Nơi huấn luyện kỹ nghệ chế tạo bom và hâm nóng tinh thần khủng bố

Thứ Ba, 14/05/2013, 14:15

Tờ Telegraph (Anh) vừa mới đưa tin, giới chức trách Anh và Mỹ đang ráo riết truy lùng Yahya Ibrahim, chủ biên của tạp chí Inspire. Đây là một tạp chí điện tử thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, được coi là "tài liệu hướng dẫn" chế tạo bom cho hai anh em nghi phạm Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev trong vụ đánh bom tại giải marathon Boston hôm 15/4 vừa qua.

Không lâu sau khi các quan chức khám phá ra rằng các bom “nồi áp suất” đã được sử dụng trong vụ nổ ở Boston, rất nhiều đài phát thanh địa phương bắt đầu thuật lại và suy đoán rằng những quả bom này giống với những thiết kế trong Inspire. Tạp chí này được trực tiếp sử dụng hay trích dẫn gián tiếp bởi rất nhiều kẻ khủng bố trong những năm gần đây như là một nguồn cảm hứng cho những âm mưu tấn công các nước phương Tây. Giới điều tra nói rằng những kẻ tình nghi đã bị đặc biệt hấp dẫn bởi một bài báo với nhan đề: "Cách chế bom trong bếp của mẹ".

Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào khẳng định anh em Tsarnaev đã đọc tạp chí này và làm theo các chỉ dẫn để tạo ra những quả bom chết người. Tuy nhiên, những hoạt động trên mạng và hồ sơ truyền thông xã hội chỉ ra sự đam mê với khủng bố, cuồng tín đạo Hồi và sự say mê đặc biệt của hai nghi phạm với nhiều thông điệp phản động từ Inspire.

Tạp chí và những vụ đánh bom

Kể từ sau cái chết của thủ lĩnh Osama bin Laden, mạng lưới Al-Qaeda nguyên thủy tưởng chừng đã bị vô hiệu hóa. Thế nhưng, sau đó xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức khủng bố hoạt động trên danh nghĩa kế tục sự nghiệp dở dang của Bin Laden. Trong số này, có nhóm "Al-Qaeda tại bán đảo Arập" (AQAP), hoạt động mạnh nhất tại Yemen, một nước Tây Á ở cực Nam của bán đảo Arập và rất gần với châu Phi.

AQAP sở hữu bộ phận truyền thông Al-Malahim Media, đã phát hành Inspire số đầu tiên trên mạng vào ngày 11/7/2010. Đây là tạp chí tiếng Anh, nhắm vào độc giả các nước phương Tây, ban đầu do Samir Khan, một công dân Mỹ gốc Arập, làm chủ biên. Tên này nổi tiếng từ lâu vì lập trường cực đoan, cuồng tín và thuật hùng biện.

Năm 2009, để tránh áp lực của FBI, Samir rời Mỹ qua Yemen, trở thành tay khủng bố xưng danh thánh chiến, và là tiếng nói hùng hồn của AQAP trên thế giới ảo. Ngày 30/9/2011, Samir Khan bị máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ tại thị trấn Khashef của Yemen.

Tên của tạp chí có thể được dịch ra với nghĩa "truyền cảm hứng", nhưng thực tế thì Inspire còn tiến xa hơn việc kích động vì ngay từ số đầu tiên đã có những chỉ dẫn về cách chế tạo chất nổ theo lối thủ công nghiệp làm vũ khí khủng bố, trở thành cơ sở để những phần tử cực đoan thực hiện âm mưu phá hoại.

Anh em nhà Tsarnaev bị nghi ngờ học cách chế tạo bom áp suất từ bài báo "Cách chế bom trong bếp của mẹ" trong một ấn bản của Inspire.

Tháng 7/2011, cảnh sát đã tìm thấy một bản sao chép của tạp chí Inspire trong phòng khách sạn của binh nhất Naser Jason Abdo, bị bắt khi âm mưu tấn công các binh lính Mỹ ở một nhà hàng thuộc thị trấn Killen, Texas. Chỉ 4 tháng sau, Jose Pimentel, công dân Mỹ gốc Dominican, đã sa lưới khi sử dụng Inspire để chế tạo bom trong một kế hoạch phá hoại nhằm nổ tung Sở Cảnh sát và Bưu điện thành phố New York.

Tháng 11/2012, 4 người đàn ông từ Nam California đã bị buộc tội vì có kế hoạch xuất ngoại tới Afghanistan để chiến đấu cùng với Taliban và Al-Qaeda. Một cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 1/2012 xác nhận họ mang một ấn phẩm Inspire trong hành lý khi đi qua biên giới Mỹ - Mexico. Chưa đầy một tháng sau, giới điều tra Mỹ phát hiện công dân Adel Daoud, nhờ Inspire tẩy não một nhóm bạn, để nuôi dưỡng âm mưu đánh sập một quán bar ở Chicago. Tên này gọi Inspire là "tạp chí hay nhất từng đọc", liên kết với Quazi Nafis, người sau đó đã nhận tội âm mưu đánh bom tòa nhà Dự trữ liên bang Mỹ nhờ cảm hứng từ các trang báo Inspire để theo đuổi khao khát "phá hủy nước Mỹ".

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Inspire còn vươn xa khỏi biên giới Mỹ. Mục tiêu của tạp chí là khuấy động các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng được thấy trong một số vụ án khác ở Anh. Tháng 4/2012, 4 người bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Luton và bị truy tố là có âm mưu tấn công một căn cứ quân sự, đã tải xuống và lưu giữ 6 số tạp chí Inspire từ trên mạng.

Nét chung của các hung thủ bị sa lưới là họ đã thấm nhuần tư tưởng cuồng tín từ Inspire đến độ sẵn sàng có hành động cực đoan, rồi học kỹ thuật chế tạo vũ khí, từ đó để trở thành loại khủng bố "tay mơ". Khủng bố chuyên nghiệp biết tường tận cách làm bom, chỉ có "tay mơ" mới đi học nghề trên Inspire và dễ bị sa lưới. Nhưng loại người tiến hành thánh chiến theo kiểu giản đơn như vậy vẫn có khả năng giết người.

Công cụ tuyên chiến

Yahya Ibrahim mà an ninh Anh - Mỹ đang truy tìm là người lên thay Samir Khan làm chủ biên, đưa tờ Inspire ra đến số 10 vào tháng 1/2013. Ngay sau khi Inspire số 10 xuất hiện, truyền thông Mỹ xuất hiện hai luồng phản ứng trái chiều. Đa số thổi phồng ảnh hưởng của Inspire như tiếng nói cổ vũ cho hành động thánh chiến bạo loạn và khủng bố phá hủy phương Tây.

Trong khi đó, một bộ phận chế diễu tính chất tuyên truyền rẻ tiền của tạp chí này vì nội dung lăng nhăng, thiếu lành mạnh. Chuyên gia Thomas Hegghammer tranh luận rằng tạp chí này chỉ đơn thuần là một ví dụ khác thường của văn học trên mạng, mang đậm sắc thái Hồi giáo và mối liên hệ với AQAP thì "cực kỳ yếu" vì chưa xác minh được bất cứ một dấu hiệu tình báo nào cho thấy mối liên quan giữa chủ biên với lực lượng khủng bố.

Giới chức trách Anh và Mỹ đang ráo riết truy lùng Yahya Ibrahim, chủ biên hiện tại của tạp chí Inspire.

Thế nhưng, vụ thảm sát Boston mà thủ phạm Dzhokhar Tsarnaev còn sống bị nghi ngờ học cách thức chế tạo bom theo gợi ý trên Inspire đã buộc dư luận phải suy nghĩ lại. Ba năm tồn tại đủ sức cho tạp chí khủng bố này kích động bạo lực và biến những người như anh em Tsarnaev thành những kẻ khủng bố. Những bài viết kiểu "Cách chế bom trong bếp của mẹ" vô hình trung đem tới cho những kẻ điên cuồng bí quyết làm nổ tung mọi thứ bằng vật liệu vô cùng đơn giản.

Trên thực tế, những chủ biên trước của tạp chí Inspire đều sống nhiều năm tại Mỹ, thông thạo tiếng Anh, hiểu rõ nếp sống xã hội và ít nhiều liên quan tới khủng bố. Có lẽ Yahya Ibrahim cũng không phải là một ngoại lệ. Thậm chí, cái tên Ibrahim có thể chỉ là bí danh của một người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ trong quá trình hành động.

Cái tên Inspire xuất phát từ kinh Koran, với ý nghĩa "truyền cảm hứng và niềm tin cho các chiến binh Thánh chiến", là một món quà đặc biệt cộng đồng Hồi giáo dành tặng phương Tây. Bao trùm tạp chí là thứ tư duy thần học nặng nề, và phù phiếm, có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước. Người ta cho rằng mọi ý tưởng và chiến lược khủng bố đang dần được hoàn thiện, và chỉ mới xuất hiện trên các ấn phẩm gần đây.

AQAP tận dụng một vài thông điệp quen thuộc nhằm kích động các đối tượng Thánh chiến, bao gồm học thuyết âm mưu, đạo Hồi tự vệ, lời kêu gọi những con người theo đạo, và thuyết hành xử đúng đắn ở phương Tây. Tổ chức mong muốn tạo nên tiếng nói cá nhân của chiến thắng, gây dựng sức mạnh và quyết tâm chống trả thế lực đe dọa đạo Hồi, tuyên bố "kế tục sự nghiệp của Bin Laden quá cố".

Inspire cũng được coi là một công cụ tuyên chiến của Yahya Ibrahim, luôn song hành cùng những tay cầm đầu mạng lưới Al-Qaeda, vốn nằm trong "danh sách giết hay bắt sống" của Mỹ. Bài xã luận của hắn mang tựa đề "Hiến dâng tinh thần cho đạo Hồi" xuất hiện trên ấn phẩm đầu tiên của Inspire đã kêu gọi tấn công chống lại những người đã phỉ báng nhà tiên tri Muhammad, trong đó bao gồm tất cả mục tiêu phương Tây. Trong số ra mới nhất của tạp chí, Yahya Ibrahim tiếp tục lên tiếng bàn về những di sản đồ sộ trong sự nghiệp khủng bố của Osama bin Laden, tán dương những phần tử cực đoan và cả thế giới đạo Hồi qua bài viết "Tất cả chúng ta đều một lòng phụng sự Osama".

Ngoài ra, tạp chí Inspire đã sáng lập cái gọi là "tuyên truyền trực tuyến", chính thức chuyển đổi từ khủng bố theo truyền thống của Al-Qaeda thành những vụ tấn công đơn giản bằng cá nhân sử dụng những vũ khí thông thường. Các ấn phẩm lần lượt giới thiệu việc chế tạo bom từ nồi áp suất hay sử dụng ôtô làm máy chém hàng loạt. Chính thứ tư duy kỳ quái này đã đem lại hàng tá ý tưởng khủng bố không bị ràng buộc bởi Al-Qaeda. Từ đây, Inspire trở thành mối đe dọa lớn khi lan rộng trên mạng Internet, làm công cụ huấn luyện trong các trại thánh chiến, và phương tiện liên lạc nội bộ giữa các thành viên Al-Qaeda.

Các chính phủ trên khắp thế giới vô cùng khó khăn trong nỗ lực dập tắt ảnh hưởng của tạp chí này. Mạng Internet đã vượt qua biên giới quốc tế và sẽ cản trở cảnh sát, và mặc cho việc những ấn phẩm hàng quý của Inspire đều đặn bị gỡ bỏ bởi những nhà cung cấp dịch vụ mạng, chúng vẫn sẽ tái xuất ở bất kỳ nơi nào.

Nguy hiểm khó lường

Cho dù bị càn quét mạnh mẽ nhưng AQAP vẫn cố phát hành Inspire, đủ để thấy rằng lực lượng khủng bố này còn phương tiện, biết kỹ thuật điện toán và nắm vững cả quy tắc làm báo. Giới truyền thông Mỹ vẫn cho rằng Insprie chẳng hơn gì "một mớ lá cải nhảm nhí", thế nhưng đã phải dè chừng hơn trước khi AQAP vẫn duy trì và thực tế còn cải tiến hình thức tờ báo để tạo thêm hấp dẫn các đối tượng muốn tranh thủ.

Inspire có lấy lại nhiều bài viết cổ động của các lãnh tụ Al-Qaeda nguyên thủy đã từng được phổ biến từ trước. Nhưng tạp chí cũng có đăng một bài phỏng vấn lãnh tụ AQAP là Nasir al-Wuhayshi, từng phục vụ Bin Laden và hỗ trợ thống nhất các nhóm khủng bố thánh chiến Arập - Yemen vào tháng 9/2009 trong đó có lời kêu gọi các tay thánh chiến ở phương Tây là nên theo đuổi cuộc chiến ngay tại chỗ bằng các đòn tấn công đơn giản, trong tầm tay, dù chỉ bằng dao bằng súng, sau đó mới nên học thêm nghề chế tạo bom công nghiệp.

Các chuyên gia nhận định Inspire nổi lên như là một thủ đoạn cần thiết khi mà giai cấp lãnh đạo Al-Qaeda đang phải chạy trốn ẩn dật kể từ sau vụ 11/9. Inspire đang làm nên thương hiệu Al-Qaeda, bí mật tuyển mộ, thông báo, và kích động những kẻ cuồng tín, "tay mơ" muốn tìm cảm giác sung sướng từ khủng bố. Lợi dụng việc chia tách mạng lưới theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Al-Qaeda hoàn toàn thông minh khi biến tạp chí điện tử này thành "bộ não điều khiển", liên kết các thủ lĩnh đơn lẻ trên toàn cầu.

Mấy chi tiết trên đây cho thấy một mục tiêu rõ rệt của Inspire và từ những người khởi xướng là kích động để huy động các phần tử lạc loài trong xã hội phương Tây, hướng dẫn những kẻ này vào con đường cuồng tín và giúp đỡ các tay nghiệp dư trở thành khủng bố nhà nghề. Nhiều khi thành phần khủng bố "nội hóa" có thể gặp dân chuyên nghiệp và thành công trong nghiệp vụ hắc ám. Cho nên, dù xác suất không cao, Inspire vẫn hàng ngày kết nạp và đào tạo khủng bố qua không gian ảo.

Sự thật là sau khi Samir Khan bị hạ sát, Inspire vẫn huy động được khủng bố trong lớp người nói tiếng Anh sống tại xã hội Anh, Mỹ, Ấn Độ hay Pakistan, Philippines. Cái độc địa của lối đánh này là tìm ra đối tượng sinh sống trong các xã hội an bình và tấn công những mục tiêu dân sự rất khó bảo vệ, trăm lần hụt mà một lần trúng thì cũng gây tổn thất nặng nề và tiếp tục tuyên truyền thế lực của Al-Qaeda, tư tưởng thánh chiến và phương pháp khủng bố.

Cho nên, dù lặp lại một số bài viết đã nhàm chán và cũ kĩ, tờ Inspire vẫn là công cụ khủng bố đáng phải canh chừng. Nó chưa thể dẫn đến một cuộc tổng nổi dậy như các lãnh tụ của Al-Qaeda đã mơ ước, nhưng vẫn hâm nóng tinh thần quá khích trong nhiều cộng đồng người cực đoan và tạo nên những dòng chảy ngầm sai lệch len lỏi vào tư duy của mỗi xã hội…

Trần Quân - Anh Lâm (theo Telegraph.co.uk)
.
.