống đến sân, tôi mời 3 đồng chí chuyên gia đứng cạnh một khóm hoa và đồng chí Bộ trưởng đưa máy ảnh lên ngắm rồi chụp ngay. Xong Bộ trưởng ấn nút tự động, nửa phút sau tấm ảnh từ từ hiện ra. Mọi người vỗ tay tán thưởng rất vui.

Ngay sau đó mọi người khẩn trương lên xe vào trường (vậy mà cũng hơn 10 giờ xe mới chuyển bánh được). Trước lúc đó, tôi tranh thủ hỏi riêng Bộ trưởng, nhằm biết Bộ tưởng sẽ làm việc đến mấy giờ, còn dặn khách sạn để phần cơm. Bộ trưởng bảo chỉ hơn một tiếng, vì sau đó Bộ trưởng còn có việc. Do đồng chí Bộ trưởng biết anh em chúng tôi còn hạn chế về tiếng Đức nên chỉ trao đổi với chuyên gia những vấn đề về nội dung học tập của lớp và nói ngắn gọn để tôi đủ sức dịch…

Đến hơn 11 giờ, nội dung công việc đã dần khép lại. Nhưng các đồng chí chuyên gia chuyển sang một vấn đề khác, hoàn toàn mới. Đó là đề tài về Bác Hồ. Đồng chí Bộ trưởng tỏ ra xúc động và cảm ơn các đồng chí chuyên gia đã quan tâm. Lúc đầu Bộ trưởng nói ngắn gọn về những ngày tang lễ Bác… dần chuyển sang di chúc Bác để lại, những ngày cuối cùng của Bác. Thời gian cứ thế trôi qua một cách nhanh chóng… Lúc mọi người sực nhớ, nhìn đồng hồ thì đã quá 11 giờ 30 phút.

Khi tôi cùng các đồng chí chuyên gia về đến khách sạn Kim Liên thì đã 12 giờ trưa. Giờ ấy đối với nhân viên phục vụ chúng tôi thì không còn cơm. Tôi đành chờ bữa cơm chiều, vì lúc bấy giờ cả miền Bắc sống trong chế độ bao cấp, không có hàng quán tư nhân nên không thể tìm được thứ gì quanh khách sạn này có thể ăn được!...

Từ buổi ấy đến khi kết thúc khóa 3 của lớp KTHS cho các địa phương trên toàn miền Bắc do các chuyên gia CHDC Đức giảng dạy, tôi còn có nhiều dịp trực tiếp phục vụ cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Nhưng những kỷ niệm nói trên là những điều in đậm vào ký ức tôi từ đó đến hôm nay - có dịp là ùa về, hiển hiện không thể nào quên, như đồng chí cố Bộ trưởng vẫn ở cạnh mình! Hôm nay với tình cảm kính trọng, nhớ thương tự đáy lòng, tôi thành kính dâng lên ông những dòng ký ức từ những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi tự hào của cả dân tộc ta. Hy vọng bài viết sẽ góp phần nói lên tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Công an nhân dân đối với cố Bộ trưởng.

Đại tá, TS, NGƯT Châu Nam Long
.
.