Nước mắt nghìn sau tiễn đưa Người

Thứ Hai, 21/10/2013, 09:20
Những di chứng tàn phá của bão số 10 chưa khắc phục xong, cơn bão số 11 đã sầm sập đổ tới. Giữa âu lo về hai cơn bão lớn, hàng vạn người Quảng Bình vẫn nén lòng để đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê an nghỉ. Chuyến trở về lần này, ông sẽ ở lại với đất quê mãi mãi.
>> Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: Con người huyền thoại

Đất Quảng Bình quê ông chẳng có nơi nào gọi là một làng giàu. Nếu không chiêm khê, mùa thối như vùng chiêm trũng Lệ Thủy, nơi ông chôn rau cắt rốn thì cũng trắng phau cồn cát, nhìn lóa mắt như khắp một dải Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh… Đến cây cỏ cũng khó tìm được cơ hội, điều kiện mà cao lớn. Trong gian khó, người dân quê khâm phục, quý trọng bất kỳ ai đi ra đỗ đạt thành tài.

Nếu đó là người từng giúp dân bớt khổ, giúp quê hương nở mặt, người dân quê ngẩng đầu, chắc chắn nỗi quý trọng sẽ chuyển thành kính trọng, ngưỡng mộ và biết ơn,  thành một niềm tự hào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Giáp, bác Giáp, trong lòng người Quảng Bình vĩ đại hơn thế rất nhiều. Trong lòng nhân dân, ông là bậc thánh.

Nói về tài cầm quân trong vai trò Tổng tư lệnh quân đội, các sử gia Đông - Tây thường nhắc đến tên ông bên cạnh tên hai bậc quân vương: Alecxandros Đại đế xứ Macedonia thời cổ đại và Napoleon hoàng đế của nước Pháp thời cận đại.

Tham gia chiến trận từ 17 tuổi, lên 20 tuổi trở thành vua, Alecxandros xứ Macedonia (336 - 323 TCN) đã gần như sống trọn đời trên lưng ngựa chiến chinh và hầu như không hề có đối thủ. Những vùng đất bị ông chinh phục, những vị vua, vị tướng bị ông đánh bại nhiều đến nỗi ông không thể nhớ hết tên. Một mình ông đã chiếm trọn một phần thế giới từ Âu sang Á, từ Macedonia, sang Hy Lạp, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, đưa tên tuổi và quyền lực của ông vượt sang tận Ấn Độ.

Mọi đối thủ của ông đều lần lượt cúi rạp đầu thần phục. Vó ngựa chinh phục ông ruổi đến đâu, nơi đó cỏ không mọc nổi. Tên ông sừng sững như ngọn hải đăng Alexandri được dựng nên ngạo nghễ trên thành Constantinov (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi ông từng chiến thắng. Napoleon Bonaparte (1769 -1821) cũng vậy. Từ nước Pháp, tên ông là nỗi kinh sợ của cả châu Âu đầu thế kỷ XIX. Tên ông đồng nghĩa với sự kiêu ngạo của chiến thắng và quyền lực. Mọi bậc quân vương, mọi vị thống soái của châu Âu cùng thời đều xem ông là đối thủ đáng sợ nhất, vĩ đại nhất.

So với họ, công nghiệp và thắng lợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không hề kém lẫy lừng. Nhưng khác họ, đội quân nhân dân mà ông là Tổng chỉ huy không hề là một đạo quân chinh phạt. Mọi thắng lợi đều gắn liền với nhiệm vụ cứu nước và giữ nước. Đối thủ bại trận dưới tay ông không chỉ khâm phục mà còn kính trọng ông. Nhân dân suy tôn ông như một anh hùng. Tên tuổi ông được nhân dân nhắc đến với tất cả sự kính phục, ngưỡng mộ và biết ơn dành cho một bậc khai quốc nguyên huân.

Alecxandros Đại đế hay Napoleon Hoàng đế, chiến thắng dù có lẫy lừng, quân đội mà họ chỉ huy cũng đã là đạo quân có sẵn, cuộc chiến tranh mà họ tham gia cũng dường như sẵn có. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không. Ông là người đã góp công lớn tạo nên cả một quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng từ gần như  chẳng có gì, ngoài một bầu nhiệt huyết, một tinh thần bất khuất. "Nếu không có chiến tranh, tôi đã là một thầy giáo". Không hề học qua bất kỳ một khóa, một trường quân sự nào, ông đã tự tìm ra và trở thành một thiên tài quân sự về mọi mặt, xây dựng, giáo dục  và chỉ huy một đạo quân từ nhân dân mà ra đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Về với đất mẹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thật sự hóa bậc tiên hiền.

Trên bình diện chống xâm lược và đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn gấp bội, lịch sử cũng thường so sánh ông với Hannibal của xứ Carthage và tướng Kutuzov của nước Nga. Trong thời điểm Đế quốc La Mã hùng mạnh nhất, làm mưa làm gió và áp đặt quyền thống trị lên khắp vùng Địa Trung Hải, chỉ một mình Hannibal (247-183 TCN) xứ Carthage là viên tướng duy nhất duy trì được đạo quân thiếu thốn đủ mọi bề đối đầu với La Mã suốt hơn một thập kỷ, đánh hàng trăm trận nhưng chưa một lần nếm mùi chiến bại. Ông đã buộc La Mã phải thừa nhận vị trí chấp chính quan của ông đối với khu vực người Carthage, được các sử gia xem như cha đẻ của chiến tranh chiến thuật, một thiên tài quân sự.

Tuy nhiên, những chiến thắng vang dội của ông vẫn không đủ sức buộc Nhà nước La Mã phải đi đến một nhượng bộ hòa bình. Hannibal vẫn bị phía La Mã gây sức ép buộc phải đi đày, sau đó bị phản bội, phải tự kết liễu cả cuộc đời lẫn sự nghiệp hòa bình cho Carthage mà ông đeo đẳng bằng một chén thuốc độc.

Tướng quân Kutuzov, người anh hùng của nước Nga cũng được cả thế giới nghiêng mình, bởi trên toàn châu Âu, ông là vị tướng đầu tiên khiến Napoleon phải nếm mùi thảm bại. Tổ quốc trên hết, nhân dân trên hết, năm 1812, chính ông đã chủ trương đốt cháy thành Mạc Tư Khoa để ngăn bước, làm nhụt chí đạo quân xâm lược gồm 30.000 lính Pháp và 34.000 lính chư hầu của Napoleon Bonaparte.

Chiến thuật vườn không nhà trống mà ông áp dụng, bất chấp sự nghi kị, dè bỉu, công kích, lên án của tướng lĩnh, quý tộc Nga, thậm chí rước vào thân cả sự hoài nghi chen lẫn đố kị của Sa hoàng Alecxandre I đã tạo nên tiền đề quan trọng để đánh bại quân xâm lược. Rơi vào bẫy thiếu thốn đủ bề trong một kinh thành hoang tàn đổ nát, đạo quân hùng mạnh của Napoleon đã bị mùa đông khắc nghiệt của nước Nga bào mòn, cuối cùng phải thảm bại trước sức tấn  công của 46.000 quân Nga do Kutuzov chỉ huy.

Hơn hẳn Hannibal về thời gian, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cầm quân chiến thắng liên tục hơn ba thập kỷ. Ông cũng là người đi hết con đường giành tự do độc lập. Tên ông gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động  địa cầu, buộc Pháp phải ngồi vào bàn ký Hiệp  định Geneve chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, cáo chung cả chế  độ thực dân. Ông cũng là vị Tổng Tư lệnh lẫy lừng của một quân đội lẫy lừng đã đuổi Mỹ và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Kutuzov chiến thắng đạo quân xâm lược Napoleon trong một chiến dịch, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đã lãnh đạo quân đội giành chiến thắng tuyệt đối trong không chỉ một mà ba cuộc chiến, với phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Tên tuổi vang khắp bốn phương, về với đất nước quê hương, ông vẫn là một con người bình thường, giản dị. Ông là một người lính mang quân hàm đại tướng. Người lính ấy không lập công huân để bước vào lịch sử.  Ông đã góp phần kiến tạo nên lịch sử.

Hàng vạn người dân đưa tiễn, tạo thành một đoàn người khổng lồ bất tận.

Quyết định nằm lại với đất quê Quảng Bình ở Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến nhiều người bất ngờ nhưng không ngạc nhiên. Bậc thần nhân không cần đến bia đá, tượng đài, bởi tượng đài ông đã mọc lên sừng sững giữa lòng dân, bia ghi công đã tạc tên ông giữa lòng dân tộc. Ông về quê với núi sông, đồng bãi quen thuộc để trùng phùng với các bậc tiên hiền của đất Quảng Bình. Trong đời sống tinh thần, người Việt có khuynh hướng xem nhẹ ý thức mà trọng phần cảm thức. Giờ đây, người Quảng Bình cũng đã xem ông như một đấng tiên hiền.

Thành Đồng Hới, nơi thiếu thời ông theo đòi chữ nghĩa là nơi hiếm hoi trên đất Việt, sau cố đô Huế còn giữ được gần như nguyên vẹn thành quách, hào lũy. Ở đó vẫn còn  nguyên dấu tích Lũy Thầy và Lũy Trường Dục, được Đào Duy Từ (1572-1634) giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây đắp để tạo tiền đề xây dựng cơ đồ "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" theo lời sấm Trạng Trình. Ông còn là người giúp chúa Nguyễn xây dựng nên một đạo quân hùng mạnh, đủ sức ngăn chặn và làm tiêu tan ý chí chinh phạt phương Nam của họ Trịnh từ bên kia dãy Hoành Sơn.

Văn võ song toàn, chỉ làm quan, phò chúa 8 năm, nhưng Đào Duy Từ vẫn được nhà Nguyễn xem như Đệ nhất khai quốc công thần. Có lẽ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ thấy an lòng hơn khi về gần với tuổi ấu thơ, gần hơn với nơi đã hình thành trong ông tri thức và hoài bão lớn, hình thành nên một phẩm chất quân sự thiên tài.

Giống như làng xã Lộc Thủy, Lệ Thủy  quê  Đại tướng, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng thuộc vùng đồng chiêm trũng, mùa mưa nước giăng tứ bề. Nhưng đó cũng là nơi đã sinh ra một con người huyền thoại: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Từ năm 1692, theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh được phong thống suất đã dẫn binh về phương Nam phạt Chiêm Thành, sáp nhập đất Ninh - Bình Thuận ngày nay thành trấn Thuận Thành.

Năm 1697, ông lãnh mệnh xuôi Nam mở cõi, lập nên Biên Hòa, Sài Gòn, đào kinh, lập ấp và chống giặc, vẽ thêm cả một vựa lúa miền Tây Nam Bộ vào diện mạo Việt Nam. Là khai quốc công thần, Lễ Thành Hầu được nhân dân phong thánh. Người quê cảm khái bậc tiên hiền, bởi ông đã đưa địa danh Quảng Bình vang vọng đến tận mũi Hà Tiên. Người Quảng Bình càng cảm phục và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn gấp bội, bởi ông đã đưa tên của quê hương vang lừng ra khắp thế giới!

Cách quê hương Lệ Thủy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không xa lắm là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, nằm gần sông Kiến Giang. Ở đó, có một bậc tiên hiền khác được nhân dân lập bia, dựng lăng ngay bên đường thiên lý Bắc Nam, nay là Quốc lộ 1,  cũng xuất thân là võ tướng. Ông là Quận công Hoàng Kế Viêm (1820-1909). Khi biên giới phía Bắc loạn lạc, dư đảng Thái Bình Thiên Quốc hoành hành, ông đã được Vua Tự Đức sai cùng Tôn Thất Thuyết mang quân ra dẹp. Vừa đánh vừa dụ hàng, ông đã thu phục được thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, sau đó cùng viên thủ lĩnh này hiệp sức  chém thủ lĩnh cờ vàng Hoàng Sùng Anh và đuổi quân cờ trắng  về bên kia biên giới.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 80 năm của dân tộc Việt, ông cũng là người lập công đầu. Cùng với Lưu Vĩnh Phúc, ông hai lần phục kích tiêu diệt hai tên sĩ quan cao cấp trong đạo quân thực dân Pháp tại cùng một địa điểm Ô Cầu Giấy, Hà Nội: Đại úy Hải quân Francis Garnier bị tiêu diệt năm 1873.

Mười năm sau, đến lượt Đại tá hải quân Henri Rivière phải bỏ thây, ngay sau khi viên đại tá này vừa chỉ huy quân Pháp chiếm thành Hà Nội. Quận công Hoàng Kế Viêm giành chiến thắng khởi đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giành thắng lợi cuối cùng. Người Quảng Bình vẫn tự hào nhắc tên, luôn mong ước được đón họ về hiển thánh.

Về nằm lại với đất quê hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thật sự hóa bậc tiên hiền, thỏa lòng mong ước tự hào của người dân đất Quảng Bình. Hơn 2 vạn đồng bào đã đón linh cữu ông tại sân bay Đồng Hới. Hơn 3 vạn người tiễn ông tại Vũng Chùa dưới chân dãy Hoành Sơn. Hàng vạn người khác đi theo đưa tiễn, tạo thành một đoàn người khổng lồ bất tận kéo dài hơn 20km từ sông Gianh đến tận chân Đèo Ngang.

Ở Hà Nội, trong 5 ngày, đã có hơn 1 triệu lượt người đến thắp hương viếng vong linh ông. Đại tướng nằm xuống, không một lời hiệu triệu nhưng công huân, đức độ của ông vẫn biến tang lễ  ông thành một cuộc tập hợp quần chúng vĩ đại, biển nhân dân thành một khối đồng lòng lịch sử, chưa bao giờ có. Ra đi, tinh thần của ông vẫn mang sức nặng đoàn kết mọi lớp người. Vì thế, tang lễ đầy ắp tiếc thương nhưng không hề bi lụy. Chính ở đó, sức mạnh tinh thần dân tộc Việt đã có cơ hội phát lộ, đầy tin cậy và tự hào.

Và đến phút cuối cùng, người lính mang quân hàm Đại tướng vẫn đau đáu một tấm lòng muốn đóng góp cho nhân dân, cho quê hương. Tiễn ông về với đất, nhiều người đã nhắc đến một đô thị Vũng Chùa - Đảo Yến giàu tiềm năng du lịch, giàu sức phát triển của tương lai. Vùng đất Bắc sông Gianh dưới chân Đèo Ngang dường như đã lóe hiện một cơ hội để phát triển, thoát ra khỏi cảnh nghèo khó còn kéo dài đến tận hôm nay. Ông nằm đó thì người ta tin giấc mơ phồn vinh cho đất quê sẽ có cơ hội trở thành hiện thực, dân nghèo đỡ cơ cực. Ngày ông về với đất rồi sẽ chính là dấu mốc cho sự thay đổi, vượt lên của cả một vùng đất.

Vĩ đại mà bình dị, tận trung, tận hiếu, dân tộc và nhân dân sẽ ghi nhớ tên ông như một bậc hiển thánh. Nhưng không hiểu sao, lúc đứng trước mộ ông  chỉ mới vừa được gia đình, đồng chí, đồng bào vun đất đắp lên, tôi lại chợt nhớ hai câu thơ rất đời thường của nhà văn Sơn Nam. Và xin cúi đầu, tôi đã đọc lên, cứ mong ước là ông nghe và sẽ mỉm cười:

"Phong trần mấy bận

qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình

nhớ đất quê"

Viết tại Vũng Chùa, Quảng Bình. Ngày 13/10/2013. Ngày tiễn Bác

Nguyễn Hồng Lam
.
.