Nước Mỹ và thăng trầm của người da đen

Thứ Ba, 14/07/2020, 06:10
Giữa tháng 8/1619, 24 người Angola, châu Phi, bị bắt bởi quân đội Bồ Đào Nha trong một trận đánh được đưa đến Virginia, thuộc địa của Anh Quốc (nay là bang Virginia, Mỹ) rồi bán cho người Anh. Họ là những nô lệ da đen đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ.


Trải qua nhiều thăng trầm, người Mỹ da đen hiện nay được quyền bình đẳng như tất cả mọi công dân Mỹ khác. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức của một số người, dẫn đến những vụ bạo động mà gần đây nhất là sau cái chết của George Floyd…

Bài 1: Chế độ nô lệ

Những nô lệ đầu tiên trên đất Mỹ

Đầu thế kỷ 17, phần lớn đất đai ở lục địa Bắc Mỹ nằm trong tay người Anh và người Pháp. Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng, những chủ đất da trắng đã thay thế nhân công - hầu hết là những người da trắng nghèo nàn - sang một nguồn lao động rẻ hơn, dồi dào hơn: Đó là nô lệ châu Phi.

Sau khi 24 nô lệ đầu tiên do người Bồ Đào Nha bán cho người Anh đặt chân lên đất Mỹ, cuối năm 1619, một con tàu Hà Lan tiếp tục đưa thêm 20 người Angola cập cảng Jamestown, Virginia. Mặc dù không thể nêu ra con số chính xác nhưng nhiều nhà sử học ước tính khoảng 6 đến 7 triệu người da đen đã đến Mỹ trong thế kỷ 17, 18, tước đi nguồn tài nguyên quý giá nhất của lục địa châu Phi.

Những thế hệ nô lệ da đen đầu tiên trên đất Mỹ.

Đa số bị bắt trong những trận càn quét của quân đội Anh, Bồ Đào Nha, Pháp… rồi được bọn buôn người mua lại. Cũng có một số ít là người hầu, đầu bếp, đánh xe ngựa, làm vườn…, trong các gia đình quý tộc da trắng. Khi chủ họ trở về Mỹ, họ buộc phải đi theo.

Cho đến cuối thế kỷ 17, khoảng 4 triệu người da đen nguồn gốc từ Angola, Nigeria, Cameron, Nam Phi, Kenya… bị đưa xuống miền Nam nước Mỹ, nơi có những đồn điền trồng cây bông vải và cây thuốc lá. Khi việc kéo sợi và dệt ở nước Anh được cơ giới hóa, nhu cầu bông vải nhập từ Mỹ trở nên vô giới hạn. Cũng trong thời gian này, việc loại bỏ hạt bông ra khỏi sợi bông thô vốn vẫn làm bằng tay thì nay thay thế bằng một thiết bị đơn giản, hoạt động bằng sức nước hoặc ngựa kéo, dẫn đến các thuộc địa miền Nam bỏ cây thuốc lá để chuyển sang trồng cây bông.

Sự phát triển của ngành công nghiệp bông khiến nhu cầu nô lệ ngày càng tăng mặc dù nước Mỹ đã chính thức ra đời ngày 4/7/1776 với 13 bang vốn là 13 thuộc địa.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, có một câu khiến người nô lệ da đen đặt niềm tin vào sự thay đổi số phận mình: "Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của những nô lệ người Haiti xảy ra vào năm 1781, các chủ nô ở Mỹ đã tăng cường kiểm soát nhằm tránh một sự kiện tương tự. Đến năm 1793, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật "Nô lệ bỏ trốn" với những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc. Nó đã giúp bảo tồn và hợp pháp hóa chế độ nô lệ suốt hơn 100 năm về sau này.

Tháng 8-1831, một nô lệ da đen là Nat Turner cùng 75 nô lệ khác thực hiện một cuộc nổi loạn. Với số vũ khí chiếm được, họ đã giết 60 người da trắng trước khi bị dân quân và các chủ đất da trắng đập tan. Khoảng 100 nô lệ - bao gồm cả những người ngoài cuộc vô tội mất mạng còn Nat Tuner trốn thoát nhưng sau 6 tuần, ông bị bắt và bị treo cổ. Tuy nhiên, sự phóng đại về số người da trắng bị giết đã làm dấy lên một làn sóng sợ hãi khắp miền Nam.

Một số bang triệu tập các buổi họp đặc biệt khẩn cấp để củng cố các quy tắc nhằm hạn chế sự liên kết của nô lệ ở đồn điền này và đồn điền kia, giữa bang này với bang khác. Những buổi họp ấy đã chỉ ra rằng cuộc nổi loạn của Nat Turner là bằng chứng cho thấy người da đen vốn là những kẻ man rợ, và lập lại kỷ luật bằng cách đàn áp là biện pháp duy nhất.

Trái ngược với miền Nam, ở các bang thuộc địa miền Bắc, các chủ đất da trắng có vẻ thờ ơ với luật "Nô lệ bỏ trốn". Nhiều chủ đất da trắng cho phép nô lệ được ra riêng, tự khai phá, trồng trọt để kiếm sống, nhất là sau khi nhà báo William Lloyd Garrison, người sáng lập tờ The Liberator, ra đời năm 1831 tại bang Massachusetts, cổ vũ khuynh hướng tự do cho người da đen thì nhiều người da trắng đã tìm cách giúp đỡ cho những nô lệ da đen trốn khỏi các đồn điền ở miền Nam để đến miền Bắc thông qua một mạng lưới được gọi là "Lối đi ngầm".

Sự vùng dậy của nô lệ da đen

Năm 1836, một nô lệ da đen là Dred Scott đã bị người chủ đưa từ bang Missouri - nơi vẫn tồn tại chế độ nô lệ - đến bang Wisconsin rồi sau đó là bang Illinois để làm việc. Tại 2 bang này, chế độ nô lệ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật theo các điều khoản của Thỏa hiệp Missouri, ban hành năm 1820. Khi trở về Missouri, Scott đã kiện đòi quyền tự do của mình dựa trên trên cơ sở rằng việc đưa anh đến bang Wisconsin và Illinois đã giúp anh tự do về mặt pháp lý.

Một gia đình nô lệ, già trẻ lớn bé đều phải làm việc.

Vụ kiện được Roger B. Taney, chánh án  Tòa Missouri tuyên xử, rằng Scott là nô lệ, không phải là công dân, do đó không có quyền hợp pháp để kiện.

Đến ngày 6/3/1857, Tòa án Tối cao Mỹ xử theo đơn kháng án của Dred Scott, và vẫn y án như Tòa Missouri. Phiên tòa đã mang lại một chiến thắng vang dội cho những người ủng hộ chế độ nô lệ ở miền Nam nhưng khơi dậy sự phẫn nộ của những người theo chủ nghĩa bãi bỏ nô lệ ở miền Bắc.

Tháng 6/1859, lại xảy ra sự kiện nữa. Một nô lệ da đen là John Brown đã lãnh đạo 50 nô lệ cướp kho vũ khí ở hạt Harper's Ferry, bang Virginia. Mục đích của Brown là có đủ sức mạnh để chống lại các chủ nô lệ ở Virginia. Bị bắt và bị treo cổ ngày 2/12/1859, cái chết của Brown đã gây ra cơn địa chấn, nhất là 1 năm sau đó, khi Abraham Lincoln lên làm tổng thống, tuyên bố giải phóng nô lệ thì các bang miền Nam lập tức cắt đứt mọi quan hệ với các bang miền Bắc, mở đầu cho cuộc nội chiến đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ.

Mùa xuân 1861, nội chiến bùng nổ, kéo dài suốt 4 năm. 11 bang miền Nam tách ra, thành lập Liên bang Mỹ; còn ở miền Bắc, khoảng 4 triệu nô lệ được giải phóng, trong đó có 186.000 người gia nhập quân đội Liên minh miền Bắc, Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1865 mà phần thắng thuộc về Liên minh miền Bắc,  38.000 người da đen đã mất mạng trong tổng số 620.000 người chết của cả hai bên.

Tuy vậy, mặc dù chế độ nô lệ chính thức bị bãi bỏ nhưng những người da trắng miền Nam trong chính quyền dân sự lại ban hành một luật mới, gọi là "Mã đen" nhằm hạn chế quyền của người da đen đồng thời bảo đảm sự có mặt của họ như là một lực lượng lao động rẻ tiền, dễ sai khiến bằng những kỷ luật thép.

Không thể kiên nhẫn được nữa, Andrew Johnson, người trở thành tổng thống sau vụ ám sát Abraham Lincoln vào tháng 4/1865 đã phủ quyết luật "Mã đen" đồng thời thông qua Đạo luật Tái thiết năm 1867, đặt miền Nam theo luật quân sự. Đến năm 1866, Tổng thống Andrew Johnson còn mạnh mẽ hơn trong bản sửa đổi Hiến pháp lần thứ 14 và 15, mở rộng định nghĩa về quyền của người da đen: "… công dân được quyền bỏ phiếu mà không bị từ chối bởi những lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đó…".

Trong những cuộc bầu cử diễn ra sau Đạo luật Tái thiết, người Mỹ da đen đã giành chiến thắng tại các bang miền Nam, thậm chí là cả Quốc hội Mỹ, Ảnh hưởng ngày càng tăng của họ làm mất tinh thần nhiều người miền Nam da trắng, những người cảm thấy sự kiểm soát ngày càng tuột khỏi tay họ.

Vì thế, các tổ chức chống da đen lần lượt ra đời, đáng kể nhất là nhóm Ku Klux Klan (viết tắt là 3K). Đây là nhóm chuyên sử dụng bạo lực để đàn áp như đốt nhà, treo cổ, thiêu sống… người da đen mà không bị luật pháp ở các bang miền Nam trừng phạt, khiến người Mỹ da đen nhận thấy những lợi ích chính trị mà họ đã đạt được bị xóa sạch bởi những kẻ tự nhận mình là "siêu nhân trắng".

Cuộc chiến giành tự do

Để nắm lại quyền kiểm soát nô lệ da đen, các cơ quan lập pháp thuộc các bang miền Nam ban hành luật phân biệt - gọi là luật Jim Crow. Đến năm 1885, dựa theo luật này, hầu hết thành phố, thị trấn ở miền Nam đều có trường riêng dành cho học sinh da đen.

Vết sẹo do đánh đập trên lưng một nô lệ, bị trừng phạt bởi luật nô lệ bỏ trốn.

Năm 1900, họ tiến thêm một bước nữa: Người da đen không được phép có mặt cùng người da trắng trên xe lửa, khách sạn, nhà hát, nhà hàng, cửa tiệm cắt tóc, hồ bơi, sân vận động…

Hệ quả là tháng 6/1905, một nhóm người da đen được dẫn dắt bởi nhà giáo dục da đen nổi tiếng Du Bois đã gặp nhau tại thác Niagara, bên phía Canada để cho ra đời một phong trào phản kháng chính trị mới, đòi quyền công dân cho người da đen. Đó được gọi là Phong trào Niagara.

Thời điểm này, dân số đô thị Mỹ bùng nổ. Nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm và nhà ở nên sự thù địch người da đen gia tăng trên khắp đất nước. Làn sóng bạo loạn chủng tộc, đặc biệt là trong cuộc thi đấu thể thao ở Springfield, bang Illinois năm 1908 đã khiến Phong trào Niagara phải cấp bách hoạt động.

Chính vì thế, năm 1909, Phong trào Niagara giải thể để trở thành Hiệp hội vì sự tiến bộ quốc gia của người da màu (viết tắt là NAACP). Mục tiêu của NAACP là ngay lập tức phải bãi bỏ tất cả sự phân biệt đối với người da đen trên tất cả mọi phương diện.

Năm 1921, NAACP có hơn 400 chi nhánh ở nhiều bang trên toàn nước Mỹ. Song song với NAACP, một tổ chức khác là "Hiệp hội cải thiện tiêu cực toàn cầu  - viết tắt là UNIA" cũng ra đời, do Marcus Garvey, người da đen, lãnh đạo. Garvey kêu gọi niềm tự hào chủng tộc của người Mỹ da đen đồng thời cho rằng việc cộng đồng Mỹ da đen kêu gọi ý thức công lý và nguyên tắc dân chủ của người da trắng là vô ích. Hy vọng duy nhất của họ là đi khỏi nước Mỹ, trở về châu Phi để xây dựng một đất nước của riêng mình.

Để xây dựng "đất nước của riêng mình", Garvey tiến hành đàm phán với Liberia nhằm vận động quốc gia châu Phi này dành cho người Mỹ da đen một vùng lãnh thổ nhưng cuộc đàm phán thất bại bởi lẽ chẳng nhà cầm quyền nào dám khơi khơi dâng đất nước mình cho kẻ khác, dù đó cũng là người da đen. Không chịu thua, Gervey kiện lên Hội Quốc Liên (Liên Hợp Quốc ngày nay).

Vẫn không được thừa nhận, Garvey bèn tuyên bố thành lập Đế chế châu Phi, do mình làm tổng thống lâm thời mặc cho NAACP hết lời chỉ trích, rằng Đế chế mà chẳng có dân, tổng thống chẳng ai bầu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự hấp dẫn của miếng bánh vẽ gọi là "đế chế", năm 1923 đã có khoảng 6 triệu người, phần lớn là người Mỹ da đen ủng hộ Garvey nhưng những nhà chỉ trích "đế chế" cho rằng đây chỉ là con số phóng đại vì thực chất, chỉ có khoảng 500.000 người tin vào "một quốc gia của riêng mình".

Năm 1923, chính phủ Mỹ truy tố và kết án Garvey vì tội lừa đảo liên quan đến việc bán cổ phiếu trong công ty vận chuyển Black Star Line do Garvey làm chủ. Sau khi ngồi tù 2 năm, Garvey được Tổng thống Calvin Coolidge ân xá và bị trục xuất ngay lập tức. Garvey qua đời năm 1940 tại Luân Đôn. Đế chế châu Phi cũng lặng lẽ tan rã ngay từ khi Garvey bị bắt.

(Còn tiếp)

Vũ Cao (Theo Black Lives Matter History)n
.
.