Những ngày tháng bi thương cuối đời của vị nguyên soái hiển hách Hạ Long (tiếp theo và hết)

Thứ Ba, 22/07/2008, 08:30
Thấy Tiết Minh quá lo lắng, Hạ Long an ủi  vợ: "Có gì đáng lo đâu, chẳng qua bọn chúng làm bậy đấy thôi. Chúng ta hãy  trở về nhà cùng chúng  nói cho ra nhẽ".

Trên đường về, hai vợ chồng Hạ Long qua chỗ ở của Chu Ân Lai trong  Trung Nam Hải, với dự định  báo cáo  việc hai vợ chồng quay lại nơi ở cũ. Do phải thường trực tại Đại lễ đường nhân dân để giải quyết các vấn đề của đất nước, nên khi biết tin vợ chồng Hạ Long tới, Chu Ân Lai đã ra lệnh cho  thư ký riêng bố trí cho hai vợ chồng Hạ Long tạm trú trong nhà mình, tuyệt đối không được về nơi ở  cũ vì sẽ rất nguy hiểm.

Mãi tới 4 giờ chiều ngày 19/1/1967 Chu Ân Lai và Tạ Phú Xuân (Trưởng ban Tổ chức TW) mới chính thức có buổi nói chuyện trực tiếp với vợ chồng Hạ Long. Chu Ân Lai mở đầu: "Vốn dĩ cuộc nói chuyện này có cả Giang Thanh, nhưng tới phút chót Giang đã cáo bận  không đi". Sau đó Chu Ân Lai  cho  Hạ Long biết:  Lâm Bưu nói ầm lên rằng "Hạ Long đặt điều bôi xấu sau lưng ông ta, nói rằng lý lịch Lâm Bưu có vấn đề". Sau đó Lâm tố cáo "Hạ Long không những không  tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông mà còn can thiệp vào khắp nơi, từ Bộ Tổng tham mưu đến các binh chủng không quân, hải quân, tăng thiết giáp, thông tin... với ý đồ đoạt quyền, khiến Mao Chủ tịch không yên tâm".

Ngoài ra Lâm còn nói rằng, Hạ Long phải chịu trách nhiệm trong sự kiện Hồng Hồ (sự kiện "thanh trừ gián điệp" trong ĐCS do Vương Minh tạo ra vào những năm 30, khiến rất nhiều cán bộ Cách mạng bị chết oan), đòi Hạ Long "phải suy nghĩ về những tội lỗi của mình".

Thấy Hạ Long rất phẫn nộ và mấy lần định cắt lời,  Chu Ân Lai nói ngay: "Đồng chí không cần phải thanh minh mà làm gì. Chẳng phải là Mao Chủ tịch đã nói sẽ bảo vệ đồng chí hay sao? Còn tôi, tôi cũng nhất định sẽ bảo vệ đồng chí. Tuy nhiên hiện thế lực của Lâm Bưu và Giang Thanh là rất lớn. Vì vậy để bảo vệ sự an toàn của đồng chí,  BCH TW sẽ bố trí  để đồng chí tạm lánh đến nghỉ ngơi  ở một nơi bí mật. Tới mùa thu, chúng tôi sẽ đón đồng chí trở về". Rồi Chu Ân Lai trầm ngâm nói với  Hạ Long mà như nói với chính mình: "Cần phải sống đến cùng". Hạ Long rất đau lòng: "Tôi không ngờ lại bị rơi vào hoàn cảnh như thế này".

Chiều ngày 20/1/1967, vợ chồng Hạ Long được bí mật đưa tới  Tây Sơn, thuộc vùng núi ở phía tây Bắc Kinh, hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Nơi mà vợ chồng Hạ Long trú ngụ  là một ngôi nhà nằm ở lưng chừng núi, 3 mặt là núi cao, vực sâu, chỉ có một con đường nhỏ độc đạo có thể tới được ngôi nhà này. Trấn giữ  ở bên ngoài là một số lính cảnh vệ vũ trang. Vợ chồng Hạ Long chỉ còn biết tình hình đất nước nhờ những tờ báo do lính cảnh vệ cung cấp.

Ra đi vĩnh viễn không một người thân bên cạnh

Khi phải bí mật tới lánh nạn ở Tây Sơn, Hạ Long tin rằng chỉ ngày một ngày hai mình sẽ lại trở về. Nhưng rồi một năm trôi qua mà ngày trở về cứ ngày một xa vời. Hạ Long phán đoán tình hình bên ngoài ắt phải rất xấu, và bản thân Thủ tướng Chu Ân Lai cũng gặp nhiều khó khăn. Hạ Long nói với vợ: "Bè lũ Lâm Bưu, Giang Thanh chắc chắn sẽ gây khó dễ với Thủ tướng vì đã cho vợ chồng ta lưu trú ở nhà của Thủ tướng".

Quả thật như vậy. Với quyết tâm "tiêu diệt Hạ Long", trong buổi họp hội nghị TW thường kỳ ngày 7/9/1967, Diệp Quần đã vu cáo Hạ Long rằng: Trong thời gian ở khu Tương Ngạc Xuyên Kiềm vào những năm 30, Hạ Long đã bí mật tiếp xúc với Quốc dân đảng, hòng đầu hàng chúng. Theo Diệp thì đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần phải lập Tổ chuyên án để thẩm tra. Lời nói vu vơ của Diệp được Giang Thanh, Trần Bá Đạt. Khang Sinh, Tạ Phú Trị ủng hộ (tất cả bọn này đã bị Tòa án tối cao TQ tuyên án tử hình vào năm 1981). Ngày 13/9, Hạ Long chính thức bị khởi tố điều tra.

Cũng vào thời gian này trên báo chí xuất hiện một bài báo rất dài với nội dung "đại phê phán Ủy ban TDTT Trung ương". Theo bài báo này thì "Trong một thời gian dài Ủy ban TDTT dưới sự lãnh đạo của Hạ Long đã xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời đường lối chính trị của giai cấp vô sản, là cái ổ tập hợp những kẻ xấu, tạo ra một vương quốc độc lập riêng". Đọc xong bài báo, Hạ Long vô cùng tức giận: "Bọn chúng đã đang hãm hại tôi, rồi đây còn biết bao  những cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của Ủy ban sẽ bị chúng hãm hại nữa đây?".

Mùa hè năm đó trời rất nóng. Suốt trong thời gian 45 ngày liền, mỗi ngày vợ chồng Hạ Long chỉ nhận được một bình nước nhỏ. Hai vợ chồng cứ phải chờ trời  mưa rồi mang tất cả xô chậu, thậm chí cả cốc chén  ra hứng nước. Một lần hai vợ chồng khênh chậu nước hứng được  vào nhà thì Hạ Long bị ngã. Cú  ngã đã khiến Hạ Long bị đau nặng ở vùng lưng phải nằm liệt 18 ngày.  Còn về lương thực thì thiếu trầm trọng, đến nỗi những khi được đi ra ngoài, Tiết Minh phải tranh thủ hái vội vài nắm rau rừng để Hạ Long có cái ăn thêm.

Thấm thoắt là tới mùa thu. Hạ Long mong mỏi Thủ tướng Chu cho người lên đón. Nhưng ngày nối tiếp ngày trôi qua mà vẫn không thấy ai tới, khiến Hạ Long dự cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Hạ Long nhận định: "Thủ tướng không cho người lên đón hai vợ chồng mình, chứng tỏ Thủ tướng đã lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và nguy hiểm".

Bị cách ly với cuộc sống bên ngoài với bao tâm trạng u uất, khẩu phần ăn kém cỏi lại không được chăm sóc về y tế  khiến sức khỏe của Hạ Long bị suy giảm nhanh chóng. Bệnh tiểu đường, cao huyết áp ngày càng xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm, đặc biệt là huyết áp bị rối loạn, không theo quy luật nào.

Đến ngày 26/3/1968 thì Hạ Long bị ngã, dẫn tới  hôn mê. Được cảnh vệ đưa tới bệnh viện, nhưng không những không được cứu chữa mà Hạ Long còn bị kết luận là "bệnh giả vờ".  Một điều kỳ cục là, trong bệnh án của Hạ Long lại ghi: "Cần nhớ rằng bọn hữu phái chính là những kẻ dạy cho chúng ta những bài học phản diện",  và  "tất cả những gì kẻ địch phản đối, thì chúng ta ủng hộ, tất cả những gì kẻ địch ủng hộ thì chúng ta phản đối" v.v...

Suốt mấy ngày lưu ở bệnh viện, Hạ Long không hề được chăm sóc y tế, mà ngược lại luôn bị chửi bới mắng nhiếc vô cớ. Và cuối cùng phải xuất viện mặc dù bệnh tình vẫn rất trầm trọng. Sau này người ta mới biết những tay "bác sĩ" này đều là người của Lâm Giang phái tới với mật lệnh "không được thương xót kẻ thù giai cấp".

Bệnh tình của Hạ Long ngày một xấu, chân tay run rẩy,  đi lại  khó khăn. Vào 23 giờ ngày 24/5/1969, Hạ Long lại bị ngã. Đến 5 giờ ngày 8/6 thì huyết áp bị tụt xuống đột ngột, vùng bụng bị đau dữ dội. Mặc dù Tiết Minh đã  khẩn thiết yêu cầu, nhưng phải 4 giờ sau mới có 2 "bác sĩ" lò dò  tới. Hai tay "bác sĩ" này không những không tiến hành việc kiểm tra lượng đường trong máu cũng như trong nước tiểu, hoặc tiến hành bất kỳ sự chạy chữa nào,  mà ngược lại chúng bắt Hạ Long uống "Cao sâm bồ đào đường", một loại thuốc cấm không được cho bệnh nhân tiểu đường sử dụng. Sau đó chúng mới lấy mẫu nước tiểu rồi gửi đi kiểm nghiệm. Với cách "chữa bệnh giết người" này thì  ý đồ vu cáo cho Hạ Long tội "tự sát" đã không còn là bí mật nữa. Cho tới 0 giờ 5 phút ngày 9/6/1969, bọn chúng vẫn tiếp tục ép Hạ Long uống loại thuốc trên khiến bệnh tình của Hạ Long càng thêm nguy kịch. Mấy giờ sau chúng mới điện báo cho bệnh viện rằng "cần phải cho người đến để đưa Hạ Long đi cấp cứu".

Đến 5 giờ sáng 9/6, các nhân viên y tế của Bệnh viện 301 với sự giám sát của  "Tổ chuyên án" lục tục tới Tây Sơn. Chờ tới 7 giờ, được sự đồng ý của Tổ chuyên án, các nhân viên y tế mới dám tuyên bố: "Đưa bệnh nhân nhập viện". Hình như linh cảm được thủ đoạn thâm độc của Tổ chuyên án muốn tách mình ra khỏi sự chăm sóc và bảo vệ của Tiết Minh, Hạ Long thẳng thừng tuyên bố: "Tôi đâu có hôn mê, tôi không cần nhập viện. Bệnh viện đâu phải là nhà của tôi".

Tuy nhiên Hạ Long vẫn bị chúng bắt phải đi với chiêu bài: "Đây là quyết định của tổ chức"(!). Nhưng khi Tiết Minh chuẩn bị các đồ dùng thiết yếu để theo Hạ Long vào bệnh viện thì bị Tổ chuyên án ngăn lại với lý do "việc chăm sóc Hạ Long đã có tổ chức đảm nhiệm". Tiết Minh đành nói với Hạ Long: "Em sẽ đợi anh quay lại căn phòng này". Tuy đã có sự tiên liệu trước, nhưng cả hai vợ chồng đều không thể ngờ rằng đây lại là lần chia tay nhau vĩnh viễn.

Sau này người ta phát hiện ra rằng  khi biết Hạ Long nhập viện, Lâm Bưu đã trực tiếp ra lệnh: "Không được đưa tới các bác sĩ, chỉ cần đưa tới các hộ lý là đủ" và "chữa bệnh cũng là cuộc đấu tranh giai cấp" . Vì vậy  nhập viện vào 8 giờ 55 phút sáng ngày 9/6, nhưng cũng như lần trước, Hạ Long bị bỏ mặc, không hề được chăm sóc về y tế cũng như  về sinh hoạt cá nhân, với lời đồn đại "Hạ Long đã cố ý uống những loại thuốc bị cấm nên vô phương cứu chữa".

Tới 10 giờ 50 phút, huyết áp của Hạ Long tụt xuống chỉ còn 70/40. Tới 15 giờ 4 phút ngày 9/6/1969, Hạ Long, vị nguyên soái hiển hách, một trong những người sáng lập ra nước CHND Trung Hoa, đã trút hơi thở cuối cùng mà không có bất cứ một người thân nào ở bên cạnh

Nguyễn Tiến Cử (Theo Tân Văn ngọ báo)
.
.