Nước Mỹ và thăng trầm của người da đen: Vẫn còn đó những đốm than hồng

Thứ Sáu, 17/07/2020, 14:37
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của người Mỹ da đen về luật Jim Crow, bao gồm những cuộc biểu tình, đình công vô thời hạn, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ cuối cùng đã ra phán quyết luật này không giá trị. Nó mở đường cho người Mỹ da đen nhìn thấy cơ hội lớn nhất để thoát khỏi gông xiềng nô lệ...


Sau thế chiến II

Trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhiều người Mỹ da đen sẵn sàng đấu tranh cho cái mà Tổng thống Franklin D. Roosevelt gọi là "Tư tưởng tự do". Hơn 3 triệu người Mỹ da đen đã đăng ký nhập ngũ và 500.000 người trong số đó chiến đấu trên các mặt trận ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo chính sách của Bộ Chiến tranh Mỹ, những người da đen nhập ngũ được tổ chức thành các đơn vị riêng nhưng phần lớn đều thất vọng trước sự kỳ thị của lính da trắng xuất xứ từ miền Nam nếu phải phối hợp cùng nhau hoạt động.

Người da đen đầu tiên được phong anh hùng là Dorie Miller, thủy thủ Hải quân trên chiến hạm USS West Virginia. Khi phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Miller đã đưa nhiều sĩ quan, thủy thủ da trắng bị thương đến nơi ẩn náu an toàn, đồng thời còn bắn rơi 6 máy bay Nhật.

Bà Shirley Chisholm trong một buổi vận động tranh cử Tổng thống.

Một trường hợp khác: Mùa xuân 1941, những sinh viên da đen tốt nghiệp khóa học lái máy bay quân sự được chuyển đến Bắc Phi để thành lập Phi đội xung kích 99. Chỉ huy của họ, đại úy Benjamin O. Davis Jr., sau đó trở thành vị tướng người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên. Các phi công của Phi đội 99 đã thực hiện hơn 3.000 nhiệm vụ và là niềm tự hào của người Mỹ da đen.

Tuy nhiên, tất cả những điều ấy vẫn không xóa được nạn phân biệt chủng tộc cho dù sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 7/1948, tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã hợp nhất các lực lượng vũ trang, trong đó quân đội phải đối xử bình đẳng với tất cả các quân nhân, bất kể chủng tộc, tôn giáo, màu da và xuất xứ. Ấy vậy mà nhiều nữ y tá da đen vẫn bị cấp chỉ huy da trắng buộc phải làm việc trong những trại giam tù binh Đức Quốc xã. Ở đó, họ bị tù binh - vốn là người da trắng nhục mạ, chửi bới nhưng mọi khiếu nại của họ đều bị phớt lờ!

Tháng 8/1955, Emmett Till, một cậu bé da đen 14 tuổi ở Chicago đến Money, bang Mississippi thăm họ hàng. Khi vào một tiệm tạp hóa, Till bị cáo buộc huýt sáo và tán tỉnh cô thu ngân da trắng. 3 ngày sau, hai người đàn ông da trắng gồm Bryant, chồng của cô thu ngân và anh trai cùng cha khác mẹ với Byant là Milam đã kéo Till ra khỏi nhà chú ruột lúc nửa đêm.

Sau khi đánh dập dã man, họ bắn chết Till rồi ném xác xuống sông Tallahatchie. Bị bắt rồi ra tòa, Bryant và Milam được bồi thẩm đoàn da trắng tuyên trắng án. Cả hai sau đó đã chia sẻ những chi tiết về cách họ giết Till với tạp chí Look để nơi này xuất bản với tiêu đề "Câu chuyện giết người được chấp thuận ở Mississippi".

Mẹ của Till tổ chức đám tang với quan tài để mở, hy vọng gây được sự chú ý của công chúng về vụ giết người dã man. Hàng ngàn người đã tham dự, những bức ảnh xác chết được công bố. Sự phẫn nộ đối với tội ác và phán quyết bất nhân đã giúp thúc đẩy phong trào dân quyền: 1 tháng sau ngày bồi thẩm đoàn Mississippi từ chối cáo buộc Milam và Bryant về tội bắt cóc, giết người, phong trào tẩy chay xe bus trên toàn thành phố Montgomery, bang Alabama bắt đầu, kéo dài hơn 1 năm khiến các công ty xe bus đứng bên bờ của sự phá sản.

Riêng với các trường học phân biệt chủng tộc, mặc dù Tòa án Tối cao Liên bang đã tuyên bố việc thành lập những trường riêng biệt cho học sinh da đen là bất hợp pháp, nhưng 11 bang miền Nam vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của họ.

Cuối cùng, năm 1958, Tổng thống Dwight D. Eisenhower phải gửi Lực lượng Vệ binh Quốc gia và 1.000 lính dù thuộc Sư đoàn nhảy dù 101 đến 11 bang miền Nam để thực thi việc sáp nhập các trường da đen, da trắng. Phản ứng lại, các trường da trắng đồng loạt đóng cửa.

Cuối năm 1959, một lượng nhỏ người Mỹ da đen bắt đầu được nhận vào các trường cao đẳng và đại học da trắng ở miền Nam nhưng đến năm 1962, khủng hoảng lại nổ ra khi Đại học Mississippi do nhà nước tài trợ, từ chối tiếp nhận sinh viên da đen James Meredith mặc dù Meredith đã phục vụ 9 năm trong Không quân Mỹ và đã học xong cao đẳng. Với sự trợ giúp của NAACP, Meredith khởi kiện Đại học Mississippi phân biệt đối xử.

Tháng 9/1962, Tòa án Tối cao Liên bang phán quyết buộc Đại học Mississippi phải tiếp nhận Meredith nhưng các quan chức bang, kể cả Thống đốc Ross Barnett tuyên bố sẽ không thừa nhận phán quyết này.

Khi Meredith đến Đại học Mississippi dưới sự bảo vệ của Vệ binh quốc gia, hơn 2.000 người da trắng đã tụ họp trong khuôn viên trường để phản đối. Đụng độ xảy ra khiến 2 người thiệt mạng, gần 200 người bị thương. Sự việc chỉ kết thúc khi Tổng thống Kennedy gửi 31.000 quân lập lại trật tự. Meredith tốt nghiệp Đại học Mississippi năm 1963 nhưng không phải người da đen nào cũng may mắn như anh.

Từ đó cho đến năm 1970, những vụ bạo động vẫn liên tục xảy ra, cụ thể là vụ đánh bom nhà thờ  Birmingham năm 1963 khiến 4 thiếu nữ Mỹ da đen thiệt mạng; vụ giết 3 tình nguyện viên trong đó có 1 người da đen ở Mississippi năm 1964; vụ bạo động Montgomery và vụ bắn chết một lãnh tụ tinh thần của người da đen Malcolm X năm 1965. Ngay cả khi đạo luật về quyền bỏ phiếu của người da đen được Tổng thống Lyndon B. Johnson ban hành nhưng khi đến phòng phiếu, nhiều người da đen vẫn bị xua đuổi, nhục mạ, đánh đập.

Sự trỗi dậy của quyền lực đen

Sau những năm đầu tiên của phong trào dân quyền, đa số người Mỹ da đen cảm thấy thất vọng vì rõ ràng sự bình đẳng thực sự về mặt xã hội, kinh tế và chính trị vẫn còn rất xa vời. Nó là nguyên nhân chính thúc đẩy sự ra đời của phong trào Quyền lực Đen, đấu tranh giành lại quyền lợi.

George Floyd lúc bị cảnh sát Chauvin bắt giữ.

Tháng 4/1968, nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng nhất nước Mỹ là mục sư Martin Luther King bị ám sát, đúng vào ngày Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cho Luật Nhà ở công bằng. Mặc dù đã được thông qua và được Tổng thống Johnson phê chuẩn nhưng cái chết của Luther King đã làm dấy lên làn sóng biểu tình bạo động với hơn 100 thành phố ở khắp nước Mỹ bị đốt cháy, cướp phá.

Đầu những năm 1970, người phụ nữ da đen đầu tiên trong Quốc hội Mỹ là Shirley Chisholm, đại diện cho Quyền lực Đen, tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ.  Mặc dù không giành được chiến thắng nhưng Chisholm đã nhận được hơn 150 phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ.

Giữa thập niên 1970, Quyền lực Đen ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình. Học sinh da đen, cả nam lẫn nữ  được nhận vào các trường đại học y khoa nhưng không bao giờ vượt quá 16% trên tổng số sinh viên trúng tuyển. Mặc dù vậy, nhiều người da đen vẫn tiếp tục gặt hái những thành công trên nhiều phương diện giáo dục, thương mại, y tế, truyền thông, quân sự, điện ảnh và âm nhạc...

Như Oprah Winfrey chẳng hạn, sinh ra ở vùng nông thôn Mississippi bởi một người mẹ tuổi teen bất đắc dĩ, Winfrey bắt đầu tham gia chương trình tin tức trên truyền hình trước khi tiếp quản chuyên mục "Trò chuyện buổi sáng ở Chicago" năm 1984. Hai năm sau, cô ra mắt "đối thoại The Oprah Winfrey Show", tổ chức trên toàn quốc và trở thành người được đánh giá cao nhất trong lịch sử truyền hình.

Nổi tiếng vì khả năng nói chuyện thẳng thắn về một loạt vấn đề, Winfrey đã thành công khi một mình cô vừa diễn xuất, vừa sản xuất phim đồng thời vừa là đạo diễn.

Những bộ phim do công ty điện ảnh của cô thực hiện như The Color Purple, dựa trên tiểu thuyết của nhà văn nữ da đen Alice Walker, hay như phim Belond của Toni Morrison, người đoạt giải Nobel Văn học đã thu hút hàng chục triệu người xem, cả da đen lẫn da trắng. Tuy nhiên những thành công ấy lại càng làm tăng thêm ác cảm với người da đen bởi những người da trắng cực đoan, nhất là ở miền Nam, nơi tổ chức 3K chưa bao giờ ngừng hoạt động.

Vẫn còn đó những đốm than hồng

Tháng 3/1991, các sĩ quan thuộc Đội tuần tra đường cao tốc California đuổi bắt một người đàn ông Mỹ da đen là Rodney King. đang bị quản chế vì tội cướp. Khi xe của những sĩ quan đuổi kịp xe King, họ nhận thấy anh ta đã uống rượu. Với cáo buộc King chống lại lệnh bắt giữ, 4 sĩ quan cảnh sát đánh đập King đồng thời bắn anh ta.

Đoạn phim quay cảnh bắt giữ, đánh đập King phát sóng trên nhiều kênh truyền hình khắp thế giới đã tạo ra sự phẫn nộ với người Mỹ da đen ở nước Mỹ. Vụ việc được đưa ra tòa hồi tháng 4/1992 nhưng bồi thẩm đoàn tuyên 4 cảnh sát vô tội.

Bản án xét xử King đã châm ngòi cho một cuộc bạo loạn kéo dài 4 ngày ở Los Angeles. 55 người đã chết, hơn 2.300 người bị thương và hơn 1.000 tòa nhà bị đốt cháy, tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Vụ việc chỉ lắng xuống khi 2 trong 4 sĩ quan trực tiếp tham gia vụ hành hung King bị kết án tù trong phiên tòa tái thẩm.

Khi Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Colin Powell, người da đen, trở thành Ngoại trưởng Mỹ rồi tiếp theo đó là bà Condoleezza Rice, cũng là người da đen, thế giới tin rằng sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ đã đến thời điểm kết thúc, nhất là lúc ông Barack Obama trở thành tổng thống ngày 20/1/2009.

Thế nhưng ngày 26/2/2012, Khayvon Martin 17 tuổi, người da đen bị George Zimmerman, da trắng, bắn chết thì cộng đồng da đen ở Mỹ mới hiểu rằng có một tổng thống người Mỹ đa đen chưa chắc đã khiến cho cuộc sống của họ tốt hơn, an toàn hơn.

Cái chết của Martin đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc, dẫn đến việc 3 nhà tranh đấu nhân quyền người da đen là Patrisse Cullors, Alicia Garza và Opal Tometi, năm 2013 cho ra đời phong trào "Cuộc sống Đen - Black Lives Matter" với sứ mệnh chấm dứt bạo lực khi liên tiếp sau đó, một loạt những cái chết của người Mỹ da đen, gồm Eric Garner ở thành phố New York, Michael Brown ở Ferguson, bang Missouri, Tamir Rice ở Cleveland, bang Ohio và Freddie Gray ở Baltimore, bang Maryland, dưới bàn tay của các sĩ quan cảnh sát.

Black Lives Matter xuất hiện lần đầu tiên trên Twitter ngày 13/7/2013 rồi lan nhanh như một đám cháy mùa khô khi 3 cầu thủ da đen của đội bóng bầu dục San Francisco là Eric Reid, Eli Harold và Colin Kaepernick quỳ xuống trước trận đấu với đội Seattle Seahawks ngày 25/9/2016 để phản đối những hành động tàn bạo của cảnh sát.

Black Lives Matter lên đến đỉnh điểm vào hôm 25/5/2020, giữa đại dịch COVID-19, khi người đàn ông da đen George Floyd, 46 tuổi, bị cảnh sát Derek Chauvin buộc tội sử dụng tờ 20 USD giả tại một tiệm ăn ở thành phố Minneapolis. Chauvin đã còng tay Floyd rồi ghim đầu xuống đất, dẫn đến ngạt thở và tử vong.

Đoạn phim quay cảnh Floyd kéo dài hơn 8 phút đã khiến hàng chục nghìn người ở Minneapolis đổ ra đường biểu tình bạo loạn, cướp phá, hôi của, đốt nhà. Những cuộc biểu tình này sau đó lan rộng khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Theo các nhà xã hội học, sự kỳ thị đen - trắng ở Mỹ hiện nay như những đốm than hồng, che phủ bên trên là một lớp tro. Chỉ cần vài xáo động là nó sẽ gây ra nhiều đám cháy. Có những đám cháy chỉ cần 1 thùng nước là có thể chế ngự nhưng cũng có đám cháy, cả biển nước cũng chẳng ăn thua gì...

Vũ Cao (Theo Black Lives Matter History)
.
.