Những phút cuối cùng của làng Aberfan, Anh quốc

Thứ Bảy, 06/03/2021, 12:47
9 giờ 15 phút ngày 21-10-1966, 110 nghìn mét khối chất thải tồn dư sau khai thác than trên sườn núi Mynydd Merthyr đã bất ngờ đổ ập xuống làng Aberfan nằm trong thung lũng Taff, xứ Wales, Anh Quốc, giết chết 116 trẻ em và 28 người lớn.

Gần 1 tiếng từ khi thảm họa xảy ra, Nữ hoàng Elizabeth II đã được thông báo nhưng bà từ chối đi thăm. Động thái ấy đã làm dấy lên những lời chỉ trích.  Mãi 8 ngày sau  bà mới đến nói chuyện với những người sống sót, rồi năm 2002, Nữ hoàng cho biết việc không đến thăm Aberfan ngay sau thảm họa là “sự hối tiếc lớn nhất của bà”…

Vài giây trước thảm họa

Vào thời điểm xảy ra thảm họa, dân số làng Aberfan có khoảng 5.000 người, hầu hết làm việc trong ngành than dưới quyền kiểm soát của Hội đồng Than quốc gia (NCB).  Cũng thời điểm ấy, lượng chất thải bao gồm bùn, đất, cát, than vụn…, chất thành 7 đống lớn trên sườn núi, tổng cộng hơn 2 triệu mét khối, trong đó nguy hiểm nhất là đống chất thải số 7 nhưng NCB không có bất kỳ động thái can thiệp nào mặc dù làng Aberfan nằm trong khu vực có lượng mưa tương đối cao, trung bình 1.500 mm/năm.

Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 10-1966, lượng mưa đo được 170 mm, phần lớn rơi vào tuần thứ 3. Đến đêm 20 rạng ngày 21-10, đỉnh của đống chất thải số 7 lún xuống gần 3m rồi 7 giờ 30 sáng 21-10, những công nhân làm việc ca sáng nhận thấy đống chất thải có dấu hiệu trượt xuống. Khi báo tin này với người giám sát, công nhân được cho nghỉ khai thác nhưng bộ phận giám sát lại không báo động cho NCB cũng như cho làng Aberfan biết về thảm họa có thể sẽ xảy ra.

9 giờ 15, một lượng lớn bùn đất ngậm nước cao hơn 9m tách ra từ đống chất thải số 7, chảy xuống sườn núi với tốc độ từ 18 đến 34km/giờ. Sự chuyển động của lượng bùn này nhanh chóng giải phóng năng lượng khiến cả đống bùn thải cũng hóa lỏng. 

Chỉ trong 2 phút, 110.000 mét khối bùn trượt theo 640m đường dốc xuống núi, phá hủy 2 ngôi nhà của một nông trại, giết chết mọi người trong nhà. 38.000 mét khối bùn nhão đi qua con kênh và kè đường sắt rồi tràn vào làng Aberfan. Những người may mắn sống sót cho biết thoạt đầu khi nghe thấy những chuỗi tiếng động ầm ĩ, họ nghĩ rằng đó chỉ là vài chiếc máy bay phản lực bay thấp khi diễn tập.

Sự xuất hiện của Nữ hoàng 8 ngày sau thảm họa đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích.

9 giờ 18 phút, sóng bùn tấn công trường Tiểu học cơ sở Pantglas trên đường Moy, phá hủy và nhấn chìm phần lớn các lớp học.109 học sinh và 5 giáo viên thiệt mạng trong tổng số 240 học sinh. Cái chết oan nghiệt xảy ra khi các giáo viên chỉ mới vừa điểm danh học sinh để ghi vào sổ. Một trường cấp 2 khác cùng 18 ngôi nhà gần bên cũng bị hư hỏng nặng. Khi lớp sóng bùn dừng lại, nó cao đến 9,1m, tỏa rộng với đường kính gần 1,2km.

Quyền hiệu trưởng của trường Pantglas kể: “3/4 diện tích của trường là bùn và những thứ đổ nát, đây đó nhô lên phần mái của mấy lớp học. Nhìn sang bên kia, những ngôi nhà nằm trên đường Moy cũng biến mất”.

Trong số những giáo viên thiệt mạng, nhiều người đã đem thân mình ra cứu các học sinh. Khi đội cứu hộ tìm thấy thi thể của cô Nansi Williams, trên tay cô vẫn còn cầm một tờ tiền để đặt bữa ăn trưa. Dai Beynon, phó hiệu trưởng đã cố gắng dùng một tấm bảng đen để che chắn cho những học sinh khỏi nước bùn tràn qua trường.

Ông và 34 học sinh trong lớp đều thiệt mạng. John Humphrys, phát thanh viên của Đài Truyền hình xứ Wales, có mặt tại hiện trường nhớ rất rõ về nỗ lực tuyệt vọng của những người thợ mỏ và cha mẹ các nạn nhân khi họ đào tìm người sống sót. Humphrys nói: “Ngay khi cơn sóng bùn còn đang ào ạt tuôn xuống, những thợ mỏ đã lao ra ngoài. Nhiều người có con là học sinh của trường Pantglas. Khuôn mặt họ đen nhẻm màu than cùng những vệt trắng tạo nên bởi mồ hôi và nước mắt. Họ khóc, cầu nguyện cho đến khi cơn sóng bùn dừng lại. Nếu trận lở bùn xảy ra chỉ nửa giờ trước đó, trước khi các em đến trường hoặc ba giờ sau, khi các em đã ra chơi giữa buổi thì nhiều em có lẽ đã không mất mạng”.

Khi cơn sóng bùn dừng lại, người dân địa phương đổ xô đến trường Pantglas. Cùng với các thợ mỏ, họ dùng tay và các vật dụng làm vườn để đào bới đống đổ nát. 9 giờ 25, cảnh sát và lính cứu hỏa có mặt. 9 giờ 50, những người bị thương được chuyển đến Bệnh viện St Tydfil và Bệnh viện Đa khoa East Glamorgan. Sau 11 giờ sáng, không còn người sống sót nào được tìm thấy nhưng những người cứu hộ vẫn tiếp tục đào bới trong hy vọng. Trong số 144 người chết có 116 trẻ em, hầu hết ở tuổi từ 7 đến 10 còn số bị thương là 6 người lớn và 29 trẻ em. Jeff Edwards, học sinh 10 tuổi là người cuối cùng được cứu sống trong đống đổ nát nói: “Cháu nghe thấy tiếng bạn bè kêu khóc, la hét hoảng loạn. Một bạn nào đó gọi tên mẹ thảm thiết rồi sau đó tất cả đều im bặt như chưa hề có chuyện gì xảy ra…”.

Cũng chiều hôm ấy, một nhà xác tạm thời được thiết lập trong nhà nguyện Bethania, cách địa điểm thảm họa  229m. Hai  bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi và cấp giấy chứng tử mà nguyên nhân của cái chết chủ yếu là ngạt thở, vỡ hộp sọ hoặc đa chấn thương. 400 người tình nguyện làm công tác tắm rửa, thay quần áo cho người chết. 2 máy bay từ Bắc Ireland tháo hết ghế ngồi để nhường chỗ cho những chiếc quan tài. Do nhà nguyện Bethania không đủ chỗ, nhà nguyện Aberfan Calvinistic gần đó cũng được trưng dụng.

Sáng thứ bảy ngày 22, anh rể của Nữ hoàng Elizabeth II là ông  Snowdon đến thăm và nói chuyện với những người có thân nhân thiệt mạng. Riêng Nữ hoàng Elizabeth II, bất chấp mức độ nghiêm trọng của thảm họa, Nữ hoàng lúc đầu từ chối đến thăm làng Aberfan, làm dấy lên những lời chỉ trích trên báo chí và những câu hỏi về lý do tại sao bà không đi. Cuối cùng, sau khi cử chồng là Hoàng thân Philip đi thăm, ngày 29-10 bà mới đến Aberfan để khảo sát thiệt hại và gặp gỡ những người sống sót. Gần 4 thập kỷ sau - năm 2002 - Nữ hoàng nói rằng việc không đến thăm Aberfan ngay sau thảm họa là “sự hối tiếc lớn nhất của bà”.

Đống chất thải phủ kín Trường Tiểu học Pantglas.

Không ai có lỗi

Vài tiếng sau khi xảy ra thảm họa, Hội đồng quản trị NCB tổ chức một buổi họp với sự tham dự của chủ tịch Lord Robens. Trong buổi họp, các thành viên hội đồng đã quyết định rằng ông Robens phải đến ngay hiện trường để kiểm tra tình hình nhưng Robens từ chối với lý do: “Sự xuất hiện của tôi ở giai đoạn quá sớm chắc chắn sẽ khiến những người cứu hộ bị phân tâm khỏi những nhiệm vụ mà họ nên tập trung hoàn toàn”. Và thay vì đến làng Aberfan, tối hôm đó Robens lại tham dự một buổi lễ đầu tư với tư cách là hiệu trưởng của Đại học Surrey. Khi ngoại trưởng xứ Wales là ông Cledwyn Hughes liên lạc với Robens, các quan chức của NCB đã bảo vệ Robens bằng cách nói dối: “Robens đang đích thân chỉ đạo công việc cứu hộ”.

Ngoại trưởng Hughes đến làng Aberfan lúc 4 giờ chiều. Tại đây, ông điện thoại cho Thủ tướng Anh Quốc Harold Wilson, đề nghị Thủ tướng cũng nên đến thăm. 9 giờ tối, Thủ tướng Wilson xuất hiện, nghe cảnh sát và lực lượng cứu hộ báo cáo tình hình. Trước khi rời đi vào lúc nửa đêm, Thủ tướng Wilson và Ngoại trưởng Hughes đồng ý rằng cần phải tổ chức một cuộc điều tra độc lập cấp cao để xác định nguyên nhân thảm họa.

Ngày 24-10, cuộc điều tra bắt đầu. Kết quả cho thấy sau khi xem xét 300 vật chứng và phỏng vấn 136 nhân chứng, nguyên nhân thảm họa là do NCB đã không đánh giá được sự nguy hiểm của những đống bùn trong thời tiết mưa nhiều. Những đống bùn này thay vì phải di chuyển đi nơi khác thì nó lại được đổ ngay trên các mạch nước ngầm ở sườn núi vốn đã khá dốc mặc dù trước đó - năm 1963 - thông qua một lá thư gửi cho NCB, dân làng Aberfan đã lên tiếng lo ngại về “sự nguy hiểm của đống bùn than số 7 vì nó nằm ngay trên đầu trường tiểu học Pantglas".

Chưa hết giận dữ vì cái chết oan uổng của 116 học sinh và 5 giáo viên, cơn phẫn nộ lại bùng lên khi Quỹ Tưởng niệm thảm họa Aberfan nhận được 88.000 lượt quyên góp với tổng số tiền là 1,75 triệu bảng Anh nhưng 150.000 bảng trong số tiền này lại được dùng để chi “hoa hồng” rồi mãi đến hơn 30 năm sau, 150.000 bảng này mới được hoàn trả. Riêng Hội đồng Than quốc gia trợ cấp cho gia đình của mỗi nạn nhân 500 bảng nhưng người nhận phải chứng minh họ chính là thân nhân của người chết. Bên cạnh đó, cũng dấy lên nhiều lời chỉ trích Nữ hoàng Anh về thái độ của bà. Riêng Robens, chủ tịch Hội đồng Than, khi trả lời phỏng vấn của báo chí, ông phủi trách nhiệm: “Bản thân tôi không nghĩ rằng một ai đó ở NCB biết có một con suối nằm trong lòng một ngọn núi, nhất là ở ngay dưới chân mỏ than của chúng tôi. Không ai có thể biết con suối ấy đã biến ngọn núi thành bùn…”.

Thợ mỏ và dân làng tập trung đào bới tìm người sống sót.

Ngày 2-11, Ủy ban điều tra thảm họa Aberfan tổ chức buổi họp công khai đầu tiên. Kết luận của tòa án nêu rõ Ủy ban Than Quốc gia phải chịu trách nhiệm: “Thảm họa Aberfan có thể và đáng lẽ phải được ngăn chặn nhưng nó đã xảy ra do sự thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng và hơn hết là sự phản ứng chậm chạp”. Một người đàn ông mất vợ và 2 con trai khi được mời lên làm nhân chứng đã nói như hét: “Vợ con tôi đã bị Hội đồng Than quốc gia chôn sống”. Một phụ nữ khác cũng hét lớn: “Hội đồng Than đã giết con tôi”.

Ban đầu, tòa án quyết định không gọi Robens, chủ tịch Ủy ban Than quốc gia ra làm chứng, dựa vào các tuyên bố của ông với các phương tiện truyền thông, rằng sự tồn tại của các con suối ngầm trên sườn núi Mynydd Merthyr chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, cố vấn cho các gia đình có người thiệt mạng là luật sư Desmond Ackner lập tức phản bác. Desmond nói: “Không có một lời giải thích nào của Robens hoặc của những người đại diện NCB về sự vắng mặt của ông ta. Tất cả chỉ là những gì ông ta nói với báo chí mà những lời nói ấy không thể được xem là chứng cứ hợp pháp…”.

Trước những phản bác của luật sư Desmond, Ủy ban điều tra quyết định mời Robens để ông ta có thể bảo vệ lập trường của mình. Dưới sự kiểm tra chéo của luật sư Desmond, Robens đã đưa ra bằng chứng không phù hợp với bằng chứng do NCB cung cấp, nhất là chi tiết liệu thảm họa có thể lường trước được hay không. Tuy nhiên, cố vấn của Ủy ban thảm họa đề nghị tòa án bỏ qua lời khai của Robens.

Tòa án kết thúc phiên điều trần vào ngày 28-4-1967 và công bố báo cáo vào ngày 3-8 nhưng không ai bị buộc tội. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Anh Quốc (BJP) năm 2003 cho thấy một nửa số người sống sót sau thảm họa đã từng trải qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. 34% những người sống sót cho biết họ thường gặp những giấc mơ tồi tệ hoặc khó ngủ vì những ám ảnh bởi thảm họa. Hệ quả của trận lở bùn vào làng Aberfan còn kéo dài đến năm 2005, khi Công ty thuốc lá Imperial Tobaccosa thải một nữ công nhân - là một học sinh sống sót trong trận lở bùn vì cô từ chối làm việc ca đêm với lý do nó mang lại cho cô những ác mộng khủng khiếp vì vào cái ngày định mệnh ấy, cô bị vùi sâu trong đống bùn than trong lúc người bạn thân của cô, ngồi cạnh chỗ cô trong lớp đã phải chết…

Vũ Cao (Theo History - Aberfan Disaster)
.
.