Chuyện về nữ Phó Thủ tướng đầu tiên của chính quyền Xôviết

Thứ Năm, 12/03/2015, 18:00
Rosalia Samoilovna Zemlyachka (1876-1947) là một trong những phụ nữ tham gia ngay từ đầu vào cuộc cách mạng Bolshevik do lãnh tụ Vladimir Iich Lenin lãnh đạo, nhằm xây dựng một nhà nước công nông liên minh của giai cấp vô sản. Lịch sử cũng ghi nhận bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong chính thể Xôviết.

Sinh ngày 1/4/1876, tại Kiev (Ukraine) trong một gia đình doanh nhân gốc Do Thái, Samuel Markowitz Zalkind có tên khai sinh là Rosalia Zalkind và tên gọi thân mật là Roza. Năm 18 tuổi sau khi tốt nghiệp trung học, Rosalia thi đậu vào Khoa Y của Trường đại học Tổng hợp Lion, thành phố Lvov.

Vào năm thứ 2 đại học Roza được một người bạn thân cho mượn cuốn sách của tác giả Vladimir Ulianov (tên khai sinh của Lenin), với nhan đề "Ai là bạn dân?" đã khơi gợi bầu nhiệt huyết cách mạng trong lòng cô sinh viên trẻ tuổi. Cuối năm 1896, Rosalia quyết định rời bỏ phong trào dân tộc Volya Narodnaya để đi theo ý tưởng tiến bộ của Karl Marx, và 2 năm sau chính thức đệ đơn gia nhập đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (RSDLP) của những người Bolshevik, tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 1902, trong thời gian bị chính thể Sa hoàng lưu đày tại Siberia, R.Zalkind kết hôn với Samoil Samoilov cũng đang bị giam giữ ở đây. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì S.Samoilov chết vì bạo bệnh do chế độ lao tù quá khắc nghiệt. Sau khi chồng mất, Rosalia đã vượt ngục thành công, rồi trở về St Petersburg tham gia vào việc xuất bản tờ báo bí mật Iskra (Tia lửa) do Lenin làm Tổng biên tập.

Rosalia Zalkind khi mới gia nhập RSDLP.

Năm 1903, khi mới 27 tuổi, Rosalia Samoilovna Zalkind được Lenin đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương RSDLP, mang tên mới là Rosalia Samoilovna Zemlyachka (chuyển từ họ Zalkind của ngôn ngữ Do Thái sang họ Zemlyachka đồng nghĩa trong tiếng Nga). Khi cuộc Cách mạng tháng 2/1905 nổ ra, R.Zemlyachka là một trong những đảng viên cốt cán chỉ đạo các hoạt động khởi nghĩa tại Moskva. Năm 1909, R.Zemlyachka được điều chuyển đến Baku (Azerbaijan) làm bí thư đảng bộ địa phương...

Sau 6 năm bôn ba ở nước ngoài tránh sự truy lùng của chính thể Sa hoàng, cuối năm 1915 R.Zemlyachka trở về Moskva cùng các đồng chí của mình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1917.

Thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Mười, R.Zemlyachka đảm nhiệm vai trò Thư ký Ủy ban của những người Bolshevik ở Moskva, đô thị đóng vai trò quan trọng thứ 2 trong Đế chế Nga và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ở địa bàn chiếc lược Rogozhsko-Simonovsky, góp phần thiết thực giúp cuộc Tổng khởi nghĩa đi đến thành công.

Bí thư khu ủy Crimea R.Zemlyachka.

Đầu năm 1918, sau khi cuộc nội chiến bùng nổ, R.Zemlyachka đề đạt nguyện vọng với lãnh tụ Lenin được tham gia chiến đấu chống lại các thế lực phản cách mạng. Rồi bà được đặc cách gia nhập Hồng quân theo quy chế tình nguyện, bởi quân đội Xôviết lúc ấy không tuyển nữ giới. R.Zemlyachka được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 8. Năm 1919, bà là Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 13. Cả 2 đơn vị này đều có nhiệm vụ  tiễu trừ quân Bạch vệ, cũng là lực lượng vũ trang đối lập trong cuộc nội chiến chiếm đóng tại vùng phía đông nam đất nước.

Tới ngày 14/11/1920, R.Zemlyachka được bầu làm Bí thư Ủy ban Cách mạng Crimea  do người tiền nhiệm Bela Kun gốc Hungary đã được Tổ chức Quốc tế Cộng sản điều về quê hương gần một năm trước, đứng ra thành lập đảng Cộng sản Hungary và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vô sản khai sinh nước Cộng hòa Xôviết Hungary vào cuối tháng 3/1919, cũng là nhà nước XHCN thứ hai trên thế giới sau Liên Xô. Đồng thời, R.Zemlyachka còn kiêm nhiệm chức danh Trưởng phân cục Crimea của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD, tiền thân của Cơ quan An ninh Nhà nước KGB sau này).

Với bản tính quyết đoán không nhân nhượng, bà đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo chiến dịch "Bàn tay sắt", tiếp tục tiễu trừ các tổ chức và nhân tố phản cách mạng. Ở địa bàn Crimea và vùng biển Đen đang tập trung đến 6 vạn tàn quân Bạch vệ và Cossack, dưới sự chỉ huy của viên trung tướng Sa hoàng khét tiếng Piotr Vrangel. Cuộc tấn công tổng lực cuối cùng của Bộ Tư lệnh phương diện quân Crimea do R.Zemlyachka lãnh đạo diễn ra vào đầu năm 1921, đã đập tan lực lượng Bạch vệ khiến Piotr Vrangel cùng đám thuộc hạ thân cận phải chạy trốn ra nước ngoài, chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài suốt 4 năm.

Văn bản đầu tiên do R.Zemlyachka ký trong vai trò Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế.

Với thành tích này R.Zemlyachka đã được trao Huân chương Cờ Đỏ, phần thưởng cao nhất của chính quyền Xôviết lúc ấy, do đích thân Lenin trao tặng vào đầu năm 1922, nhằm tôn vinh sự cống hiến và lòng can đảm trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN; đồng thời bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở Liên bang Xôviết được nhận phần thưởng cao quý này.

Sau cuộc nội chiến vào giữa năm 1922, Rosalia Zemlyachka được điều chuyển đến phụ trách công tác tuyên truyền của Đảng ở vùng Ural, địa bàn trọng điểm trong phong trào tập thể hóa nông nghiệp. Năm năm sau, bà chuyển về Moskva bổ sung vào Ủy ban Thanh tra Trung ương, đặc trách công việc làm trong sạch nội bộ. Năm 1937 là Phó chủ tịch của ủy ban trọng yếu này.

Cuối năm 1936, R.Zemlyachka cùng với nữ dân ủy về Các vấn đề xã hội Alexandra Mikhailovna Kollontai được trao Huân chương Lenin, giải thưởng cao nhất của Nhà nước Xôviết thường đi kèm với danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Đây là 2 đại diện phái yếu đầu tiên nhận được vinh dự lớn lao này. Năm 1937, R.Zemlyachka trúng cử vào Xôviết Tối cao (Quốc hội).

Đến tháng 9/1940, bà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Thanh tra Liên bang. Năm 1939, Rosalia Zemlyachka được cử giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Dân ủy (Chính phủ), trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong chính thể Xôviết. Đồng thời, từ năm 1939 đến 1943, bà kiêm nhiệm thêm chức Dân ủy viên (Bộ trưởng) đặc trách Các vấn đề kinh tế.

Tranh khắc trên bia mộ nhà cách mạng lão thành R.Zemlyachka.

Trong Thế chiến II, Phó Thủ tướng R.Zemlyachka được Đại Nguyên soái Joseph Stalin giao trọng trách đảm bảo hậu cần, bao gồm cả đạn dược, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật cũng như nhu yếu phẩm cho chiến trường Moskva, giúp Hồng quân đẩy lùi những cuộc tấn công của quân Đức phát xít trước cửa ngõ thủ đô, tạo tiền đề đi tới thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Bạn bè cũng như đồng nghiệp thường đánh giá Rosalia Zemlyachka là một con người hết sức tuyệt vời, luôn tranh đấu không mệt mỏi vì hạnh phúc của nhân dân. Bà mất vào ngày 21/1/1947, thọ 71 tuổi. Tro cốt của bà được vinh dự chôn tại chân tường Điện Kremlin ngay trung tâm thủ đô Moskva, vị trí trang trọng dành cho những vĩ nhân Xôviết kiệt xuất nhất.

Tên tuổi của nhà nữ lão thành cách mạng Rosalia Zemlyachka đã được đặt cho các đường phố lớn ở nhiều thành phố thuộc Liên bang Xôviết như Moskva, Leningrad (St. Petersburg), Stalingrad (Volgograd), Perm, Nizhny Novgorod, Sverdlovsk, Voronezh, Nizhny Tagil, Dmitriev-Lgovski, Prokopyevsk, Shymkent, Krivoy Rog...

Trần Hồng (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.