Những tội ác thời trung cổ ở trại giam tù binh Phú Quốc

Chủ Nhật, 24/05/2009, 10:30
Nhiều chiến sĩ cách mạng đã từng trải qua nhiều nhà tù nên sau ngày hòa bình, được sống sót trở về, với những trải nghiệm "lửa thử vàng" trong ngục tù đế quốc, khi so sánh, các cựu tù đều nói: Không có nhà tù nào tàn khốc hơn Phú Quốc.

Ông Võ Văn Hiền - nguyên Trưởng ban Liên lạc Cựu tù binh Việt Nam thời chống Mỹ, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, với tư cách là người đã từng bị giam giữ tại trại giam tù binh Phú Quốc, trong hội thảo do Sở Văn hóa - Thông tin  Thể thao Kiên Giang tổ chức năm 1995 đã phân tích và so sánh đưa ra nhận định:

“Dưới thời Mỹ - ngụy, chế độ nhà tù rất thâm độc, xảo quyệt, vô cùng tàn bạo đối với tù chính trị cũng như đối với tù binh. Kẻ thù tấn công đánh phá liên tục, từ khi bị bắt đến khi rời khỏi nhà giam, đặc biệt trong thời giam cầm lưu đày, không để người tù yên thân, nhằm "vô hiệu hóa người tù".

Chúng chủ trương tiêu diệt tinh thần cách mạng, thể xác người tù bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt: lừa mị, dụ  dỗ, tra tấn dã man, buộc người tù cung khai, đầu hàng, phản bội lại cách mạng, sống trở về cách mạng không tin dùng, bè bạn nhân dân chê trách, oán ghét. Còn người nào giữ được khí tiết thì với chính sách cai trị tù tàn bạo của địch, nếu không chết mòn trong tù, mà còn sống thì cũng tàn phế, khi về không những không còn đủ sức để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng, mà còn là gánh nặng của gia đình, của cách mạng”.

Sự tàn khốc của nhà tù khiến trại giam tù binh Phú Quốc tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) mà đã có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật. Để trả lời cho câu hỏi vì sao trại giam tù binh Phú Quốc là nhà tù bị đối xử tàn bạo nhất, ta chỉ cần tìm hiểu thành phần tù binh được đưa đến đây.

Trong số khoảng 40.000 tù binh, có khoảng 12.000 bộ đội chủ lực, địa phương quân (riêng miền Bắc đã có 9.000 người), trên  20.000 là dân quân du kích xã, ấp và cán bộ chính trị. Trong số tù binh này có hơn 2.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và trên 100 là cán bộ chính trị có trình độ trung cấp, sơ cấp (trong đó có 10 tỉnh ủy viên, trên 40 huyện ủy viên) và trên 200 chi ủy viên. Phú Quốc là nơi hội tụ tù binh nhiều miền đất nước, gồm học sinh, trí thức, giáo viên, nhà văn, nhà báo, công nhân, nông dân, dân tộc ít người ở Tây Nguyên, người Khơ-me, người Hoa và các tôn giáo, có cả nhà sư, ông lão trên 60 tuổi, có cả các em bé 13, 16 tuổi.

Đặc biệt, trong đó có các chiến sĩ biệt động Sài Gòn từng tham gia đánh vào các mục tiêu đầu não của kẻ thù, như ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen) - người duy nhất sống sót trong Đội biệt động 11 gồm 15 chiến sĩ tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ đêm mùng 1 tết Mậu Thân 1968. Ông bị thương và bị đày ra Phú Quốc...

Với thành phần ấy, địch xem đó là lực lượng ưu tú, trọng yếu của cách mạng đã tóm được và quyết bằng mọi cách, bằng mọi thủ đọan tra tấn làm tê liệt, vô hiệu, triệt tiêu lực lượng này. Vì chủ trương ấy, nhiều tội ác thời Trung cổ đã diễn ra ở Phú Quốc...

Ở trại giam tù binh Phú Quốc, các nhục hình treo cổ, đổ nước xà bông, tra điện, đóng đinh vào bàn tay, bàn chân vào đầu là chuyện thường ngày. Ông Hồ Thành Phương - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Phân khu 3, cựu tù binh Phú Quốc ở Long An kể: "Tất cả bọn quân cảnh và giám thị đều có quyền phạt vạ, đánh đập tù binh. Bọn quân cảnh gặp tù binh ở đâu là đánh đó, chủ yếu bằng dùi cui, báng súng, đá bằng giày. Riêng bọn giám thị được sự tiếp tay đắc lực của đám trật tự và ban an ninh, điều hành đã bày ra nhiều hình thức kỷ luật, có những hình thức chẳng khác gì thời Trung cổ.

Ông Phan Văn Nhẫn (giữa) - cựu tù binh Phú Quốc là điển hình "chứng minh" tài đục răng có một không hai của tên Nhu. Hai lần bị đục răng, Ông Chín Nhẫn mất đến 9 chiếc. Ông đã vẽ lại hình chiếc búa và cái đục - dụng cụ tự chế của tên Nhu dùng để đục răng tù binh.

Tôi không bao giờ quên được hình phạt đóng kim. Chúng dùng những cây kim chích đã cũ, đóng từ từ vào 10 đầu ngón tay. Loại kim này gây đau đớn nhiều lần so với khi dùng kim mới". Lòng căm thù khiến ông quên hết đau đớn, dùng 10 ngón tay đang bị găm  kim ấy chọc vào mắt tên chiêu hồi.  Địch hoảng hốt trói ông lại, quậy ớt vào vôi bột, đổ vào mặt vào mũi tù nhân, cho đến khi ông bất tỉnh. Sau đó, chúng gắp kim ra khỏi 10 ngón tay, máu tuôn thành vòi. Kế đó, chúng ném ông vào "chuồng cọp"...

Nhà báo Mỹ Robin Moore trong quyển "Chế độ Sài Gòn - một chế độ trại giam" do Nhà xuất bản Đông Nam Á ở Paris ấn hành cho rằng "chuồng cọp kẽm gai" là phát minh của Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh của Mỹ. Từ năm 1960, Lực lượng đặc biệt Mũ nồi xanh đã được huấn luyện cách sử dụng "chuồng cọp kẽm gai" trong chương trình đào tạo các chuyên viên Mỹ chống chiến tranh du kích tại Trường huấn luyện Fort  Bragg của Hoa Kỳ.

Và loại "chuồng cọp kẽm gai" này đã xuất hiện ở trại giam tù binh Phú Quốc. Đó là loại chuồng cọp làm toàn bằng dây kẽm gai, được đan chằng chịt xung quanh và trên nóc. Chuồng cọp này đặt ở ngoài trời trong phân khu. Mỗi phân khu có đến hai, ba chuồng cọp - loại nhốt 1 người và loại nhốt 3-5 người. Kích thước chuồng cọp rất đa dạng, có loại cho tù binh nằm trên đất cát, có loại buộc tù nhân phải nằm trên dây kẽm gai, mặc cho da thịt bị đâm thủng, có loại chỉ nằm hoặc đứng; có loại chỉ ngồi lom khom; khủng khiếp nhất là loại phải đứng lom khom, không đứng được mà ngồi cũng chẳng được, bởi ngồi xuống phải ngồi trên dây kẽm gai. --PageBreak--

Thường khi phạt vào chuồng cọp, tù nhân phải cởi áo, quần dài, chỉ được mặc quần cụt để phơi nắng, phơi sương, dầm mưa suốt ngày đêm, mặc cho muỗi mòng cắn, hút máu người. Bị đưa vào đây, tù nhân chỉ được ăn một phần cơm với ít muối và  mỗi ngày vài ba ca nước uống. Mỗi khi tiêu, tiểu, tù nhân phải lấy tay moi cát tại chỗ lấp lại.

Đêm lạnh, địch dội lên người trong chuồng cọp xô nước lạnh, gọi là "giải khát cho cọp hoặc để rửa chuồng". Ngày nóng, chúng dội nước muối lên người nạn nhân, gọi là "ướp cho mau lên cân". Có khi chúng cho đốt lửa sát chuồng cọp để "gợi cho cọp nhớ những trận cháy rừng ở Phú Quốc". Chỉ vài ngày ngồi chuồng cọp, da nạn nhân bị lột. Ngồi dài ngày, lớp da non bị cháy rồi lại bị lột tiếp. Hậu quả là nạn nhân chỉ còn da bọc xương. Ở chuồng cọp dài ngày, tóc nạn nhân dài ra.

Tên thượng sĩ Nhu - một tên tay sai đắc lực, tàn ác nhất nhì ở bộ máy trại giam tù binh Phú Quốc mỉm cười nham hiểm nói: "Để tao cắt tóc cho mày nghen". Rồi hắn đổ dầu hắc lên đầu nạn nhân, châm lửa đốt. Lửa cháy trên đầu, chảy xuống cùng dầu hắc làm phỏng mặt, cổ của người tù.

Một hình thức kỷ luật ngỡ êm dịu mà vô cùng khủng khiếp, đó là hình thức cho người tù ăn cơm lạt. Ông Phan Văn Nhẫn - nguyên Trưởng ban Nông thôn của Đài Phát thanh Giải phóng, một tù binh từng nếm mùi ăn cơm lạt ở Phú Quốc nói: "Nạn nhân bị khép hình thức kỷ luật ăn cơm lạt vô cùng khổ sở, khi cơ thể thiếu chất, biến chứng thành nhiều căn bệnh quái lạ. Nạn nhân thèm đủ thứ, kiệt sức nhanh chóng. Chỉ cần 2 tháng ăn cơm lạt, mắt người tù không thấy gì. Lúc ấy, có muốn vượt ngục  cũng chẳng thấy đường mà đi.

Có đồng chí bị phạt ăn cơm lạt đến 5-6 tháng trời, hai mắt bị hư mù tự lúc nào. Cho đến một hôm, chỉ cần di chuyển nhẹ, hai tròng mắt của đồng chí ấy rơi xuống, bốc mùi tanh khủng khiếp!". Ở trại biệt giam ăn cơm lạt, đứng từ xa đã thấy bốc mùi tanh. Không bao giờ phái đoàn Hội Thập tự đỏ được chúng cho tham quan khu biệt giam, bởi mùi tanh rất đặc biệt ấy!

Tên thượng sĩ nhất Nhu bày ra nhiều hình thức đánh đập, hành hạ tù nhân như trò tiêu khiển. Tên đồ tể khét tiếng ấy kỳ lạ thay lại ăn chay, đêm đêm tụng kinh, lần tràng hạt.  Việc tra tấn tù binh với hắn là một thói quen, một thú vui, thỉnh thoảng pha chút khôi hài. Một trong những "thú vui" của  hắn là bắt tù binh lộn vỉ sắt. Hắn cho lật ngửa tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau làm "đường băng sân bay" rồi bắt tù binh cởi áo, cởi quần ngoài, chỉ còn chiếc quần đùi. Cứ như vậy, nạn nhân bị bắt cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau. Mỗi lần bị phạt, nạn nhân phải lộn vài chục cái.

Có lúc cao hứng, hắn gọi 2-3 tù binh ra xếp vỉ sắt trước nhà hắn, bắt lộn cho hắn coi. Hắn thản nhiên nhìn những tấm lưng trần của tù binh quật xuống những mấu vỉ sắt làm rướm máu. Chỉ cần lộn vài lần là lưng người tù tóe máu, đầu bị bứt tóc, tróc da tơi tả.

Những tên đồ tể ở Phú Quốc đặc biệt có nhiều sáng kiến tạo ra những dụng cụ tra tấn kỳ lạ. Bọn giám thị và quân cảnh cho thợ mộc làm những chiếc chày vồ bằng gỗ có cán bên hông như chày giã gạo. Chúng dùng chày vồ đánh vào các khớp xương như mắt cá, cùi chỏ, đầu gối, bả vai của tù nhân. Bị đánh bằng chày vồ, người tù lê lết cả buổi cũng chưa gượng dậy nổi.

Tên Nhu thường tra tấn tù nhân bằng những dụng cụ chuyên dùng. Một trong các dụng cụ đó là những cây gậy được hắn gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như "gậy bỏ cháo", nghĩa là tù nhân bị đánh gậy này không ăn cơm nổi, mà cháo cũng không nuốt nổi; "gậy đầu sanh đầu tử" là nếu đánh bằng đầu sanh thì còn hy vọng sống, nếu đánh bằng đầu tử có thể chết hoặc phải què quặt, tàn phế. Những cây gậy này dài khoảng 1 đến 1,2m, tròn, đường kính độ 3cm. Đánh bằng gậy cũng là trò giải trí của tên đồ tể này. Hắn thường nói: "Ngày nào không đánh tụi bây là tao ăn cơm không ngon”.

Có một  kiểu tra tấn mới nghe qua ngỡ nhẹ nhàng nhất nhưng vô cùng thâm độc, tàn khốc. Đó là kiểu tra tấn bằng cách gõ thùng. Bọn giám thị bắt tù binh ngồi chồm hổm, lấy thùng phuy úp lên rồi gõ vào thùng. Kiểu tra tấn này khiến tù nhân sẽ bị đau đầu khủng khiếp, sẽ bị điếc vì tiếng gõ của thùng và sức ép không khí. Cũng bằng cách gõ thùng, chúng bắt tù binh cởi áo quần ngoài, cho ngồi vào thùng phuy đổ đầy nước rồi lấy cây đánh vào hông thùng. Kiểu tra tấn này khiến tù nhân bị hộc máu vì sức ép của nước.

Nhắc đến hình phạt đục răng và bẻ răng ai cũng phải lạnh người. Ông Phan Văn Nhẫn - cựu tù binh Phú Quốc ở Long An là một trong những người bị tên Nhu bẻ răng. Ông kể:

"Trên đảo Phú Quốc có loại "danh mộc" mình đồng, cứng, chắc và nặng như căm xe, trắc... Người địa phương gọi là gỗ "sơn trà". Các giám thị khác và Nhu chọn sơn trà làm gậy đầu sanh đầu tử, búa gỗ và đục gỗ để đục răng anh em. Vũ khí của Nhu đục răng anh em gồm hai thứ: chiếc búa gỗ có dáng dấp như búa đóng đinh, cán búa và đầu búa đều bằng gỗ. Thứ hai, là cây đục - cũng bằng gỗ - được chuốt tròn, một đầu to cỡ ngón chân cái, một đầu nhỏ (để cắm vào chân răng). Hắn cho chuốt nhỏ đầu này vừa với cái răng.

Hắn gài mũi đục vào sát chân răng, dùng búa đóng "cạch" một cái, một tiếng động khô khốc vang lên. Cái răng nạn nhân bị văng ngược ra ngoài, máu me đầy miệng. Người tù binh bị  Nhu đục răng ê ẩm hết cả đầu cổ, bị choáng. Hai ngày sau khi bị đục răng, nạn nhân cứ sốt hâm hấp và ớn lạnh, không ăn cơm nổi, chỉ nuốt nước cháo...

Lần đầu, tôi bị Nhu đục một cái răng, vì tội phạm vào cái việc mà hắn cấm ngặt: vào nhà bếp lấy một miếng cơm cháy (chỗ khét đen ăn không được) đem về phòng giam, bỏ vào nước uống cho đỡ tanh. Lần sau, có lẽ nghe thông tin từ bọn mật báo, Nhu đục tôi thêm 2 cái răng nữa. Hắn buộc tôi cái tội gọi là tuyên truyền. Về kỹ thuật, Nhu đục răng thuần thục lắm.

Tôi trực tiếp biết và hỏi thăm một số bạn tù khác cũng là nạn nhân của Nhu bị đục răng, thì chưa có trường hợp nào cái răng bị đục văng ngược vào cổ họng, toàn là văng ra ngoài! Nhu không đục hai cái răng liền kề nhau mà đục cách khoảng mấy cái răng. Về sau, hai cái răng liền kề hai bên cái răng bị đục đều thâm đen và rụng luôn. Tôi bị đục 3 cái răng nhưng đã mất đi 9 cái răng!

Sau ngày trao trả tù binh năm 1973, khi được đưa đi nghỉ dưỡng, một bác sĩ cho tôi biết: Nếu địch đục liên tiếp trong 3 ngày 3 cái răng của một người thì sẽ gây chấn thương nặng vùng đầu và tim. Người bị đục răng thì bị tổn thương, vĩnh viễn đến hết đời!".

(Còn nữa) 

Trầm Hương
.
.