Nữ cự phú số 1 thế giới Gina Rinehart:

"Nữ hoàng khai mỏ" lấn sân làm chính trị?

Thứ Ba, 05/06/2012, 19:35

Theo bảng xếp hạng của tạp chí Business Review Weekly vừa công bố, tỉ phú ngành mỏ Gina Rinehart đã trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới với tổng tài sản hơn 28,4 tỉ USD, đẩy Christy Walton, người thừa kế Tập đoàn bán lẻ Walmart xuống vị trí thứ hai. Đây là một cú vượt mặt ngoạn mục của Gina sau khi chỉ mất chưa tròn một năm san lấp khoảng cách trên 7 tỉ USD chênh lệch tài sản với Walton bằng những hợp đồng quặng béo bở.

Chưa dừng lại tham vọng làm giàu, Gina quyết định đầu tư sang truyền thông nhằm gây dựng những ảnh hưởng chính trị vượt ra khỏi biên giới Australia. Dư luận dự đoán rằng dù sớm hay muộn, “bà hoàng khai mỏ” sẽ soán ngôi vương của nhà tài phiệt Mexico Carlos Slim Helu để trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay.

Từ "bà hoàng khai mỏ" với khối tài sản kếch xù...

Gina Rinehart sinh ngày 9/2/1954 tại miền Nam Australia. Bà là con gái duy nhất của ông trùm khoáng sản Lang Hancock và bà Hope Margaret Nicholas. Sau năm đầu học kinh tế tại Đại học Sydney, Rinehart nghỉ học và về làm việc trong tập đoàn của gia đình - Hancok Prospecting. Thời gian đã giúp bà nắm được kiến thức và nghệ thuật kinh doanh trong ngành khai thác quặng sắt. Gina chính thức bước vào nghề khai khoáng từ năm 1992 và nhanh chóng trở thành người đứng đầu sản nghiệp của gia đình.

Sau cái chết của người cha, công việc kinh doanh của gia đình do một mình Gina điều hành. Gặp phải quá nhiều rắc rối, hoạt động khai khoáng gần như bị ngưng trệ, giá quặng sắt liên tục giảm và xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ làm ăn với đối tác truyền thống ở Italia. Tưởng chừng Gina đã phải chia sẻ tài sản vì thua lỗ, ấy vậy nhưng người phụ nữ "yếu đuối" bấy giờ đã nhanh chóng liên kết với các nhà tài trợ để cứu vãn hoạt động cho những mỏ khoáng sản trọng tâm. Hancock Prospecting được vực dậy, trở thành tập đoàn khoáng sản hàng đầu ở Australia. Gina rất nhanh chóng mua lại các mỏ ở Roy Hill, Hope Down, đầu tư khai thác uranium, chì, vàng, kim cương và dầu thô.

Với cương vị giám đốc điều hành lại kế thừa tố chất kinh doanh của cha cùng sự khôn ngoan, Gina nghĩ đủ cách nhằm duy trì và tiếp tục phát triển Tập đoàn Hancock. Trung bình hàng năm, Hancock sản xuất được khoảng 30 triệu tấn quặng sắt và 500 triệu tấn mangan chứa sắt. Chuyên gia phân tích tài chính Tim Treadgold tính toán chỉ riêng mỏ Pilbama sẽ đem về cho Gina mức lợi nhuận tới 3 triệu USD với công suất khai thác trung bình đạt 45 triệu tấn mỗi năm. Nếu cộng dồn tất cả các mỏ thuộc sở hữu của bà thì khối lượng tài sản thực sự sẽ là một con số quá "khủng". Gina nắm trọn vẹn trong tay 3 trong số 10 mỏ khoáng sản hàng đầu thế giới, dù lúc nào cũng được xướng tên đi cùng với đối tác hay cổ đông khác chung vốn. Quy mô tài sản và tốc độ giàu của “bà hoàng” khiến người ta phải khiếp sợ.

Tờ Daily Telegraph ước tính mỗi giây bà kiếm được 598 USD, mỗi nửa giờ kiếm được 630.000 bảng (hơn 1 triệu USD) và mỗi ngày kiếm gần 52 triệu USD. "Bà hoàng khai mỏ" đã tăng gần gấp ba tài sản chỉ trong 12 tháng khi giá cả hàng hóa tăng. Gina đang trên đà qua mặt tỉ phú viễn thông Helu, người đang sở hữu tài sản trị giá 69 tỉ USD và là người giàu nhất thế giới hiện nay, do nhu cầu tài nguyên thiên nhiên đang tăng mạnh. Người ta dự đoán bà sẽ không khó khăn gì trong việc đạt được tài sản trị giá 100 tỉ USD và sẽ không chỉ trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới mà còn là người giàu nhất thế giới.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của Gina Rinehart đã giúp bà lần đầu tiên có mặt trên tạp chí Forbes 2007, nhận danh hiệu 1 trong 40 người giàu nhất Australia, với khối lượng tài sản 1 tỉ USD. Năm 2011, bà nắm giữ trong tay 9 tỉ USD. Đến đầu năm 2012, khối tài sản của bà đã tăng lên mức 18 tỉ USD nhờ vào thỏa thuận kinh doanh trị giá 10 tỉ USD với Tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc. Bà đã vượt qua Andrew Forrest, cũng kinh doanh trong lĩnh vực quặng sắt, để trở thành người giàu nhất Australia.

Trong thời gian tới, "bà hoàng khai mỏ" có dự định mở mang hơn nữa hoạt động khai thác quặng sắt, đồng thời thực hiện thêm các dự án khai thác khác. Trong năm 2013, Gina sẽ đưa mỏ quặng ở Roy Hill vào hoạt động với sản lượng ước tính khoảng 55 triệu tấn cùng dự án khai thác than ở Queensland, với sản lượng ước tính 30 triệu tấn. Nếu những dự án đầy hứa hẹn trên đi vào hoạt động, cộng thêm giá khoáng sản tiếp tục giữ ở mức cao, danh mục đầu tư vào sản xuất than đá và quặng sắt của Rinehart hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận kếch xù. Đó là chưa kể đến món hời mà công ty khai khoáng lớn thứ 5 trên thế giới này mang lại một khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

“Bà hoàng khai mỏ" Australia Gina Rinehart.

… đến biệt danh "quý bà chống đối chính phủ"

Bằng trí tuệ nhạy bén, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Gina Rinehart từng bước khẳng định mình với ngôi vị người giàu nhất Australia, cũng là người phụ nữ giàu nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Người Úc sẽ rất tự hào về cái tên Gina Rinehart vì người phụ nữ 58 tuổi này đang âm thầm chinh phục ngôi vương quyền lực nhất thế giới.

Tuy nhiên, ít ai biết Gina vốn là người tham công tiếc việc, có quan điểm chính trị khá mạnh mẽ song có phần cứng nhắc. Người phụ nữ này rất quyết đoán với các bản hợp đồng hay chính sách khai mỏ đem về lợi nhuận cao ngất ngưởng, vậy mà trước dư luận lại tỏ ra e dè, nhún nhường. Bà rất kín tiếng, hiếm khi ra ngoài chơi nếu không vì công việc. Bà từ chối mọi lời mời phỏng vấn hay xuất hiện trên truyền hình. Ngay cả bạn bè cũng không dám hé nửa lời về bà  vì sợ bị kiện tụng nếu "lỡ miệng".

Gina từng tham gia nhóm chống đối luật có liên quan tới thuế thuê mướn tài nguyên quặng mỏ và thuế cacbon do Công đảng ban hành. Cho tới năm 2010, nữ tỉ phú này đã chi khá nhiều tiền cho các chiến dịch xóa bỏ các rào cản về khai mỏ và khoáng sản, cho rằng công việc làm ăn của bà đang bị cản trở bởi những điều luật vô lý. Bà cho thành lập nhóm luật sư ANDEV, đi tiên phong cải cách tiền thuế, chống tham nhũng và đầu tư khai thác "xanh" vì biến đổi khí hậu.

Bà nhận định các dự luật của Công đảng hoàn toàn chưa hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề nợ công gia tăng. Trên thực tế, hoạt động khai mỏ và nguồn tài nguyên dồi dào tạo nên sức mạnh tổng hợp định hình lại hoàn toàn nền kinh tế Australia, giúp quốc gia nam bán cầu này thoát khỏi những dư chấn ám ảnh của khủng hoảng.

Bản thân Gina đóng góp rất lớn vào việc xuất khẩu than đá cùng quặng sắt ra thị trường thế giới, gia tăng lợi nhuận cho đất nước, tạo nên "phao cứu sinh" cho nền kinh tế nội địa. Chẳng thế mà khi biết chính phủ phản đối một vài chính sách có lợi cho khai mỏ, Gina đã tức giận đến mức làm ầm lên ở Perth bằng tuyên bố "Các ông phải chấm dứt ngay những trò lố lăng với thuế má và tài nguyên".

Hình ảnh một doanh nhân kêu thét ầm ĩ trong một chiếc xe tải khiến người ta không thể nhịn cười. Gina không ngừng nói bà sẽ "bùng" mọi khoản tiền vì chính sách bất hợp lý của chính phủ. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà hai tuần sau, Gina đã có thể cười hả hê vì yêu cầu của bà đã được chấp thuận!? Người đưa ra chính sách này bị sa thải, các bộ trưởng bị chỉ trích, thủ tướng cũng phải một phen xấu hổ.

Tuy nhiên, một vài quan điểm của Gina vẫn đậm chất "phụ nữ" khiến người ta phải tranh cãi, rằng phái yếu không nên tham gia chuyện chính sự. Gina từng mạnh dạn ủng hộ ý kiến Tây Australia tách ra trở thành quốc gia độc lập. Có lần, Gina tuyên bố sẽ xây dựng một cầu cảng hoành tráng nhất thế giới ở vùng Tây Bắc bằng... bom hạt nhân, tạo nên một luồng hoang mang trong dư luận suốt nhiều năm. Bà cũng phản đối nhiều chính sách về thuế được chính phủ ban hành, liên quan tới lợi nhuận khai mỏ và thuê nhân công hay nhà đầu tư giá rẻ từ châu Á tới thăm dò các mỏ ở Australia.

Dư luận cho rằng, hẳn Gina đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch chống đối chính phủ lâu dài, nhưng không phải vậy. Chẳng qua bà đặc biệt lưu tâm tới chuyện ai đang ủng hộ hoặc muốn xóa bỏ ngành khai khoáng và phát triển tài nguyên, vậy nên Gina cần tranh luận nhiều hơn nữa với những "tay to" trong đảng để đạt được mục đích kinh doanh của mình.

Và chuyện đầu tư vào truyền thông mong gây dựng ảnh hưởng chính trị

Ngay tuần trước, Gina tung ra "cú đấm" quyết định khi chính thức lấn sân sang lĩnh vực truyền thông bằng việc đầu tư vào Tập đoàn Fairfax. Bà thâu tóm những tờ báo hàng đầu xứ sở Kangaroo, đáng phải kể tới như Sydney Morning Herald, The Age (Thời đại) hay tạp chí tài chính Australia cùng một chuỗi các đài phát thanh trải dọc Melbourne hoa lệ. Điều này khiến Gina trở thành cổ đông nắm trong tay lượng cổ phần lớn nhất Fairfax, từ 5% lên 13%. Quả thực, Gina vô cùng có tham vọng với cánh nhà báo, đặc biệt là những tay viết của tạp chí tài chính vì chỉ bằng vài "đường đi bút", họ có thể nâng một tập đoàn tài chính lên tầng danh vọng hoặc nhấn chìm nó xuống bùn.

Việc Gina tiếp cận Fairfax đánh dấu khởi đầu cho cuộc chơi quyền lực mới khi mà “bà hoàng khai mỏ” muốn gây dựng thế độc tôn trong nước, dần đem ảnh hưởng ra thế giới. Fairfax đem lại cho Gina ít nhất 10% cổ phần và một ghế trong hội đồng quản trị mạng lưới truyền hình thương mại Ten rất được ưa chuộng ở Australia.

Dư luận cho rằng bà đang muốn tạo ra những luồng tranh cãi về chuyện khai khoáng trong nước, gây sức ép và buộc chính phủ quan tâm tới đầu tư cho các nguồn khoáng sản. Gina tin rằng tương lai quốc gia phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô tới Trung Quốc, tránh xu thế sản xuất cạnh tranh với quốc gia này.

Theo nhiều chuyên gia, việc nữ tỉ phú ngành đầu tư vào các công ty truyền thông là một bước tiến giúp bà trước hết thao túng truyền thông và tăng ảnh hưởng chính trị về sau. "Tôi cho rằng Gina đang tạo dựng cho mình một danh mục đầu tư trong ngành truyền thông nhằm giúp bà ấy có tiếng nói hơn về các vấn đề chính trị của quốc gia", Tim Treadgold chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyện Gina đầu tư vào truyền thông gặp phải một số phản đối từ đảng Xanh. Người phát ngôn của đảng này, Scott Ludlam, cho biết việc những người có lợi ích trong ngành khai khoáng của Australia nắm giữ lượng cổ phần lớn trong ngành truyền thông quốc gia là không lành mạnh. Điều này có thể hạn chế những tiếng nói trong tranh luận về biến đổi khí hậu hay làm thế nào để người dân được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên quốc gia một cách công bằng. Trong khi đó, Công đảng đương quyền và Liên đảng đều không lo ngại về vấn đề này. Bộ trưởng truyền thông Stephen Conroy chỉ cảnh báo Gina không được làm điều gì trái pháp luật hiện tại. Theo đó, Australia cần thắt chặt hơn quy định về quyền sở hữu đối với ngành truyền thông, đặc biệt là trong tương quan đối với lợi ích của công chúng.

Trên thực tế, Gina cần phải mua được 15% Fairfax nếu muốn có bất cứ tiếng nói nào tại tập đoàn này dù bà tìm được cách vào ban quản trị. Sức mạnh chính của những tờ báo như Sydney Morning Herald hay The Age cũng như các tờ báo khác của Fairfax là tính độc lập. Thế nên, dù Gina có giàu tới mức nào thì các phóng viên của tờ báo sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh vì tính độc lập của những ấn phẩm "không phụ thuộc vào đồng tiền".

Việc Gina Rinehart xâm lấn truyền thông chưa đem lại lợi ích trước mắt cho bà thì ngay lập tức đã khiến chuyện gia đình bị khám phá và xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo uy tín. Cánh săn tin biết rằng đời tư của người phụ nữ này vốn không hề yên ả và tồn tại những mâu thuẫn phức tạp. Chỉ vì một quỹ tài sản của ông ngoại, ba người con đã quyết định đòi nợ công khai khi đưa mẹ ruột ra tòa, rốt cuộc cũng chỉ vì lòng tham tiền bạc…

Với khối tài sản kếch xù, người phụ nữ giàu nhất thế giới luôn mâu thuẫn với gia đình, đặc biệt căng thẳng với bốn người con ruột, là kết quả từ hai cuộc hôn nhân. Gina Rinehart đang là nhân vật gây tranh cãi và cũng là tâm điểm của vụ kiện ly kì xứ Kangaroo khi bị ba trong số bốn người con quyết định lôi Gina ra tòa. Chỉ vì hơn 2 tỉ USD, tình mẫu tử đã trở thành nỗi thù hận. Vụ việc này hiện là một trong những scandal đình đám nhất của giới tỉ phú trong năm 2011, tiếp nối sang năm 2012 khi đơn kiện đang chờ tòa án tối cao New South Wales định đoạt

Trần Quân - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.