Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (28/1/1941 - 28/1/2011):

Những ngày giữa rừng Pác Bó

Thứ Sáu, 28/01/2011, 07:00
Từ cuối tháng 12/1940, tại làng Nậm Quang (thuộc Tĩnh Tây, Trung Quốc) nằm sát biên giới nước ta, lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã mở một lớp huấn luyện chính trị do Người và các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng biên soạn giáo án và trực tiếp giảng dạy.

Chương trình học gồm 3 vấn đề lớn: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức các đoàn thể cứu quốc trong mặt trận Việt Minh; Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Học viên có 43 người ở phân tán trong các nhà dân trong hai bản Nậm Quang và Ngàn Tẩy.

Các buổi học được tổ chức ở ngoài trời, ai biết chữ thì ghi chép, ai không biết chữ thì lắng nghe, ai hiểu nhanh thì nhắc lại cho người chưa hiểu. Xong phần lý thuyết thì thực hành. Anh em chia thành hai nhóm vào vai cán bộ và nhân dân rồi lại đổi vai để đưa ra các câu hỏi và giải đáp cặn kẽ. Bác duyệt rất kỹ tất cả các bài giảng và sau mỗi bài lại họp rút kinh nghiệm ngay.

Ngày 26/1/1941, khóa học kết thúc, mọi người chia tay nhau tỏa đi khắp nơi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng trở lại Tĩnh Tây, năm anh em Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Cáp, Lộc được theo Bác từ Nậm Quang về nước. Đoàn khởi hành từ sáng sớm ngày mùng 2 tết Âm lịch (28/1/1941), đến 9 giờ sáng mới đến làng Pò Vẩn, vượt dốc, men theo sườn núi đá tai mèo lởm chởm xuyên qua rừng lau rậm rạp khoảng hơn 10 giờ thì đến cột mốc biên giới bằng đá mang số hiệu 108 có khắc chữ Hán và chữ Pháp chỉ rõ địa phận nước Việt Nam. Bác đặt chiếc gậy tre xuống chân, vốc một nắm đất rồi ngẩng lên với đôi mắt nhòa lệ nhìn đăm đăm xuôi về phương Nam.

Sau làn sương lam mờ, dưới chân dãy núi hùng vĩ thấp thoáng giữa nương ngô là những nếp nhà sàn rải rác; hoa đào, hoa mai, hoa bióoc cà tỏa hương thơm ngào ngạt đầu xuân, tô điểm cho mây tơ, cây báng, chuối rừng thêm sắc màu... Thế là sau 30 năm xa cách, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta đã trở về Tổ quốc.

Lúc này, nhân dân các dân tộc Tày, Nùng vùng Pác Bó - Hà Quảng đang bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, ngoài ra thổ phỉ còn cướp bóc liên miên nên đồng bào rất hăng hái làm cách mạng. Quần chúng sẵn sàng hy sinh tài sản và cả tính mạng để bảo vệ Đảng và nuôi giấu cán bộ. Pác Bó là một làng nhỏ thuộc tổng Lục Khu gồm mấy chục gia đình Nùng chuyên sống về nghề làm ruộng, phát nương. Anh em đưa Bác về ở tạm nhà sàn của gia đình ông Máy Lỳ, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng của ta. Ngôi nhà đơn sơ gồm hai gian nhỏ và một gian mới làm thêm định dành cho khách quý, nhưng Bác nói với anh em: Mình đông người nên ở trong núi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đồng bào tại Pác Bó, nhân kỷ niệm 20 năm Người về nước lãnh đạo cách mạng (1941-1961).

Cụ chủ nhà nài nỉ vì ngày tết vào núi không tiện, Bác mỉm cười tỏ ý cảm ơn và nói dứt khoát bằng tiếng dân tộc: Sáu sáng (ở rừng). Mùng 4 tết, ông Máy Lỳ đưa Bác đi xem một hang núi kín đáo, tuy nhỏ nhưng đủ chỗ cho cả đoàn. Gần vách hang phía trong nổi lên một nhũ đá trắng do nước mưa đẽo gọt lâu năm, gió khô lạnh, không khí ẩm nhưng cuối hang ăn thông sang một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, nhân dân gọi là hang Cốc Bó (đầu nguồn). Mùng 5 tết, Bác và mấy anh em (gồm Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Cáp và Lộc) chuyển tới hang, còn các đồng chí Quốc Vân, Đức Thanh làm liên lạc đồng thời phụ trách lực lượng vũ trang bảo vệ vòng ngoài.

Ông Máy Lỳ đem 4 tấm ván dài ngắn khấp khểnh và một tấm cót: ván kê lên chỗ lồi lõm phía trong, phía ngoài bằng phẳng nên anh em cắt lá mạy téc làm đệm, lót cót nằm trên cho bớt lạnh và đỡ đau lưng. Sau khi xem xét kỹ địa thế xung quanh, Bác đặt tên cho dòng suối nước xanh như ngọc là suối Lênin, còn ngọn núi sừng sững phía sau bên trái là núi Các Mác. Mượn thêm được chiếc nồi gang và mấy cái bát sành, đồng chí Lộc nấu thử bữa cơm bên bờ suối cách cửa hang không xa.

Đêm đầu tiên, anh em cũng tổ chức cắt đặt canh gác cẩn thận xong,  thắp đèn dầu lai, quây quần quanh Bác bên đống lửa, uống nước lá ổi nóng và lên kế hoạch công tác hàng ngày. Bác lấy tên là Thu Sơn theo ý nghĩa của sự kiện dời vào núi. Buổi sáng Bác hỏi anh em xem hôm ấy sẽ làm việc gì. Ai chưa có việc thì Bác giao cho nhiệm vụ, có thể là khâu giày, vá áo. Tuy bận đánh máy, soạn tài liệu nhưng Bác vẫn để ý nhắc nhở anh em từ thao tác rang thịt mặn đến nguyên tắc giữ bí mật: không có, không thấy, không biết. Đồng bào thường giúp đỡ lương thực, gạo ngô (bắp bẹ xay nhỏ) và muối.

Những lúc gần hết gạo, Bác đề nghị nấu cháo bẹ thay bữa, còn rau xanh chủ yếu là măng rừng, có hôm câu được con cá hoặc hái được rau rớn (giống như dương xỉ mọc ven suối) thì nấu canh chua đổi món. Trong một bữa ăn, khi anh em đang gọi đùa cháo ngô là bánh đúc, Bác đã sáng tác bài thơ “Tức cảnh Pắc Bó” rất lạc quan:

Sáng ra bờ suối,

tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng

vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh

dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng

thật là sang.

Được khoảng gần một tháng thì xảy ra chuyện. Ông Máy Lỳ và một người trong họ đi liên lạc cho đoàn thể bị lính dõng nghi ngờ kiểm tra, hai người trốn được nhưng bị thu mất thẻ thuế thân, căn cứ vào địa chỉ trên thẻ, tên châu đoàn dẫn lính đến truy lùng ở xóm Cốc Bó. Được báo động kịp thời nên anh em giấu đồ đạc, xóa dấu vết rồi đưa Bác tạm lánh vào rừng. Sau đó, tuy không bị lộ nhưng để an toàn hơn, anh em rời cơ quan lên Lũng Lạn cách hang Cốc Bó vài trăm thước.

Sáu ngày sau, anh em tìm chỗ mới ở Khuổi Nậm, địa hình rậm rạp, bên ngoài nhìn vào khó phát hiện ra, thậm chí nếu có biến động thì cứ theo khe nước ngược lên núi cao là qua biên giới. Nơi ở là một chiếc lán dựng ngay giữa lòng con suối đang mùa khô, lúc đầu dựng lán bên ngoài nhưng sau lùi về phía rừng để tiện cho công tác bảo vệ. Lán của Bác dựa vào thân cây mạ đang trổ hoa vàng thẫm làm cột cái, mái lán lợp gianh, nhân dân giúp cho một số ván kê sàn để ngủ, còn vách lán, chiếu nằm đều đan bằng lá đào rừng (loại lá dài một mặt trắng, mặt xanh). Quanh lán Bác ở anh em đều đặt trạm gác, các đồng chí Quảng Ba, Sơn Hùng, Đại Lâm, Đức Thanh, Bảo An, Thế An được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Bác vì dọc dãy núi này phía Trung Quốc nhan nhản thổ phỉ, đặc vụ Quốc dân đảng, còn khu vực phía sau rất nhiều lính dõng, Pháp, Nhật thường xuyên sục xạo, rình mò.

Đêm dưới chân lán, nước suối chảy ào ào nên anh em phải hết sức tỉnh táo, lắng nghe động tĩnh từ các hướng khác nhau. Từ chập tối đã phải đảm bảo không đèn, không lửa, còn từ sáng đến chiều khi đun nấu gì đều phải thông khói ra xa cho tản lẫn vào sương. Cách lán Bác, phía dưới một đoạn có vọng gác, nếu có động sẽ báo tín hiệu lên lán trên, nhiều khi cứ nghe tiếng lào xào gần lán là anh em hỏi rất to để thông báo tình hình cho nhau cùng biết. Bác thường căn dặn anh em muốn đối phó với địch phải giữ kỷ luật bí mật và Người luôn luôn thực hiện quy định này cẩn thận, nghiêm túc. Qua các vệt đường vào cơ quan, bao giờ Bác cũng xóa ngay mọi dấu vết, không để lại một dấu chân hoặc một cành cây nhỏ nào bị bẻ queo, dập gãy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đồng bào tại Pác Bó, nhân kỷ niệm 20 năm Người về nước lãnh đạo cách mạng (1941-1961).

Người cũng dặn anh em đi công tác mang theo cơm nắm nên ăn cạnh bờ suối, ăn xong quét cơm vãi xuống suối và chôn lá bọc cơm để kẻ địch không thể phát hiện được vết tích gì. Ban đêm, tuy có dân quân tuần tra ngoài xa, anh em bảo vệ vẫn cắt phiên trực mà không để Bác gác vì tuổi tác và công việc nhưng Người không đồng ý, bắt phải làm lịch gác theo thứ tự hẳn hoi. Anh em lại bấm nhau lờ đi, không gọi Bác để người sau thế chỗ nhưng không lần nào thành công vì hễ ai ra vọng gác đã thấy Bác ngồi ở đó rồi!

Bác sống rất giản dị và nề nếp theo một thời gian biểu đã định. Đêm rất lạnh và không đủ ánh sáng để làm việc nên anh em thường ngồi quây quanh bếp lửa nghe Bác nói chuyện thời sự và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập nhu quyền trên một mặt phẳng tự tạo. Người đẽo 4 cái chày vồ gỗ: 2 vừa, 2 to và nặng để thay quả tạ tay. Bác còn tập leo những quả núi cao nhất với đôi chân trần, vừa để tập luyện và cũng là thăm dò địa hình nhằm ứng phó linh hoạt khi gặp nguy hiểm. Sau giờ tập, Bác tắm nước lạnh để luyện chịu đựng cái rét, còn mỗi khi ngừng đánh máy chữ (chiếc Hécmétbêbê cũ), Người lại chọn 2 hòn đá tròn như trứng gà bóp chặt luyện tay.

Hàng ngày Bác họp, nghiên cứu, viết bài, lúc xuống làng hỏi thăm đồng bào, thâm nhập thực tế và có khi vào rừng lấy củi. Hầu hết thời gian ở lán Bác dành để soạn sách và tài liệu. Người viết thành thơ “Mười một điều Việt Minh”, “Dư địa chí 28 tỉnh xứ Bắc Kỳ” và viết “Sử Việt Nam” bằng văn vần, đến trang cuối mục lục cuốn sách Bác viết thêm: Việt Nam độc lập 1945, anh em bàn tán xôn xao thì Người chỉ bảo: “Để rồi xem!”.

Bác còn soạn lại các bài giảng ở những lớp huấn luyện Việt Minh in thành tập “Con đường giải phóng”, chuyển phát về cơ sở để tuyên truyền rộng rãi. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm công tác tổ chức Việt Minh địa phương sẽ quyết định chính thức việc thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc để chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa...

Đ.H.L.
.
.