Những ngày tháng bi thương cuối cùng của Nguyên soái Hạ Long

Thứ Sáu, 18/07/2008, 16:15

Trong 10 năm diễn ra cuộc  Cách mạng văn hóa (1966-1976) bè lũ phản động Lâm Bưu - Giang Thanh đã gây ra vô vàn cái chết oan thê thảm không những chỉ với dân thường, mà còn đối với rất nhiều các vị tướng soái uy danh lừng lẫy của Trung Quốc. Một trong số đó là Nguyên soái Hạ Long.

Nguyên soái Hạ Long, nguyên tên là Văn Thường, tự Vân Khanh sinh năm 1896 tại Tang Thực (Hồ Nam). Năm 1914, gia nhập Trung Hoa Cách mạng đảng của Tôn Trung Sơn. Năm 1926, tham gia Bắc phạt với chức danh Sư trưởng Sư đoàn Đệ cửu quân thuộc quân đội Quốc dân.

Tháng 8/1927  là Tổng chỉ huy quân khởi nghĩa trong cuộc khởi nghĩa Nam Xương nhằm chống lại sự phản bội của Tưởng Giới Thạch. Cùng năm đó Hạ Long gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trong cuộc nội chiến lần thứ nhất (1927-1936) từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Cách mạng  kiêm Tư lệnh Quân khu Tương Ngạc Xuyên Kiềm (tức 4 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và Quý Châu), Tổng chỉ huy Phương diện quân số 2 của Hồng quân.

Năm 1935, Hạ Long tham gia Vạn lý Trường chinh (tức cuộc chuyển quân chính quy của Hồng quân từ Giang Tây lên Thiểm Tây để tránh bị quân Tưởng  vây đánh và để chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Nhật).

Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai (1937-1946) để cùng nhau chống Nhật, Hạ Long là Sư trưởng kiêm Chính ủy Sư đoàn 120 của Bát Lộ quân (tức Hồng quân đổi tên). Năm 1942, được điều về Diên An làm Tư lệnh Liên quân Biên khu Thiểm Cam Ninh. Sau khi Nhật đầu hàng, Hạ Long từng giữ các chức: Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Tây An.

Ngày 1/10/1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, Hạ Long trở thành Phó  chủ tịch Quân ủy TW, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao TW (TDTTTW). Tới tháng 9/1955, được phong hàm Nguyên soái. Tại Hội nghị TW lần thứ 8 (1956) ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Từ năm 1959 là Phó chủ tịch thường trực Quân ủy TW, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghiệp quốc phòng. Dưới sự chỉ đạo của Hạ Long, quân đội TQ đã có những bước tiến  rất to lớn trên con đường chính quy hiện đại.  Ban Chấp hành ĐCS Trung Quốc, Chính phủ nước CHND Trung Hoa và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã hết lời ca ngợi công lao của Hạ Long.

Gia đình Nguyên soái Hạ Long.

Âm mưu điên cuồng hãm hại Hạ Long của bè lũ Lâm - Giang

Theo kết luận của Cơ quan điều tra TQ công bố vào năm 1980 thì âm mưu hãm hại Hạ Long của Lâm Bưu đã hình thành từ năm 1942. Năm đó Hạ Long được điều động về Diên An (nơi đóng đại bản doanh của ĐCS TQ) làm Tư lệnh Biên khu Thiểm Cam Ninh. Trong một lần nói chuyện với Hạ Long, Mao Trạch Đông đánh giá  Lâm Bưu là kẻ thực hành thủ đoạn “lá mặt lá trái”: bên ngoài thì ủng hộ  nhưng sau lưng thì luôn tỏ thái độ bất mãn, thậm chí chửi bới và nhục mạ sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông.

Biểu hiện rõ nhất là vào năm 1938, Lâm Bưu đã công khai phản đối kế hoạch tập trung binh lực của Mao Trạch Đông nhằm bảo vệ biên khu Thiểm Cam Ninh, chống lại sự tấn công của Nhật. Trong thời gian kháng Nhật,  Lâm Bưu đã muốn câu kết với Tưởng, gọi Tưởng là “sư phụ”, và tự xưng là “học trò” v.v...

Nội dung cuộc nói chuyện này sau  đó đã tới tai Lâm Bưu, khiến Lâm đứng ngồi không yên. Thêm nữa, vào năm 1937 sau khi tham gia Hội nghị Lạc Dương, trên đường trở về Sơn Tây, Lâm đã tự tay viết cho Hạ Long một bức thư ca ngợi Tưởng Giới Thạch  “là người có lòng quyết tâm kháng Nhật đến cùng”, đồng thời đề nghị Hạ Long khi về tới đơn vị của mình “hãy nói cho mọi người biết về điều này”. (Đáng tiếc là bức thư này sau đó, do người lính cần vụ đã không để ý  khi giặt áo cho Hạ Long  làm  nát mất).

Tất cả những điều đó khiến Lâm Bưu lo sợ, vì vậy Lâm đã âm thầm tìm mọi cách hãm hại Hạ Long để “giết người diệt khẩu”... Lâm cho rằng “Hạ uy hiếp trực tiếp tới sự an toàn và địa vị”, “là vật cản lớn nhất trên con đường đoạt quyền” của Lâm.

Thời cơ bắt đầu đến khi Lâm trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ vào năm 1959. Ngay sau khi có quyền trong tay, Lâm tiến hành cài cắm hàng loạt những tay chân thân tín của mình vào nắm giữ các cương vị chủ chốt trong các binh chủng Hải, Lục, Không quân, đồng thời thực thi các cuộc thanh trừng nhằm vào những người không ăn cánh. Khi Cách mạng văn hóa bùng nổ vào cuối năm 1965 đầu năm 1966 thì tay chân của Lâm đã nắm giữ hầu hết các cương vị chủ chốt trong quân đội TQ, đặc biệt là  binh chủng Không quân do Ngô Pháp Hiến làm Tư lệnh và Hải quân do Lý Tác Bằng làm Tư lệnh, đây là hai tay chân “thân tín nhất” của Lâm (bọn này đã bị Pháp viện tối cao TQ tuyên án  tử hình vào năm 1981).

Đòn đầu tiên Lâm Bưu nhằm vào Hạ Long là chỉ đạo hai tên Ngô, Lý  tạo ra vô số những tài liệu giả, vu cho  Hạ Long đứng đầu cái gọi là “tiểu tập đoàn phản Đảng”, “phần tử xét lại tay chân La Thụy Khanh” bao gồm rất  nhiều những cán bộ cao cấp trong quân đội TQ không theo Lâm. Nhưng âm mưu này của Lâm và phe cánh đã không thành. Ngày 7/7/1966, Quân ủy TW dưới sự chủ trì của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đã ra nghị quyết nhấn mạnh “Những hoạt động bè phái, gây chia rẽ của Lý Tác Bằng, Ngô Pháp Hiến và những người khác phải bị lên án”.

Biết không thể địch được Hạ Long, Lâm Bưu đã sai vợ là Diệp Quần chạy tới chỗ Giang Thanh “nhờ đồng chí Giang chỉ bảo và giúp đỡ”. Lúc này Giang là thành viên Tiểu tổ Cách mạng văn hóa Trung ương, uy thế ngất trời. Trong thâm tâm Giang cũng vốn có mối hận thù với “các khai quốc công thần”, những người đã quá hiểu Giang là ai ngay từ khi Giang tới Diên An vào năm 1937. Khi Giang lấy Mao Trạch Đông thì rất nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có Hạ Long,  phản đối cuộc hôn nhân này. Sau đó dù đành nhượng bộ, nhưng “chính các vị này” đã  có hẳn một nghị quyết “cấm Giang không được nắm giữ bất kỳ chức vụ gì của Đảng và Nhà nước”.

Với Giang, Cách mạng văn hóa là cơ hội trời cho để thanh toán các mối hận bấy lâu nay, trước hết là dẹp tan  “các vị khai quốc công thần” nhằm dọn đường cho Giang leo lên những địa vị cao. Vì thế khi được Diệp Quần nói lại những mong muốn của Lâm Bưu, Giang mừng như bắt được vàng và hứa hẹn “sẽ cùng Lâm Nguyên soái đánh đổ hết bọn xét lại, bọn ngưu quỷ xà thần yêu ma quỷ quái”.

Nhận được sự đảm bảo từ Giang, Lâm Bưu điên cuồng đẩy nhanh những hoạt động nhằm hãm hại Hạ Long. Lâm  hạ lệnh cho tay chân của y ở Tổng cục Hậu cần, Binh chủng Thiết giáp, Học viện Chính trị, Ủy ban TDTTTW v.v... tạo ra vô số tài liệu và chứng cứ giả,  hình thành một chiến dịch rầm rộ vu cáo  Hạ Long. Tuy nhiên, Lâm Bưu biết rằng muốn “đánh đổ” được Hạ Long thì những điều trên là chưa đủ, mà cần phải có “cái gì đó” để ly gián mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông với Hạ Long.

Và cách mà Lâm Bưu lựa chọn là tìm cách ghép  Hạ  phạm vào “điều đại kiêng kị” , đó  là  “âm mưu hãm hại Mao Chủ tịch nhằm đoạt quyền”. Một lần nữa Lâm Bưu lại trao việc này cho  Diệp Quần.         

Chẳng khó khăn gì Diệp Quần cũng tìm ra được người thực hiện âm mưu thâm độc của chồng, đó là Ngô Trị Quốc. Quốc nguyên là Trưởng đội cảnh vệ trực thuộc Văn phòng Quân ủy, kẻ đã nhiều lần bị Hạ Long nhắc nhở về tác phong và tinh thần làm việc, sau đó đã bị chuyển sang bộ phận khác. Diệp Quần  xúi  Quốc viết đơn tố cáo Hạ Long là: “Đã tự ý chiếm làm của riêng một khẩu súng ngắn rất hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài, buổi tối khi đi ngủ thì giấu ngay dưới gối, ban ngày thì luôn mang theo người.

Hai tháng gần đây Hạ Long đã giấu khẩu súng này dưới gối của con gái của Đổng Tất Võ ở trong Trung Nam Hải với âm mưu dùng nó để ám sát Mao Chủ tịch khi có cơ hội”.

Sau khi được biết điều này,  Đổng Tất Võ đã lập tức có cuộc nói chuyện nghiêm khắc với con gái, khiến cô con gái hết sức kinh ngạc: “Thưa cha, chuyện kỳ quặc này ở đâu ra vậy? Khẩu súng này không phải do Hạ Tư lệnh để ở trong phòng của con. Nguyên do là cách đây  đã rất lâu có lần  con và một số bạn  đến chơi với Hạ Hiểu Minh (con gái Hạ Long), Hạ Tư lệnh đã cho con khẩu súng này để chơi, vì nó đã không thể sử dụng được nữa. Con nhớ là việc này xảy ra từ năm 1957, chứ đâu phải cách đây 2 tháng”.

Sau đó cô con gái của Đổng Tất Võ  lấy khẩu súng để trong tủ của mình suốt  hơn 10 năm cho bố để bố chuyển tới cơ quan chuyên môn. Tiến hành kiểm tra, người ta phát hiện ra rằng súng không hề có đạn, các bộ phận như quy lát, cò súng đều đã bị han gỉ, không thể hoạt động. Các nhân viên kiểm tra đã phải cười to: “Khẩu súng này chỉ là đồ chơi của trẻ con, không thể sử dụng được”.

Tuy nhiên, Lâm Bưu vẫn bám chặt vào việc này và lớn tiếng “đây đúng là âm mưu muốn làm phản của Hạ Long” và đã trình lên cho Mao Trạch Đông những “bản báo cáo mật” do Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng viết để “chứng minh âm mưu muốn ám sát Chủ tịch Mao của Hạ Long là có thật”.

Buổi sáng ngày 5/9/1966, tại phòng nghỉ của bể bơi trong Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông đã đưa “bản báo cáo” của Ngô và Lý cho Hạ Long xem. Sau khi xem xong, Hạ Long hỏi Mao Trạch Đông: “Tôi có cần gặp Ngô, Lý để nói cho ra nhẽ không?”, thì Mao Trạch Đông đã nói: “Có gì cần phải nói với họ cơ chứ. Đồng chí không cần phải bận tâm với bọn họ làm gì, tôi chính là “phái bảo hoàng” của đồng chí” (ý muốn nói “Tôi luôn là người đứng về phía đồng chí”). Sau đó hai người đã nói chuyện với nhau về sự nghiệp cách mạng, về lòng yêu nước của Tôn Trung Sơn cũng như nhiều chuyện khác. Cuộc nói chuyện kéo dài rất lâu và  thân mật.

Nhưng Hạ Long không ngờ rằng, đó là lần nói chuyện cuối cùng giữa hai người, bởi chỉ 3 ngày sau đó do tác động của Giang Thanh, Hạ Long đã buộc phải “gặp Lâm Bưu để nói chuyện”. Khi gặp Lâm Bưu, Hạ Long đã nói rõ nguyên nhân tại sao có cuộc gặp này, thì Lâm Bưu trả lời: “Với Hạ lão tổng, tôi không hề có ý kiến gì”, nhưng sau đó Lâm nói thêm: “Vấn đề của Hạ lão tổng có thể là lớn,  cũng có thể là nhỏ, nhưng quy lại chỉ có một vấn đề, đó là  từ nay về sau nên ủng hộ ai, phản đối ai”.

Hạ Long nghe xong thì cười to, rồi trả lời: “Lâm lão tổng, tôi tham gia cách mạng đã bao năm nay, ủng hộ ai, phản đối ai chẳng lẽ Lâm lão tổng còn chưa biết hay sao?”. Rồi Hạ Long nói lời từ biệt và nhanh chóng rời khỏi tư dinh của Lâm Bưu.

Thực hiện âm mưu đã được bàn soạn, cuối năm 1966, Lâm Bưu và Giang Thanh đã xúi giục và cổ vũ cho “phái tạo phản”  ở Ủy ban TDTTTW phải “tập trung đánh đổ Hạ Long”.

Vẫn sử dụng chiêu thức như đã từng áp dụng với rất nhiều người khác, chúng cho các “tiểu tướng Hồng vệ binh” tới bao vây nơi ở của gia đình Hạ Long, thay nhau suốt ngày đêm hô khẩu hiệu, đánh thanh la trống mõ, khiến Hạ Long và những người trong gia đình không lúc nào được yên.

Trước tình hình đó, ngày 26/12/1966 Chu Ân Lai đã nói với Hạ Long: “Sức khỏe của đồng chí đang có vấn đề, bây giờ bọn tạo phản lại suốt ngày gây chuyện ầm ĩ, nếu cứ kéo dài như thế này thì rất nguy hiểm. Ban Tổ chức TW đã quyết định đồng chí hãy tạm chuyển tới Tân Lục sở. Mọi chuyện khác trong nhà đã có tôi lo”.

Nhưng sau khi Hạ Long và vợ là Tiết Minh chuyển tới Tân Lục sở không lâu thì “phái tạo phản” của  Học viện Chính trị  lại kéo tới bao vây nơi ở mới và đòi “lôi Hạ Long ra phê đấu”. Thấy bọn tạo phản quá hung hăng, Tiết Minh đã 3 lần viết  thư báo cáo tình hình với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tuy nhiên tất cả các thư này đều không có hồi âm (sau này người ta được biết nó đã không đến được tay Thủ tướng Chu Ân Lai).

(Xem tiếp ANTG số 773, thứ Tư ra ngày 16/7/2008)

Nguyễn Tiến Cử(Theo Tân Văn ngọ báo)
.
.