Chuyện về những bức chân dung:

Nữ bác sĩ người Mỹ và những bức ảnh chụp 40 năm trước

Thứ Sáu, 23/10/2009, 22:20
Giữa mùa đông năm 2006, bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội gọi cho tôi, báo tin: Có hai nhà báo Mỹ của tổ chức Quaker sắp vào TP HCM. Họ muốn tặng bộ ảnh tư liệu về những nữ tù Việt Nam trong chiến tranh mà họ đã có được. Bác nói nơi thích hợp cho những tư liệu ấy có lẽ là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ...

Không đợi lâu, ngày 27/12/2006, có hai người phụ nữ Mỹ tìm đến Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đó là nữ bác sĩ Jane và Sophie Quinn-Judge. Vẻ gần gũi, thân thiện của hai vị khách đã làm buổi gặp gỡ trở nên thật ấm áp.

Tôi thực sự ngỡ ngàng trước những tấm phim mà nữ bác sĩ Jane tặng cho bảo tàng. Đó là chân dung những nữ tù mà họ đã gặp gỡ, chăm sóc và chia sẻ ở Trung tâm Phục hồi của tổ chức Quaker - một tổ chức từ thiện hoạt động giúp đỡ những người tàn tật trong chiến tranh, đặt tại Quảng Ngãi. Chính sách của trung tâm là chỉ chấp nhận điều trị cho phụ nữ và trẻ em, bởi chính phủ miền Nam thời ấy đã có 4 trung tâm phục hồi ưu tiên dành cho quân lính và cựu chiến binh.

Jane nói: "Tại trung tâm thẩm vấn, nhiều nữ tù bị tra khảo, đánh đập dã man. Tôi đã chụp được khá nhiều về họ". Tôi thật ngỡ ngàng trước những bức chân dung sống động của các nữ tù trên một tờ báo của nước Mỹ.

Jane cười, dịu dàng nói: "Tôi hiểu bạn muốn hỏi vì sao là một bác sĩ làm việc cho tổ chức Quaker mà tôi có được những bức ảnh này. Phải. Thật không dễ dàng để được vào phòng thẩm vấn tù nhân, cũng như không dễ dàng bày tỏ tình cảm. Nhưng tôi đã dùng những cách riêng để tiếp cận với các nạn nhân, đặc biệt khi bệnh tật của họ đã trở nên nguy kịch. Tôi giấu chiếc máy ảnh trong giỏ thuốc men, hoa quả. Nhờ sự khéo léo, bí mật ấy mà tôi có được những bức ảnh này.

Thoạt đầu, vì tò mò, rung cảm mà tôi chụp những cô gái ấy. Tôi thực sự không biết phải làm gì với mớ phim, ảnh mà tôi có được. Về Mỹ, tôi không ngờ khi những bức ảnh được đăng trên một tờ báo lại mang một thông điệp lớn cho những người dân Mỹ. Họ kinh ngạc thực sự, họ không tin những cô gái ấy lại là những nữ tù chính trị. Những bức ảnh trên tờ báo đã góp một tiếng nói phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà Chính phủ Mỹ ngày càng sa lầy".

Nữ bác sĩ Jane (bìa trái) và chị Sophie Quinn-Judge (thứ 3 từ trái) đến Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ tặng số phim chụp những nữ tù Quảng Ngãi.

Jane không thể quên được những gương mặt phụ nữ ở "khu săn sóc đặc biệt", trong khuôn viên Bệnh viện Quảng Ngãi đầu những năm 70. Chị ước lượng: "Có khoảng 30.000 tù chính trị ở tỉnh Quảng Ngãi. Đó là những người đàn ông và những phụ nữ bị nghi ngờ  là "Việt cộng" hay ít nhất là không trung thành với Chính phủ miền Nam Việt Nam.

Khi sức khỏe của tù nhân trở nên trầm trọng, do bệnh tật hay bị tra tấn, họ sẽ được chuyển đến khu săn sóc đặc biệt cho tù nhân ở ngay trong khuôn viên bệnh viện. Những tù nhân "quan trọng" hay "nguy hiểm" không bao giờ đến bệnh viện cho dù bệnh tình hay vết thương của mình nghiêm trọng đến mức nào". Và ở "khu săn sóc đặc biệt", Jane đã gặp những nữ tù với chân bị xích cùng với những nữ tù khác, những cô gái xinh đẹp, trẻ trung có nụ cười trong sáng, ngây thơ đã mất đi chân, tay... Đó là những cô gái bị động kinh vì những ngón đòn tra tấn, những phụ nữ bị liệt, cả những em bé bị mất chi, bị thương và đã chết...

Sau khi mãn hạn làm việc ở Việt Nam, về Mỹ, Jane đã viết những cảm nhận của mình: "Khi tôi nói với một số người Mỹ là đang có hàng ngàn phụ nữ và khoảng 75 em bé dưới 4 tuổi ở trong các trung tâm trại giam, họ đã phản ứng "Phụ nữ và trẻ em ở tù ư?! Thật khủng khiếp quá". Hiển nhiên việc đối xử tồi tệ với các nữ  tù đang diễn ra hằng ngày, như không xét xử hay xác định tội trạng, không phát đủ thực phẩm, điều kiện sinh hoạt không hợp vệ sinh, thiếu quan tâm chăm sóc sức khỏe, và quan trọng nhất là sự tra tấn tàn bạo đối với các tù nhân...". Với trái tim nhân ái của một nữ bác sĩ, Jane đã rung cảm trước "thân phận đáng thương" của những nữ tù và  tìm cách giúp đỡ họ.

Một trong số các nữ tù được đưa đến Trung tâm chỉnh hình trở thành những người bạn thân của hai vợ chồng Jane là chị Khưu Thị Hồng, tức Nguyễn Thị Mai - cán bộ điệp báo Ban An ninh Quảng Ngãi. Trong một chuyến công tác, chị Mai bị thương nặng, bị cụt chân phải, dập nát chân trái. Chị bị địch bắt, đưa vào Bệnh viện Chu Lai (Quảng Nam), rồi được đưa đến Trung tâm chỉnh hình ở Quảng Ngãi. Vết thương quá nặng, chân trái của chị lại bị cưa đến đầu gối. Sau ba tháng điều trị tại trung tâm, với sự giúp đỡ, chia sẻ của vợ chồng Jane, chị Mai được lắp chân giả, được tập luyện để tự đi lại. Chị Mai đã trìu mến gọi Jane là Anh và chồng Jane là Dũng. Chị được vợ chồng Jane giữ lại giúp việc cho trung tâm. Chị Mai đã kể với vợ chồng Jane về những người "phía bên kia".

Trong lòng vợ chồng vị bác sĩ Mỹ này ngời lên sự khâm phục. Và họ ngầm tìm cách giúp đỡ chị Mai hoạt động. Với vai trò nhân viên ký xuất kho các đồ dùng từ thiện mà tổ chức Quaker quyên góp được, nhiều lần chị được vợ chồng Jane cho đi ra ngoài bằng ôtô. Chị đã khéo léo yêu cầu vợ chồng Jane cho xe đến những mục tiêu của địch để quan sát, nắm tình hình địch, nơi đóng quân, doanh trại, vẽ bản đồ bố phòng, hỏa lực địch...

Qua những cơ sở thăm nuôi tù nhân ở trung tâm, chị chuyển những tin tức thu thập được cho lãnh đạo Thị ủy Quảng Ngãi. Nhờ được đi lại trong trung tâm, chị tìm cách giúp đỡ, chăm sóc các nữ tù và khi có thời cơ, giúp các chị trốn thoát. Vợ chồng Jane biết những việc làm ấy của chị Mai nhưng âm thầm che chở cho chị. Và họ thực sự hạnh phúc khi nhận được sự thân thiện, gần gũi của những người tù Việt Nam. Jane đã viết trên một tờ báo Mỹ:

"Tôi nhanh chóng có được tình cảm và sự tiếp xúc thân mật với những nữ tù ở đây. Họ trò chuyện và gọi tôi bằng tên Việt Nam của tôi. Những người tù thân thiết nhất với tôi, thỉnh thoảng, ôm chặt tôi và chải lại mái tóc lòa xòa cho tôi. Một số chị có lẽ nói chuyện không cởi mở và thân mật lắm, nhưng không có ai tỏ ra bất lịch sự hay xa cách tôi.

Tôi đã luôn ngạc nhiên về những người Việt Nam vì sự trong sáng của họ. Họ phân biệt tôi là "nhân dân tiến bộ Mỹ", "người Mỹ tiến bộ" chứ không giống như những "lính Mỹ", "quân đội Mỹ". Cả họ cũng như tôi đều biết những gì đã xảy ra tại Mỹ Lai, một ngôi làng cách Quảng Ngãi vài trăm mét. Và dù sao đi nữa, những người phụ nữ này vẫn rất quý mến tôi...--PageBreak--

Một lần, khi đã nhiều ngày không đến khu săn sóc tù nhân, tôi đi bộ đến đó với một tâm trạng rất tức giận. Tôi đang cảm thấy chán nản và thất vọng đặc biệt về chiến tranh. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã bị bão hòa, rằng mình không thể chịu đựng thêm bất cứ sự tổn thương và khiếp sợ nào được nữa. Chị Minh, một thiếu nữ 19 tuổi, người đã kết bạn với tôi khi chị ở trong khu săn sóc bệnh nhân cách nay vài tháng, nhìn thấy tôi, đã đến gần song cửa sổ và nắm tay tôi. Chị nhìn và nói vào tai tôi - đây có lẽ là cử chỉ trìu mến duy nhất mà chị có thể biểu hiện vì chị không thể ôm ghì lấy tôi như những lần trước: "Tôi đã trở lại rồi đây. Chị có nhớ tôi không?". Tôi trả lời chị: "Dĩ nhiên rồi, tôi rất nhớ chị", những buồn chán trong tôi dường như không còn.

Năm 2005, với một sự thôi thúc gặp lại những nữ tù đã từng gặp gỡ, chia sẻ trong chiến tranh, Jane và chị Sophie Quinn - giám sát viên tổ chức Quaker tại Sài Gòn đã trở lại Việt Nam. Họ tìm đến thị xã Tam Kỳ, Quảng Ngãi, vui mừng khôn xiết khi gặp lại chị Mai. Họ ôm chặt nhau, không ngăn được nước mắt vì sự thất lạc hơn 30 năm.  Cuộc gặp gỡ ấy khiến Jane Barton và chị Sophie Quinn quyết tâm viết một quyển sách về chị Mai, về những nữ tù mà họ đã gặp ở Quảng Ngãi.

Với hai vị nữ bác sĩ người Mỹ này, chị Mai, chị Minh, cô Lang, chị Tú, chị Tho... là hình ảnh Việt Nam mảnh mai, bé nhỏ mà kiên cường, tràn đầy nghị lực. Năm 2006, họ lại đến Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được bà Doãn Ngọc Trâm giới thiệu, Jane và chị Sophie Quinn tìm đến Bảo tàng, tặng số phim nữ tù ở Trung tâm phục hồi mà họ đã chụp được trong chiến tranh...

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã cho rửa bộ ảnh. Điều khó khăn cho việc công bố những bức chân dung nữ tù là sự thiếu thông tin về họ. Ngoài  một số ảnh các  chị nữ tù được in trên báo, có chú thích rõ ràng, số chân dung còn lại ngay cả tác giả cũng không biết rõ tên tuổi. Đó cũng có thể là những khoảnh khắc được họ ghi lại qua ống kính, một cách rất tình cờ, bởi họ đã rung cảm mãnh liệt trước những đôi chân trần bị xiềng xích, những mỏm chân, tay cụt của thiếu nữ, những gương mặt hằn lên nỗi đau đớn vì thương tật, những em bé bị chiến tranh tước đoạt cha mẹ, tước đoạt một phần thân thể, tước đoạt sự hồn nhiên của tuổi thơ... Và dường như những đôi mắt mở to, trong sáng của những người con gái trẻ sau song sắt nhà tù  năm ấy cứ nhìn xoáy vào tôi.

Đôi mắt sâu thẳm của người nữ tù sau song sắt.

Tim tôi bị bóp nghẹn vì ánh mắt đau đáu của những người con gái bị xiềng xích, tuổi thanh xuân của họ phải tựa vào chiếc nạng gỗ, những người phụ nữ chỉ còn da bọc xương nằm liệt trên giường bệnh... Tôi đăm đắm nhìn những bức chân dung mà Jane đã mang trở lại từ nửa vòng trái đất.  Các chị - đồng bào của tôi - những cánh hoa bị ném vào giông bão cuộc chiến tranh, vậy mà mãi đến giờ tôi mới được biết... Đó là nhờ Jane đã giấu chiếc máy ảnh trong giỏ hoa quả...

Bị những ánh mắt ấy ám ảnh, một ngày tháng 8/2008, tôi cùng một người thân rong ruổi ra Quảng Ngãi... Tôi gặp chị Mai ở thị xã Tam Kỳ. Chị  Mai giờ là mẹ của một nữ phóng viên công tác ở Đài Phát thanh  truyền hình Quảng Ngãi, có một cuộc sống ổn định. Chị nhận ra một số chân dung nữ tù trong xấp ảnh của Jane, với những câu chuyện đau thương và anh hùng, cả nỗi đau vì bị quên lãng trong thời bình. Đó là chị Ký cùng với chị Quá, đặt mìn tự động vào ngày mùng Một tết năm 1971,  ở trụ sở Hội đồng ngụy huyện Mộ Đức. Các chị nghiên cứu thực địa, quan sát quy luật địch, dự kiến địch tập trung 7 giờ để chào cờ đầu năm, không ngờ hôm ấy địch lại chào cờ trễ. Chị Quá đã giấu quả mìn hẹn giờ trong đòn bánh tét. Trên  chiếc bàn bọn lính quây quần đánh bạc, chị đã bí mật đặt chiếc giỏ xách chứa "đòn bánh tét". Các chị chưa kịp thoát ra ngoài thì mìn nổ. Chị Quá bị cụt 2 chân. Chị Ký bị thương, cụt một chân... Chị Ký khi bị bắt vào tù mới 17 tuổi.

Đó còn là nữ giao liên Đào Thị Khương ở Núi Thành, Quảng Nam. Địch đổ quân, vây bắn. Chị trúng đạn khắp người, bị tra tấn cho đến gần chết, chúng  mới đưa chị vào bệnh viện chữa trị, khai thác. Trước khi bị bắt vào tù, chị Khương là một cô gái đẹp. Chị đã bị tra tấn đến nằm liệt trên giường. Đó là chị Tư, ở Đức Phổ, chồng là cán bộ Giải phóng trên núi. Chị hoạt động ở dưới vùng địch  chiếm đóng, bị pháo (ca-nông) bắn vào sống lưng,  bị liệt cả hai chân. Chị bị địch bắt, bị đánh đập, tra tấn ngay cả khi đang bị thương nặng. Chị Mai nói chị Tư hồi đó rất đẹp. Khi bị bắt vào tù, con chị mới 11 tuổi, gửi ở quê nuôi. Được chị Anh (Jane) chăm sóc rất tận tình. Chị mất sau hòa bình ít lâu do di chứng thương tật và những ngón đòn trong tù...

Rồi chị Mai tìm trong ngăn tủ những bức chân dung của vợ chồng Jane mà chị trìu mến đặt tên Anh - Dũng, cả quyển sách hai vợ chồng Anh - Dũng có đoạn viết về chị và những cảm nhận của họ khi ở Việt Nam. Dù bị chiến tranh cướp đi đôi chân nhưng chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đầy ý nghĩa khi được làm vợ, làm mẹ và nuôi nấng con cái thành đạt bằng sức lao động của chính mình. Nghị lực vươn lên từ mất mát của chị khiến Jane và Sophie Quinn thêm một lần kinh ngạc và khâm phục. Vì lẽ đó, họ lại viết những chương mới về những người phụ nữ Việt Nam...

(Còn nữa)

T.H.
.
.