Những vụ lừa đảo có một không hai

Thứ Tư, 02/05/2018, 20:54
Kể từ khi xã hội phát minh ra tiền tệ rồi dùng tiền tệ để giao dịch thì cũng là lúc xuất hiện bọn lừa đảo. Bằng cách đánh vào lòng tham của một số người, họ đã thực hiện những vụ bịp bợm có một không hai trên thế giới bằng những kịch bản rất thuyết phục!

Vì thế, chuyện mắc bẫy là chuyện khó tránh khỏi. Đến khi nạn nhân biết mình bị lừa thì đã muộn…

Hai lần bán tháp Eiffel

Ngày 17-10-1925, Victor Lustig tình cờ đọc được trên tờ Người Paris một mẩu tin ngắn, nội dung thông báo về việc sửa chữa và bảo dưỡng tháp Eiffel. Lập tức, bộ óc nhạy bén của ông ta nghĩ ra một trò lừa.

Chào đời ngày 4-1-1890 ở tỉnh Hostinne, Hungary (nay thuộc Cộng hòa Serbia) rồi theo gia đình sang Pháp. Năm 20 tuổi, Lustig thực hiện vụ gian lận đầu tiên bằng cách làm giả vé tàu đi từ cảng Atlantic, Pháp đến thành phố New York, Mỹ. Và vì là vé giả nên Lustig không thể vào phòng ngủ theo số in trên vé.

Chuyến hải hành kéo dài 2 tuần. Ban ngày Lustig ngồi chơi cạnh bể bơi, hoặc lang thang đây đó trên tàu như một khách nhàn du, hoặc nhâm nhi một ly capucino trong bar-cafe; còn ban đêm, ông ta vào casino xem đánh bạc! Nếu buồn ngủ quá, Lustig nghỉ lưng trong những cabin nhỏ, dành riêng cho khách chơi bài. Ăn uống thì do tiền ăn đã được cộng vào vé nên đến bữa, ông ta đĩnh đạc vào nhà hàng gọi món. Cho tới năm 25 tuổi, Lustig đã thực hiện 3 chuyến khứ hồi Paris - New York bằng cách này.

Đẹp trai, dẻo miệng, ngoài tiếng Pháp, Lustig còn nói được cả tiếng Anh lẫn tiếng Đức. Ở New York, ông ta lừa bịp bằng cách đưa một tờ báo Pháp Le Monde, trong đó có bài giới thiệu về lâu đài của bá tước Victor  Lustig (trùng tên với ông ta). Ông ta khoe đó là lâu đài ông ta được thừa kế rồi gạ bán. Một người mắc bẫy, đưa cho ông ta 60.000USD "đặt cọc". Nhận xong tiền, Lustig biến mất.

Thế nên, ngay khi đọc được thông báo về việc sửa chữa và bảo dưỡng tháp Eiffel, Lustig bèn làm giả công văn của Văn phòng Chính phủ Pháp, nội dung cho phép bán thanh lý tháp Eiffel! Chẳng mấy chốc, có 6 nhà buôn phế liệu “cắn câu”.

Tháp Eiffel năm 1925.

Tự giới thiệu mình là Phó Tổng giám đốc Bộ Bưu chính Viễn thông Pháp, Lustig mời 6 nhân vật này đến tham dự cuộc họp kín ở Hotel de Crillon - là một trong những khách sạn sang trọng, đắt tiền nhất Paris. Trong cuộc họp ấy, Lustig cùng 6 nhà buôn phế liệu thảo luận về hợp đồng mua tháp. Theo lời Lustig nói với họ, sở dĩ ông ta chọn họ vì: "Quý vị là những doanh nhân trung thực và nhà máy tái chế phế liệu của quý vị là những nhà máy hiện đại nhất thế giới!".

Khỏi phải nói, 6 nhà buôn phế liệu như đi trên mây. Chẳng ai trong số họ có chút nghi ngờ bởi lẽ tháp Eiffel được xây dựng để phục vụ cho cuộc triển lãm Paris năm 1889, và thời điểm ấy chính quyền thành phố Paris không hề có ý định sẽ để nó tồn tại vĩnh viễn. Năm 1909, tháp Eiffel đã chuẩn bị tháo rỡ để chuyển đến một nơi khác vì theo chính quyền, nó vừa xuống cấp, vừa không phù hợp với thành phố, nơi các di tích như nhà thờ Đức bà Paris (Notre Dame) hay Khải hoàn môn (Arc de Triomphe) mới chính là biểu tượng của "kinh đô ánh sáng".

Buổi họp kết thúc, Lustig đưa 6 nhà buôn phế liệu lên một chiếc limousine đi tham quan tháp Eiffel. Mặc dù là xe thuê nhưng do đã dặn dò tài xế từ trước nên cả 6 ông nhà buôn đều lác mắt trước sự giàu có, lịch lãm của ông phó tổng giám đốc! Theo lời Lustig, đây là cơ hội để 6 nhà buôn đánh giá khả năng trúng thầu. Ông cũng không quên nhắc nhở họ rằng việc bán tháp Eiffel là bí mật nhà nước.

Sáng hôm sau, lần lượt từng nhà buôn phế liệu - trong đó có Andre Poisson - đem hồ sơ dự thầu đến gặp Lustig. Tuy nhiên, vợ Poisson tỏ ra nghi ngờ nên bà đã hỏi thẳng rằng việc đấu thầu sao lại quá nhanh và quá bí mật? Không chút bối rối, Lustig thản nhiên giải thích: "Là phó tổng giám đốc nhưng thu nhập của tôi không đủ để sống theo phong cách nên tôi phải tìm kiếm nguồn bổ sung…". Câu nói khiến vợ chồng Poisson hiểu ngay là họ đang "làm ăn" với một quan chức tham nhũng.

Victor Lustig, người đã 2 lần bán tháp Eiffel.

Thế nên, khi đưa hồ sơ cho Lustig, vợ chồng Poisson không quên "lót tay" cho ông "phó tổng giám đốc" 250.000 franc (tương đương 100.000USD). Nhận được tiền, vài ngày sau đó chẳng ai còn thấy ông "phó tổng giám đốc" đâu nữa. Biết là đã bị lừa nhưng vì sĩ diện, vợ chồng Poisson đành cắn răng "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Một tháng sau, Lustig lại xuất hiện ở Paris. Lần này, vẫn với kịch bản bán tháp Eiffel, ông ta mồi chài 3 nhà buôn phế liệu khác. Tuy nhiên, do đã được các đồng nghiệp cảnh báo nên họ lập tức thông tin cho cảnh sát cùng với bằng chứng là những bản hợp đồng dự thầu giả mạo do Lustig soạn ra. Đánh hơi thấy sự bất thường, Lustig trốn sang Mỹ.

Từ đó cho đến năm 1930, Lustig thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa bịp ở Mỹ. Tối ngày 10 -5 -1935, Lustig bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt vì tội làm tiền giả. Khám xét chiếc tủ riêng ở ga xe điện ngầm Quảng trường Thời đại, New York, mà Lustig thuê bao, FBI tìm thấy 51.000 USD tiền giả cùng một tấm kim loại - là bản khắc tờ 50USD giả. Trong quá trình điều tra, FBI còn phát hiện Lustig có 22 cái tên khác nhau, cũng như cảnh sát ở một số nước châu Âu đã bắt hụt ông ta 45 lần!

Bị kết án 20 năm tù giam tại nhà tù trên đảo Alcatraz, bang California, ngày 9-3-1947, Lustig mắc bệnh viêm phổi rồi chết tại Trung tâm Y tế tù nhân Liên bang ở thành phố Springfield, bang Missouri. Đám tang ông ta không hề có thân nhân hay bạn bè nào đến dự.

Mỏ vàng khổng lồ

Năm 1996, Công ty khai thác mỏ Bre-X Minerals Ltd có trụ sở tại Canada, do David Walsh thành lập năm 1989, công bố đã tìm thấy một mỏ vàng ở thung lũng Busang, đảo Borneo, Indonesia. Lập tức chỉ hơn 1 tuần, giá trị cổ phiếu của Bre-X Minerals Ltd niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Alberta, Toronto, Canada, từ 25 xu tăng vọt lên 288USD, chưa kể các công ty khai khoáng hàng đầu nước Mỹ như Barrick Gold, Placer Dome and Freeport, McMoran Copper & Gold…, cũng đề nghị được góp vốn.

David Walsh và Michael de Guzman (thứ 2 và 3 từ trái qua) tại mỏ vàng Busang.

Theo giám đốc David Walsh và kỹ sư địa chất, chịu trách nhiệm quản lý việc khai thác là Michael de Guzman, trữ lượng vàng ở thung lũng Busang ước tính khoảng 6.900 tấn.

Tuy nhiên, chẳng ai biết đây là một trò bịp. 3 năm trước - năm 1993 - theo lời khuyên của nhà địa chất học John Felderhof, giám đốc David Walsh mua một lô đất rồi dựng một cơ sở khai thác nằm giữa thung lũng gần sông Busang, đảo Borneo, Indonesia vì Felderhof khẳng định nơi này có vàng. Tiến hành khoan thăm dò suốt năm 1994 nhưng kết quả chỉ là con số 0.

Thời điểm ấy, việc kinh doanh của Công ty Bre-X Minerals Ltd rất trì trệ, nợ nần đầm đìa. Cuối năm 1994, sau khi bàn tính với giám đốc David Walsh, trong một mũi khoan, kỹ sư địa chất Michael de Guzman đã cắt chiếc nhẫn cưới của mình thành nhiều mảnh vụn rồi cho vào đống đất đá vừa múc lên. Dĩ nhiên khi sàng, đãi, công nhân phát hiện có vàng!

Mà đã có vàng thì phải có liên tục mới lừa được người khác. Thế nên năm 1995, giám đốc David Walsh và kỹ sư địa chất Michael de Guzman bí mật bỏ ra 61.000USD để mua vàng của dân địa phương rồi cũng bằng cách cắt vụn, họ lần lượt trộn từng phần của số vàng này vào từng mẻ đất đá.

Tin thung lũng sông Busan có vàng lan nhanh hơn lửa gặp gió. Hầu như ngày nào cũng có những chiếc trực thăng chở theo đại diện của các tập đoàn khai khoáng từ nhiều nơi trên thế giới đến Busang gặp giám đốc David Walsh để bàn việc hợp tác. Ngay cả chính phủ Indonesia của Tổng thống Suharto cũng chẳng chịu đứng ngoài.

Ông Suharto cho rằng một công ty nhỏ như Bre-X không thể khai thác một mình nên ông đề nghị cùng chia sẻ bằng cách kết hợp với Công ty Barrick Gold, trong đó có cổ phần của con gái ông là Siti Hardiyanti Rukmana. Chưa hết, ông Shharto còn cử con trai mình là Sigit Hardjojudanto làm đại diện liên doanh sau khi đã  thỏa thuận rằng Bre-X nắm giữ 45% cổ phần, có quyền sử dụng đất trong 30 năm. Điều hành khai thác được ông Suharto giao cho Công ty Freeport-McMoran Copper & Gold.

Ngày 17-2-1997, bản thỏa thuận được công bố nhưng 1 tuần sau đó, Công ty Freeport-McMoran Copper & Gold cho biết các mẫu vàng thu được ở thung lũng Busang không giống như mẫu vàng khai thác ở những mỏ khác - nghĩa là không phải vàng sa khoáng. Đến ngày 4-3-1997, một công ty độc lập là Strathcona Minerals lại giáng thêm một đòn nặng nề vào Bre-X: Theo kết quả phân tích của Strathcona Minerals, vàng ở mỏ Busang không hề có tạp chất hay nói chính xác hơn, vàng moi lên từ dưới đất ở thung lũng Busang là vàng đã được tinh luyện!

Những công bố của Công ty Freeport-McMoran Copper & Gold và Công ty  Strathcona Minerals như tiếng sét giữa trời quang. Chỉ trong 1 tuần, cổ phiếu của Bre-X xuống dốc không phanh. Sợ hãi vì phải đối mặt với pháp luật về tội lừa đảo, ngày 19-3-1997, quản lý Công ty Bre-X là kỹ sư địa chất Michael de Guzman tự sát bằng cách nhảy từ một chiếc trực thăng khi nó đang bay trên thung lũng  Busang. Xác ông ta được tìm thấy 4 ngày sau đó, chỉ cách đường vào khu mỏ vàng 400m.

Tháng 5-1997, các nhà đầu tư đồng loạt khởi kiện giám đốc David Walsh vì họ đã mất hàng tỉ USD khi cổ phiếu của Công ty Bre-X tụt dốc, trong đó Hội đồng hưu trí thành phố Ontario, Canada mất 45 triệu USD, Qũy tín dụng thành phố  Quebec mất 67 triệu USD, Quỹ trợ cấp hưu trí khu vực công cộng Quebec mất 70 triệu USD và Quỹ lương hưu giáo viên thành phố Ontario mất 100 triệu USD. Vụ lừa đảo của Công ty Bre-X còn kéo theo sự sụp đổ của các sàn giao dịch chứng khoán Canada.

Ngày 5-11-1997, giám đốc Công ty Bre-X David Walsh tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, lúc kết thúc điều tra, cảnh sát Canada lại không đề nghị truy tố hình sự Công ty Ber-X. Giới luật sư cho rằng cảnh sát Canada thiếu nhân viên có kinh nghiệm xử lý những vụ gian lận phức tạp, và luật pháp Canada trong lĩnh vực này là không đầy đủ.

Về phần David Walsh, thoát khỏi viễn cảnh ngồi tù, ông ta chuyển đến đảo quốc Bahamas và vẫn khẳng định thung lũng Busang có vàng. Gần một năm sau, ngày 4-6-1998, Walsh chết vì vỡ túi phình mạch máu não…

Vũ Cao (theo Fortune)
.
.