Những kỷ vật trở về từ nước Mỹ

Thứ Năm, 01/08/2013, 16:30

Ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện có những kỷ vật của các chiến sĩ giải phóng do các cựu chiến binh Mỹ trao trả sau nhiều năm họ lưu giữ. Đã có những kỷ vật được trả lại cho gia đình chủ nhân sau hàng chục năm lưu lạc nơi đất khách quê người, nhưng có những kỷ vật vẫn đang trong hành trình tìm lại chủ nhân…

I- Đưa cho tôi xem 4 kỷ vật vừa mới tiếp nhận từ Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, gồm: 1 bút máy màu đen khắc dòng chữ "Nguyễn Xóa, y tá bộ đội"; 2 quyển sổ ghi chép các bài hát, bài thơ có ghi tên "Nguyễn Thị Hoa Nở"; 1 tuyển tập "Ca dao" do Ban Thông tin văn hóa Bình Định ấn hành và một bức ảnh chân dung thiếu nữ, chị Hương, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết đây là những kỷ vật do Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Mỹ tiếp nhận từ các gia đình cựu binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên những cựu chiến binh Mỹ trao trả những kỷ vật mà họ thu được sau mỗi trận đánh ở chiến trường Việt Nam.

Tháng 8/2001, Thomas Smith là cựu chiến binh (CCB) Mỹ đầu tiên trao tặng kỷ vật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đó là một lá cờ Đảng. Khi trao lại kỷ vật này, Thomas Smith nói rằng "Người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết... Tôi nghĩ anh ấy đã về nhà... Tôi trở thành người tốt hơn nhờ anh ấy, anh thực sự là người bạn vô hình của tôi".

Tháng 9/2011, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao cho Bảo tàng một lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do CCB Patrick McMakin gửi tặng, với mong muốn "để công chúng chiêm ngưỡng và qua đó thấy được những gian khổ của cuộc chiến tranh".

Patrick McMakin nguyên là pháo thủ thuộc Tiểu đoàn 2, Đơn vị Bộ binh số 47, Lữ đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 9 Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Mùa mưa năm 1969, khi đơn vị của Patrick McMakin tràn qua một doanh trại của Quân giải phóng, McMakin đã lấy được lá cờ bên thi thể của một người lính đã hy sinh

Trở về Mỹ với món "chiến lợi phẩm" này, McMakin luôn bị ám ảnh về những ngày tháng ở Việt Nam, nhất là mỗi khi nhìn lá cờ. Vì vậy trong một lần gặp Đại tướng Phạm Văn Trà, McMakin đã trao lại cho ông. Sau hơn 40 năm, lá cờ vẫn còn nguyên những vết đạn và máu của người lính giải phóng, người đã quyết giữ lá cờ.

Trong số nhiều kỷ vật trở về từ nửa vòng trái đất ấy, có những kỷ vật đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao trả cho gia đình các liệt sĩ.

Bút tích trong cuốn sổ của người mang tên Nguyễn Thị Hoa Nở.

Tháng 5/2012, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường nhận được một gói bưu phẩm. Khi mở ra, ngoài tấm bằng khen mang tên Nguyễn Văn Đương, còn có một lá thư vẻn vẹn có 3 dòng viết bằng tiếng Anh với nội dung "Trân trọng nhờ Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chuyển nó về cho ông Nguyễn Văn Đương hoặc gia đình của ông Đương ở Việt Nam", bên dưới ký tên "Người bạn của nhân dân Việt Nam". Đại sứ Nguyễn Quốc Cường sau đó đã chuyển cho Phòng Tùy viên quốc phòng bức thư đó và Bằng khen của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương. Kỷ vật đó được chuyển về Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.

Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng các cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tìm được thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đương. Liệt sĩ Nguyễn Văn Đương sinh năm 1935, quê tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nhập ngũ năm 1965 và là Tiểu đội trưởng thuộc Đơn vị D6, phụ trách nhu yếu phẩm. Ngày 25/7/1971, trên đường đi rút gạo ở ấp Phước Nguyên thuộc chiến trường Phân khu 4 trước đây, ông bị địch phục kích.

Tháng 9/2012, sau mấy chục năm lưu lạc trên đất Mỹ, kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao trả cho gia đình liệt sĩ ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhận lại kỷ vật của người chồng, người cha sau hơn 40 năm lưu lạc nơi đất khách, tất cả gia đình liệt sĩ Đương đều xúc động bởi cho tới lúc đó, gia đình vẫn chưa biết mộ của ông đang được đặt ở nghĩa trang liệt sĩ nào.

Một trường hợp khác, đó là những kỷ vật của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leo Panetta đã trao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh một số kỷ vật của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn gồm: 1 giấy chứng minh, 1 ảnh, 1 sổ nhật ký và 2 đồng tiền giấy cũ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mệnh giá 1 đồng và 5 đồng.

Liệt sĩ Vũ Đình Đoàn sinh năm 1934, nhập ngũ năm 1960 và hy sinh năm 1966 tại chiến trường Quảng Ngãi. Thân nhân của liệt sĩ Đoàn chỉ biết ông hy sinh tại đồi Chóp Nón, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 2001, gia đình liệt sĩ Đoàn mới vào Quảng Ngãi tìm mộ lần đầu tiên, và năm 2008 quy tập hài cốt liệt sĩ về quê. Vì vậy, cả gia đình đều bất ngờ khi được nhận lại những kỷ vật của người thân sau mấy chục năm lưu lạc tận đất Mỹ.

Người đã mang những kỷ vật này về Mỹ và lưu giữ suốt 46 năm là ông Ira Robert Frazure - CCB Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Ngày 28/3/1966, Đại đội Bravo (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7) Thủy quân lục chiến Mỹ giao tranh ở chiến trường Quảng Ngãi trong chiến dịch Indiana. Ira Robert Frazure khi đó ở Đại đội Charlie trong lúc dọn dẹp chiến trường đã nhặt được cuốn sổ ghi chép nhỏ trên ngực một chiến sĩ Quân giải phóng đã hy sinh. Cuốn sổ nhỏ đề tên Vũ Đình Đoàn. Đi kèm với cuốn sổ là tấm ảnh hai cô gái, vài đồng tiền cũ và giấy chứng minh nhân dân.

Sau khi xuất ngũ vào tháng 11/1966, Robert Frazure đã mang những kỷ vật ấy về Mỹ. Trở về Mỹ, mang theo nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, Robert Frazure đã nhiều lần muốn trả lại những kỷ vật này cho Việt Nam, nhưng rồi vì những khó khăn khách quan, nên phải mất nhiều năm, cuối cùng qua một hành trình dài với sự giúp đỡ của một kênh truyền hình, những kỷ vật này được gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Leo Panetta.

Những kỷ vật đang chờ tìm chủ nhân.

II- Trở lại với những kỷ vật vừa tiếp nhận, chị Hương, cán bộ Bảo tàng, cho biết: Hiện bảo tàng cũng bắt đầu tìm kiếm thông tin về chủ nhân của chiếc bút máy màu đen khắc dòng chữ "Nguyễn Xóa, y tá bộ đội"; 2 quyển sổ ghi chép các bài hát, bài thơ có ghi tên "Nguyễn Thị Hoa Nở"; 1 tuyển tập "Ca dao" do Ban Thông tin văn hóa Bình Định ấn hành và một bức ảnh chân dung thiếu nữ.

Mặc dù cả hai quyển sổ đều ghi chép rất nhiều nhưng đều là những bài thơ, bài hát chứ tuyệt nhiên không hề có một chút thông tin cá nhân nào của chủ nhân ngoài cái tên Nguyễn Thị Hoa Nở. Ngay cả bức ảnh thiếu nữ cũng không có tên nên không biết đây có phải là ảnh của người có tên Nguyễn Thị Hoa Nở trong hai cuốn sổ hay không.     

Tôi lật giở những trang sổ đã ngả màu thời gian, ở trang trong ngay sau bìa của một cuốn sổ có dòng chữ viết bằng mực màu xanh "Vở bài hát của em. Nguyễn Thị Hoa Nở" và trang kế tiếp có dòng chữ "Thứ ba ngày 24 tháng 4 năm 1965. Sang xuân Bính Ngọ gửi đôi lời". Chỉ có thể phỏng đoán chủ nhân của hai cuốn sổ này là người lãng mạn, yêu thơ và thích hát. Bởi trong cuốn sổ chép rất nhiều bài hát những năm chống Pháp, Mỹ như: "Tây Bắc mừng vui", "Tình anh giải phóng", "Bắc Nam thống nhất hai miền", "Xuân chiến khu"….ngoài ra còn có cả những bài chòi binh vận. 

Xen giữa những trang chép thơ, bài hát là những bức tranh vẽ hoa, chim kiểu ký họa và những câu "thơ" như: "Thu đi để lại lá vàng/ Người đi để lại muôn ngàn nhớ thương". "Xuân đi để lại hoa tàn/ Người đi để lại vài lời cảm yêu".

Trong cuốn sổ này, còn có nhiều nét bút khác nhau, nên có thể đây còn dùng để ghi lưu bút của những người bạn của chủ nhân cuốn sổ. Trong đó có cả những dòng lưu bút bằng thơ như: " Anh gặp em  vào buổi trưa hè/ Má đào ửng đỏ nón em che/ Bâng khuâng anh đứng nhìn em mãi/ Bước vội đi em kẻo nắng hè….". Bên dưới bài thơ này đề ngày 19/8/1966.

Những kỷ vật này do 2 cựu binh Mỹ thu được và đem về Mỹ từ cuối những năm 1960. Trước khi qua đời, các cựu binh Mỹ đã trao cho gia đình và bày tỏ mong muốn các kỷ vật này sẽ được trả lại các gia đình quân nhân Việt Nam.

Hiện gia đình các cựu binh này đang sống tại Barhamsville, bang Virginia và Owosso, bang Michigan, Hoa Kỳ. Khi trao lại cho phía Việt Nam, các gia đình đều mong muốn có được thông tin về tình hình của các gia đình quân nhân Việt Nam có kỷ vật được trao trả.

Vì vậy, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam rất mong thông qua báo chí, ai biết thông tin của chủ nhân hoặc thân nhân của chủ nhân những kỷ vật này, liên hệ trực tiếp với Bảo tàng để cung cấp thông tin

Nguyễn Thiêm
.
.