Nữ giao liên tình báo Vũ Chi Lan (tiếp theo)

Thứ Hai, 05/05/2008, 10:00
Chiến tranh giải phóng, chống ngoại xâm là chính nghĩa. Chính nghĩa tất thắng có chăng chỉ còn là thời gian. Lương tri thời đại, loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam.

- Chiến trường đang diễn biến phức tạp do Mỹ ồ ạt đưa quân vào. Điều đó càng thể hiện thế yếu của họ. Thể hiện sự lúng túng về chiến lược, tạo mâu thuẫn ngay trên chính trường nước Mỹ, càng lộ rõ bộ mặt xâm lược, bị thế giới lên án, nhân dân tiến bộ Mỹ chống đối.

Chiến tranh giải phóng, chống ngoại xâm là chính nghĩa. Chính nghĩa tất thắng có chăng chỉ còn là thời gian. Lương tri thời đại, loài người tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Vậy hà cớ gì, những người mang dòng máu Việt lại thờ ơ với thời cuộc, lại nhẫn tâm đứng về phía kẻ thù của dân tộc.

Cách mạng rất cảm thông với những số phận bị xô đẩy bởi thời cuộc, bởi cuộc sống. Với họ, vẫn có thể suy nghĩ lại khi thời gian còn chưa quá muộn. Vẫn có thể làm một việc gì đó có lợi cho cách mạng để chuộc lại lỗi lầm quá khứ ngay trên mảnh đất họ đang sống, ngay trong cái thể chế phi nghĩa kia...

Sự im lặng lại bao trùm căn phòng. “L19” thẫn thờ thả tầm mắt vào một góc trần nhà. Lâu lắm, anh ta mới cúi xuống nhìn Hai Thăng, hai mắt đỏ hoe, nghẹn ngào:

- Anh Hai!... Việc này ông già đã nói với tôi. Có điều... ngặt cho hoàn cảnh, một gánh nặng gia đình, bố mẹ già, một vợ và 9 đứa con. Tất cả cuộc sống của họ đều trông vào tôi. Nếu tôi có bề nào thì... xin anh, xin cách mạng hiểu cho... Tôi hứa sẽ không làm bất kỳ việc gì có hại cho cách mạng. Sẽ không để tay mình vấy máu đồng bào...

- Hiểu, tôi hiểu hoàn cảnh mới thực lòng vậy. Nói để anh suy nghĩ. Cách mạng không ép bất kể người nào. Có điều, ta cần sòng phẳng với nhau, thể chế Sài Gòn ví như một cỗ máy, thiếu mấy cái đinh ốc, sút mấy mối hàn trong động cơ thì cỗ máy đó làm sao vận hành được. Vì vậy, tội ác đâu phải chỉ ở những người cầm súng bắn vào đồng bào mình. Thế thôi! Ông già còn nghỉ lại đây với các cháu. Có gì cứ nói lại với ổng. Bây giờ tôi phải đi vì nửa giờ nữa có một cuộc hẹn.

Thực ra đâu có cuộc hẹn nào. Rời nhà “L19”, Hai Thăng ra bến xe, đi thẳng về Lái Thiêu. Không ngờ chỉ nửa giờ sau đó, “ông già miệt vườn” cũng về tới. Ông nắm tay Hai Thăng, nét mặt đau buồn, nghẹn ngào:

- Chú Hai! Mong chú và cách mạng bỏ qua cho tôi, bởi vô phước đã sinh ra một thằng con mất dạy... nó đã làm mất công tổ chức, mất công của chú. Tôi vô cùng mắc cỡ với đời...

Hai Thăng lựa lời an ủi ông già rồi theo Tư Thu về căn cứ ngay chiều hôm đó. Một buổi chiều buồn đối với anh và cả người được giao nhiệm vụ đón anh. Dẫu chưa được biết nội dung, song với con mắt nghề nghiệp, Tư Thu cảm nhận đó là một chuyến đi không “thuận buồm xuôi gió” đối với đồng nghiệp của mình.

Nội dung cuộc tiếp xúc “L19”, ngay tối hôm sau được báo cáo chi tiết về trung tâm. Mấy ngày sau có điện của cấp trên gửi vào động viên, an ủi Hai Thăng và đơn vị. “Cấp trên hoan nghênh tinh thần khắc phục khó khăn, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của các đồng chí. Việc không “dứt điểm” được “L19” cũng là chuyện bình thường. Không vì thế mà buồn nản. Đâu phải tất cả các trận đánh đều là toàn thắng.

Dẫu sao, từ cuộc tiếp xúc này ta đã thu  được thông tin rất bổ ích - đó là tình cảm của quần chúng trong vùng địch tạm chiếm đối với cách mạng mà trong đó có cả những sĩ quan quân đội Sài Gòn. Những người bên kia chiến tuyến đâu phải tất cả đều xấu, đều chống đối cách mạng. Đây là một kênh thông tin giúp ta nghiên cứu phục vụ công tác binh, địch vận đạt kết quả tốt hơn”.

Mối tình năm cũ

Từ khi Hai Thăng về căn cứ, thi thoảng tôi được tiếp xúc với anh - và có cảm tình ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Vì nhận ra ở anh một con người xởi lởi dễ gần, hiểu rộng, biết nhiều nên mới gặp đã thân ngay. Bởi thế, tôi mới dám thóc mách hỏi chuyện đời tư của anh. Anh khẽ cười, lắc đầu, gương mặt thoáng buồn, vội xóa đi ngay bằng một câu hài hước: "Anh Hai chừng này tuổi đầu nhưng chưa có một mảnh tình vắt vai".

Tôi đùa lại anh: “Nếu chưa có chị nào níu chân ở ngoài Bắc thì anh kiếm béng một cô trong vùng giải phóng đi. Để em làm mai cho”.

Anh lại khẽ lắc đầu, trầm ngâm giây lát: “Nói thiệt với chú em, anh đã có người thương rồi. Ngày đi tập kết, cô ấy 19 tuổi. Nhà ở thị xã Vĩnh Long. Hẹn nhau 2 năm, thoáng chốc đã mười mấy năm... Nhưng... buồn lắm, cô ấy đã  mất rồi, trong một trận bom ở vùng ven thị xã.

Anh nguyện với lòng mình, khi nào đặt được bó hoa viếng mộ cô ấy rồi... mới tính”. “Vậy... có biết mộ chị bây giờ ở đâu không” - "Biết! Ở nghĩa trang thị xã Vĩnh Long, má anh có dự lễ tang cô ấy”.

Tôi lặng buồn, mặc cho thời gian nặng nề trôi, lâu lắm mới cất thành lời: “Anh đã vào thành nhiều chuyến, sao không tranh thủ về dưới đó”. Anh lại khẽ lắc đầu: "Đâu có được! Ngày anh đi tập kết cả xứ đều biết...”.

Thời gian ấy, công việc quá nhiều nên phải tới mấy tháng tôi không có dịp gặp anh, kể cả với chị Tư Thu. Một hôm, chị Tư vừa đi công tác trong thành về đã nhắn tôi sang “khu mật”. Mới thấy tôi, chị đã xởi lởi: "Chị có quà cho em đây. Toàn những thứ “hợp gu” em.

Chị lôi trong túi ra một mớ báo và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn. Những Tin Sáng, Điện Tín, Đối Diện, Đứng Dậy... cùng một số tiểu thuyết của mấy cây bút nữ - Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hồng... Toàn những thứ nằm trong “hành trang nghề nghiệp” của chị.

Có lần ở Trạm kiểm soát Cầu Bông, một tên lính định kiểm tra cái giỏ xách của chị, tên lính phía sau giọng oang oang: "Thôi đi! Xét làm gì mấy bà trí thức “mọt sách” này cho mất công”. Chị lục trong giỏ rồi dúi vào tay mỗi đứa một bao Ruby: "Mấy cậu cầm mà hút. Thuốc của ông Đại tá nhà chị đó. Tha về cả đống, khói um nhà”.

“Chu cha!... bà chị lo bảo vệ sức khỏe ông anh tui phải không”. Chị khẽ cười: "Chớ sao! Ổng là “tài sản” của cả nhà đó”. Thực ra nhiều khi trong những tờ báo, những cuốn sách chị đem về lại chứa đựng bao điều bí mật - cán bộ nội thành viết báo cáo vào bên lề của mỗi trang, khi về căn cứ chúng tôi dùng mực mật quét vào chữ mới nổi lên.

Tôi lật lật mấy trang báo, bỗng reo lên: “A... Trong này có một bài họ nói tới  Cù Lao Ba Xã. Quê anh Hai đó, chị biết không? Chắc là xa lắm”.  - “Ừa... Qua Long An, Mỹ Tho rồi qua bắc (phà) Mỹ Thuận mới tới”. “Chị có biết hoàn cảnh gia đình anh Hai ra sao không?”.

“Dưới quê còn ông bà già, một người em trai cũng đi kháng chiến, hai đứa em gái thì một đã có chồng, còn một đứa bị bom, chết từ mấy năm trước. Chị mới về nghĩa trang Vĩnh Long thắp hương dùm anh ấy”. “Ơ!...”. Tôi định cãi lại, nhưng vội kìm mình.

Chị ngồi xuống ghế, hạ thấp giọng: “Có một việc chị muốn tham khảo ý kiến em. Hôm rồi... Anh Hai hỏi mượn chị một tấm hình...” - “Để làm chi vậy?” - “Bà già ép lấy vợ. Ảnh bí quá, nói đại là đã có người yêu trong vùng giải phóng. Bà già nói cho bả được coi hình con dâu tương lai để... có bề nào mới nhắm mắt được”. Tôi thở phào. Vậy là “có vấn đề rồi”.

Tôi khẽ cười: “Thì... thì chị cứ tặng luôn một tấm, mượn mõ làm gì cho mất công. Mà em hỏi thật, trước khi hỏi mượn hình, anh ấy có nói với chị gì không?”. Gương mặt chị bừng đỏ: “Thiệt tình mấy bữa trước ảnh có đặt vấn đề với chị. Chị nói thẳng là không thể... vì dầu sao chị cũng đã từng có gia đình. Còn ảnh... Rồi, còn chuyện anh Tư, đã hơn 10 năm anh bị bắt, chưa có một thông tin chính thức nào. Vì vậy chị không thể...”.

“Vậy hôm đó anh Hai nói sao?”. “Ảnh nói ảnh sẽ kiên quyết chờ, chờ cho tới khi nào có tin chính thức về anh Tư. Nếu may mắn anh Tư vẫn còn  thì hai người vẫn là bạn tốt của nhau”.

Tình hình chiến trường ngày càng ác liệt. Địch đánh phá dữ dội địa bàn đông và tây bắc Sài Gòn. B48 một  số đồng chí hy sinh và bị bắt (trong đó có cả lãnh đạo Cụm). Vì vậy, cấp trên quyết định nhập  B48 với B49 thành một đơn vị lớn như là một trạm tình báo.

Sau tết Mậu Thân, Cụm H67 thiếu cán bộ nên J22 điều tôi về đó. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời. Ngoài nhiệm vụ giữ vững liên lạc với các lưới điệp báo nội thành, H67 còn đảm nhận trách nhiệm như một trạm giao liên để một số cụm bạn dừng chân chuyển địa bàn hoạt động. Cũng vì thế mà  tôi có dịp gặp lại chị Tư Thu.

Hai chị em gặp nhau trong nỗi xa xót, buồn thương. “Dương ơi! Em đã nghe tin chưa... Anh Hai Thăng mất rồi...”. Chị ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào. Chỉ nói được chừng đó rồi nấc lên.  “Chị nói sao? Tin ở đâu vậy?...”. “Ngày... ảnh hy sinh, chị cũng ở đó”. Địch càn vào căn cứ vùng An Nhơn Tây, gần sông Thị Tính... Ảnh chỉ huy cụm chống càn...”.

Tôi lặng đi, chìm vào rừng chiều mật khu xơ xác sau một trận càn của địch và mơ hồ trong lời tâm sự đều đều của chị: “Hồi đó em đi, chị và anh Hai được phân công về một cụm. Bám trụ vùng nam Bến Cát. Trận càn kéo dài suốt ngày hôm đó. Hết bom, pháo rồi tới xe tăng, bộ binh. Anh Hai bị thương nặng, đưa xuống hầm được mấy tiếng sau thì ảnh đi.

Tài sản riêng anh em nhờ chị giữ là một chiếc bòng nhẹ tênh, chỉ có tăng, võng, 2 bộ quần áo và một cuốn sổ nhật trình ghi diễn biến tình hình địa bàn và công tác của đơn vị. Chỉ duy nhất có một tấm hình hồi “mượn” của chị kẹp trong cuốn sổ. Có một trang ghi nợ đơn vị “Ngày... tháng... tạm vay mật quỹ số tiền 5.000đ (năm nghìn tiền Sài Gòn). Lý do: mua một máy xay sinh tố tặng cô em ruột sinh con đầu lòng”.

Chị rút bớt lại số tiền tiêu vặt của mình tiết kiệm mấy năm kẹp vào trang ghi nợ của anh Hai để khi đơn vị kiểm tra tài chính khỏi mất công về khoản tiền thiếu có liên quan đến người đã khuất, để tâm hồn ảnh mãi mãi trong sáng, thanh thản”.

Ôi, nghĩa tình đồng đội thời máu lửa nó thiêng liêng, cao quý đến vậy! Cuối năm 1969, H67 chúng tôi là đơn vị tình báo cuối cùng rời chiến trường miền Đông về bám trụ tại Bến Tre để giữ vững liên lạc  với Sài Gòn.

Cuối năm 1974, tôi nhận quyết định về đoàn bộ J22. Căn cứ tập trung ở vùng giải phóng Lộc Ninh. Bởi nhiều năm bám trụ ở chiến trường vùng yếu nay về trung tâm được “nghỉ xả hơi” mấy ngày, tha hồ “cưỡi xe đạp thồ” đi thăm đồng đội. Gặp được Thanh Xuân (nữ y tế của đơn vị), mừng quýnh. Có bao nhiêu chuyện thi nhau kể, tập trung vào “đề tài chị Tư Thu”.

Hồi đó cấp trên quyết định đưa chị về A11 (Ban huấn luyện của J22) phụ trách công tác huấn luyện giao thông viên hợp pháp. Một thời gian sau lại chuyển về làm cụm phó một cụm tình báo ở vùng biên giới Campuchia. Một chuyện vui đến ngỡ ngàng, đó là tin anh Ba Đại, chồng chị Tư vẫn còn sống, trong đoàn  tử tù Côn Đảo vừa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh”.

Chị Tư mừng rơi nước mắt. Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi để rồi 20 năm thăm thẳm cách xa, bặt vô âm tín. Hỏi có nơi nào trên hành tinh này, con người phải chịu đựng nhiều hy sinh, đau khổ, thiệt thòi, mất mát như xứ sở chúng ta?

Hòa bình, thống nhất đất nước, cả dân tộc tập trung vào cuộc mưu sinh, hàn gắn vết thương chiến tranh. Bao công việc đè lên vai con người, trong đó có cuộc đời người lính. “Lực bất tòng tâm”. Bao nhiêu thứ kẹt - kẹt thời gian, kinh phí, nên tình xưa đành gác lại. Bởi thế, mãi tới đầu thập niên 80, nhân chuyến vào công tác phía Nam, tôi mới tìm về Biên Hòa thăm anh chị. Thật tội nghiệp. Hai mươi năm biền biệt cách xa, ngày gặp lại cả hai đều luống tuổi nên mãi mãi họ  vẫn là cặp “vợ chồng son”.

Nỗi đau từ cuộc chiến đâu phải chỉ có chia lìa, chết chóc, đau thương mà còn có cả những thiệt thòi, mất mát cái quyền làm mẹ, làm cha. Song, với người cộng sản Võ Thế Đại lại là sự hiến dâng vì nghĩa lớn.

Tôi muốn trích mấy câu trong bài thơ anh viết tặng vợ trong ngày sum họp: “Làm sao ta quên được/ Hai mươi năm Ô Thước đủ nhịp cầu/ Cả thời xuân không được sống bên nhau/ Ngày sum họp đôi mái đầu đã bạc... Ta không mơ mà đây là sự thật/ Ta vẫn bên nhau sau trước thủy chung/ Ta tự hào tuổi xuân không hề mất/ Đã hiến dâng cho đất nước anh hùng”.

Ôi! Tấm lòng của hai người cộng sản, họ là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, biết hy sinh tình riêng vì nghiệp lớn. Là người yêu văn học, nghệ thuật, sau ngày chiến thắng trở về, Võ Thế Đại đã dành tâm trí cho  thơ, cho những đứa con tinh thần của mình, đã cho ra đời hai tập thơ có tên là “Tiếng lòng 1” và “Tiếng lòng 2” do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1985 và 1994.

Anh đã gửi gắm vào đó tất cả tình cảm, nỗi lòng mình với Tổ quốc, với Đảng, Bác Hồ, đồng bào, đồng chí, anh em và với người vợ hiền rất đỗi yêu thương. Thơ anh còn chứa đựng bao nỗi day dứt, đau đời trước những hiện tượng trái ngang, phi lý, trước hiện tượng bọn tham ô, tham nhũng đang ngày đêm đục khoét mồ hôi nước mắt của nhân dân...

Như linh tính mách bảo,  tôi đang viết tới phần cuối bài này trong một tâm trạng buồn. Có lẽ bởi nhuốm nỗi buồn từ một số bài thơ “thế sự” của anh thì nghe tin anh vừa qua đời. Tôi điện vào Biên Hòa sẻ chia nỗi buồn cùng chị Tư Thu. Nghe tiếng nghẹn ngào từ đầu dây bên kia mà lòng tôi se thắt lại. Thế là từ nay  lại “thân gái dặm trường”, một thân một mình gánh vác mọi việc, chăm sóc mẹ già. Ngày 15/4 này, cụ đã bước vào cái ngưỡng “Đại thượng thọ bách niên” - tròn 100 tuổi.

Lẽ ra, bài viết này chỉ đơn thuần với ý nghĩa nhân kỷ niệm 30-4 - ngày vui của cả nước, nhắc tới ký ức một thời để nói về một người, một nữ giao thông viên bí mật - của Lực lượng tình báo Anh hùng mà ít ai biết tới. Bài viết còn thay cho nén tâm hương tưởng nhớ người quá cố và  phân ưu với người đồng chí, người  chị tôi vô cùng thương quý

.
.