Norodom Sihanouk - Làm chính trị là một nghệ thuật

Thứ Bảy, 26/06/2010, 16:45
Giống như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên dây, luôn phải tự giữ thăng bằng trên sợi dây đang đu đưa. Sihanouk đã và đang phải tỉnh táo hằng ngày để tự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đang thay đổi...

LTS - Nhà báo Mỹ Bernard Krisher, viết  cuốn "Sihanouk Reminisces: World Leaders I have known" (Sihanouk hồi tưởng: Những lãnh tụ thế giới mà tôi từng biết) (Nhà xuất bản "Editions Duang Kamol", Bangkok, 1990). Trong cuốn sách này, riêng chương "Norodom Sihanouk" là hoàn toàn do Bernard Krisher viết, mà phần đầu chủ yếu dựa trên những ghi chép ông đã thực hiện trong thời gian ở Campuchia (CPC) năm 1965,  khi mà CPC, dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Norodom Sihanouk,  được ví như "một tủ kính tuyệt vời - và không ai có thể ném đá vào cái tủ kính đó".

Nhân dịp cựu Vương Norodom Sihanouk sắp sang thăm Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung trích từ phần đầu chương "Norodom Sihanouk" của Bernard Krisher.

Bất kỳ nơi nào chúng tôi tới, tôi đều phải chú ý tới tính được lòng dân của Hoàng thân Sihanouk. Ông được tôn thờ và sùng bái theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng mối quan hệ của ông với dân chúng hoàn toàn không phải là mối quan hệ sùng bái cá nhân. Ông không cần người ta phải đắp tượng hay xây đài  kỷ niệm. Ông là một ông Hoàng theo đúng nghĩa của từ này.

Hoàng thân Sihanouk đã và vẫn là một con người rất nhạy cảm. Tôi đã viết trong nhật ký của mình: "Không có gì xúc phạm đến lòng tự ái của Hoàng thân bằng sự chỉ trích của báo chí đối với bản thân ông và dân tộc ông". Trên bàn của Kheng Sophorn, Trưởng phòng Báo chí Bộ Thông tin, tôi thấy vô số những bài báo cắt ra từ những tờ báo nước ngoài; tất cả đều được dịch ra tiếng Pháp. Hoàng thân có thói quen tự mình thảo các thư và điện gửi đến các tổng biên tập trên thế giới hiểu không đúng (về CPC), tự tay viết ra những phản ứng của mình là cách làm có hiệu quả nhất để làm rõ lập trường của ông.

Tôi nhớ rất rõ bài báo đăng trên một tờ báo tài chính phương Tây đã làm cho Hoàng thân nổi cơn thịnh nộ vì đã đăng danh sách các nước châu Á và tổng thu nhập quốc nội của họ. Dựa theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, bài báo đã xếp CPC vào cuối bảng. Một nhà ngoại giao nói với tôi: "Sihanouk đã không tự kiềm chế được. Ông (Hoàng thân) nhận xét "chúng tôi lại thấp hơn cả Lào; họ thậm chí không có cả một nền kinh tế". Các lá thư phản đối do chính Hoàng thân soạn thảo đã được gửi ngay tới tòa báo và Liên Hiệp Quốc, và toàn văn các bức thư đó cũng đã xuất hiện trên báo chí và Đài Phát thanh CPC.

CPC giống như một tủ kính,  khi Hoàng thân phải nói một cách mộc mạc với mọi người về những gì đang xảy ra. Chẳng hạn, bản tin hằng ngày của Hãng Thông tấn Khmer có nhiều độc giả AKP đã đăng một danh sách đầy đủ từ những mặt hàng nhập khẩu của nước ngoài đến số lượng những cuộn phim Kodak và những chai rượu Perrier. Người CPC, dưới thời Sihanouk, được sống trong một tủ kính tuyệt vời - và không ai có thể ném đá vào cái tủ kính đó.

Tôi đã đến Kompong Cham, Bokor và cả Sihanoukville, hấp thụ được cuộc sống miền quê êm đềm, nhưng cũng cảm nhận được sự hoài nghi và không tin cậy đang gia tăng đối với Mỹ. Người ta đã khuyên tôi, vì tôi nói tiếng Pháp, hãy tự giới thiệu mình là một người Pháp trong chuyến đi này, và tôi liền nhận thức được sự khác biệt trong thái độ của dân chúng khi họ tưởng rằng tôi là một người Pháp với khi họ biết tôi là một người Mỹ.

Chủ nghĩa bài Mỹ là có thể hiểu được. Chúng ta đã làm được quá ít để người CPC có thể thích chúng ta. Té ra chúng ta đã ưu đãi Thái Lan và Nam Việt Nam hơn, cung cấp cho họ nhiều viện trợ hơn, những máy bay và những chiếc xe tốt hơn. Và mặc dù chúng ta đã xây dựng được "Xa lộ Hữu nghị" dài 141 km từ Phnom Penh đi Sihanoukville, nhưng con đường gây nhiều phiền toái đó đã được xây dựng trên một nền móng không thích hợp đến mức bắt đầu bị nứt ngay khi vừa mới hoàn thành. Thực tế, con đường này không thể sử dụng được.

Sihanouk, để bảo vệ sự độc lập của CPC, đã sáng tạo ra và hoàn thiện để đưa ra những tuyên bố không thể đoán trước được, một kiểu ăn nói lấp lửng mà tôi cho là rất thích hợp và có tính toán. Ông có thể bất ngờ thay đổi ý nghĩ của mình hằng ngày, nhưng sự hay thay đổi như vậy là một chiến thuật để tồn tại đối với người lãnh đạo của một nước nhỏ dễ bị các siêu cường lôi kéo mà các siêu cường thường theo đuổi một cách ích kỷ các lợi ích dân tộc của họ, như họ đã làm ở CPC. Giống như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên dây, luôn phải tự giữ thăng bằng trên sợi dây đang đu đưa. Sihanouk đã và đang phải tỉnh táo hằng ngày để tự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đang thay đổi.

Quốc trưởng Norodom Sihanouk và bà Hoàng Monique tại một trạm dừng chân trên đường Trường Sơn (năm 1973).

Vì thế, vào năm 1965, Mỹ đã lúng túng và tức giận khi Sihanouk không đứng về phía Mỹ 100%. Washington không hài lòng  khi ông Hoàng hay gây khó chịu này của nước CPC tí hon đã đọc những bài diễn văn chỉ trích chính sách của Mỹ. Không có gì quan trọng đối với Nhà Trắng khi báo chí Mỹ, theo tinh thần dân chủ, đã đăng tải nhiều ý kiến cùng quan điểm với  Sihanouk, hoặc khi lãnh tụ nhóm đa số ở Thượng viện Mike Mansfield đã ủng hộ Sihanouk và tỏ ý thông cảm với động cơ hàng đầu của ông là bảo vệ nền độc lập của CPC.

Thật đơn giản là Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đã không thể tha thứ cho ông Hoàng có lối suy nghĩ tự do này, vì thế ngay cả "Xa lộ Hữu nghị" được xây dựng rất cẩu thả cũng đã bị bỏ cho hỏng đi, như bản thân tôi đã nếm trải và thấy tốt hơn hết là ra khỏi cái xa lộ quanh co này để đi theo những nẻo đường đất ở miền quê. Khi tiếp tục cuộc hành trình của mình, tôi thường tự hỏi: Làm sao Mỹ lại bỏ lỡ mất cơ hội? Nếu như chúng ta gửi người đến sửa chữa món quà tặng đã mất tác dụng đó thì người CPC đã tỏ rõ biết bao nhiêu thiện chí rồi!

Người Mỹ đã chẳng bao giờ (ngay cả gần đây), hiểu được Sihanouk. Chìa khóa để hiểu Sihanouk là khi anh lãnh đạo một nước nhỏ và không thể tự bảo vệ được, lại cần viện trợ của nước ngoài, và khi các siêu cường cạnh tranh nhau chỉ giúp anh với cái giá là anh phải đứng về phía họ, thì chiến lược có ý nghĩa duy nhất là làm cho người ta không thể đoán trước được - làm cho bên này chống lại bên kia để tất cả mọi người phải phỏng đoán. Đó là một nghệ thuật tinh vi và Sihanouk là một bậc thầy.

Thật không may, chỉ đến nay người ta mới có thể né tránh, và khi những ngọn lửa của chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu bao quanh CPC và khi Henry Kissinger giúp thiết kế vụ đảo chính lật đổ Hoàng thân Sihanouk (người mà Kissinger coi là trở ngại đối với chính sách sai lầm của ông ta), thì cái mẹo quý này phải tạm thời giấu đi. Ngày nay, Henry Kissinger đã công khai và thẳng thắn thừa nhận rằng CPC là sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông ta

Chí Hùng - Quốc Uy (dịch)
.
.